TỪ TƠ LỤA ĐẾN SILICON
Ai là người thành lập "siêu công ty đa quốc gia" đầu tiên trên thế giới bằng cách xây dựng mạng lưới thông tin nội bộ dài nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất thế giới lúc bấy giờ? Bằng cách xây dựng những bản hộ chiếu đầu tiên để thuận tiện cho việc đi lại giao dịch trong toàn đế chế lớn nhất trong lịch sử nhân loại; Bằng cách thiết lập hệ thống thẻ tín dụng xuyên quốc gia có giá trị từ Afganistan đến I rắc; bằng cách bổ nhiệm các "country manager" không phải là luân chuyển mà bắt rễ luôn tại địa phương, học tiếng địa phương, cưới người địa phương, chia sẻ quyền lời với người địa phương?
Ai là người thành lập "siêu công ty đa quốc gia" đầu tiên trên thế giới bằng cách xây dựng mạng lưới thông tin nội bộ dài nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất thế giới lúc bấy giờ? Bằng cách xây dựng những bản hộ chiếu đầu tiên để thuận tiện cho việc đi lại giao dịch trong toàn đế chế lớn nhất trong lịch sử nhân loại; Bằng cách thiết lập hệ thống thẻ tín dụng xuyên quốc gia có giá trị từ Afganistan đến I rắc; bằng cách bổ nhiệm các "country manager" không phải là luân chuyển mà bắt rễ luôn tại địa phương, học tiếng địa phương, cưới người địa phương, chia sẻ quyền lời với người địa phương?
Không ép buộc tôn giáo, tôn trọng sự đa dạng, miễn là làm được việc. Ai là người châm ngòi và thúc đẩy toàn cầu hoá, biến 1/3 diện tích thế giới thời đó thành thế giới phẳng?
Câu trả lời có thể khiến bạn ngạc nhiên: Thành Cát Tư Hãn.
Từ Tơ lụa đến Silicon là một cuốn sách hay về toàn cầu hoá với cách tiếp cận độc đáo: kể câu chuyện thông qua mười nhân vật lịch sử vĩ đại đã có tác động đến vòng chuyển luân của toàn thế giới trong thời đại mà họ sống. Họ không phải là người đầu tiên làm việc đó; họ không phải là người duy nhất làm việc đó nhưng là mười người quyết liệt nhất, kiên tâm nhất, tàn bạo bậc nhất mà một số người cũng hết sức nhân văn (đúng chuẩn thường thấy ở các vĩ nhân, người yêu, kẻ ghét).
Doanh nhân có thể học được gì từ họ?
Một Thành Cát Tư Hãn nhìn xa, trông rộng, tạo ra một đế chế duy trì sự thống trị trong hàng thế kỷ. Dựa trên yếu tố CON NGƯỜI (Politics) - những chiến binh thiện chiến và bạo tàn, NGUỒN LỰC (Force) - của cải cướp được và sự giao thương nội đế chế, NĂNG LỰC TRUYỀN THÔNG (Knowlegde) vượt trội. Cứ cách một ngày đường trong đế chế là có một điểm nhận và chuyển phát thông tin về Tổng hành dinh. Thành Cát Tư Hãn không dùng quyền lợi mà dùng vận mệnh chung của cả đế chế để trói buộc các đại thần của mình.
Mười con người, mười câu chuyện, mười giai đoạn trong lịch sử loài người.
Nhân vật thứ 2.
Hoàng tử Henry, người con thứ 3 của vua Bồ Đào Nha thế kỷ 15 đã mở đường cho việc châu Âu đi chinh phục châu Phi, châu Mỹ, châu Á sau này. Từ một vị trí khiêm tốn, ông vượt qua những thách thức lớn nhất của thời đại mình, khi không người châu Âu nào dám đi tới vùng sừng châu Phi. Ông chứng minh rằng một đất nước 2 triệu dân có thể đô hộ hàng trăm triệu dân khác. Mở đầu cuộc toàn cầu hoá bạo tàn bằng buôn nô lệ, khai thác thuộc địa.
Nhân vật thứ 3: Robert Clive.
Một người có xuất thân hèn kém đã không ngừng học tập để vươn lên và bằng sự táo bạo đã giúp vài ngàn lính Anh chiến thắng hàng trăm nghìn lính Ấn độ. Mở rộng khu vực kinh doanh của công ty Đông Ấn trên toàn nước Ấn. Mang về những nguồn lợi khổng lồ cho nước Anh.
Người thứ tư: Cyrus Field - nhà tài phiệt nối mạng xuyên Đại Tây Dương.
Nếu như ngày nay người ta chỉ cần một cú nhấp chuột là có thể tải được thư viện Alexandria lên một không gian Dropbox thì vào cuối thế kỷ 19, khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai bắt đầu ở Mỹ, đưa một lá thư giữa châu Âu và châu Mỹ cần tới vài tháng trời. Một người đang từ vị trí một doanh nhân thành đạt đã đầu tư vào việc làm đường cáp điện tín xuyên Đại Tây Dương. 4 lần tiến hành, 4 lần thất bại, tan gia, bại sản, mất hết thanh danh, tiền bạc, uy tín nhưng ông không lùi bước. Ông đưa những tiến bộ trong khoa học của châu Âu sang Mỹ để tăng hiệu ứng kinh doanh, vận động chính phủ Anh, các nhà đầu tư Anh 4 lần bỏ vốn vào một dự án "bất khả thi" vào thời đó. Cuối cùng ông đã thành công và tạo nên những cơ hội kinh doanh khổng lồ khi thời gian truyền tin chỉ còn là vài giây thay vì hàng tuần, hàng tháng.
Câu chuyện của người thứ năm:Mayer Amschel Rosthchild - Bố già của ngân hàng toàn cầu - miêu tả sự hình thành của hệ thống tài chính toàn cầu cuối thế kỷ 19. Nhà Rosthchild đã tạo dựng hệ thống truyền thông và logistics vượt trội hơn mọi đối thủ (K). Điều phối dòng chảy tài chính trên khắp châu Âu, Mỹ, cho các chính phủ và công ty lớn vay tiền (F). Phác lên bộ xương của ngành ngân hàng toàn cầu.
Người thứ sáu: Rockfeller - người khổng lồ dựng nên công nghiệp năng lượng và hoạt động philanthropy- xuất thân trong một gia đình bình thường, bắt đầu công việc từ vị trí một người kế toán. Tàn bạo trong loại bỏ đối thủ, quyết liệt trong công việc, nhanh nhạy trong kinh doanh, tận tâm với nhân viên, từ tâm với xã hội, đế chế của Rockfeller không chỉ là một hình mẫu về kinh doanh, về sự phối hợp kinh tế với chính trị, đặc biệt trong việc "đẻ" ra mô hình quỹ bác ái (philanthropy) mà nhiều tập đoàn tầm cỡ thế giới đang bước theo. Quỹ đóng góp vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống và gắn kết xã hội đồng thời là trung gian đàm phán giữa các đại gia và các chính phủ.
Người thứ bảy: Jean Monnet
Đã dành cả đời mình xây dựng một châu Âu thống nhất sau chiến tranh thế giới thứ hai. Người đã xếp đặt những thoả ước chính trị ở mức cao nhất giữa châu Âu và Mỹ, giữa các nước châu Âu với nhau để tạo ra một thực thể mới với sức mạnh tổng hợp.
Người thứ tám: Andrew Grove một người do thái trốn chạy sự truy sát của Đức Quốc xã sang Mỹ. Ông là người góp phần đưa Intel lên vị trí công ty lớn hàng đầu trên thế giới, tham gia vào việc tạo nên cuộc cách mạng thông tin với những vi mạch siêu tốc độ. Thiết lập luật chơi, có lúc thế giới đã phải sản xuất máy tính cho tương thích với chip Intel chứ không phải là hướng ngược lại.
Người thứ chín : Thatcher - Bà đầm thép" làm hồi sinh thị trường tự do- đã chứng minh phụ nữ có thể đứng đầu một đất nước như thế nào bằng sự khổ luyện và cứng rắn. Bà cũng sử dụng truyền thông cho hình ảnh cá nhân vì mục đích chính trị ở mức siêu đẳng. Những gì bà làm cho kinh tế Anh quốc trong việc tư hữu hoá các công ty nhà nước đã tạo nên một làn sóng tư hữu hoá chưa từng thấy lan rộng khắp châu Âu, châu Á, trung Mỹ.
Người thứ 10: từ Đặng Tiểu Bình người ta có thể rút ra nhiều bài học nhưng có ba chữ nổi trội tôi giữ lại khi đọc về nhân vật này là : thực tế, thực dụng, thực thi.
Mỗi quyển sách không bao giờ là chân lý tuyệt đối, là những bài học bất di bất dịch nhưng Từ tơ lụa đến Silicon là một cuốn sách hay khó bỏ qua cho các doanh nhân, chính trị gia và các nhà chiến lược khi mang đến vô vàn điều thú vị về sự dịch chuyển của thế giới trong suốt 800 năm qua và sức mạnh của ý chí con người.
Có thể dùng bộ công cụ PFK của CSCI để vừa đọc vừa giải mã thành công của mỗi nhân vật chính trong sách.
P là Politic mối quan hệ giữa con người với con người, nguồn lực con người.
F là Force : các nguồn lực cần thiết (tài chính)
K là Knowledge : các nguồn lực khoa học, kỹ thuật, công nghệ, bí quyết, truyền thông.
Sách cũng nói đến chân dung một số nhà tài phiệt để người đọc có thể hiểu hơn về những con người đặc biệt này: họ không phải nhà buôn, không là nhà chính trị, không chỉ là doanh nhân mà là các Đại doanh nhân có khả năng tạo cuộc chơi và sử dụng nhuần nhuyễn các yếu tố PFK. Khi có một giấc mơ đủ lớn, một ý chí mãnh liệt, một cá nhân có thể thay đổi số mệnh của chính mình và qua đó có thể của một thế giới, một quốc gia, một dân tộc và cả loài người.
Cuốn sách xứng đáng nằm trong thư viện của các trường đào tạo doanh nhân, chính trị gia và tất cả những ai yêu thích tư duy chiến lược hay chỉ đơn giản là đọc sách và suy nghĩ về những gì đã, đang và sẽ xảy ra trong sự nghiệp của mình.
Nguyễn Đình Thành.
Co founder Elite PR School
Sách do nxb Trẻ ấn hành năm 2017
#Elite_PR_School
#csciway