Vì sao Phạm Xuân Ẩn không bị lộ?
Phạm Xuân Ẩn, con người anh hùng tuyệt vời nhân văn, con người vô cùng hiền minh ấy, biết rõ sự khắc nghiệt của một người dân Việt trong chiến tranh mà mình cũng không thể nào tránh khỏi, nhưng ông cũng nhận ra và hiểu sâu sắc đâu là cái đẹp lâu dài ở đời, trên thế giới này.
LTS: Tiếp theo mạch bài về dạy và tiếp cận sử được đặt ra trong dịp cả nước tôn vinh sự nghiệp trồng người 20/11, Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của nhà nghiên cứu Nguyên Ngọc về cách dạy sử ở nhà trường và việc bồi đắp tình yêu nước.
Nhà văn Nguyên Ngọc:
Vì sao Phạm Xuân Ẩn không bị lộ?
Phạm Xuân Ẩn, con người anh hùng tuyệt vời nhân văn, con người vô cùng hiền minh ấy, biết rõ sự khắc nghiệt của một người dân Việt trong chiến tranh mà mình cũng không thể nào tránh khỏi, nhưng ông cũng nhận ra và hiểu sâu sắc đâu là cái đẹp lâu dài ở đời, trên thế giới này.
LTS: Tiếp theo mạch bài về dạy và tiếp cận sử được đặt ra trong dịp cả nước tôn vinh sự nghiệp trồng người 20/11, Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của nhà nghiên cứu Nguyên Ngọc về cách dạy sử ở nhà trường và việc bồi đắp tình yêu nước.
Tuyên truyền thường... ngắn hạn
Lâu nay ta thường hay lẫn lộn giáo dục với tuyên truyền, trong chuyện dạy lịch sử (và dạy văn nữa). Kiểu làm này càng rõ, càng nặng. Có thể tóm tắt: tuyên truyền thì ngắn hạn, cho những mục đích cụ thể và nhất thời. Giáo dục phải nhằm đến lâu dài hơn.
Quả là ta thường dùng việc dạy lịch sử cho những mục đích ngắn hạn, đúng như bà Farida Shaheed nói, “nhằm tạo những khuôn khổ cho lớp trẻ” theo những ý đồ được coi là của “lý tưởng chính thống” (của chính quyền đương thời).
Cũng nên nói không chỉ ở ta mới có chuyện này.
Ở Pháp, một số các nhà sử học nổi tiếng đã lập ra một tổ chức gọi tắt là CVUH (Comité de vigilance face à l’usage public de l’histoire), có thể dịch là Ủy ban cảnh giác đối với việc đưa lịch sử ra sử dụng trong công chúng.
Các nhà sử học uyên thâm ấy cảnh giác với việc chính quyền đương thời nhào nặn lịch sử để làm công cụ tuyên truyền cho những lợi ích chính trị (đương nhiên là nhất thời) của họ.
Tôi nghĩ một sự cảnh giác thật hiền minh như vậy cũng rất cần ở ta, nhất là khi chúng ta vừa bước ra khỏi một cuộc chiến tranh lâu dài, ác liệt.
Chiến tranh là hình thái xung đột bạo lực cao nhất, tàn bạo nhất. Trong chiến tranh con người sống trong những hoàn cảnh phi thường, tức không bình thường. Ở đời, như ai cũng biết, con người bao giờ cũng chỉ có thể đứng ở một góc nhất định nào đó của thực tại, nên luôn bị chính cái góc đó, với các cạnh của nó, che khuất. Không thể nhìn toàn cục.
Nhà văn Nguyên Ngọc. Ảnh: Huỳnh Minh Thảo |
Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh, cái góc đó vì vô số lý do, càng hẹp hơn, các cạnh của nó càng dài hơn. Mặt khác trong chiến tranh có những tình cảm không bình thường, được, hay bị đẩy cao lên, thường đến cực độ. Hận thù là một trong những tình cảm nổi bật đó. Nếu giáo dục của ta, dạy sử của ta sau chiến tranh, nói, viết, dạy về lịch sử chiến tranh, mà lại càng cố ý làm đậm, sâu hơn cái góc vốn đã hẹp một cách tất yếu đó, thì sẽ rất tai hại.
Tôi hiểu Farida Shaheed nói “việc dạy sử không nên đặt ra mục đích đắp bồi chủ nghĩa yêu nước” chính là theo ý nghĩa đó. Tôi cũng hiểu lòng yêu nước khác với chủ nghĩa yêu nước. Yêu quê hương, đất nước mình là tự nhiên và tốt đẹp. Nhưng khi nói đến chủ nghĩa thì tức đã có ý đẩy tình cảm ấy đến thành cực đoan, thành chật hẹp, duy nhất, có màu sắc kỳ thị với những gì không phải là đối tượng yêu đó của mình. Không nên “sử dụng” (chữ của CVUH) lịch sử, dùng việc dạy lịch sử cho mục đích chủ nghĩa.
Lịch sử luôn là vô cùng phức tạp, thậm chí không thể nói một lần, hiểu một lần là xong, có thể cũng chẳng bao giờ xong. Dạy lịch sử nên cố gắng giúp cho người học khắc phục suy nghĩ đơn giản, một chiều về quá khứ, đặc biệt về quá khứ chiến tranh, về sự vô cùng phức tạp, nhiều chiều, nhiều tầng, nhiều góc độ, nhiều sắc thái của một thực tại cực kỳ phức hỗn là chiến tranh. Sự phức tạp của lịch sử nói chung, của chiến tranh nói chung, và của từng con người, từng nhân vật trong chiến tranh. Học lịch sử là để giúp cho con người người hơn, nhân văn hơn, khoan dung, bình tĩnh hơn, minh triết hơn, qua những bài học hay ho hay đắng cay của số phận làm người.
Chiến tranh, muốn nói gì thì nói, vẫn là thứ tàn bạo nhất, dã thú nhất, mà cho đến ngày nay loài người, đáng buồn thay, vẫn chưa thoát ra được để hoàn toàn là người.
Dạy lịch sử chiến tranh nên hướng tới làm cho người học thấm thía cái bi kịch đáng buồn, đáng còn tủi hổ của thân phận con người ngày nay. Để giúp con người thoát ra khỏi chiến tranh, thoát ra khỏi những hậu quả đáng buồn, những vết thương, không chỉ về vật chất, mà chủ yếu về tâm lý, về tâm thần, về nhân cách để lại từ chiến tranh.
Tôi đồng ý với Nghiêm Hoa khi chị viết: “Cách thức đối diện với vết thương hậu xung đột sẽ phá hủy một nhân cách, một dân tộc, hay sẽ giúp một cá nhân hay một dân tộc đứng lên như phượng hoàng bay lên khỏi tro tàn? Quan trọng hơn, phượng hoàng ấy sẽ khiến xung quanh kinh hoàng hay thán phục, sẽ giúp viết nên một trang mới lặp lại và kéo dài thêm nỗi đau, hay sẽ tiến bộ và nhân văn hơn?”.
Đúng như vậy, phẩm cách của một cộng đồng, một dân tộc không chỉ bộc lộ trong chiến tranh, khi đang phải giáp mặt với bạo liệt của chiến tranh. Càng khó khăn hơn, là khi đối diện với hậu chiến. Và không chỉ đối với người chiến bại, mà cả vởi kẻ đã chiến thắng. Thậm chí càng khó khăn hơn đối với kẻ chiến thắng.
Lịch sử nhân loại từng chứng kiến những đất nước, những dân tộc dũng cảm đứng lên huy hoàng sau chiến bại nhiều khi đến tan nát. Và những đất nước, những dân tộc suy sụp sau chiến thắng huy hoàng. Vì sao? Còn là một câu hỏi hết sức đáng để suy ngẫm, cho các dân tộc, và cũng cho từng con người.
Nghiêm Hoa đã có những dẫn chứng rất hay về điều này. Riêng tôi, tôi từng cũng gặp và suy nghĩ về thái độ đối với chiến tranh và lịch sử rất đáng chú ý ở một số người.
Tôi có một người bạn từng là bí thư tỉnh ủy một tỉnh nổi tiếng ác liệt trong chiến tranh. Sau 1975 có hôm anh băn khoăn bảo tôi: Chúng ta tôn vinh các bà mẹ Việt Nam anh hùng từng có nhiều con hy sinh trong chiến tranh, là đúng thôi. Nhưng có lẽ cũng đừng làm quá. Còn có hàng triệu bà mẹ khác, có con đi lính cho chính quyền miền Nam và đã ngã xuống. Mình làm quá, các bà mẹ ấy sẽ tủi thân. Mà cũng là những bà mẹ Việt Nam, các mẹ cũng đau khổ, theo cách nào đó thậm chí con đau khổ hơn. Mà các mẹ có tội tình gì đâu ...
Tôi cũng thường suy nghĩ về người “điệp viên hoàn hảo” Phạm Xuân Ẩn. Hoạt động suốt cả cuộc chiến tranh dài, trong điều kiện cực kỳ hiểm nghèo, tại sao ông không bị lộ? Hẳn có rất nhiều nguyên nhân. Riêng tôi thường nghĩ đến một nguyên nhân: vì nhiệm vụ với Tổ quốc của mình trong chiến tranh Việt-Mỹ ông đã không quản hy sinh để làm tròn xuất sắc một công việc hết sức hệ trọng và hiểm nguy.
Song mặt khác, ông cũng vô cùng yêu quý nước Mỹ, nền văn hóa Mỹ, con người Mỹ tốt đẹp mà ông hiểu tường tận. Chắc khi nói về việc dạy lịch sử sau chiến tranh, rất nên nghĩ về trường hợp tuyệt vời của Pham Xuân Ẩn.
Con người anh hùng tuyệt vời nhân văn, con người vô cùng hiền minh ấy, biết rõ sự khắc nghiệt của một người dân Việt trong chiến tranh mà mình cũng không thể nào tránh khỏi, nhưng ông cũng nhận ra và hiểu sâu sắc đâu là cái đẹp lâu dài ở đời, trên thế giới này.
Nói gì về bản sắc dân tộc?
Bà Farida Shaheed có nói và Nghiêm Hoa cũng có nhắc lại ý kiến không nên lấy việc dạy sử để “ghi tạc bản sắc dân tộc”.
Từ lâu tôi đã nghĩ (và cũng nhiều lần nói) rằng cần rất cảnh giác với việc quá cường điệu cái gọi là bản sắc dân tộc, và dùng việc dạy sử, ra sức nhào nặn lịch sử để một mực tôn vinh cái gọi là bản sắc dân tộc ấy.
Amartya Sen của Ấn Độ, người châu Á duy nhất cho đến nay đoạt giải thưởng Nobel kinh tế, có một tác phẩm nổi tiếng tên là “Bản sắc và Bạo lực”. Ông phản đối việc quá đề cao bản sắc dân tộc, và chủ trương con người luôn là đa bản sắc.
Ông nói đại ý; Một người có thể vừa là người dân Ấn Độ, là người bang Utah Pradesh, là người theo đạo Bà La Môn, là nhà kinh tế học chủ trương tự do thị trường, là người đồng tính, là người thích chơi nhạc cổ điển, là người chỉ thích thơ chứ không thích văn xuôi, là người say mê cảnh đồng quê và dị ứng với đời sống đô thị v.v...
Đối với người ấy, có thể một trong những cái đó là quan trọng nhất, là niềm tin tưởng và say mê suốt đời, hoặc cũng có khi lúc này hay lúc khác lại chuyển sang cái khác. Không nhất thiết một điều hay một số điều gì đó là bản sắc chung của cả một cộng đồng, một quốc gia. Cái được coi là bản sắc chung đó thường là giả tạo, áp đặt. Và cũng thường do từ yêu cầu chính trị nhất thời nào đó. Đặc biệt càng được phát triển, tô đậm, nhấn mạnh, tuyệt đối hóa trong chiến tranh. Quá nhấn mạnh bản sắc là một trong những nguồn gốc tất yếu của bạo lực, chiến tranh.
Ở Pháp, thời chính phủ Sarkozy, do tình hình nhập cư phức tạp, người ta đã lập ra một bộ mới, có cái tên rất kỳ lạ (và kỳ quặc): “Bộ Nhập cư và Bản sắc dân tộc”. Tám trong số 12 nhà sử học của ủy ban CVUH nói trên đã từ chức đề phản đối cái bộ kỳ cục này ...
Vậy đó, những vấn đề lịch sử và giáo dục, dạy sử trong thời hậu chiến, không chỉ là chuyện của quốc gia nào.
Cũng ở Pháp, theo thông tin từ một bài phỏng vấn của chị Nguyễn Thị Từ Huy với một giáo sư dạy sử ở một trường trung học vùng Paris, trong một số năm gần đây, Chính phủ Pháp đã cho phép các trường nói với học sinh về những mặt tích cực của chủ nghĩa thực dân, bên cạnh những mặt tiêu cực và tội ác của nó vốn trước đây đã được đề cập một cách rất nghiêm khắc...
Hiểu được lịch sử trong tất cả tính phức tạp, nhiều mặt, nhiều tầng, nhiều phía của nó sẽ giúp cho con người tỉnh táo, thanh thoát và hiền minh trong đời sống, vững vàng hơn trước những thách thức mới của hôm nay và ngày mai.
Những vấn đề được đặt ra qua bài viết của Nghiêm Hoa là rất quan trọng, song cũng là những vấn đề khó khăn. Mong từ đây có thể gợi nên một cuộc trao đổi, được tiến hành một cách nghiêm túc, ôn hòa, sẽ rất có ích.
Và không chỉ cho việc dạy lịch sử sau chiến tranh. Còn lớn hơn nhiều, cho một sự phục hưng thật sự của dân tộc, của xã hội chúng ta sau bao nhiêu năm đằng đẵng của một tình thế chiến tranh thảm khốc đã tất yếu hủy hoại đất nước và con người chúng ta.
- Nguyên Ngọc