Cưỡng cơn gió bấc
Thiết kế bìa đơn giản và cấu trúc câu chuyện 286 trang từ đầu đến cuối toàn là trao đổi email của Cưỡng cơn gió bấc dễ làm nản lòng một người đọc nóng vội. Sau chỉ ba trang đầu, người đọc khó có thể rời mắt khỏi cuốn truyện và thường có xu hướng đọc từ đầu đến cuối. Cái gì đã làm tác phẩm của nhà văn người Áo Daniel Glattauer bán được 750 nghìn bản tiếng Đức và được dịch ra 25 thứ tiếng trên toàn thế giới?
Thiết kế bìa đơn giản và cấu trúc câu chuyện 286 trang từ đầu đến cuối toàn là trao đổi email của Cưỡng cơn gió bấc dễ làm nản lòng một người đọc nóng vội. Sau chỉ ba trang đầu, người đọc khó có thể rời mắt khỏi cuốn truyện và thường có xu hướng đọc từ đầu đến cuối. Cái gì đã làm tác phẩm của nhà văn người Áo Daniel Glattauer bán được 750 nghìn bản tiếng Đức và được dịch ra 25 thứ tiếng trên toàn thế giới?
Cả cuốn truyện mười chương là những dòng trao đổi e mail, đưa người ta vào thế giới riêng tư của hai công dân mạng. Cô gái gửi nhầm nhiều lần e mail yêu cầu cắt đặt báo dài hạn tới hộp thư của chàng trai. Sau những e mail cắm cảu đầu tiên là những đối đáp ngày càng dí dỏm và người đọc được cung cấp thông tin nhỏ giọt về nhân thân của mỗi nhân vật. Emma đã có gia đình hạnh phúc theo nghĩa thông thường của xã hội nhưng tối tối vẫn ngủ riêng và có thể viết thư cho người bạn trên mạng vào bất cứ lúc nào. Leo vừa chia tay bạn gái và không có ý định tìm người khác ngay lập tức. Nhưng những trao đổi qua mạng thú vị đến mức cả hai không dứt ra được. Từ chuyện gửi thư qua loa, viết cho nhau đã trở thành một nghi lễ âm thầm giữa hai người. Họ nghiện e mail của nhau. Cho đến một ngày họ quyết định gặp nhau. Nhưng khác với hai nhân vật trong Bạn có thư với Tom Hanks và Meg Ryan, Emma và Leo hẹn nhau ở một quán cà phê đông người với quy ước: không được nhận ra nhau. Hai người đã không nhận ra nhau. Chàng trai và em gái đã đóng giả là một cặp tình nhân và anh ‘‘nhìn’’ thấy ba người có thể là Emma qua miêu tả của cô em gái. Còn Emma thấy không có ai ‘‘ra mặt đàn ông’’ trừ chàng trai dễ thương với cô người yêu ở góc quán – chính là Leo. Sau cuộc hẹn, họ lại tiếp tục tự do tưởng tượng về nhau và yêu nhau từ bao giờ không biết. Cho đến một hôm người chồng đọc được chồng e mail mà người vợ đã in ra, ông đã chủ động yêu cầu chàng trai kia hãy gặp vợ ông và ngủ với cô ấy một đêm, một đêm thôi rồi trả cô ấy về với ông và gia đình ông. Tình yêu, sự khắc khoải mong đợi, ham muốn xác thịt hay gần gũi về mặt tinh thần, lời yêu cầu của người chồng và cả…sự mong đợi của độc giả cũng không đủ để tác giả cho hai nhân vật chính gặp nhau. Tác giả đã khéo léo đến mức người đọc dù đã chắc mười mươi là ông sẽ không cho họ gặp nhau nhưng vẫn nuôi chút hy vọng cho đến trang cuối cùng rằng họ sẽ gặp nhau. Chỉ bằng những trao đổi e mail không cầu kì, chau chuốt, tác giả đã lột tả được cái cảm giác bâng khuâng, ngột ngạt, khắc khoải của chờ đợi rồi vỡ òa khi nhận được dù chỉ vài chữ của người yêu.
Chính tác giả đã tiết lộ : ‘‘Ban đầu tôi chỉ định viết hai mươi, hoặc ba mươi trang trao đổi e mail. Thế rồi hình thức biểu đạt này làm tôi thích đến nỗi cả phần sau của cuốn tiểu thuyết đều được thể hiện theo cách mà những trang đầu đã được viết’’. Hình thức trao đổi qua e mail đó đã làm cho tiểu thuyết mang đến những tương tác cảm xúc trực diện và ngay lập tức như kịch nói mà vẫn làm người đọc phải tưởng tượng như khi đọc một tiểu thuyết thông thường. Không giới hạn vào khuôn khổ của một câu chuyện tình trên mạng, truyện còn hé lộ những suy nghĩ của thế hệ 7x tại Áo về gia đình, hạnh phúc, đặt ra những câu hỏi về thế nào là một ‘‘gia đình êm ấm’’ về sự hi sinh tình cảm riêng để bảo tồn hạnh phúc gia đình. Như thế nào thì gọi là ‘‘ngoại tình’’? Đâu là chỗ dành cho những phút ngoài vợ ngoài chồng? Những giây phút ấy có vai trò thế nào trong cuộc sống gia đình và cuộc đời của mỗi người? Truyện khép lại bằng một email dài đầy tâm tư của Emma làm người đọc bâng khuâng.
Đây có thể coi là một thành công đáng kể trong việc giới thiệu văn học tiếng Đức tại Việt Nam. Trái với hình ảnh sai lạc thường thấy là văn học Đức khô khan, quá nặng về triết lý, các tác phẩm được xuất bản gần đây như Người đọc của Bernard Schlink, Đo thế giới của nhà văn trẻ Daniel Kehlmann, Con sóng thứ bảy của Daniel Glattauer, đã cho người đọc biết thêm về một dòng văn học Đức dễ tiếp cận, hình thức hiện đại và giọng văn dí dỏm. Chúng ta cùng chờ đợi được đón đọc nhiều tác phẩm văn học Đức đương đại trong thời gian tới.
Daniel Glattauer, sinh năm 1960, là một nhà văn Áo. Ông bắt đầu viết từ năm 1989 chuyên về các chủ đề chính trị và pháp luật cho nhật báo lớn của Áo là Der Standard. Tiểu thuyết đầu tiên mang tên Théo và phần còn lại của thế giới ra đời năm 1997. Ông là tác giả của 11 tiểu thuyết đã xuất bản bằng tiếng Đức.
Bản dịch của Lê Quang
Nguyễn Đình Thành
10/10/2010