A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BỆNH VIỆN NEW AMSTERDAM: MỘT RỪNG CÂY, MỘT ĐỜI NGƯỜI

Mấy hôm covid nằm xem được kha khá phim. Bệnh viện New Amsterdam không chỉ hay vì tình người mà còn là một cuốn sách hay về xây dựng tổ chức, văn hóa doanh nghiệp và tạo động lực.

 

Câu nói dường như chỉ dành cho CNXH được tái hiện trọn vẹn trong bộ phim Mỹ này:  "Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hỗ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người…" -N.OSTROVSKI-

Max Goodwill là giám đốc mới của bệnh viện và anh thực sự là một luồng gió mới thay đổi tận gốc cách bệnh viện công New Amsterdam hoạt động. Người bệnh thực sự là trung tâm của mọi hoạt động trong bệnh viện. Anh đã làm thay đổi cách bệnh viện vận hành, thay đổi văn hóa làm việc của các nhân viên qua đó họ trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Tình yêu, tình bạn, trên tình bạn dưới tình yêu, các mối quan hệ giữa các nhân vật chính xoắn xuýt và hòa quyện trong mỗi tập phim làm người ta thích thú, tiếc nuối. Có lúc muốn lặng ngắm, có lúc muốn nhảy lên bảo kìa ôm nhau đi, còn chờ gì nữa...

 

Dưới con mắt văn hóa tổ chức và marcom, bộ phim đầy những ví dụ thú vị:

1. Làm gì để thay đổi một tổ chức? Max đến với bệnh viện và thừa hưởng một bộ máy hoạt động theo cách cũ với lịch sử dài, nhiều ngôi sao và "lão làng bất khả xâm phạm". Việc đóng góp ý kiến là một thứ xa xỉ đến nỗi chả ai buồn phát biểu trong buổi gặp giám đốc điều hành mới. Để giải quyết vấn đề tưởng chừng không thể giải quyết được, cần một biện pháp bất thường như Alexander Đại Đế đã dùng kiếm chặt nút Gordias hay Hư Trúc Tử trong Thiên Long Bát Bộ vô tình phá được Trân Long Kỳ Trận bằng một nước đi không tưởng vào chỗ chết. Đuổi hết các ngôi sao và lão làng cản trở là một bước đi không tưởng và Max đã làm như thế: sa thải toàn bộ một khoa hot trong viện và sau đó, các sáng kiến cải tiến đã lần lượt xuất hiện, cải cách bắt đầu và bắt đầu cho hiệu quả tốt.

 

2. Làm gì để tạo động lực cho nhân viên? Cho họ thấy ý nghĩa của việc mình làm. Tác giả Simon Senek, tác giả cuốn Trò chơi vô cực, đã nói: người ta thường nói với nhân viên What, How nhưng thường không nói Why. Khi biết làm để làm gì người ta sẽ chủ động cách làm để đạt kết quả tốt nhất. Làm việc hết mình, thậm chí mạo hiểm cả mạng sống, Max đã làm cho nhân viên hiểu ý nghĩa của việc mình làm. Những người bác sỹ không còn chỉ coi việc chữa bệnh là nhiệm vụ của mình mà biến công việc đang làm thành chăm sóc người bệnh, giúp người bệnh khỏe mạnh trở lại.  Những con người trong phim không chỉ quay cuồng vì người bệnh mà còn tìm mọi cách giúp bộ phận của mình tốt hơn để người bệnh có cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ thậm chí còn tìm cách lách luật để giúp đỡ được người bệnh của mình. Sáng kiến của họ được trân trọng, miễn là giúp được người bệnh.

3. Làm gì để gắn kết nhân viên? Ban đầu, bệnh viện chỉ là một tập hợp của các "củ khoai tây" đặt cạnh nhau, ai làm việc người ấy. Sau cải cách, họ đã là một team. Văn hóa doanh nghiệp là cái nhân viên nhìn thấy, nghe thấy và tin tưởng vào. Làm sếp khó nhất là làm gương. Câu nói của Max từ đầu phim sau đã chuyển thành câu cửa miệng của mọi người "how can i help?". Với tâm thế ấy, sếp làm gương cho nhân viên khi lắng nghe ý kiến của nhân viên. Sếp đứng ra nhận trách nhiệm khi nhân viên dưới quyền không thành công. Sếp xoay sở để các dự án hoàn thành.

 

Tình yêu công việc, tình yêu con người, tình yêu đôi lứa, tình bạn, tình đồng nghiệp... sự nhân văn chính là sợi dây kết nối mọi con người, giải thích mọi hoạt động. Đủ lãng mạn cho những fan thích ngọt kiểu phim Hàn, đủ nhanh và hồi hộp cho những người yêu phim Mỹ, phim đủ hay để ngồi xem các tối trong 1 tuần hoặc 2 ngày nếu (phỉ phui) cấm túc trở lại.

 

#Xem_phim_cùng_Thành

#Đọc_sách_cùng_Thành

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan