A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

GIA TÀI CỦA MẸ

Gia tài của mẹ Việt Nam

Trước năm 2005, chưa bao giờ tôi nghĩ mình là một fan của nhạc Trịnh. Những bản nhạc của ông, hình ảnh của ông, các bài hát của ông được thể hiện dưới hình thức thư pháp ngập tràn trong quán nhỏ Nhạc Tranh nơi tôi thường lê la suốt những năm cấp 3 cũng không đủ mạnh để kéo tôi đến với âm nhạc của ông.

Thế rồi một ngày tháng 5 năm 2004. Huế festival. Huế mưa dầm mưa dề. Huế u buồn, thưa thớt. Tôi bước chân vào một quán nhỏ trang trí đơn sơ, hai bên vách là những chiếc mành tre điểm vài cái mặt nạ gỗ giản dị. Tôi gọi một ly nước chanh và trầm ngâm suy nghĩ. Thế rồi chẳng hiểu từ bao giờ tôi chẳng nghĩ được nữa mà lại bị cuốn theo những bài hát của Trịnh Công Sơn. Tự nhiên sao da diết thế, tự nhiên sao tình thế, tự nhiên sao yêu thế. Từ đấy, âm nhạc của nhạc sỹ họ Trịnh đã bước vào cuộc sống của tôi. Hóa ra, những bài hát nghe từ bao giờ đã được gieo vào tâm hồn tôi và đợi một chữ duyên để chuyển mình đơm hoa kết trái.

Năm 2006 tôi sang Pháp và đến nhà một người bạn. Bố của bạn ấy, một người lái xe bình thường ở sân bay và phải đi cải tạo 2 năm trên Tây Nguyên, nhất quyết từ chối không tiếp người Miền Bắc nào trong nhà mình. Bạn của tôi đã mất nhiều công sức để thuyết phục bố rằng những người sinh sau chiến tranh như chúng tôi chẳng có tội tình gì. Bác tiếp tôi bằng sự nghi kị dần được dỡ bỏ, bởi hóa ra, người xa quê hương, ai cũng trông ngóng tin tức nơi chôn nhau cắt rốn. Bỗng bác hỏi tôi: cháu có nghe nhạc Trịnh Công Sơn không?

Thay vì trả lời, tôi hát bài làm mình suy nghĩ nhiều nhất:

Một ngàn năm nô lệ giặc tầu

một trăm năm đô hộ giặc tây

hai mươi năm nội chiến từng ngày

gia tài của mẹ, để lại cho con

gia tài của mẹ, là nước Việt buồn

Ông già xa xứ rơm rớm nước mắt và cất tiếng hát cùng tôi. Từ đó tôi hiểu rằng, âm nhạc của Trịnh Công Sơn không chỉ là âm nhạc mà còn là tiếng lòng của ngàn triệu con người yêu hòa bình, của ngàn triệu con người biết yêu con người. Từ đó, nhạc Trịnh trở thành niềm tự hào của tôi mỗi khi nói chuyện về âm nhạc Việt Nam với những người bạn quốc tế; là liều thuốc an ủi mỗi khi tôi buồn. Tôi đã từng thả mình xuống đáy của nỗi buồn và quả thật sau đó, chẳng có nỗi buồn nào là quá lớn nữa.

Tôi chưa nghe hết hơn năm trăm bài hát của ông, chưa một lần đến thăm nhà ông, chưa đọc hết các bài thơ của ông, nhưng tôi biết mỗi khi cần, mình đều tìm thấy một điều mới mẻ trong các sáng tác của ông. Tôi rùng mình khi nghe những bài hát trong chùm ca khúc da vàng và cảm nhận sự vĩ đại của ông. Trong khung cảnh chiến tranh Việt Nam những năm 62-72, bạo lực, giết chóc, nông thôn miền Nam bị xé toang từng mảnh, thành thị miền Nam chằng chịt những vết sẹo chiến tranh, âm nhạc của Trịnh Công Sơn như dòng nước Cam lồ chảy miệt mài trên quê hương với ước mong làm dịu đi ngọn lửa chiến tranh, tẩy rửa thù hận. Chiến tranh Việt Nam đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người dân Việt Nam, để lại thù hằn hơn ba mươi năm có lẻ. Lần đầu sang đất Pháp tham dự cuộc thi Question pour un Champion trên đài truyền hình Pháp France 3, tôi xúc động gửi lời chào đến tất cả người dân Việt Nam và tự hào khẳng định ở đó: dù ở đâu, làm gì thì họ mãi mãi, cũng như tôi, là con dân đất Việt. Giá mà hồi đó tôi hát được một bài của Trịnh Công Sơn.

Âm nhạc của Trịnh Công Sơn giờ đã trở thành gia tài của mẹ Việt Nam, thành di sản của đất nước, thành một phần tâm hồn của những ai yêu nó. Tối 31/3/2013 này, tôi nuối tiếc không được ở Sài Gòn để cùng mấy chục nghìn người yêu nhạc Trịnh nghe và đắm mình trong âm nhạc của ông, để hát vang bài hát đoàn kết dân tộc mà ông đã hát trên đài phát thanh Sài Gòn vào cái ngày 30/4/1975 ấy. Nối vòng tay lớn - bài thánh ca của HÒA BÌNH dành cho mọi người con đất Việt. Hàng chục nghìn giọng ca hòa vào nhau ấy chắc chắn sẽ là món quà quý nhất dành cho người nhạc sỹ thiên tài ở cõi Niết Bàn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật