A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA: ĐÁNH THỨC MỎ VÀNG BỎ QUÊN

Phát triển công nghiệp văn hóa: Đánh thức "mỏ vàng" đang bị bỏ quên

Thứ Hai 09/08/2021 | 10:36 GMT+7

VHO- Hơn 4,5 tỉ đô la Mỹ là số tiền mà một mình Ban nhạc nam BTS mang lại cho kinh tế Hàn Quốc một năm. Nghĩa trang cổ Père la Chaise (Pháp) cung cấp tới 14 cách tham quan khác nhau và thu hút được hơn 3 triệu lượt khách mỗi năm. Sự bí ẩn của văn hóa tạo hình Nhật Bản được nuôi dưỡng không ngừng nghỉ tại phương Tây từ cuối thế kỷ XIX, xuyên qua thế kỷ XX, XXI, không ngừng tạo nên những làn sóng quan tâm trong công chúng.

 

 

Chuyên gia NGUYỄN ĐÌNH THÀNH

Công nghiệp văn hóa và rộng hơn là công nghiệp sáng tạo đang mang lại không chỉ là tiền bạc mà còn củng cố sức mạnh mềm đáng kể cho nhiều quốc gia. Đâu là hướng đi cần có trong con đường phát triển của công nghiệp văn hóa tại Việt Nam? Ba lý do dưới đây cho thấy tiềm năng to lớn của công nghiệp văn hoá

Một là, công nghiệp văn hóa dựa trên sức sáng tạo của con người và vì thế nó là một nguồn lực vô tận. Tự cổ chí kim, chưa bao giờ loài người hết tò mò khám phá văn hóa, chưa bao giờ con người ngừng thích nghe kể chuyện. Các câu chuyện có thể được kể theo cách hiện đại như Đoàn xiếc Mặt trời (Cirque du soleil) của Canada, những festival mỹ thuật, âm nhạc điện tử, nhảy hip hop, sắp đặt ánh sáng hay theo cách truyền thống như những vở ba lê, âm nhạc cổ điển, những đêm diễn thực cảnh, qua các sáng tạo điện ảnh, văn học,....”chỉ cần” đầu tư vào con người là sức mạnh ấy có thể được nhân lên gấp bội và kéo dài hàng thập kỷ.

Hàn Quốc đã cho thế giới hiện đại thấy sức mạnh văn hóa có thể mang lại những gì cho một quốc gia, đó là hàng chục tỉ đô la Mỹ mà các ban nhạc Hàn Quốc mang lại, những giải thưởng danh giá về điện ảnh, sức mạnh mềm khủng khiếp mà Hallyu mang lại cho quốc gia Đông Á này vượt qua mọi rào cản địa lý, tôn giáo, chính trị. Tất cả bắt đầu từ chính sách đầu tư vào con người, kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, các tập đoàn lớn cho đến các chính sách và sự đầu tư liên tục của các chính phủ vào phát triển công nghiệp sáng tạo, trong đó có công nghiệp văn hóa mà tiên phong là K Movie (điện ảnh), K pop (âm nhạc) tiếp theo sau là công nghiệp truyện tranh, e sport,...và các festival văn hóa đi theo.

 

 

 Xiếc mới “Làng tôi”, “À ố show” mang đậm bản sắc văn hoá Việt đã chinh phục thành công khán giả các nước châu Âu

Hai là, Việt Nam có kho tàng các câu chuyện, di sản mỹ thuật, âm nhạc, tôn giáo, tín ngưỡng, ẩm thực, kỹ thuật chế tác cao, chưa được khai thác tương xứng với vị thế. Những họa tiết quen thuộc trên trống đồng Đông Sơn của Việt Nam đã xuất hiện trong thiết kế của những sản phẩm của các hãng cao cấp hàng đầu thế giới và được làm thành những “siêu phẩm” của hãng đồng hồ đeo tay Speake Marin, hộp nhạc Reuge, xe ô tô Rolls Royce, điện thoại Mobiado... Hình ảnh của những chiếc lồng chim ở Hà Nội, những chiếc gùi của người dân miền núi phía Bắc, những song cửa sắt uốn ở các căn biệt thự cổ ở Hà Nội, vân mây trên phù điêu cổ đã được các nhà thiết kế tài năng của thương hiệu cao cấp Hanoia đưa vào những chiếc lọ hoa, bình hoa, bình phong để trang trí trong các căn biệt thự cao cấp khắp cả nước hoặc trong bộ sưu tập của những khách du lịch hạng sang. Những năm gần đây, sự xuất hiện của các yếu tố văn hóa cổ trong các sản phẩm hiện đại đã được công chúng đón nhận mạnh mẽ và mang lại niềm hy vọng và hướng đi mới trong việc phát huy vốn cổ, đưa văn hóa xưa vào cuộc sống hiện đại. Đó là họa tiết rồng trong các sản phẩm giày của Biti’s - một sự giao hòa giữa văn hóa cổ và văn hóa hip hop, văn hóa đường phố của giới trẻ hiện đại. Đó là nét Huế xưa trên những đôi guốc cao cấp của doanh nhân trẻ Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh, thương hiệu XƯA... Khi đã được thiết kế, các sản phẩm có thể được nâng giá trị lên hàng chục, hàng trăm thậm chí cả ngàn lần.

Ba là, tính mở và tác động lâu dài của văn hóa. Thật khó có thể phân tách được văn hóa và du lịch bởi du lịch bao giờ cũng gắn liền với văn hóa. Ngay cả khi người ta đến một nước để du lịch chữa bệnh, du lịch y tế thì đó cũng là lúc người ta khám phá văn hóa ẩm thực, cách thức phục vụ, trang phục, phục trang, thế giới quan của những con người trên đất nước ấy. Phát triển văn hóa không thể tách khỏi phát triển về du lịch. Các công trình văn hóa được tu bổ đúng cách, nâng cấp các tiện nghi để phù hợp với nhu cầu của thời đại mới sẽ kéo theo những dòng khách du lịch thuộc nhiều phân khúc khác nhau, làm thay đổi diện mạo kinh tế, xã hội của một địa phương theo hướng tốt. Khách du lịch đến tức là tiêu dùng về ẩm thực tăng, nhu cầu vui chơi giải trí tăng, các khách sạn, nhà nghỉ, homestay đa dạng phát triển và kéo theo các nhà đầu tư mới. Tác động của đầu tư vào văn hóa không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội trong ngắn hạn mà còn mở ra những cơ hội mới trong tương lai. Đầu tư vào trang trí một công trình văn hóa bằng ánh sáng vào ban đêm, bằng các máy chiếu 3D trong phòng tối, bằng các giải pháp thuyết minh sáng tạo sẽ tăng thêm sức hấp dẫn của câu chuyện được kể, làm cho khách hàng thích thú và lan tỏa miễn phí hình ảnh của chúng ta trong và ngoài nước.

Đầu tư vào một tác phẩm điện ảnh là tạo ra bao nhiêu việc làm trong ngành và trong các ngành liên quan. Một bộ phim mang lại không chỉ là doanh thu từ vé mà còn cả các sản phẩm phái sinh, các công viên chủ đề, xuất bản in ấn theo dòng bộ phim, cơ hội sinh lời từ việc tham quan phim trường (Trung Quốc, Hàn Quốc đã đi theo hướng này và rất thành công).

Văn hóa không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp nâng cao thương hiệu vùng miền, quốc gia. Không chỉ là tập trung làm tốt theo cách truyền thống mà ngày nay cần đầu tư vào công tác xây dựng thương hiệu và quảng bá. Khó có thể tính được lợi ích về kinh tế, việc làm, ảnh hưởng quốc tế của một địa phương, một đất nước nhờ vào đặc sản của mình. Ai có thể tính được giá trị của rượu Mao Đài Trung quốc, rượu Sa kê, hoa Anh đào của Nhật, món dưa muối Kim chi Hàn Quốc, rượu sâm panh của Pháp, cherry New Zealand... với lần lượt từng quốc gia? Vậy đầu tư bài bản để phát triển thương hiệu ẩm thực Việt Nam với các món ăn đã trở thành quốc tế như nem, phở, bobun là một việc làm cấp bách và cần thiết để phát triển hình ảnh Việt Nam trên toàn thế giới. Những tác phẩm như Sương sớm của vũ đoàn Arabesque, vở xiếc mới Làng tôi, À ố show, sự góp mặt của các nghệ sĩ múa đương đại, các họa sĩ Việt Nam tại các festival nghệ thuật lớn trên thế giới đã góp phần mang đến hình ảnh về một Việt Nam đương đại đầy sức sống. Bên cạnh đó, việc các nhiếp ảnh gia Việt Nam hoặc các bức ảnh về Việt Nam đương đại đoạt giải cao trong các cuộc thi ảnh quốc tế cũng mang lại những lợi ích vô cùng to lớn.

Tận dụng sức mạnh thời đại số là một thành tố cần tính đến trong Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hiệu quả của một chiến dịch truyền thông văn hóa được tính toán có thể có sức mạnh vượt xa mọi công cụ ta đã từng có trong quá khứ. Một video ngắn của người có nhiều lượt subcribe nhất thế giới trên YouTube năm 2014-2015 đã giúp trò chơi Flappy Bird có thêm hàng trăm nghìn lượt tải một ngày - có tác động như ngòi nổ để tạo nên hiện tượng Nguyễn Hà Đông trên toàn thế giới. Một giải thưởng của trang du lịch TripAdvisor có thể làm cho một khách sạn ở Việt Nam được cả triệu người biết đến. Một video của ca sĩ Sơn Tùng MTP có thể tạo nên mong muốn đi thăm một ngôi cổ tự ở hàng trăm nghìn người. Một concert của ca sĩ Hà Anh Tuấn có thể kéo hàng nghìn người tới Đà Lạt, tạo ra những tác động kinh tế không hề nhỏ. Thời đại số đã biến mỗi người trở thành một điểm phát thông tin trực tiếp đến hàng tỉ người trên thế giới với chi phí nhỏ nhất.

Với khả năng đem lại những lợi ích khổng lồ về kinh tế, giúp quảng bá địa phương, đất nước một cách hiệu quả, nâng cao sức mạnh mềm của quốc gia, văn hóa cần được đầu tư mạnh mẽ trong thời gian tới về mặt con người, chuyển đổi số và truyền thông để sớm mang lại những tác động tích cực mạnh hơn nữa, sâu hơn nữa, xa hơn nữa trong sự phát triển của đất nước. 

 Văn hóa không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp nâng cao thương hiệu vùng miền, quốc gia. Không chỉ là tập trung làm tốt theo cách truyền thống mà ngày nay cần đầu tư vào công tác xây dựng thương hiệu và quảng bá. Khó có thể tính được lợi ích về kinh tế, việc làm, ảnh hưởng quốc tế của một địa phương một đất nước nhờ vào đặc sản của mình.

(Chuyên gia NGUYỄN ĐÌNH THÀNH)

 NGUYỄN ĐÌNH THÀNH; Đồng sáng lập Elite PR School


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan