BẠN CŨNG CÓ THỂ LÀ NGƯỜI TUNG TIN GIẢ
Năm 2017, Viện Hàn lâm Pháp đã quyết định chọn dịch từ Fake news trong tiếng Anh thành INFOX trong tiếng Pháp với hàm nghĩa tích hợp của hai chữ Information-Thông tin và Intoxication - Ngộ độc, Intox là một dạng ngộ độc thông tin. Ngày 4/10/2018, Công điện của chính phủ Pháp ra khuyến cáo về cách dùng từ này. Đây là khái niệm “chỉ những thông tin bịa đặt, cố ý thiên lệch được tung ra để làm lợi cho một đảng phái hoặc tấn công một đảng phái khác, để bôi nhọ hình ảnh của một cá nhân hay doanh nghiệp hay để phủ nhận những sự thực khoa học đã được chứng minh”.
Trên thực tế, có thể chia tin giả thành nhiều loại từ loại có 1 chút sự thực đến loại bịa đặt 100%.
TIN GIẢ ĐƯỢC SẢN XUẤT NHƯ THẾ NÀO?
Tin giả có thế được sản xuất bằng cách lấy một thông tin cũ rồi tung ra vào một thời điểm mà tin đó có thể gây ra hiệu ứng mà “tác giả” mong muốn.
Tin giả có thể được sản xuất bằng cách lấy câu chữ của người này “nhét” vào miệng của người khác. Những câu chuyện đầu Ngô mình Sở. Râu ông nọ cắm cằm bà kia. Tin giả có khi là một cái mồi nhử để câu view, câu click (click bait).
Tin giả có thể được là những nhận định chủ quan của những người không có chuyên môn về một chủ đề mà vẫn phát ngôn.
Tin giả cũng có thể là những lời bông đùa, chế giễu nhưng bị coi là thật.
Chúng ta cũng có thể là người sản xuất, phát tán tin giả khi đưa tin đại loại như Hàng xóm nhà em bảo, em thấy có người nói, em thấy có người mách.
Chúng ta cũng có thể là người lan truyền tin giả khi gửi inbox cho nhau hay share thẳng lên FB, Insta, Youtube, Twitter, Zalo, Tumblr nhà mình những thông tin vô căn cứ hoặc thông tin kiểu như “em nghe nói”.
Người tung tin giả cố ý, thường giỏi ở một hoặc nhiều điểm sau:
Luôn biết tung tin vào lúc truyền thông hay dư luận quan tâm nhiều nhất đến 1 chủ đề nào đó.
Tìm ra nội dung hay, giật tít hấp dẫn.
HÌnh thức có thể rất chuyên nghiệp nếu cần nhưng cũng có thể ngây ngô như người amateur thứ thiệt.
TIN GIẢ ĐƯỢC TUNG RA ĐỂ LÀM GÌ?
Tin giả nhiều khi chỉ để chơi cho vui.
Tin giả nhiều khi được tung ra để tìm kiếm sự nổi tiếng.
TIn giả nhiều khi tung ra để kiểm tra sức đề kháng của một đối tượng nào đó.
Nổi tiếng dễ đi đôi với tai tiếng, thế nên người nổi tiếng thường dễ bị dựng chuyện hoặc tấn công.
Tin giả cũng có thể là vũ khí để công kích cá nhân, để các tập đoàn hạ bệ nhau, để quốc gia này khuấy đảo quốc gia khác.
TIN GIẢ GÂY THIỆT HẠI NHƯ THẾ NÀO?
Tin giả gây ra nhiều thiệt hại, vô tình hay cố ý, từ làm cho người khác ngộ độc thông tin, cũng có thể gây ra thiệt hại kinh tế, mất ổn định xã hội, chính trị, đe doạ an ninh, an toàn, thậm chí sự an toàn của một quốc gia.
Ví dụ như tin giả có người bị bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở một vùng nào đó có thể dẫn đến việc cô lập một vùng, thậm chí một đất nước. Đi lại khó khăn, giá di chuyển vốn tăng cao, hoạt động xã hội đình đốn (không còn giao thông công cộng, trường học, nhà hàng đóng cửa, thậm chí toà án cũng ngừng xét xử).
Tin giả được tung ra trước các vụ biểu tình về việc cảnh sát bị đánh rồi người biểu tình bị đánh làm cho cả hai bên căng thẳng và dễ có hành động quá giới hạn ngay trước khi sự kiện xảy ra.
Tin giả về việc thiếu hàng hoá làm người ta đổ xô đi mua và người cần thì không mua được, người thì mua quá nhiều, giá cả thì tăng vọt, sức ép logistic và sản xuất tăng quá mức cần thiết.
Tin giả về bạo loạn có thể gây mất ổn định an ninh xã hội, biến một sự việc nhỏ đã được khống chế thành một cơn bão lớn. �Tin giả về một công nhân bị ngược đãi có thể làm hàng nghìn người xuống đường phá phách hoặc gây rối.
TẠI SAO TIN GIẢ NGÀY CÀNG NHIỀU?
Thế giới đang dịch chuyển dần lên không gian số. Mỗi người đều là một nguồn phát thông tin. Có tới hàng tỉ TV, Radio, Media phát tin không ngừng nghỉ như thế ở mọi nơi mọi lúc trên thế giới về đủ loại chủ đề. Chỉ 1 phần trăm nhỏ trong số hàng tỉ “phóng viên mạng” đó tung tin giả thì cũng tương đương với triệu tin giả mỗi ngày rồi. Việc sản xuất tin giả lại vô cùng dễ dàng cộng với pháp luật trên không gian mạng không giống nhau giữa các nước, không phải lúc nào cũng đủ nghiêm khắc và đại đa số các “phóng viên mạng” không hề được đào tạo về lọc tin, kiểm tra tin, không được đào tạo về đạo đức báo chí…. tất cả làm nên một “biển thông tin” không được sàng lọc. Rất nhiều trong số đó trở thành tin giả.
LÀM SAO ĐỂ KIỂM TRA
1. Nguồn có chính thống không, có đáng tin cậy không? Các cơ quan báo chí chính thống chịu sự kiểm soát chặt chẽ và nhà báo thường được đào tạo bài bản nên thông tin đưa ra có độ xác thực và đáng tin cao. Ví dụ như có thể nhìn vào đuôi trang web để có phân loại bước đầu. .org. gov. .vn thường có độ đáng tin cao hơn.�Yếu tố thứ hai là có thể nhìn vào phần about us - tự giới thiệu xem tôn chỉ, mục đích, triết lý tồn tại của trang web hay của đơn vị/tổ chức ấy là gì.
2. Người phát thông tin có đáng tin không? (Có thẩm quyền? Hiểu biết? Năng lực). Người phát ra thông tin có thẩm quyền về việc ấy hay không? Có hiểu biết về việc đó đủ sâu hay không? Một bác sỹ nhãn khoa nói về viêm phổi thì mức độ chính xác của thông tin chuyên ngành ấy cần xem xét lại. Do sự bất đối xứng thông tin, góc nhìn của nhân viên khác với góc nhìn của manager, khác góc nhìn của director và càng khác góc nhìn của owner. Thế nên sự chênh lệch từ góc nhìn cũng dẫn đến sự khác biệt về tiếp nhận.
3. Ai được hưởng lợi từ tin đó ? Người phát ra thông tin có tính chính danh không? động cơ để làm gì? Nếu động cơ là vụ lợi thì tính chính xác của thông tin cũng giảm đi.
4. Kiểm tra cơ học: bạn có thể tải ảnh minh họa trong bài viết lên google image để kiểm tra hình ảnh đó có bị photoshop, chỉnh sửa không? Cùng tin này có nhiều báo đáng tin đăng không? Chất lượng ngôn từ có tương xứng với thông tin được đưa ra trong bài viết, video. Đọc comment dưới bài viết cũng có thể là một cách hữu hiệu vì nhiều comment phản biện cho thấy thông tin ở trên là sai, dù chủ status không muốn gỡ xuống.
PHÒNG CHỐNG TIN GIẢ NHƯ THẾ NÀO?
NHÀ NƯỚC và CÁC CƠ QUAN TRUYỀN THÔNG CHÍNH THỐNG
Nâng cao sự minh bạch và kịp thời trong việc đưa thông tin ra công chúng. Người ta tin vào hành động nhiều hơn là các tuyên bố, tin vào thực tế hơn là những lời hứa hẹn. Hà Nội không thiếu đồ ăn và hàng hoá đâu là một thực tế người dân có thể nhìn thấy ngay sau một ngày hỗn loạn mua sắm. Từ giờ trở đi, sẽ có nhiều người tin hơn vào điều này và ít lao đi vơ vét vì thế hàng hoá sẽ nhiều hơn và không bị thiếu thốn.
Việc thành lập một Trung tâm chống độc thông tin quốc gia dưới dạng một trang web. Người dân có thể lên đó kiểm tra xem thông tin mình nghe được “thật” đến đâu? đến từ nguồn có đáng tin hay không hay là một trò đùa.
Décodex https://www.lemonde.fr/verification/ là một trang web giúp kiểm tra mức độ đáng tin cậy của một trang web bằng tiếng Pháp như thế nào.
MỖI NGƯỜI DÂN
Đừng chia sẻ những gì không tận mắt mình nhìn thấy hay phát ra từ những nguồn chính thống, người đáng tin cậy, có chuyên môn sâu và thẩm quyền phát ngôn. Học cách phân loại tin giả cũng cách để tồn tại trong thời đại số. 3 chữ T cần nhớ:
Tỉnh táo: không chia sẻ thông tin vô căn cứ, không được chứng thực.
Tiết chế: đừng lên mạng tranh luận về chủ đề mà cả bạn và người tranh luận không có kiến thức sâu hay không có thẩm quyền về việc ấy. Chẳng bao giờ bạn thắng hay làm thay đổi được quan điểm của ai đó trong một cuộc tranh luận trên mạng đâu. Đồng thời hãy chủ động hạn chế nạp quá nhiều thông tin trong ngày dù tốt hay xấu. Ví dụ đọc cả ngày các thông tin về dịch bệnh, chiến tranh, chia ly, phản bội…bạn sẽ thấy cuộc đời này không còn đáng sống.
Trách nhiệm: xã hội là một cơ thể sống, khi tung ra một thông tin là bạn đang tác động đến nó. Nó sẽ tác động ngược lại với bạn. Hãy có trách nhiệm với những gì mình tung ra. Trong thời đại số, máy móc sẽ đưa đến cho bạn những thông tin mà bạn thường xuyên tìm kiếm. Thế nên mỗi người tự nhốt mình vào trong một quả bong bóng thông tin do chính mình tạo ra. Hãy tìm đến những thông tin thực sự hữu ích với bạn để máy móc sẽ đưa bạn đến những miền không gian số hữu ích.
Đừng để bị nỗi lo FOMO Fear of Missing Out hành hạ bạn. Mỗi ngày, nếu muốn chỉ nạp thông tin 3 lần về bệnh dịch: sáng, trưa, tối từ một nguồn thời sự có uy tín là đủ.
Thông tin không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi mà chỉ chuyển từ người này sang người khác nhằm tạo ra một hiệu ứng tâm lý hay hành động mà người phát ra thông tin mong muốn, dự tính.
Hãy là công dân mạng tỉnh táo và có trách nhiệm.