NHỮNG CHÍNH SÁCH CẦN THIẾT ĐỂ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG MỸ THUẬT VIỆT NAM TỪ GÓC ĐỘ ĐẦU TƯ
Năm 2013, lần đầu tiên thị trường mỹ thuật đương đại thế giới vượt mức 1 tỷ euro và đạt mức 1,5 tỷ euros năm 2014 (tăng 33% so với năm 2013 và tăng gấp 10 lần trong vòng 1 thập kỷ qua). Thị trường đồ cổ, đồ cũ cũng đạt mức 1,126 tỷ euros (số liệu báo cáo thị trường mỹ thuật đương đại thế giới năm 2014 do trang web artprice.com tiến hành). Thị trường mỹ thuật thế giới phát triển sôi động với những thay đổi liên tục. Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác đã trở thành điểm đến yêu thích của các nhà sưu tập và đầu tư mỹ thuật. Giá tác phẩm của những nghệ sỹ ngôi sao đã vượt mức 500 triệu đô la Mỹ hàng năm. Nhiều nghệ sỹ đã nằm trong danh sách những người có thu nhập cao nhất thế giới. 100 nghệ sỹ có thu nhập cao nhất đã thu về 1 tỷ euros trong vòng 12 tháng quá so với 102 triệu euros hồi năm 2004. Vẫn theo trang web này thì Zeng Fanzhi, nghệ sỹ “đắt giá” nhất Trung Quốc đã thu về gần 60 triệu euros qua các phiên đấu giá năm 2014. Bức tranh Bữa ăn cuối cùng của hoạ sỹ này đã bán được 15,1 triệu euros hồi tháng 10 năm 2013. 1Lĩnh vực này cũng tạo ra hàng triệu công ăn việc làm trên thế giới. Các hội chợ, triển lãm mỹ thuật lớn được tổ chức dưới dạng Biennale (trên thế giới có hơn 100 Biennale) thu hút hàng triệu lượt người xem trong và ngoài nước2. Ngoài các tác động tới thị trường du lịch, phát triển kinh tế và ngoại giao, các Biennale là nhân tố tích cực làm thị trường mỹ thuật thế giới ngày càng sôi động.Hàng năm có từ 100,000 đến 200,000 tác phẩm nghệ thuật được bán trong các phiên đấu giá trên toàn thế giới dưới mức 10 000 euros và khoảng 80% trong số đó được bán với giá dưới 5000 euros. Không chỉ là các tác phẩm nguyên bản, các tác phẩm phái sinh cũng bán rất chạy, vừa là nguồn thu nhập của nghệ sỹ, vừa mang lại giá trị đầu tư cho người mua. Tác phẩm Balloon Dog của Jeff Koons đã được “sản xuất” với hai phiên bản nhỏ màu đỏ và xanh da trời, mỗi màu 2300 bản và được bán với giá từ 2000 đến 5000 euros trong khi vào năm 2000-2001, giá của chúng chỉ là 200-500 euros mà thôi. Thị trường quốc tế sôi động là vậy, nhưng tình hình ở Việt Nam lại không như vậy.
Mai Trung Thứ, Giai điệu, lụa, 1956
Có tồn tại một thị trường mỹ thuật tại Việt Nam không?
Trái với những gì người ta thường nghĩ, mua một tác phẩm nghệ thuật đương đại không đắt đến thế. Theo thống kê của Artprice.com năm 2014 thì gần 80% các tác phẩm nghệ thuật đương đại trên thế giới có thể mua được ở mức giá dưới 5000 euros (khoảng 150 triệu tiền Việt). Số tiền này chỉ tương đương với 1 bộ sản phẩm ipad – iphone và mac book đời mới mà rất nhiều người thành thị đã mua. Thế nhưng người ta thì lại không sẵn sàng bỏ số tiền ấy để mua tranh, tượng hay các tác phẩm nghệ thuật khác. Tại Singapore các hội chợ nghệ thuật đương đại diễn ra thường xuyên. Người tham dự có thể mua được các tác phẩm đương đại với giá từ vài trăm đô la trở lên. Tháng 4/2015, nhân dịp quốc đảo tròn 50 tuổi, Singapore đã làm triển lãm tác phẩm của 50 hoạ sỹ chọn lọc với giá tranh đồng hạng 500 đô la Singapore. Tại Pháp, các nghệ sỹ thường tổ chức ngày mở xưởng để mời công chúng tới xem và mua các tác phẩm, giá thông thường cũng chỉ vài trăm euros. Thế nhưng việc các gallery tại Việt Nam thấy khách Việt vào mua tranh thì vẫn là việc hiếm có. Một số gallery, cà phê nghệ thuật (Manzi, 3A station,…) hay trung tâm nghệ thuật độc lập (Nhà sàn Collective, Heritage Space,…) cũng chủ yếu làm công tác giới thiệu các tác giả, tác phẩm là chính. Thành quả thương mại của các hoạt động này không cao.Câu hỏi đặt ra là: Ai là (sẽ là) người mua tranh? Tại sao người ta mua? hay Tại sao người ta không mua?Các lý do hàng đầu để một người mua tranh có thể kể ra là:
1. Để trang trí nhà cửa, nhà hàng, khách sạn
2. Để đầu tư kiếm lời (trực tiếp hay gián tiếp)
3. Để dự trữ một phần tài sản của mình (cá nhân, tổ chức, công ty)
4. Để sưu tập vì yêu thích nghệ sỹ, nghệ thuật
Người mua có thể là cá nhân cũng có thể là các doanh nghiệp. Thế nhưng, việc không tồn tại một thị trường nghệ thuật tại Việt Nam đã khiến các nhà đầu tư cá nhân hay doanh nghiệp chần chừ hoặc thậm chí không nghĩ đến việc đầu tư vào nghệ thuật hoặc mua các tác phẩm nghệ thuật.Tại Pháp, người mua tác phẩm nghệ thuật của một nghệ sỹ còn sống sẽ được khấu trừ vào thuế thu nhập cá nhân hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp. Tại Mỹ, nếu tặng các tác phẩm nghệ thuật cho bảo tàng, người tặng sẽ được trừ ngược vào thuế thu nhập của mình và thậm chí được vinh danh.Doanh nghiệp tồn tại với mục đích kinh doanh sinh lời. Nếu mua một tác phẩm nghệ thuật mà sau một thời gian, giá trị của tác phẩm ấy từ A thành A+, hoặc khi doanh nghiệp cần tiền, hoặc thậm chí phá sản, tác phẩm nghệ thuật ấy được QUY ĐỔI DỄ DÀNG thành tiền hoặc có thể cầm cố, thế chấp thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ không ngần ngại khi mua tác phẩm nghệ thuật vì lúc đó, tác phẩm nghệ thuật trở thành một vật ngang giá, có tính thanh khoản cao, một loại “siêu tiền tệ”. Có lẽ đây chính là lý do chính khiến thị trường mỹ thuật thế giới sôi động đến vậy.
Đâu là những yếu tố làm nên một thị trường nghệ thuật?
Trở lại với tình hình Việt Nam: không tồn tại bất kì một địa điểm (có thể gọi là một cái “chợ” nghệ thuật) nào nơi các đồ cổ, đồ cũ, đồ mỹ nghệ và các tác phẩm nghệ thuật được trao đổi một cách chính thức, có tổ chức. Không có các chuyên gia thẩm định giá trị tác phẩm, sản phẩm được đào tạo và được nhà nước cấp bằng hành nghề, thiếu vắng hệ thống thống kê, trao đổi, cập nhật thông tin về tác giả, tác phẩm, giá tiền; không tồn tại hiệp hội các nhà môi giới nghệ thuật; các trao đổi thường là trực tiếp hoặc bằng tiền mặt mà không giao dịch qua ngân hàng, không có sự chứng kiến của cán bộ công chứng; bản thân nghệ sỹ cũng không có thói quen làm giấy chứng nhận tính nguyên bản và số lượng của tác phẩm. Người mua, có muốn mua cũng không có cơ sở nào để định lượng, để có được sự xác thực. Các ngân hàng cũng không mặn mà hỗ trợ người mua giống như hỗ trợ vay mua bất động sản, ô tô, xe máy. Thậm chí, khi định giá tài sản doanh nghiệp, không ngân hàng, luật sư, cán bộ công chứng nào “dám” ghi giá trị của một tác phẩm nghệ thuật mà cá nhân hoặc tổ chức nào đó sở hữu là trị giá bao nhiêu tiền. Tất cả chỉ đơn giản vì không có bất kì hệ thống định giá chính thức nào nên cả người mua, người bán, người trung gian không có gì làm định hướng. Nếu có mua tác phẩm, cũng không có ai đảm bảo rằng tác phẩm ấy có thể bán được trên thị trường quốc tế - tức là có một giá trị nào đó, bằng hoặc cao hơn mức giá ban đầu. Điều dễ hiểu là trong điều kiện như thế, sẽ rất khó có người bỏ tiền ra mua các tác phẩm nghệ thuật.Về mặt quản lý nhà nước, có ít nhất 3 thành phần của một thị trường nghệ thuật, giống như mọi thị trường khác, đó là: Người bán, Người mua, Người trung gian. Cả ba thành phần này đều phải được pháp luật công nhận và hoạt động chuyên nghiệp. Các giao dịch phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp quy luật quy định, bao gồm các hoạt động mua bán truyền thống. Về lâu dài, còn cần tính đến các giao dịch thuần tuý trên mạng.
Nguyễn Tiến Chung, Xuống chợ, sơn mài
Cần làm gì về mặt chính sách để hình thành thị trường mỹ thuật Việt nam?
Thay đổi lớn nhất cần phải có để hình thành thị trường mỹ thuật Việt Nam là phải coi đó là một THỊ TRƯỜNG, vận động theo các quy luật của thị trường. Rộng hơn nữa, cần nhìn toàn bộ ngành nghệ thuật từ mỹ thuật, âm nhạc tới văn học, điện ảnh dưới góc độ một NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HOÁ. Đó là cách các quốc gia phát triển ở Phương Tây, sau này là Hàn Quốc, Trung Quốc và gần đây là Philippines đã làm và thành công.Các cụm chính sách cần thay đổi là:1. Về cơ chế: 1.1. Thành lập 1 đến 2 trung tâm nghệ thuật, ở đó thường xuyên diễn ra các hoạt động trao đổi, đấu giá các tác phẩm mỹ nghệ, đồ cổ, đồ cũ và các tác phẩm nghệ thuật. Có thể gọi là một hình thức “chợ nghệ thuật” không có chợ thì không có thị trường. Không có thị trường trong nước thì không thể liên thông với thị trường nước ngoài. Đặc biệt với các cam kết trong WTO và AFTA, TTP thì các doanh nghiệp nước ngoài trong mọi lĩnh vực kể cả kinh doanh nghệ thuật sẽ tới Việt Nam, lúc đó, các doanh nghiệp trong nước cũng không có cơ hội cạnh tranh với họ.1.2. Cần chuyên nghiệp hóa các nghề liên quan tới mỹ thuật (từ đào tạo đến thực hành nghề) và có công nhận trong danh mục ngành nghề. Trong đó bổ sung những nghề như: chuyên gia kiểm định (chất liệu, độ xác thực, niên đại); chuyên gia lịch sử mỹ thuật; nhà phê bình; giám tuyển (curator); môi giới nghệ thuật; người điều hành đấu giá… để những người hoạt động trong lĩnh vực này được pháp luật công nhận. Kết quả thẩm định của họ có thể được các ngân hàng, các cơ sở định giá và pháp luật công nhận có giá trị. Ngoài ra, họ có thể đóng thuế thu nhập và có lương hưu sau này.1.3. Cần đưa ra chính sách cụ thể về miễn, giảm, giảm trừ thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp cho các nhà bảo trợ văn hoá, cho người mua các tác phẩm nghệ thuật. 1.4. Các tác phẩm nghệ thuật cũng là một SẢN PHẨM vì thế cũng cần có các quy định về người sản xuất, chứng nhận nguồn gốc (chứng nhận tính xác thực, năm sáng tác, số lượng) và từ đó mới xác định một MỨC THUẾ ĐẶC BIỆT cho thu nhập sinh ra từ các sản phẩm này. Vì tác phẩm nghệ thuật cũng là sản phẩm nên phải có chế tài xử phạt tranh giả, tranh nhái, kể cả những người làm giả, làm nhái tranh của chính mình. Đây là một trong những nguyên nhân làm mỹ thuật đương đại Việt Nam lỡ chuyến tầu hội nhập vào thị trường nghệ thuật thế giới những năm 1995-2000.
Đỗ Hiệp, Xin chào, tổng hợp
2. Về thị trường:2.1. Đưa ra các quy định cụ thể về bảo hiểm dành cho các tác phẩm nghệ thuật, từ có chính thức công nhận giá trị quy đổi của các tác phẩm nghệ thuật. Chủ động đối thoại với các ngân hàng, các quỹ đầu tư để giới thiệu các nghệ sỹ Việt Nam và tìm thị trường cho mỹ thuật Việt.2.2. Tổ chức festival nghệ thuật đương đại Việt Nam 2 năm một lần trong đó có sự kết nối với các gallery trong và ngoài nước; các thể chế, chuyên gia nghệ thuật, nhà đầu tư tài chính trong và ngoài nước. Để nhanh chóng ghi danh Việt Nam trên bản đồ thị trường mỹ thuật thế giới. Cần tạo quan hệ và phối hợp đưa nghệ sỹ Việt Nam và gốc Việt Nam đi triển lãm ở các festival, hội chợ nghệ thuật khu vực và thế giới (Singapore, Hàn Quốc, Philippines, Hồng Kông, Trung Quốc, Basel, Venise,…). 2.3. Tạo điều kiện cho các gallery phát triển và xây dựng mô hình nhà đấu giá nghệ thuật đầu tiên tại Việt Nam với các ưu đãi cao nhất trong nhiều năm nhằm tạo tiền đề cho hoạt động này phát triển. Chủ động mời các nhà đấu giá quốc tế thành lập văn phòng tại Việt Nam.
3. Về truyền thông: Thành lập trung tâm dữ liệu về nghệ sỹ, nghệ thuật, thị trường nghệ thuật Việt Nam bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Hàng năm có các báo cáo về biến động trong năm, dự đoán xu hướng, kết nối với các chuyên gia, nhà sưu tập, nhà đầu tư nước ngoài. Sử dụng một cách có hệ thống và chiến lược các kênh truyền thông xã hội phù hợp với thị trường trong và ngoài nước. Cần có đội ngũ truyền thông chuyên nghiệp, phối hợp chặt chẽ với các nhà báo xã hội và người có ảnh hưởng trên mạng để mang các tác phẩm đến gần với công chúng hơn. Nếu có thể, xúc tiến xây dựng và sưu tầm các tác phẩm để trưng bày ở Trung tâm nghệ thuật đương đại hoặc Bảo tàng nghệ thuật đương đại Việt Nam.
Thái Nhật Minh, Mẹ con, tổng hợp 2014. Ảnh Nguyễn Văn Vũ
4. Về quản lý: tuy các quy trình thủ tục tổ chức triển lãm đã có nhiều cải tiến và đơn giản nhưng nên chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm và có thể tiếp nhận đơn qua mạng, từ đó giảm thiểu nhân lực vật lực của đơn vị quản lý cho công tác này đồng thời nâng cao tính trách nhiệm của nghệ sỹ với tác phẩm của mình. Chưa đầy 1 thập kỷ tích cực đầu tư phát triển thị trường nghệ thuật đương đại, giờ đây Philipline đã có mặt trong top 20 thị trường nghệ thuật đương đại thế giới. Hai nghệ sỹ Phillippine đã có mặt trong danh sách 500 nghệ sỹ đương đại đắt giá nhất và có 1 nghệ sỹ đang bán tranh 1 năm ở mức 3 triệu euros, xếp thứ 76 trong số 500 hoạ sỹ đắt giá nhất năm 2014. “Giá trị của tổng số tác phẩm bán được năm 2014 của các hoạ sỹ Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Indonesia và Thái Lan (không hề có nghệ sỹ Việt Nam) chiếm tới 54% doanh thu thị trường này trên toàn thế giới. Trung Quốc đã trở thành một thị trường nghệ thuật lớn nhất nhì thế giới, Đài Loan đứng thứ 6 thế giới (với 9,9 triệu euros giao dịch); Singapore đứng thứ 7 (5 triệu euros); Hàn Quốc đứng thứ 9 (4,9 triệu euros); các thị trường mới nổi đáng chú ý là Philippines, Malaysia và Indonesia”3. Điều này chứng tỏ, trọng tâm của thị trường mỹ thuật thế giới bắt đầu dịch chuyển về châu Á Thái Bình Dương và đây là một cơ hội cho mỹ thuật Việt Nam. Chỉ khi các cải cách cả về cách nhìn nhận và khung pháp lý, đào tạo được tiến hành một cách có chiến lược và quyết liệt thì mỹ thuật đương đại Việt Nam nói riêng và mỹ thuật Việt Nam nói chung mới không bỏ lỡ chuyến tầu hội nhập quốc tế lần thứ hai.
1 Báo cáo thường niên năm 2014 về thị trường mỹ thuật thế giới của Artprice.com2 20 Biennale uy tín nhất trên thế giới: https://news.artnet.com/art-world/worlds-top-20-biennials-triennials-and-miscellennials-18811
3 Báo cáo thường niên năm 2014 về thị trường mỹ thuật thế giới của Artprice.com
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo thường niên năm 2014 về thị trường mỹ thuật thế giới của Artprice.comhttp://imgpublic.artprice.com/pdf/artprice-contemporary-2013-2014-en.pdf2. Một vài suy nghĩ về các chính sách hỗ trợ phát triển Nghệ thuật đương đại Việt Nam. Tham luận Hội thảo của Nguyễn Đình Thành tại hội thảo Mỹ thuật Việt Nam thời kì đổi mới do Viện Mỹ thuật tổ chứchttp://nguyendinhthanh.com/nghe-thuat-duong-dai-viet-nam-mot-vai-suy-nghi-ve-cac-chinh-sach-ho-tro-phat-trien.html3. 20 Biennale uy tín nhất trên thế giới: https://news.artnet.com/art-world/worlds-top-20-biennials-triennials-and-miscellennials-188114. Nghệ thuật đương đại Việt Nam có (còn) gì để nói? Tác giả: Laurent COLINBài viết: http://soi.com.vn/?p=637555. Cần thiết hay không một bảo tàng nghệ thuật đương đại ? Đăng tại : http://www.hanoimoi.com.vn/vn/43/150081/ ngày 11/11/2007Tác giả: Trang Thanh Hiền – Nguyễn Đình Thành 6. Bảo trợ nghệ thuật tại Việt Nam: Sao thờ ơ thế?Đăng trên Diễn đàn kinh tế Việt Nam VEF của báo Vietnamnet ngày 21/11/2010http://vnn.vietnamnet.vn/vanhoa/201011/Sao-tho-o-the-948274/Tác giả: Nguyễn Đình Thành 7. Nghệ thuật VN thiếu sự bảo trợ từ doanh nghiệpĐăng trên báo Tuổi Trẻ, Thứ Tư, 11/02/2009http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=301174&ChannelID=10
N.Đ.T
(Bài đăng trên Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh số tháng 7+8/2015)
Link bài viết: http://ape.gov.vn/nhung-chinh-sach-can-thiet-de-phat-trien-thi-truong-my-thuat-viet-nam-tu-goc-do-dau-tu-d759.th