A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ông tổ tiền giấy Việt Nam

 

Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng những đồng tiền giấy đầu tiên của nước ta được in ấn, phát hành dưới triều Hồ và người đề ra chủ trương sử dụng tiền giấy là Hồ Qúy Ly. Tuy nhiên, thời điểm ra đời của những đồng tiền giấy đầu tiên này sớm hơn, trước khi triều Hồ thành lập và người đề ra ý tưởng đó là Vương Nhữ Chu.

Ông Tổ của tiền giấy Việt Nam

Theo :Báo Đất Việt

 

 

Ông Tổ của tiền giấy Việt Nam
 

Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng những đồng tiền giấy đầu tiên của nước ta được in ấn, phát hành dưới triều Hồ và người đề ra chủ trương sử dụng tiền giấy là Hồ Qúy Ly. Tuy nhiên, thời điểm ra đời của những đồng tiền giấy đầu tiên này sớm hơn, trước khi triều Hồ thành lập và người đề ra ý tưởng đó là Vương Nhữ Chu.









Tư liệu về Vương Nhữ Chu không nhiều nên đến nay chúng ta vẫn chưa thể biết được chính xác quê quán, năm sinh, năm mất và chi tiết về cuộc đời cũng như sự nghiệp của ông. Chỉ biết rằng ông sống vào khoảng cuối thế kỷ 14, làm quan trải các triều vua Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông và Trần Phế đế, đến tháng 6 năm Mậu Thìn (1388) thì về trí sĩ. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Nhập nội hành khiển tả ty Vương Nhữ Chu trí sĩ, lấy Lê Dũ Nghị lên thay”.

 

Tiền “Hội sao thông bảo” do một nhà sưu tầm vẽ lại (Ảnh: ttvnol.com)

 

Nhưng không lâu sau đó, khi vua Trần Thuận Tông lên ngôi vào cuối năm Mậu Thìn (1388), Vương Nhữ Chu lại được mời ra làm quan, giữ chức Thái bảo.

Một trong những đóng góp quan trọng nhất của Vương Nhữ Chu khi trở lại tham gia triều chính là đề ra ý tưởng dùng tiền giấy thay cho tiền đồng.

Tháng 4, năm Bính Tý, niên hiệu Quang Thái thứ 9 (1396) đời Trần Thuận Tông, theo đề nghị của ông, Lê Quý Ly lúc đó đang giữ chức Nhập nội phụ chính, Thái sư, Bình chương quân quốc trọng sự, Tuyên trung vệ quốc Đại vương, đã cho in và phát hành tiền giấy Thông bảo hội sao để thay thế cho loại tiền đúc bằng đồng trước đó. Sử chép rằng: “Mùa hạ, tháng 4, bắt đầu phát [tiền giấy] Thông bảo hội sao. In xong, ra lệnh cho người đến đổi, cứ 1 quan tiền đồng đổi lấy 1 quan 2 tiền giấy. Thể thức [tiền giấy]: tờ 10 đồng vẽ rồng, tờ 30 đồng vẽ sóng, tờ 1 tiền vẽ mây, tờ 2 tiền vẽ rùa, tờ 3 tiền vẽ lân, tờ 5 tiền vẽ phượng, tờ 1 quan vẽ rồng. Kẻ làm tiền giả bị tội chết, ruộng đất, tài sản tịch thu. Cấm tuyệt tiền đồng, không được chứa lén, tiêu vụng, tất cả thu hết về kho Ngao Trì ở kinh thành và trị sở các xứ. Kẻ nào vi phạm cũng bị trị tội như làm tiền giả” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Đây là những đồng tiền giấy đầu tiên trong lịch sử tiền tệ nước ta, nó được lưu hành và sử dụng ít nhất cũng được 11 năm, trong khoảng thời gian kể từ tháng 4 năm Bính Tý (1396) sau khi được phát hành cho đến tháng 6 năm Đinh Hợi (1407) sau khi giặc Minh xâm lược bắt được Thái thượng hoàng Hồ Quý Ly và vua Hồ Hán Thương. Tuy nhiên ảnh hưởng của những đồng tiền giấy này trong dân gian vẫn còn in đậm, kể cả trong thời kỳ giặc Minh đô hộ. Đến tháng 7 năm Kỷ Dậu (1429), sau khi đã đuổi được quân Minh, lên ngôi Hoàng đế đã được 2 năm, lúc này vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) vẫn còn nói đến ảnh hưởng của những đồng tiền giấy do Hồ Quý Ly phát hành sau khi có người đề nghị tiếp tục dùng tiền giấy thay tiền đồng. Đến thời điểm đó, Lê Thái Tổ mới từ chối dùng lại tiền giấy và sau đó sai đúc tiền Thuận thiên thông bảo, trở lại chế độ đúc và tiêu tiền đồng. Do đó, có thể coi tới thời điểm này tiền giấy do Hồ Quý Ly phát hành mới thực sự biến mất trên thị trường tiền tệ và chấm dứt vai trò lịch sử của mình.

Không rõ về sau Vương Nhữ Chu mất vào thời gian nào, tuy nhiên, trong sách Toàn Việt thi lục được hoàn thành vào thời Hậu Lê với nội dung sưu tầm các sáng tác văn thơ của những tác giả triều Lý, Trần, Hồ có một bài thơ mang tiêu đề Vãn Vương thiếu bảo Nhữ Chu (Viếng thiếu bảo Vương Nhữ Chu).

Khi nói về ông tổ của tiền giấy Việt Nam và những đồng tiền giấy đầu tiên, chúng ta cũng không thể không nhắc đến “ông tổ” làm tiền giấy giả. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Kỷ Mão, [Kiến Tân] năm thứ 2 (1399)…, tháng 8, tên cướp Nguyễn Nhữ Cái trốn vào núi Thiết Sơn làm giả tiền giấy tiêu dùng. Gặp lúc Thuận Tông bị giết, Khát Chân bị chém, mới chiêu dụ dân lành được hơn vạn người, thường đi lại ở các xứ Lập Thạch, Đáy giang, Lịch Sơn, Đà giang, Tản Viên, cướp bóc bừa bãi, các châu huyện không sao chống được”.

Trong bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục soạn vào thời Nguyễn cũng có đoạn như sau: “Kỷ Mão, Thiếu Đế năm Kiến Tân thứ 2 (1399). Tháng 8, quân ở Đà Giang nổi dậy. Tháng 12, mùa đông. An phủ sứ ở lộ Đông Đô là Nguyễn Bằng Cử dẹp yên được. Trước đây, Nguyễn Nhữ Cái ở Đà Giang, trốn đến Thiết Sơn làm bảo sao (tiền giấy) giả, gặp lúc Thuận Tông bị hại, Khát Chân bị chết, Nhữ Cái liền chiêu dụ dân lành, được hơn một vạn người, đi lại quấy rối cướp bóc ở quãng sông Đáy, sông Đà, núi Tản, núi Lịch; các châu, huyện không thể chống cự nổi. Quý Ly sai Bằng Cử điều binh đi đánh, dẹp yên được”.

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật