A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TRÌNH DIỄN VỞ BA LÊ ĐƯƠNG ĐẠI NỔI TIẾNG THẾ GIỚI: NGHI LỄ MÙA XUÂN

Ít ai có thể tưởng tượng được rằng, sau sự đón nhận đầy giận dữ của giới chuyên môn công chúng vốn đã quen với sự êm ái nhẹ nhàng trong âm nhạc và những động tác uyển chuyển đến say lòng của balê cổ điển, chống lại Nghi lễ mùa xuân trong đêm công diễn đầu tiên vào tháng 5 năm 1913 tại nhà hát Champs- Elysées (Paris), vở múa này lại có thể trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của thế kỷ 20 và là niềm khao khát của nhiều biên đạo hàng đầu thế giới. Ngày 27/6 và 29/6 này, khán giả tp Hồ Chí Minh và Hà Nội sẽ được thưởng thức ‘‘phiên bản’’  mới nhất của vở diễn dưới sự dàn dựng của biên đạo người Pháp Jean-Claude Gallotta và đoàn múa của ông đến từ CH Pháp.

 

 

Ít ai có thể tưởng tượng được rằng, sau sự đón nhận đầy giận dữ của giới chuyên môn công chúng vốn đã quen với sự êm ái nhẹ nhàng trong âm nhạc và những động tác uyển chuyển đến say lòng của balê cổ điển, chống lại Nghi lễ mùa xuân trong đêm công diễn đầu tiên vào tháng 5 năm 1913 tại nhà hát Champs- Elysées (Paris), vở múa này lại có thể trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của thế kỷ 20 và là niềm khao khát của nhiều biên đạo hàng đầu thế giới. Ngày 27/6 và 29/6 này, khán giả tp Hồ Chí Minh và Hà Nội sẽ được thưởng thức ‘‘phiên bản’’  mới nhất của vở diễn dưới sự dàn dựng của biên đạo người Pháp Jean-Claude Gallotta và đoàn múa của ông đến từ CH Pháp.

 

Từ một vở ‘‘không thể múa được’’’...

George Balanchine, người thường được coi là cha đẻ của ba lê Mỹ, người đã dựng tới 20 vở ba lê với nhà soạn nhạc thiên tài Igor Stravinsky, đã đánh giá Nghi lễ mùa xuân là ‘‘không thể múa được’’.  Cunignham, một người thầy của Gallotta, cũng là một ‘‘cây đa cây đề’’ của làng  múa thế giới cũng chưa một lần ‘‘dám’’ mạo hiểm dựng vở múa này. Ấy thế nhưng với nhiều biên đạo trên thế giới, dựng một phiên bản của Nghi lễ mùa xuân luôn là một sự thách thức và sự cám dỗ lớn lao, trong đó phải kể đến các tên tuổi như Pina Bausch, Paul Taylor, Martha Graham, Jorge Lefebre hay Marie Chouinard, Régis Obadia,... Khi biên đạo Gallotta trình làng ‘‘phiên bản’’ Nghi lễ mùa xuân của mình vào tháng 10 năm 2011, giới chuyên môn và báo chí tại Pháp không tiếc lời ca ngợi vở diễn với những mỹ từ cao quý nhất. Đoàn múa đã lên đường lưu diễn trong suốt hai năm qua và được các nhà giám tuyển nghệ thuật Pháp tự hào giới thiệu trong Mùa văn hóa Pháp tại Việt Nam năm 2013.

 

Đến hơn 30 năm nghiền ngẫm của biên đạo Gallotta...

Sau khi học múa nâng cao tại Mỹ vào những năm 1970 với các biên đạo tên tuổi như, Merce Cunningham, Yvonne Rainer, Lucinda Childs, Trisha Brown, Steve Paxton, Stuart Sherman..... năm 1984, Gallotta về Pháp và gây dựng đoàn múa của riêng mình tại Grenoble (Pháp). Tại đây, biên đạo Gallotta đã gây dựng tên tuổi của mình như một người tiên phong qua suốt 60 vở diễn và những chuyến lưu diễn liên tục khắp các nơi trên thế giới. Ấy vậy mà phải đến năm 59 tuổi, ông mới ‘‘dám đụng đến’’ Nghi lễ mùa xuân và đưa ra phiên bản của mình. Ông nhớ lại: ‘‘hồi đó, khi chỉ là một cậu thiếu niên, trong lớp học múa, thầy giáo đã bật chiếc đĩa than, với những rãnh nhạc hằn sâu bởi đã được nghe không biết bao lần, từ đó vang lên âm nhạc của Igor Stravinsky trong vở Nghi lễ mùa xuân. Tôi đẫ bị cuốn hút bởi hình bóng chuyển động, những khoảng tối gợi cảm, những cơ thể quay cuồng, những ham muốn bị đè nén, những xúc cảm không thể diễn đạt, những hơi thở dồn dập...’’ Hàng chục năm sau, nghệ sỹ múa tập sự ngày nào đã trở thành một trong những biên đạo tài năng nhất nước Pháp, giám đốc trung tâm múa đương đại thành phố Grenoble (CH Pháp) đã dàn dựng vở múa mà chính người thầy của mình đánh giá là ‘‘không thể múa được’’.

 

            Nghi lễ mùa xuân bản gốc kéo dài 40 phút. Đó là một lễ hội của một xã hội đa thần trước khi Thiên chúa giáo chinh phục.Theo đó, một trinh nữ bị hội đồng nguyên lão kết án hiến tế và cô nhảy múa như điên loạn cho đến chết. Igor Stravinsky đã đưa một loạt các nghi lễ cổ xưa của người Nga vào âm nhạc của mình và ở đây là nghi lễ hiến tế mùa xuân. Nội dung vở múa nguyên bản được chia làm hai phần: "L'Adoration de la terre - Sự tôn thờ trái đất" và "Le Sacrifice - Sự hiến tế". Jean-Claude Gallotta đưa ra cách hiểu của riêng mình. Trong phần 1 của tác phẩm, ông chọn ‘‘đối thoại’’ với Igor Stravinsky bằng các động tác múa của diễn viên và không dùng nhạc. Cứ như thể một sự im lặng, chuẩn bị cho những cảm xúc bạo liệt mà ‘‘cơn bão âm nhạc’’ của Stravinsky sẽ tràn đến, cuốn phăng mọi cảm xúc, đẩy lùi các ranh giới của cơ thể, đưa đến những không khí vừa cuồng nhiệt, nhục thể vừa tinh tế, nhiều lớp tầng ý nghĩa. Nếu như ở phần 1, các diễn viên kể câu chuyện với ngôn ngữ cơ thể thuần khiết, của hình khối, chuyển động, hơi thở và chính sự im lặng của họ thì ở phần  2, họ biến thành những nhạc cụ di động, dùng nhạc tính của các động tác của mình đối thoại với âm nhạc của Igor Stravinsky. Để ‘‘cuộc đối thoại’’ với nhà soạn nhạc được chân thật nhất, Gallotta đã chọn bản ghi âm năm 1960 do chính Stravinsky chỉ huy cho dù với nhiều nhà chuyên môn, đây không phải là bản ghi hay nhất. Ngoài ra, sẽ không chỉ có một trinh nữ bị hiến tế mà cả bảy diễn viên nữ đều trở thành đối tượng được hiến tế. Đó là cách biên đạo đặt câu hỏi về tính xác đáng của các quyết định của các bộ máy quyền lực.

 

            ‘‘Nghi lễ mùa xuân giống như một ngọn núi thiêng với các nhà biên đạo. Sớm hay muộn, vào lúc này hay lúc khác, nhà biên đạo không thể không có ham muốn được trèo lên đỉnh núi ấy, coi đó là thước đo của mình và muốn trèo lên đỉnh núi ấy để được chiêm ngưỡng gần hơn’’. Đỉnh núi ấy sắp được ‘‘bứng’’ đến Việt Nam và sẽ thật khó cưỡng lại mong muốn được chiêm ngưỡng tuyệt tác này.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan