A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sự cuồng nhiệt với Royal City, Niềm vui và nỗi buồn của người Hà Nội.

Sự cuồng nhiệt với Royal City, Niềm vui và nỗi buồn của người Hà Nội.

Phải nói là đội PR của Vin Group đã làm việc rất tốt khi tạo ra một khí thế hừng hực ở nam phụ lão ấu suốt dọc các làng Thịnh Quang, Tam Khương, Quan Nhân, Chính Kinh, Cự Lộc, Giáp Nhất, Phùng Khoang vào đến tận quê lụa Hà Tây để đến thăm quan trung tâm thương mại lớn vào bậc nhất Đông Nam Á. Cơn khát hàng hiệu tầm trung của giới trung lưu Hà Nội cuối cùng cũng được thỏa mãn bằng một vại cocktial từ hơn hai trăm thương hiệu trong và ngoài nước. Mừng vì người Hà Nội nay đã có một trung tâm thương mại ngang tầm khu vực, mừng vì người Hà Nội có một khu tập thể khổng lồ đứng vào hàng biểu tượng thay thế cho những căn nhà lắp ghép của một thời bao cấp nghèo khó. Diện mạo của cả khu này rồi đây cũng sẽ thay đổi.
Nhưng xem trong sự náo nức, hồ hởi của người Hà Nội đến khu mới xây dựng, mới thấy thương dân Hà Nội. Một khu công viên ngoài trời vài nghìn mét đã là một “món quà’’ xa xỉ mà người ta háo hức đón nhận. Hóa ra, cái thiếu thực sự của người Hà Nội là những không gian công cộng để ít nhất là giải trí sau đó là vui chơi và mua sắm. Buồn thay cho một thủ đô to đùng to đoàng, lại còn sắm sanh cả một cái gọi là luật thủ đô, mà số lượng công viên cho ra hồn chỉ đếm không hết một bàn tay. (ngoài Vườn Hoa Lý Thái Tổ, Vườn hoa Lê Nin có chỗ nào xứng gọi là vườn hoa, công viên thực sự nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân?)

Tôi đã từng mơ và sẽ tiếp tục mơ Cung Hữu Nghị Việt Xô mở cửa buổi tối để người dân đến xem phim, đọc sách, học văn hóa nghệ thuật; sân cung là chỗ để nam thanh nữ tú, nam phụ lão ấu đến chơi, hóng mát mỗi buổi tối. Chỗ này bọn trẻ nhảy hip hop, tập võ, chơi contact juggling, chỗ kia nhảy múa hát hò thay vì để cả cái sân mênh mông ba bề cho các quán cà phê, chỗ đỗ xe và cái tượng đồng to đùng sao chép của Tàu ở đó.

Tôi đã từng mơ và sẽ tiếp tục mơ Hà Nội có một trung tâm văn hóa đương đại. Đó là một  trung tâm nghệ thuật liên ngành nằm trên một diện tích rất lớn, bao gồm quảng trường, không gian triển lãm, thư viện nghệ thuật mở cửa cho mọi người, không gian giáo dục mỹ thuật, hiệu sách, phòng chiếu phim, nhà hát, nhà ăn…khách có thể ở đây từ sáng đến tối, sống trọn một ngày trong nghệ thuật. Mô hình này đặc biệt cần thiết  với Việt Nam nơi dân số trẻ chiếm đại đa số, kém hiểu biết về nghệ thuật thậm chí không/chưa có nhu cầu thưởng thức mỹ thuật. (http://nguyendinhthanh.com/1682/news-detail/487383/van-hoa/can-thiet-hay-khong-mot-bao-tang-nghe-thuat-duong-dai-tai-ha-noi.html)

Tôi đã từng mơ và sẽ tiếp tục mơ Hà Nội của tôi đẹp như trong bài hát của Trần Tiến: Hà Nội những năm 2000, một Hà Nội đậm tình người. http://mp3.zing.vn/bai-hat/Ha-Noi-Nhung-Nam-2000-Quang-Linh/IWZFDUOI.html.  Một Hà Nội có cả những ngày hội âm nhac trong trường học, bệnh viện, nhà tù, các quảng trường bên cạnh những chương trình đóng cả thế giới vào một khuôn như The Voice, Idol.

Cũng như nhiều người khác, tôi nghĩ rằng sự phát triển của một đất nước không phải chỉ đo bằng số lượng xe ô tô siêu sang, tỷ lệ người dùng smart phone, số lượng các thương hiệu quốc tế có mặt mà còn phải đo bằng số lượng bảo tàng, nhà hát sống (theo nghĩa có trao đổi tương tác thực thụ với xã hội), bằng số lượng văn nghệ sỹ, số lượng người có bảo hiểm xã hội,  số người chết vì tai nạn giao thông, số y bác sỹ trên số người dân và bằng cả số lượng các vườn hoa, công viên nữa.

To đấy, đông đấy, vui đấy nhưng cũng buồn đấy, lo đấy và mong các ông các bà làm một cái gì đấy cho thành phố này bớt buồn.

                                                                                                                       


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan