A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tàn bạo và hấp dẫn, nghịch lý của chủ nghĩa Quốc xã

Đã 51 năm trôi qua kể từ khi chủ nghĩa Quốc xã chấm dứt sự tồn tại chính thức của mình, nhưng những vấn đề mà nó gây ra vẫn tiếp tục trở thành đề tài thu hút sự chú ý của công luận trên toàn thế giới, đặc biệt sau khi những tài liệu mật của Liên Xô trước đây về chủ nghĩa Quốc xã được giải mật. Đã có cả chục bộ phim, hàng chục tiểu thuyết và khảo luận về Hitler và các nhân vật chủ chốt của chủ nghĩa Quốc xã mà gần đây nhất là cuốn Các nữ thần báo oán của Jonathan Littell (giải Goncourt 2006). Tuần báo Le point của Pháp đã dành một chuyên đề để nói đến hệ thống SS và hấp lực của cái Ác tuyệt đối – chủ nghĩa Quốc xã. Sau đây là một bài trích dịch trong số các bài viết ấy.

 

Dưới đây là bài phỏng vấn ông Peter Reichel, giáo sư khoa học chính trị tại trường Đại học Hamburg, tác giả của cuốn Hấp lực của chủ nghĩa Quốc xã. (NXB Odile Jacob) do François-Guillaume Lorrain thực hiện

Peter Reichel

Tàn bạo và hấp dẫn, nghịch lý của chủ nghĩa Quốc xã

François-Guillaume Lorrain phỏng vấn

(Nguyễn Đình Thành Dịch, bài đã đăng trên Talawas năm 2007)

Đã 51 năm trôi qua kể từ khi chủ nghĩa Quốc xã chấm dứt sự tồn tại chính thức của mình, nhưng những vấn đề mà nó gây ra vẫn tiếp tục trở thành đề tài thu hút sự chú ý của công luận trên toàn thế giới, đặc biệt sau khi những tài liệu mật của Liên Xô trước đây về chủ nghĩa Quốc xã được giải mật. Đã có cả chục bộ phim, hàng chục tiểu thuyết và khảo luận về Hitler và các nhân vật chủ chốt của chủ nghĩa Quốc xã mà gần đây nhất là cuốn Các nữ thần báo oán (Những kẻ Thiện tâm, bản dịch của Cao Việt Dũng) của Jonathan Littell (giải Goncourt 2006). Tuần báo Le Point của Pháp đã dành một chuyên đề để nói đến hệ thống SS và hấp lực của cái Ác tuyệt đối – chủ nghĩa Quốc xã. Sau đây là một bài trích dịch trong số các bài viết ấy.

 

Dưới đây là bài phỏng vấn ông Peter Reichel, giáo sư khoa học chính trị tại trường Đại học Hamburg, tác giả của cuốn Hấp lực của chủ nghĩa Quốc xã. (NXB Odile Jacob) do François-Guillaume Lorrain thực hiện

 

*

 

Tại sao chủ nghĩa Quốc xã (CNQX) lại hấp dẫn đến vậy?

Một sự hấp dẫn hay nói như Thomas Mann "một sự ngưỡng mộ kinh tởm" nào đó. CNQX đã đưa chính trị vào hai phạm trù vừa đối lập vừa bổ sung cho nhau, đó là khủng bố và thẩm mỹ, nhất thiết phải nối hai đặc điểm này với nhau. Đó là cái mà tôi gọi là bản chất hai mặt của nền độc tài. Một mặt là sự bùng vỡ bạo lực tội ác, mặt khác là sự sản sinh ra một vẻ ngoài được tô điểm, dối trá và ảo tưởng. Bởi CNQX, cái đã dựng nên một nhà nước không luật pháp và một hệ thống cai trị tàn bạo, không thể sống sót được nếu chỉ dựa trên một chế độ khủng bố và hủy diệt. Nó không những cần phải làm cho người ta sợ mà còn phải quyến rũ, làm choáng ngợp, làm mê hoặc, sản sinh ra cái đẹp và những tặng thưởng mang tính biểu trưng. Đó là ý nghĩa của sự thần bí hóa chính trị - tôn giáo của Führer - Quốc trưởng, của những cuộc huy động quần chúng được tổ chức hoàn hảo, những dàn dựng mang tính ái kỷ của dân tộc Đức và của cái mà họ cho là sự thống nhất dân tộc. Dù gì đi nữa, ý thức hệ Quốc xã vẫn cần phải được cụ thể hóa, được minh họa. Đó là một thứ ý thức hệ dựa trên hình ảnh và sự đối lập sắc nét giữa "người được chọn" và "người bị gạt bỏ", giữa "thân xác lành mạnh" và "thân xác bệnh hoạn", "người thanh khiết" và "người uế tạp"… Bên cạnh việc gây ra hàng loạt cuộc chiến, CNQX còn châm ngòi cuộc chiến tuyên truyền. Bản thân CNQX đã là một bộ máy khổng lồ sản sinh ra sự sùng bái và do đó là sự mù quáng. Một trong những ví dụ rõ ràng nhất là bộ phim về trại tập trung Theresienstadt mang tên Quốc trưởng đã trao cho dân Do Thái một thành phố. Bằng việc che giấu sự thật, Đảng Quốc xã đã thành công trong việc dùng cái Ác tuyệt đối tạo nên một tác phẩm tạo cảm giác cho công chúng là người Do Thái đang được đối xử tử tế.

 

Hãy đi sâu vào các chi tiết. Theo ông sự hấp dẫn này có những đặc điểm gì chính?

 

Một tên tội phạm vĩ đại luôn là hình tượng gặt hái được nhiều thành công trong lịch sử vì nó là hiện thân của quỷ dữ, vị bán thần làm cho người ta vừa sợ vừa thích. Về mặt này, không có gì cấm kị khi nhìn nhận Đệ tam Đế chế như một thiên truyện trinh thám chính trị li kì. Điều hấp dẫn không kém trong CNQX chính là những kỹ thuật tân kì và các yếu tố thẩm mỹ hiện đại, sự triển khai trên quy mô hoành tráng máy bay, ô tô, tên lửa và thiết bị chiến tranh. Ở đây có một trong những nghịch lý của CNQX, một chế độ quyết liệt chống hiện đại nhưng đồng thời cũng triển khai nhiều yếu tố đánh dấu tiến bộ kỹ thuật của thời đại chúng ta. Chúng ta cũng không nên đánh giá thấp hấp lực khiêu dâm của lý tưởng về hình thể và về phân biệt chủng tộc của người Homo SS với mái tóc vàng, bộ quân phục đen. Sartre, trong cuốn Chết trong tâm hồn xuất bản năm 1949 đã quan sát kỹ yếu tố này khi ông miêu tả trạng thái rối loạn ác dâm-tự hành hạ của một thanh niên Pháp khi nhìn đoàn quân Đức tiến vào Paris: "Tim hắn đập thình thịch và hắn nhìn họ… Họ lướt nhìn qua hắn bằng ánh mắt vô cảm và sau họ còn những người khác nữa đang tới, những thiên thần khác. Hắn thì thầm: ‘Họ mới đẹp làm sao!… Những thiên thần của sự căm thù và tức giận. Đây rồi những người thẩm phán mới, đây rồi luật pháp mới!’. Không còn tỉnh táo nữa, hắn hổn hển đôi chút, lẩm bẩm: ‘Vào thun thút, họ thun thút đi vào Paris, họ sẽ cho chúng ta đau [1] , tuyệt quá!’".

 

Cái hấp lực xưa giờ có còn tác dụng?

 

Tất nhiên là vẫn còn. Điều nổi bật nhất đó là, văn hóa Quốc xã là một nền văn hóa thị giác có sức hấp dẫn lớn hơn văn bản. Ấy vậy mà, cho đến nay chúng ta vẫn còn miêu tả lịch sử Quốc xã chủ yếu qua hình ảnh. Tất nhiên có những tác phẩm đáng chú ý như Đêm và sương mù của Resnais, Shoah của Claude Lanzmann, nhưng hiện chúng ta đang phải chịu đựng cả một núi tác phẩm thường ở mức dưới trung bình về chủ đề này. Chúng nuôi dưỡng sức hấp dẫn của CNQX và cản trở việc hiểu con người thật của Hitler vào thời điểm đó, tức là một gương mặt chính trị-lịch sử không phải từ trên trời rơi xuống. Sau khi miêu tả Hitler như quỷ dữ và do đó đẩy ông ta xa chúng ta đến mức tối đa, xu hướng hiện nay đang theo chiều ngược lại. Người ta tiến lại gần Hitler, gần nhất có thể được, biến ông ta thành một nhân vật riêng, tách khỏi chính trị. Những điều cấm kị dần dần biến mất, các nhận định giờ đây được đưa ra không còn khoảng cách, không còn mang tính suy nghĩ hay đạo đức. Điều này cũng đúng với Goebbels hay Albert Speer. Người ta đang làm thỏa mãn một cách thấp hèn nhu cầu của giới trẻ và của công chúng, những người muốn được giải trí như trên ti vi: người ta đưa ra những hình tượng nhân vật bị tối giản như những nhân vật được đề cập đến trong các talk-shows hay các chương trình truyền hình cuộc sống thực (télé-réalité). Những nhân vật quan trọng của chúng ta nay được giới thiệu trong những khung cảnh riêng tư nhất của đời họ. Không còn bối cảnh lịch sử. Trong bộ phim Das Goebbels-Experiment phát hành tại Đức năm 2005, nhân vật Goebbels được miêu tả như một con người hoang tưởng tự đại và tự thương hại mình. Còn về Speer, câu hỏi thực sự đặt ra là: ông ta có biết gì về người Do Thái hay không? Thế mà bộ phim nói về ông ta lại có tựa đề Hitler und er (Hitler và ông ta). Trong phim này, các con của Speer, những người chủ chốt, lại tránh trả lời câu hỏi này. Về phần Hitler, trong bộ phim La chute – tạm dịch Trượt dốc - phát hành ở Pháp năm 2005, Hitler hiện lên trong phim như một người hấp hối thống khổ. Cái boong-ke trở thành trung tâm thế giới trong khi phim không hề nhắc đến giai đoạn cuối của Auschwitz cùng thời điểm đó hay cuộc hành quyết những người kháng chiến năm 1945 ở Plötzensee. Bộ phim La chute do một người tự cho là mình hiểu rõ lịch sử Đệ tam Đế chế thực hiện và khẳng định là mình đã hoàn thành một "sứ mệnh lịch sử". Đây là một lời lăng nhục đối với nhiều nạn nhân, những người vào thời điểm năm 1945 đang phải chịu một kết cục bi thảm. Tất cả những bộ phim này đều dẫn đến sự tầm thường hóa mà Jean Amery, nhà triết học người Do Thái tại Áo sống sót ở trại Auschwitz, đã tiên đoán: "Đệ tam Đế chế của Hitler sẽ chỉ đơn giản là Lịch sử trong một thời gian nữa. Không tệ hơn cũng không tốt hơn những thời kì đen tối khác. Một đế chế khát máu, hẳn rồi. Nhưng nó cũng có cuộc sống thường nhật của mình. Hitler, Himmler, Heydrich sẽ trở thành những cái tên so sánh được với Napoléon, Robespierre hay Saint Just".

 

 

Bản tiếng Việt © 2007 talawas

 

--------------------------------------------------------------------------------

[1]Nguyên văn: Ils vont nous faire du Mal - người ta sẽ mang lại cái Ác cho chúng ta. Chữ "mal" không viết hoa trong thành ngữ này thì có nghĩa «làm cho người ta đau, hành hạ ai đó», một liên tưởng đến chứng bạo dâm của người thanh niên trong truyện. Vì không tìm được giải pháp chuyển nghĩa trọn vẹn nên chúng tôi chọn dịch là "làm cho chúng ta đau".


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan