TẠI SAO NGƯỜI TA CÃI NHAU?
Trong từng câu chữ đều ẩn giấu nhiều tầng lớp ý nghĩa mà không phải lúc nào người đối thoại có thể hiểu hoặc thậm chí là muốn hiểu.
Trăng hôm nay cao quá thì phải hiểu như thế nào?
Một câu như thế thôi cũng bao gồm 4 góc độ:
Nội dung thông tin (Fact ear): Thông tin thực tế là trăng cao.
Khía cạnh cảm xúc (Self-revealing ear): Cảm xúc, tâm trạng của người nói được thể hiện qua thông điệp. Với người đang yêu, đó có thể là ôi lãng mạn làm sao. Với người đang cá cược với người khác về độ cao của trăng thì: chết rồi, trăng cao quá, mình thua mất thôi.
Khía cạnh quan hệ (Relationship ear): Cách mà người nói và người nghe tương tác với nhau, thể hiện mối quan hệ giữa họ. Câu nói có thể tiết lộ về mối quan hệ giữa người nói với người nghe, có thể là tình cảm có thể là công việc.
Khía cạnh kêu gọi hành động (Appeal ear): Lời kêu gọi hoặc yêu cầu hành động từ người nói đến người nghe. Đó có thể là: kéo cửa vào, sáng quá không ngủ được. Đó cũng có thể là hành động ngay đi. Đó cũng có thể là: kìa, trăng hôm nay cao quá, anh hôn em vào má.
Câu “Chả có cái váy nào mặc” có thể hàm ý: 1.Thực tế là 50 cái váy đã mặc cả rồi nên chả có cái nào chưa mặc cả. 2. Cảm xúc chán chường vì không có váy mới. 3. Khía cạnh quan hệ: quan tâm tới việc này đi ông kia 4. Hành động mong muốn: đi mua váy nào.
Lý thuyết Four Ear Communication Theory này được Friedemann Schulz von Thun trình bày năm 1981. Ứng dụng vào đời sống, ta có thể hiểu được nhiều điều mà trước đây không hiểu sao đối phương lại phản ứng như thế.
Đi xa hơn thì:
Em có yêu anh không?
KHÔNG!!!
Hiểu như thế nào còn phải tìm hiểu bối cảnh, tình cảnh, không gian, thời gian, ngôn ngữ cơ thể (nét mặt, tư thế, ánh mắt, độ cong của môi), giọng điệu (tông, nhịp, âm lượng, lưu lượng,…), lịch sử quan hệ giữa 2 bên, văn hóa nơi họ sống…
Có cả trăm lý thuyết truyền thông thế này, cực hay để áp dụng vào công việc và cuộc sống.
#PR_như_tôi_thấy