A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ý NGHĨA THỰC SỰ CỦA THIẾT KẾ – Phần I

Gordon MacKenzie, một chuyên viên thiết kế sáng tạo có ảnh hưởng lớn và lâu dài tại Công ty Thiệp Hallmark, đã kể lại một câu chuyện được lưu truyền trong giới thiết kế. Gordon MacKenzie là một nhà hoạt động xã hội và thường có các buổi nói chuyện về nghề nghiệp của mình tại nhiều trường học. Để mở đầu cho câu chuyện của mình, ông nói với các học sinh rằng mình là một nghệ sĩ. Sau đó, ông đưa mắt quanh phòng học, chú ý đến các bài vẽ mỹ thuật được treo trên tường và hỏi ai đã tạo ra các kiệt tác đó.

“Có bao nhiêu họa sĩ trong căn phòng này?” MacKenzie hỏi, “Các em có thể giơ tay lên được không?”

Câu trả lời luôn theo một dạng nhất định. Tại các trường mẫu giáo và lớp một, tất cả các em học sinh đều hăng hái giơ tay. 3/4 số học sinh lớp hai giơ tay, mặc dù ít hào hứng. Ở lớp ba, chỉ có một vài học sinh làm điều đó. Lên đến lớp sáu thì không có một cánh tay nào giơ lên cả. Lũ trẻ chỉ nhìn quanh xem có bạn nào trong lớp thực hiện hành động mà chúng được học là khác thường hay không.

Nhà thiết kế, những người làm việc trong lĩnh vực sáng tạo thường nhắc đi nhắc lại câu chuyện MacKenzie – thường là khi đã quá chén, với giọng buồn bã – để minh họa cho việc mọi người đánh giá thấp giá trị công việc của mình. Và khi MacKenzie kể câu chuyện này cho lượng khán giả đông hơn, người ta chỉ lắc đầu chậm rãi. Thế nhưng phản ứng mạnh nhất của họ cũng chỉ là sự xót xa.

Thực tế, lẽ ra họ nên cảm thấy bị xúc phạm. Họ nên chạy đến ngôi trường của con và yêu cầu giải thích. Họ nên an ủi bọn trẻ, đối đầu với hiệu trưởng và giải tán ban giám hiệu. Câu chuyện của MacKenzie là một câu chuyện cần ghi nhớ trong thời đại chúng ta.

Ngày nay, sự thịnh vượng của một quốc gia hay một cá nhân phụ thuộc vào việc có hay không những người nghệ sĩ. Trong một thế giới thừa thãi về vật chất, bị rối loạn bởi sự tự động hóa và quá nhiều những công việc văn phòng thì mọi người, bất kể nghề nghiệp nào, phải nuôi dưỡng khả năng cảm thụ nghệ thuật. Chúng ta có thể không phải là những Dali hay Degas, nhưng ngày nay, tất cả chúng ta đều phải là những nhà thiết kế.

Thật dễ dàng khi bỏ qua thiết kế – vốn bị coi là sự trang trí đơn thuần, để làm đẹp các địa điểm hay đồ vật, nhằm che giấu sự tầm thường của chúng, thế nhưng, đó là một cách hiểu sai lầm, tai hại về thiết kế và nguyên nhân năng lực này trở nên quan trọng, đặc biệt trong thời điểm hiện nay. John Heskett, một nhà nghiên cứu về lĩnh vực này, đã giải thích rất rõ: “Xét về bản chất, khả năng sáng tạo có thể được định nghĩa là khả năng tạo dựng môi trường của con người không theo bản chất tự nhiên, nhằm đáp ứng những nhu cầu của con người và làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên ý nghĩa”.

Hãy rời mắt khỏi cuốn sách này và nhìn xung quanh căn phòng bạn đang ngồi. Mọi thứ trong đó đều được thiết kế. Kiểu chữ trong cuốn sách này. Cuốn sách bạn đang cầm trên tay. Quần áo bạn đang mặc. Đồ đạc mà bạn đang sử dụng. Tòa nhà mà bạn đang đứng trong đó. Những sự vật trên là một phần trong cuộc sống của bạn vì có người đã tưởng tượng và làm ra chúng.


 

 

 

 

Thiết kế là một năng lực cổ xưa của trí não. Theo lời Heskett, đó là sự kết hợp giữa tính thiết thực và ý nghĩa. Nhà thiết kế đồ họa phải làm sao cho cuốn sách quảng cáo dễ đọc. Đó là tính thiết thực. Nhưng để đạt hiệu quả cao nhất, cuốn sách phải chuyển tải được phần ý tưởng hay tình cảm mà bản thân ngôn từ không biểu hiện hết được. Đó là ý nghĩa. Nhà thiết kế nội thất phải tạo ra một cái bàn có thể đứng vững và chịu đựng được sức nặng của những vật đặt trên nó (tính thiết thực). Nhưng hơn hết, cái bàn đó phải mang một sức hấp dẫn về mặt thẩm mỹ, điều làm hoàn chỉnh công năng của sản phẩm (ý nghĩa). Mặt thiết thực khá giống lối tư duy thiên về bán cầu não trái, mặt ý nghĩa thì giống lối tư duy thiên về bán cầu não phải. Và với hai phong cách tư duy như trên, ngày nay, mặt thiết thực đã trở nên phổ biến, rẻ và có thể đạt được tương đối dễ dàng. Điều này đã làm tăng giá trị của mặt ý nghĩa.

Năng lực thiết kế – chính là mặt thiết thực được nâng cao nhờ mặt ý nghĩa – đã trở thành một năng lực thiết yếu để thỏa mãn nhu cầu cá nhân và thành công trong công việc vì ít nhất ba nguyên nhân sau. Thứ nhất, nhờ sự thịnh vượng ngày càng tăng và công nghệ tiên tiến hơn, hiện nay, việc có được một thiết kế tốt đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Điều đó cho phép có nhiều người được hưởng niềm vui từ các thiết kế và trở thành những người am hiểu một lĩnh vực chuyên môn nhất định. Thứ hai, trong thời đại vật chất dư thừa, thiết kế đã trở nên quan trọng với hầu hết các hoạt động kinh doanh. Nó được coi như một phương tiện để tạo nên sự khác biệt giữa các doanh nghiệp và là phương pháp mở ra những thị trường mới. Thứ ba, khi ngày càng có nhiều người nâng cao được năng lực sáng tạo, chúng ta càng có cơ hội áp dụng năng lực đó vào mục đích cao cả của nó: thay đổi thế giới.

Vào một buổi sáng tháng 2 đẹp trời, tôi đã nhận thấy sự hội tụ của cả ba nguyên nhân trên tại khu thương mại Philadelphia, gần Tòa nhà Độc lập, một nơi mà chắc hẳn Gordon MacKenzie sẽ mỉm cười nơi chín suối.

Mười giờ sáng tại xưởng thiết kế của Mike Reingold, trong tiếng nhạc êm dịu lan tỏa khắp căn phòng, một học sinh đang ngồi làm mẫu trên một chiếc ghế đặt trên bàn để 19 bạn cùng lớp phác họa chân dung trên những tấm giấy vẽ to bản. Cảnh tượng này là điều thường thấy tại một học viện nghệ thuật hiện đại, trừ một điểm: các chàng trai, cô gái đang phác thảo ở đây đều là những học sinh lớp mười và hầu hết trong số họ đến từ những khu vực có tình hình xã hội phức tạp nhất Philadelphia.

Chào mừng các bạn đến với CHAD – Trường Trung học Kiến trúc và Thiết kế Charter – một trường công lập miễn học phí ở Philadelphia. Nơi đây đã chứng minh khả năng thiết kế để có thể mở mang trí tuệ giới trẻ, đồng thời cũng dập tắt ảo tưởng rằng thiết kế là lãnh địa riêng của một nhóm người được lựa chọn.

Trước khi trở thành học sinh lớp chín tại CHAD, phần lớn những học sinh này chưa từng theo học một lớp nghệ thuật nào, 1/3 số học sinh đọc và làm toán ở trình độ lớp ba. Thế nhưng, nếu đi theo con đường của những học sinh khóa trước tại CHAD thì 80% số học sinh hiện tại sẽ tiếp tục học lên hệ cao đẳng hai hoặc bốn năm, một vài em còn có thể theo học tại các trường như Viện Pratt và trường Mỹ thuật Rhode Island.

 

 

 

 

Thành lập năm 1999 với tư cách trường trung học công lập đầu tiên của Mỹ có chương trình học lấy năng lực thiết kế làm trung tâm, mục đích của CHAD không đơn thuần là đào tạo một thế hệ những nhà thiết kế mới và đa dạng hóa một nghề mà người da trắng chiếm đa số (3/4 học sinh ở CHAD là người Mỹ gốc Phi, 80% thuộc các chủng tộc ít người khác). Mục đích khác của trường là dùng thiết kế để dạy các môn học chính khác. Học sinh của CHAD dành 100 phút mỗi ngày tại xưởng thiết kế. Họ tham gia vào các khóa học về kiến trúc, thiết kế công nghiệp, lý thuyết về màu sắc và thực hành vẽ. Nhà trường cũng đưa thiết kế vào các môn không kém phần quan trọng như toán, khoa học, tiếng Anh, xã hội học và các môn học khác. Chẳng hạn, khi học về Đế chế La Mã cổ đại, thay vì đơn thuần tìm hiểu hệ thống dẫn nước của người La Mã, học sinh được yêu cầu xây dựng mô hình hệ thống đó. Như lời của Claire Gallagher, cựu kiến trúc sư từng giữ chức giám sát hoạt động và chương trình giảng dạy của CHAD: “Họ đang học cách kết hợp muôn vàn những sự kiện phức tạp đan xen nhau để đưa ra giải pháp. Đó là điều mà những nhà thiết kế thực hiện. Thiết kế là môn học mang tính liên ngành. Chúng tôi đang đào tạo những người có khả năng tư duy tổng thể”.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Daniel H. Pink – Một tư duy hoàn toàn mới – NXB LĐ – XH 2008.

ON  BY CAPHESACHIN CHÂN TRỜI KINH TẾ MỚINHỮNG CHÂN TRỜI MỚIBẠN NGHĨ GÌ VỀ BÀI VIẾT NÀY?

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật