MỘT GÓC NHÌN VỀ SỰ ẢNH HƯỞNG VĂN HOÁ PHÁP - VIỆT QUA 400 NĂM
Thứ Sáu, 28/02/2014 16:00 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Những người Pháp đầu tiên đặt chân đến Việt Nam vào thế kỷ 17 không thể tưởng tượng được rằng mối quan hệ giữa hai nước lại có nhiều bước thăng trầm suốt những thế kỷ sau đó.
Cú va chạm mạnh và những thành tựu bất ngờ
Dường như lịch sử đã ngẫu nhiên chọn văn hóa là điểm tiếp xúc đầu tiên và xuyên suốt của mối quan hệ Pháp - Việt: những người Pháp đặt chân đến Việt Nam đầu tiên là để truyền giáo - phổ biến một “sản phẩm” văn hóa mới tại đất nước này. Những rào cản ngôn ngữ nhanh chóng được vượt qua và sự ra đời của cuốn từ điển Việt - Bồ - La năm 1651 do giáo sĩ Alexandre de Rhodes biên soạn sau 12 năm hoạt động ở Việt Nam có thể được xem như một thành quả đáng trân trọng của cuộc tiếp xúc ban đầu này.
Sự can thiệp của người Pháp ngày càng sâu hơn ở Việt Nam khi công cuộc chinh phục quyền thống trị toàn Việt Nam của vua Gia Long có bàn tay giúp đỡ của người Pháp. Sự bế quan tỏa cảng và cấm đạo của vua Minh Mạng đã phủ bóng đen lên quan hệ hai nước để rồi nửa sau thế kỷ 19, súng đạn đã lấn át những sự giao lưu trong những lĩnh vực khác. Cuộc tiếp biến văn hóa Pháp đã diễn ra ở miền Nam rồi miền Trung trước khi trở nên hoàn toàn khi nước Pháp chiếm được Hà Nội năm 1884.
Sự va chạm rồi ảnh hưởng văn hóa lẫn nhau từ đây bắt đầu. Nhu cầu xây dựng các công trình công cộng và nhà ở cho người Pháp đã khai sinh ngành công nghiệp xây dựng ở Việt Nam và để lại những công trình kiến trúc độc đáo, một di sản chung cho cả hai quốc gia. Sự kết hợp giữa kiến trúc Pháp và kiến trúc bản địa đã sinh ra dòng kiến trúc Indochina (Đông Dương) độc đáo và không giống bất cứ đâu trên thế giới. Dường như người Pháp và người Việt chia sẻ quá nhiều điểm tương đồng nên kiến trúc mới sinh ra lập tức được đón nhận và trở thành di sản của ngày hôm nay với các khu phố Pháp, các tòa nhà công chính như tòa thị chính, kho bạc, ngân hàng, trường học, bảo tàng ở Sài Gòn - Gia Định, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Lạt,…
Một góc Hà Nội xưa mang dấu ấn quy hoạch và kiến trúc Pháp
Từ đầu thế kỷ 20, khi công cuộc khai thác thuộc địa đã đi vào ổn định, văn hóa Pháp cũng hòa quyện nhẹ nhàng vào văn hóa Việt tạo nên những con người, hiện tượng bất ngờ. Không chủ trương đồng hóa, Pháp không chủ động xóa văn hóa nên hệ thống các công trình kiến trúc như đình, chùa, miếu, lăng tẩm không bị phá hủy một cách có hệ thống. Nhiều lễ hội được tạo điều kiện tổ chức. Bản tính “mê” sưu tầm và nghiên cứu văn hóa của người Pháp đã tạo nên nhiều bảo tàng tại Việt Nam, trong số đó, có nhiều bảo tàng còn lại đến bây giờ hay ít nhất là cái vỏ văn hóa vẫn còn lại để giờ đây lại tiếp tục được sử dụng như bảo tàng lịch sử, bảo tàng mỹ thuật, bảo tàng cách mạng…
Văn hóa Pháp cũng ảnh hưởng mạnh mẽ tới lớp thanh niên trí thức, thành thị của Việt Nam để tạo thành những phong trào như Thơ mới, nhạc tiền chiến. Hầu hết nhân sĩ, trí thức, nghệ sĩ lớn của Việt Nam đầu thế kỷ cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa và ngôn ngữ Pháp. Sự giao lưu văn hóa và học thuật thời kỳ đầu thế kỷ 20 được những nhân vật nổi trội gây dựng và chăm sóc như Victor Tardieu, Nam Sơn Vạn Thọ, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Huyên…
Cũng dưới ảnh hưởng của văn hóa Pháp mà thể loại tiểu thuyết và kịch nói ra đời. Các thể chế nghệ thuật khác như nhà hát Opera Hà Nội, Opera Saigon, Opera Hải Phòng, rạp chiếu phim Cinema Palace (nay là rạp Công Nhân),… và tiếp tục tồn tại tới ngày nay. Một trong những điểm son chói lọi của cuộc gặp gỡ văn hóa Pháp - Việt là sự ra đời của một loạt trường hội họa như Trường Mỹ nghệ Thủ Dầu Một, đại học Mỹ thuật Đông Dương (với sự hợp tác của Victor Tardieu và họa sư Nam Sơn). Các cuộc triển lãm đấu xảo tại Hà Nội và tại Pháp cũng là dịp để văn hóa Đông Tây được giao hòa với nhau.
Văn hóa ẩm thực Pháp còn thẩm thấu mạnh mẽ vào xã hội Việt Nam để những thói quen mới được hình thành như uống cà phê, rượu vang, bánh mì, pa tê, các món trứng và thói quen dùng dao, nĩa.
Sự giao lưu không phải chỉ một chiều khi nhiều từ ngữ tiếng Việt đã đi vào từ vựng của Pháp như Cagna (cái nhà), Congay (con gái), nem, phở, bô bun (bún bò). Người Việt di cư qua Pháp (ít nhất là 4 lần: Thế chiến thế giới 1, 1945, 1954, 1975 và sau đó) cũng như các du học sinh Việt Nam tại Pháp (trở về Việt Nam hay ở lại Pháp học tập, nghiên cứu, sinh sống) cũng đóng góp đáng kể vào việc giao lưu văn hóa giữa hai nước.
Từ những năm 1990, Pháp cũng chủ động đề nghị đào tạo nhiều nhân lực quan trọng như múa đương đại, điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật, quản trị văn hóa, giao lưu văn học. Các hoạt động của Trung tâm Văn hóa Pháp tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế đã góp phần làm cuộc hòa nhập của nghệ thuật Việt Nam với thế giới và khu vực trở nên sôi động. Liên tục các cuộc triển lãm mỹ thuật, hội thảo học thuật, trao đổi nghệ sĩ, workshop được tổ chức, có tác động không nhỏ tới việc nâng cao trình độ hoặc mở rộng hệ tham chiếu cho các nghệ sĩ Việt Nam cũng như nghệ sĩ Pháp. Có thể nhắc đến những cá nhân nổi bật như biên đạo múa Ea Sola, Regine Chopinot, đạo diễn Trần Anh Hùng, giảng viên truyện tranh Gerald Gorridge, nghệ sĩ gốm Francois Jarlov, nhà tạo mẫu Minh Hạnh, diễn viên Chiều Xuân, đạo diễn kịch Sarkis Tcheumleckdjan, đạo diễn festival Philippe Bouler,…
Thử thách của thế kỷ 21
Cuộc giao lưu văn hóa Pháp - Việt chưa bao giờ ngừng lại nhưng cũng đang đứng trước những thử thách chưa từng có. Tiếng Pháp - phương tiện trao đổi văn hóa hàng đầu ngày càng trở nên hiếm hoi. Số lượng người nói tiếng Pháp đang sụt giảm tuần tự, các hoạt động văn hóa tại Việt Nam ngày càng nhiều nên các chương trình văn hóa đã xuất hiện sự cạnh tranh, đòi hỏi những nỗ lực truyền thông mạnh mẽ hơn.
Sức ép tới sự trao đổi càng trở nên nặng nề khi giới trẻ - tương lai và chủ thể của giao lưu văn hóa - đang có những thay đổi mạnh mẽ về cách tiếp nhận thông tin. Smartphone đã trở thành kênh truyền thông chính của giới trẻ thành phố tại Việt Nam. Quỹ thời gian hạn hẹp của họ được dành cho nhạc và phim Hàn Quốc, Mỹ nên thông tin về trao đổi văn hóa với các nước khác càng có ít cơ hội đến với giới trẻ.
Rất cần những dự án văn hóa được xây dựng theo hướng chủ động hợp tác cả hai bên, nội dung có chiều sâu để có thể tận dụng tối đa nỗ lực truyền thông và sự tham gia của công chúng hai nước. Những dự án như xiếc mới Làng Tôi, các vở hip-hop như Xe cộ, đại nhạc hội có sự tham gia của nghệ sĩ hai nước (như Oh là là),… có thể tượng trưng cho mô hình hợp tác kiểu mới cần phát triển. Những hoạt động như Năm văn hóa Pháp tại Việt Nam 2013, hơn 100 chương trình nghệ thuật, văn hóa với sự tham gia của các nghệ sĩ Việt Nam và Pháp và Năm Việt Nam tại Pháp 2014 thực sự là những chương trình cần thiết để tạo ra một hơi thở mới cho mối quan hệ giữa hai đất nước tuy cách xa về địa lý nhưng lại chia sẻ biết bao sự gần gũi này.
Nguyễn Đình Thành (thạc sĩ về quản trị văn hóa, ĐH Paris 9)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Bài đã đăng:
https://thethaovanhoa.vn/van-hoa/mot-goc-nhin-ve-su-anh-huong-van-hoa-phap-viet-qua-400-nam-n20140220134620066.htm