A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐỔI MỚI CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG CHO CÁC LÀNG NGHỀ\ BẰNG CÔNG NGHỆ SỐ

             

Những năm đầu thế kỷ 21, nhân loại đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: cuộc cách mạng của công nghệ thông tin và nền kinh tế tri thức. Sự giàu có trong xã hội không còn đến từ những sự vượt trội về chức năng sản phẩm, tiên tiến về công nghệ mà đến từ hàm lượng tri thức trong các sản phẩm dịch vụ. Phần “Vô hình” lại là phần mang đến giá trị lớn hơn phần “hữu hình”. Giá sản xuất của một lon Coca Cola không có nhiều liên hệ với giá thành một lon Coca Cola được bán trên thị trường bởi giá trị thương hiệu cộng vào là rất lớn. Giá thành của mỗi chiếc Iphone chỉ xung quanh 200 usd nhưng giá bán của mỗi chiếc điện thoại này lúc mới tung ra đều gấp hơn thế 4 - 5 lần. Tương tự như vậy trong lĩnh vực thời trang, dược liệu, thực phẩm chức năng,….

Chúng ta đang sống trong thế giới của những điều không thể: Uber hãng vận chuyển lớn nhất trên thế giới không sở hữu một chiếc ô tô vận tải nào. Facebook là tờ báo lớn nhất thế giới với hơn 1 tỷ lượt truy cập mỗi ngày, lớn hơn bất kì một tờ báo nào, không phải trả lương cho bất cứ nhà báo hay tờ báo nào. Gần đây với công cụ live video và live radio, facebook đang biến mình thành một  hãng truyền hình và phát thanh cạnh tranh mạnh mẽ với các kênh truyền thống. Một hot youtuber có thể chỉ là một anh chàng mới lớn, tự quay những video của mình tại một góc nhà và thu hút sự chú ý của hàng chục triệu người trên toàn thế giới, bất chấp các giới hạn về ngôn ngữ, không gian và thời gian.

Tuy nhiên, có một điều không thay đổi đó chính là CONTENT – nội dung hữu ích với người tiếp nhận thông tin vẫn là chìa khóa của mọi chiến dịch truyền thông.

 

Nguồn ảnh: Xưa và nay

 

Trong thời đại số, trước một biển thông tin và một núi lời mời chào từ các thương hiệu, mỗi người tiêu dùng đều tự trang bị cho mình một bộ lọc thông tin để tồn tại. Chỉ những nội dung MỚI và/hoặc LẠ về HÌNH THỨC và/hoặc NỘI DUNG mới được giữ lại qua bộ lọc ấy. Nội dung có ích chính là cái mà bộ lọc tâm trí của khách hàng giữ lại. Content marketing chính là cách để gõ vào cánh cửa tâm trí của khách hàng, chính vì vậy, truyền thông hiệu quả cho các sản phẩm của các làng nghề truyền thống (trong trường hợp của làng Bát Tràng, Hà Nội, chẳng hạn) cần chú trọng đặc biệt đến các nội dung hữu ích cho đối tượng công chúng mục tiêu.

Có một quy luật nghiệt ngã trong kinh doanh đó là : cách tốt nhất để giết chết một thương hiệu là có một sản phẩm tồi và có một chiến dịch truyền thông xuất sắc. Thương hiệu có thể là của một cá nhân, một tập thể, một công ty, một vùng miền thậm chí là của một quốc gia.  Trước khi bàn đến đổi mới công tác truyền thông cho làng nghề, cần bàn đến đổi mới chất lượng của sản phẩm và dịch vụ làng nghề ấy mang lại.

 

Ứng dụng Marketing 7P vào sản phẩm và dịch vụ của làng nghề.

         Mô hình marketing 7P là sự tiếp nối của mô hình marketing 4P truyền thống của học giả Philip Kotler đã được ứng dụng thành công từ những năm 1960. Mô hình marketing 7P đặc biệt phù hợp với các ngành dịch vụ, nơi có sự tiếp xúc trực tiếp giữa nhà sản xuất, nhà kinh doanh với khách hàng.

v Chữ P thứ nhất: Product - Sản phẩm. Liên quan tới chất lượng của sản phẩm, thiết kế, mẫu mã, chất liệu, sự an toàn, các hoạ tiết, chi tiết thiết kế, công năng.

v Chữ P thứ hai: Price – Chiến lược giá phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu. Chú ý, người tiêu dùng hiện đại có thể kiểm tra và so sánh giá trước khi, trong khi và sau khi mua. Khách hàng kị nhất là bị “mua hớ” và sẽ không quay lại.

v Chữ P thứ ba: Place – Kênh phân phối. Các kênh bán hàng trực tiếp tại chợ, tại xưởng, kênh bán hàng trên trang web, trên facebook, trên kênh OTT (Zalo), kênh bán buôn, kênh bán dự án.

v Chữ P thứ tư: Promotion – Quảng bá và khuyến mãi. Các hình thức truyền thông tin đến khách hàng từ báo mạng, báo tiếng, báo hình, báo in, sự kiện, triển lãm. Các gói khuyến mãi cho người mua, cho lần mua sau, các gói bán chéo.

v Chữ P thứ 5 : People – Con người. Yếu tố vô cùng quan trọng. Người bán hàng cần được đào tạo bài bản để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Mỗi xưởng cần có một người làm được công tác hướng dẫn cho khách tham quan. Ngay cả các nghệ nhân cũng cần được huấn luyện cách tiếp xúc với khách tham quan và khách mua hàng.

v Chữ P thứ 6 : Process – Quy trình. Cần hiện thực hoá bằng văn bản (hoặc video) các quy trình sản xuất chuẩn, các quy trình phục vụ khách, quy trình bán hàng để đảm bảo tính nhất quán và chất lượng ổn định của sản phẩm dịch vụ.

v Chữ P thứ 7 : Physical Evidence – Nơi bày bán/Cơ sở sản xuất. Cần được bố trí khoa học, vừa thuận tiện cho sản xuất vừa thuận tiện cho khách tham quan vì đây cũng là một sản phẩm du lịch.

 

Các sản phẩm tại làng nghề khi hướng tới các đối tượng khách du lịch thì cần đặc biệt chú trọng đến yếu tố trải nghiệm và sự thuận tiện, thoải mái của khách hàng. Hiện tại, bố trí tại làng Bát Tràng có nhiều điểm cần cải tiến.

 

1.   Chỉ dẫn trong làng chưa rõ ràng. Khó có thể phân biệt làng Giang Cao và Bát Tràng. Chưa có cổng chào, cổng ra  vào làng cũng như chưa có người chào đón ở hai khu vực quan trọng này.

2.   Chưa có các điểm thông tin để hỗ trợ khách tham quan có nhu cầu. Với quy mô hiện nay, cần ít nhất 3 điểm hỗ trợ thông tin như vậy.

3.   Chưa có bản đồ chỉ dẫn hướng tham quan, theo đường đi, theo chủ đề, theo phong cách, theo sở thích, theo nhu cầu của khách. Bản đồ này cần có nhiều phiên bản, ít nhất bằng các thứ tiếng phổ dụng như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Trung. Nên có bản đồ dạng số như thế này để có thể truy cập từ smart phone, rất thuận tiện cho khách. Trong mỗi cửa hàng, xưởng nên có 1 số biển chỉ dẫn và giải thích bằng tiếng Anh.

4.   Chưa có khu cà phê, uống trà, ăn uống sang trọng. Các quán hiện tại đều tự phát, có hệ thống nhận diện không hấp dẫn.

5.   Khu tham quan thậm chí không có các khu nhà vệ sinh đạt chuẩn. Điều này gây bất lợi và mất cảm tình của du khách.

6.   Ngay bản thân trong làng cũng nên có nhóm hướng dẫn viên du lịch được đào tạo cơ bản, có khả năng dẫn khách. Nên có ít nhất 2 hướng dẫn viên nghiệp dư, nói được một số thứ tiếng phổ dụng như đã nói ở trên.

  

 

Nguồn ảnh: 

ảnh: Gia Nguyên TBKTSG online

Đổi mới cách tiếp cận truyền thông

Công tác truyền thông của làng nghề hiện chưa có người chuyên trách. Tuy có lợi thế rất lớn là làng nghề gần nghìn năm tuổi nên uy tín sẵn có, khách du lịch và khách hàng tự tìm đến rất nhiều. Tuy nhiên, cần hệ thống hoá “cổng vào chính thức” của làng nghề trên mạng. Cần có một platform – cổng giao dịch điện tử chính thức của làng.  Cổng cần có các chức năng:

1.    Cung cấp thông tin chính và chính thức về làng như lịch sử, quá trình phát triển, quy  hoạch hiện nay và tương lai. Bằng 5 thứ tiếng.

2.    Cung cấp thông tin theo nhu cầu của người tìm đến. Nhu cầu tìm hiểu thông tin của khách du lịch lẻ và đoàn, khách du lịch trong và ngoài nước, khách du lịch Âu Mỹ và Châu Á, khách hàng sản xuất, khách hàng bán buôn, khách hàng bán lẻ của làng nghề là rất khác nhau. Cần thay đổi cách truyền thông từ nhu cầu của người truy cập. Ví dụ khách hàng sản xuất sẽ có nhu cầu tìm hiểu thông tin về tất cả các cơ sở sản xuất có khả năng đáp ứng được yêu cầu sản xuất với quy mô lớn hoặc độ khó cao. Khách sưu tập lại có nhu cầu tìm đến những xưởng sản xuất độc bản hoặc nghệ sỹ gốm, hoặc các nhà bán gốm cổ. Khách tiếng Pháp có nhu cầu tìm đến những nhà bán có nói được tiếng Pháp,…

3.    Là một bảo tàng trên mạng về các sản phẩm mà làng nghề tự hào xưa và nay.

4.    Là một điểm kết nối để người làm gốm trên toàn thế giới và Việt Nam giao lưu với những người làm gốm tại làng.

5.    Là một khu chợ trên mạng để giao dịch buôn bán.

6.    Là một trường học và thư viện ảo trên mạng cho người làm nghề, người nghiên cứu. Với hệ thống thẻ và quyền truy cập được quy định riêng cho từng nhóm đối tượng.

7.    Là một không gian trao đổi thông tin chung cho chính người dân trong làng.

 

Truyền thông số mang lại nhiều lợi ích như chi phí tiết kiệm, hướng được đến từng đối tượng công chúng theo lứa tuổi, không gian địa lý, thời gian, sở thích, hình ảnh sinh động, khả năng tương tác cao, thanh toán trên mạng nhanh gọn,…tuy nhiên truyền thông trên các kênh này có một số đặc điểm cần chú ý.

 

1.   Thông điệp – nội dung:

Cần ngắn gọn, dễ hiểu, không mập mờ-đa nghĩa.

 

2.   Hình thức :

Cần hấp dẫn, truy cập nhanh.

 

Văn bản – Text:

Trên mạng xã hội

Người tiêu dùng hiện đại có thói quen dùng điện thoại thông minh để tìm kiếm thông tin và mua bán. Chính vì vậy các bài viết không nên quá 300 chữ, các thông tin giới thiệu sản phẩm không nên quá 100 chữ. Kinh nghiệm chỉ ra rằng, 50 chữ đầu tiên sẽ quyết định việc khách hàng có truy cập vào một  thông tin được đăng trên mạng xã hội.

Trên báo mạng

Các bài viết nên có 2 ảnh và không nên quá 600 chữ. Viết theo chuẩn SEO để hỗ trợ tối ưu việc tìm kiếm trên mạng của khách hàng.

 

Hình ảnh

Nên đầu tư vào phần chụp ảnh chuyên nghiệp các sản phẩm. Không chỉ là các hình ảnh tổng thể mà đôi khi là các chi tiết đắt giá về hình dáng, hoạ tiết, màu sắc.

Không nhất thiết chỉ dùng các hình ảnh tĩnh về sản phẩm mà còn dùng các hình ảnh với người sử dụng hoặc tình huống sử dụng.
Hình ảnh nên đi đôi với chú thích ngắn, ít nhất bằng 2 ngôn ngữ Anh - Việt.

 

Video

Video là kênh thông tin ngày càng phổ biến trên mạng xã hội và các thiết bị cầm tay thông minh. Các video cần được làm với định dạng nhẹ để tải nhanh trên các thiết bị này. Thời gian không nên quá 3 phút. Ngoài việc chú trọng vào công năng của sản phẩm rất nên đi vào tạo cảm xúc của người dùng: hạnh phúc, niềm vui, nỗi buồn, kỷ niệm, lòng tự hào, sự thán phục…

 

Ngôn ngữ

Vì hướng đến khách trong và ngoài nước, nên có ít nhất một phiên bản tiếng Anh cho người nước ngoài. Chú ý một số nhóm khách du lịch không nói tiếng Anh mà chỉ nói tiếng bản địa như du khách Nhật, Trung Quốc, Pháp.

 

3.   Kênh truyền thông số :

Công nghệ số mang lại nhiều lợi ích và được chia thành 6 loại chính: xuất bản, chia sẻ, tin nhắn, thảo luận, hợp tác và giao lưu, kết nối.

 

Làng nghề nên dùng các kênh ưu tiên về hình ảnh để có thể giới thiệu sản phẩm và khung cảnh làng nghề, giới thiệu về công ty thông qua các kênh Facebook, Instagram, Pinterest, G+. Với khách hàng trong nước có thể dùng thêm kênh Zalo. Twitter là kênh truyền thông khó thể bỏ qua với các công ty muốn bán sản phẩm trực tiếp tới khách hàng lẻ ở nước ngoài (B2C).

Youtube, Vimeo  là kênh truyền thông miễn phí và hiệu quả để giới thiệu các video về sản phẩm và công ty mình.

Các công ty kinh doanh với các đối tác nước ngoài nên chú trọng phần giới thiệu công ty mình trên LinkedIn – là nơi gặp gỡ của những người kinh doanh trong các ngành nghề chuyên biệt (B2B). Đây cũng là kênh tiếp nhận và trao đổi thông tin của những người làm nghề. Các nghệ nhân rất nên sử dụng các công cụ này để trao đổi và giao lưu với nhau cũng như tạo ra một blog để xuất bản các nội dung và giới thiệu tác phẩm của riêng mình.

 

Tóm lại, việc đổi mới công tác truyền thông dùng các công cụ số của làng nghề cần ưu tiên tiếp cận theo hướng mang lại trải nghiệm trọn vẹn, thuận tiện và thoải mái nhất cho khách hàng. Cần ưu tiên các NỘI DUNG HỮU ÍCH cho các đối tượng công chúng mục tiêu. Trước đó, cần chú trọng đến việc tạo ra các sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại.

 

 

Hà Nội ngày 24/12/2016

Ths quản trị văn hóa

Nguyễn Đình Thành

Đồng sáng lập Elite PR School

 

 

 


Tác giả: Đồng sáng lập Elite PR School
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan