NĂM CON RẮN NGHĨ VỀ MARCOM
Không cần phải là một người am hiểu Kinh thánh, bạn chắc hẳn cũng đã nghe câu chuyện con rắn thuyết phục Eva để nàng rủ rê Adam ăn trái táo cấm trên vườn địa đàng, dù đã được dặn rằng không được làm như thế.
Rắn phải là một nhà marketing đại tài khi biết nhìn ra “insight” – huyệt tâm lý trong lòng đối tượng công chúng mục tiêu để gợi nên nhu cầu ẩn giấu trong họ. (Trong thế giới hiện đại, Steve Jobs - chính là một con rắn như thế khi nhìn ra những nhu cầu mà người tiêu dùng lúc đó chưa biết là mình cần: một CÁI TÔI kéo dài được thể hiện quan những sản phẩm đẹp, chưa từng có và hiệu suất cao. Chả thế mà tên gọi và logo của Apple lại chính là một quả táo cắn dở - tượng trưng cho một sự cám dỗ không thể cưỡng lại).
Rắn phải là một nhà truyền thông đại tài khi biết chọn thông điệp, ngôn từ, thời điểm và cách thức thuyết phục hiệu quả để đạt được mục đích. Rắn còn biết phải thuyết phục ai để qua đó “bắn” thông tin đến đối tượng công chúng mục tiêu. Giống như để thuyết phục bố mẹ đừng vượt đèn đỏ và đội mũ bảo hiểm khi ra đường, người ta giáo dục cho trẻ kiến thức về an toàn giao thông. Muốn bán thuốc sinh lý, người ta thuyết phục đối tượng thụ hưởng thay vì đối tượng ra quyết định. Muốn lật đổ một chế độ, người ta gieo những hạt giống tư tưởng trái ngược, phát triển quyền lực mềm.
Tôi đặc biệt thích bức tranh The garden of Eden with the fall of man do danh họa Peter Paul Rubens và Jan Brueghel the Elder vẽ và thường đưa vào các bài giảng. Cái gì cho phép thì không hấp dẫn, cái gì bị cấm thì kích thích. Không được ăn trái cấm là việc tạo ra một sự mong muốn, một sự tò mò, một sự kích thích. Trong truyền thông nó giống như việc định ra một hình ảnh tạo ra sự ham muốn, một điểm nhấn trên bức tranh. Trong truyện cổ tích Yêu râu xanh, người vợ không thể cưỡng lại ham muốn để rồi mở cửa căn phòng bị cấm. Trong truyện Nghìn lẻ một đêm, người vợ cũng không thể cưỡng lại ham muốn mở cửa căn phòng thứ 99. Trong thần thoại Hy Lạp, nàng Pandora cũng không thể cưỡng lại sự tò mò để rồi mở ra chiếc hộp tai ương. Ở thế kỷ 20, Harry Potter cũng lao vào cuộc tìm kiếm căn phòng bí mật. Hãy đưa ra một điểm nhấn, hãy tạo ra một sự ham muốn và sự tò mò của con người sẽ làm nốt việc còn lại.
Tưởng dễ thế mà con đường của giới marcom hiện đại phải đi để tìm được chìa khóa mở cánh cửa bí mật này vẫn còn dài lắm.