A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NHÌN VỀ CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA VIỆT NAM NĂM 2018

Văn hóa là một tài sản của một đất nước cả theo nghĩa bóng và nghĩa đen. Nếu được phát triển một cách bài bản và có chiến lược, văn hoá tham gia vào việc tạo dựng quyền lực mềm của một đất nước đồng thời cũng có thể tạo thành một nguồn thu kinh tế khổng lồ và nâng cao vị thế của một đất nước. Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đã đưa ra những minh chứng cho cách nhìn này. Nhìn vào năm trụ cột cơ bản của một nền công nghiệp văn hoá đó là : nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật thị giác, xuất bản, bảo tàng, điện ảnh. Ta thấy có những bước tiến mới đáng mừng nhưng cũng có những khu vực giậm chân tại chỗ.

Văn hóa là một tài sản của một đất nước cả theo nghĩa bóng và nghĩa đen. Nếu được phát triển một cách bài bản và có chiến lược, văn hoá tham gia vào việc tạo dựng quyền lực mềm của một đất nước đồng thời cũng có thể tạo thành một nguồn thu kinh tế khổng lồ và nâng cao vị thế của một đất nước. Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đã đưa ra những minh chứng cho cách nhìn này. Nhìn vào năm trụ cột cơ bản của một nền công nghiệp văn hoá đó là : nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật thị giác, xuất bản, bảo tàng, điện ảnh. Ta thấy có những bước tiến mới đáng mừng nhưng cũng có những khu vực giậm chân tại chỗ.

Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, năm 2017 được đánh dấu bằng nhiều sự ồn ào không đáng có về việc cấm một số ca khúc sáng tác trước năm 1975 vì có nhiều dị bản. Bùng nổ các cuộc thi sắc đẹp với nhiều ồn ào về các tiêu cực. Quá nhiều sự chú ý không cần thiết đã gây phản tác dụng làm các cuộc thi này càng nổi tiếng. Lĩnh vực ca nhạc lại chứng kiến một sự nở rộ đáng mừng của các show diễn do các công ty tư nhân tổ chức, đặc biệt tại khu vực Hà Nội. Các show diễn được tổ chức với tần suất lớn và chật kín khán giả. Không chỉ có các show diễn do các công ty tổ chức sự kiện tổ chức mà còn có cả các nhãn hàng cũng bước vào lĩnh vực này mang đến nhiều sự kiện có giá trị nghệ thuật cao.

Lĩnh vực điện ảnh ầm ĩ về việc cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam và bộ phim Kong quay tại Việt Nam thành công rực rỡ với doanh số lớn. Sự ra đời và hoạt động của phố sách Hà Nội ban đầu được kì vọng là góp phần thúc đẩy văn hóa đọc nhưng đã không mang lại nhiều lợi ích trên thực tế. Mong muốn đẩy mạnh văn hoá đọc bằng mọi giá dẫn đến việc có quá nhiều hội sách giống nhau và thậm chí có những “sáng tạo” phản cảm như “lẩu sách”, sách bán cân.

Chúng ta kì vọng rằng câu chuyện văn hoá năm 2018 sẽ có nhiều khởi sắc hơn bằng cách thay đổi các hoạt động chủ yếu như.

  • Đầu tư vào hoạt động marketing và truyền thông:

Trong kinh tế thị trường và trong bối cảnh cạnh tranh toàn diện trên quy mô toàn cầu, tất cả các thể chế và đơn vị kinh doanh văn hoá đều phải đối mặt với cạnh tranh. Không có cây đũa thần nào có thể chạm vào một cái là các thể chế văn hoá sẽ “chạy ro ro” và khán giả lũ lượt kéo đến. Cần một sựu thay đổi tư duy triệt để từ phục vụ nhiệm vụ chính trị thuần tuý sang phục vụ KHÁCH HÀNG, NGƯỜI MUA. Việc đầu tư vào marketing và truyền thông cần được đầu tư nhiều hơn. Các đơn vị làm nghệ thuật, xuất bản, bảo tàng cần đầu tư nghiên cứu thị trường, thị hiếu của công chúng mục tiêu, thói quen tiếp nhận thông tin và thưởng thức văn hoá nghệ thuật của họ, từ đó đề ra cách tiếp cận hợp lý và CHỦ ĐỘNG. Các lớp học về marketing và truyền thông ứng dụng cho ngành văn hoá cần được đưa vào chính khoá của các chương trình đào tạo trong các trường văn hoá nghệ thuật và dưới dạng tự chọn ở các trường kinh tế. Cần vận động mở lại các chuyên mục văn hoá, nghệ thuật tại nhiều cơ quan truyền thông báo chí để văn hoá không phải chỉ là tiểu mục của giải trí mà là một mục riêng, đúng với tầm vóc của nó.

  • Kiến tạo văn hoá thưởng thức nghệ thuật:

Thay đổi thói quen của khách hàng thưởng thức nghệ thuật là một việc làm khó và cần nhiều thời gian. Hiện nhiều khán giả vẫn giữ thói quen mua vé vào giờ chót. Nhưng ngay cả khi nhiều người muốn mua vé cả năm tại một đơn vị văn hoá thì đó cũng không phải là điều dễ dàng. Hiếm có bảo tàng nào bán vé năm. Các nhà hát cũng không có chương trình của cả năm để bán vé trước. Vé điện tử (kiểm soát bằng QR code, hay email, e code) cũng chưa phổ biến. Đây chính là điểm các đơn vị cung ứng sản phẩm văn hoá nên chú ý phát triển trong năm 2018. Sau khoảng 5 -10 năm thì việc mua vé trước, mua vé năm, mua vé trên mạng sẽ trở thành thói quen của công chúng.

 

  •  Tăng số lượng các show diễn thường trực dành cho khách du lịch:

Văn hoá không thể tách rời khỏi du lịch. Có quá ít các show diễn thường trực, không chỉ ở các nhà hát mà còn ở các bảo tàng, quán cà phê, nhà hàng, khách sạn, đường phố để khách du lịch trong và ngoài nước chọn lựa. Những show diễn thường xuyên như À ố show, Ionah, Tinh hoa bắc bộ đang góp phần làm phong phú lượng cung nghệ thuật ở Hà Nội và tp Hồ Chí Minh. Nhưng chính các show diễn nhỏ lẻ, bằng sự năng động và đa dạng của mình, sẽ là yếu tố quan trọng tạo dựng sự tương tác với khách hàng, đặc biệt là khách du lịch. Ở Hàn Quốc, trong một đêm diễn nghệ thuật, trong khán phòng thường xuyên có các nhà báo, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, chủ các công ty du lịch, đại diện của các công ty lớn,…Họ là  khách mời của các trung tâm văn hoá Hàn Quốc ở nước ngoài, tổng cục du lịch, cơ quan văn hoá và du lịch của tỉnh, của các công ty lớn. Cần một sự phối hợp hữu cơ và đồng bộ giữa các thiết chế văn hoá và du lịch để mang lại lợi ích tối đa cho quốc gia và vùng miền.

 

  • Tài trợ và bảo trợ nghệ thuật

Trong rất nhiều show diễn, người nghệ sỹ vừa sáng tạo, vừa biểu diễn vừa phải lo cả công việc tổ chức biểu diễn, xin giấy phép, truyền thông, bán vé, vận động tài trợ,…nghệ sỹ thị giác phải tự tổ chức triển lãm, thông qua kiểm duyệt, bán tác phẩm, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển sáng tạo của cả nền văn học nghệ thuật. Các doanh nghiệp sẽ không mặn mà với việc tài trợ hoặc bảo trợ cho văn nghệ nếu thiếu vắng những quy định pháp luật và lợi ích cụ thể mang lại cho họ về mặt miễn giảm thuế, đơn giản hoá thủ tục hành chính, công nhận và tôn vinh chính thức từ phía nhà nước…Không phải tự nhiên mà các bảo tàng nổi tiếng trên thế giới có nhiều tác phẩm tốt đến vậy; không phải tự nhiên mà các nhà hát nhạc vũ kịch ở các nước phát triển có nhiều ngôi sao đến thế,...Một phần lớn là nhờ vào các chính sách cổ vũ tài trợ, bảo trợ nghệ thuật của nhà nước.

 

 

Nguyễn Đình Thành

Chuyên gia truyền thông văn hoá

 

Bài đăng tại: https://tuoitre.vn/chuyen-dong-van-hoa-2018-qua-goc-nhin-tu-cac-chuyen-gia-20180101094723082.htm

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan