A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Loạn bàn về bản sắc văn hoá VN và nghệ thuật đương đại VN

NĐT: “Thế nào là bản sắc văn hóa Việt Nam?” việc bạn đặt ra câu hỏi ấy đã chứng tỏ bạn là người Việt Nam và đó là bản sắc của bạn. Theo tôi, bản sắc là cái làm mình khác với những người khác. Chuyên gia về toàn cầu hóa, ông Dominique Wolton đã nhận định: Khi toàn cầu hóa càng phát triển, thế giới càng phẳng, thì người ta lại thấy phản ứng phổ biến của các cộng đồng là co mình lại để khẳng định bản sắc. Nước Mỹ rất đa dạng bởi các nhóm sắc tộc và họ ra sức bảo vệ điều đó trong sự đa dạng với những nhóm sắc tộc khác. Nhưng khi ra nước ngoài, họ lại thể hiện mình là người Mỹ trong cách ăn nói, suy nghĩ, uống nước... Đó chính là bản sắc của người Mỹ, cái làm họ khác những dân tộc khác cho dù họ có ý thức về điều đó hay không!

PV: “Thế nào là bản sắc văn hóa Việt Nam?”

NĐT: “Thế nào là bản sắc văn hóa Việt Nam?” việc bạn đặt ra câu hỏi ấy đã chứng tỏ bạn là người Việt Nam và đó là bản sắc của bạn. Theo tôi, bản sắc là cái làm mình khác với những người khác. Chuyên gia về toàn cầu hóa, ông Dominique Wolton đã nhận định: Khi toàn cầu hóa càng phát triển, thế giới càng phẳng, thì người ta lại thấy phản ứng phổ biến của các cộng đồng là co mình lại để khẳng định bản sắc. Nước Mỹ rất đa dạng bởi các nhóm sắc tộc và họ ra sức bảo vệ điều đó trong sự đa dạng với những nhóm sắc tộc khác. Nhưng khi ra nước ngoài, họ lại thể hiện mình là người Mỹ trong cách ăn nói, suy nghĩ, uống nước... Đó chính là bản sắc của người Mỹ, cái làm họ khác những dân tộc khác cho dù họ có ý thức về điều đó hay không! 


Có lần ở Pháp, khi ôm một cái cột trong một lâu đài xưa xem nó thế nào tôi chợt nghĩ: có bao giờ người Pháp, người Đức đặt câu hỏi: ''có phải cha ông ta mới là người nghĩ ra kiểu kiến trúc này chứ không phải người Ý, người Hy Lạp'' hay không, chắc chắn không vì với họ đây là một phần trong một công trình kiến trúc và nó đương nhiên là của họ. Kể cả người Ý, họ có bao giờ đặt câu hỏi đâu là phần Hy Lạp, đâu là phần La Mã trong văn minh Hy-La đâu. Đó chỉ đơn giản là văn hóa của họ. Cái đã được dân tộc họ chắt lọc đúc kết và bây giờ họ vẫn tiếp tục sử dụng nó. Quá trình giao lưu văn hóa qua hàng nghìn năm lịch sử đồng thời là quá trình tiếp biến, cải tiến văn hóa, Chữ Nho vào Việt Nam nhưng được cải tiến thành chữ Nôm thì chữ Nôm đó là di sản văn hóa của người Việt Nam. Đã đến lúc chúng ta phải dừng việc tranh cãi cái đũa là của người Trung Quốc hay người Hàn Quốc mà cần nghĩ đến việc chúng ta tiếp quản, sử dụng và phát triển thành quả đó như thế nào cho đúng. 

PV: Nếu xóa nhòa những ranh giới đó thì bản sắc văn hóa Việt Nam nằm ở đâu? Theo tôi, những nét tinh túy của văn hóa Việt Nam được cô đọng trong văn hóa làng xã. Cái bản sắc rõ nét nhất in dấu trên những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, những thôn quê nhà tranh vách đất với những phong tục thuần Việt được gìn giữ nghìn đời nay? 

NĐT: . Những nét tinh tế của văn hóa Việt chính là ở cách chúng ta ăn, cách chúng ta chế biến món ăn, cách chúng ta sống, cách nhìn nhận thế giới xung quanh. Văn hóa Việt là cách tổ chức ngôn ngữ là ca dao, tục ngữ, cách chúng ta ứng xử trong gia đình, với anh em, xóm làng... ngày nay, cách chúng ta phản ứng với thế giới quan hệ thống blog cũng là một bản sắc Việt. 

PV: Blog- một sản phẩm của thế giới thời toàn cầu hóa? 

NĐT: Đúng vậy. Nếu chúng ta sưu tập tất cả các blog viết năm 2007, một trăm năm sau đọc lại chúng ta sẽ nhìn thấy lịch sử của VN năm 2007 là gì chính xác là cái gì? Chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều suy nghĩ của giới trẻ và nhiều người không còn trẻ Việt Nam nghĩ gì vê đất nước, nghĩ gì về thế giới, những sự kiện diễn ra hàng ngày vào cái mốc thời gian ấy... 

PV: Không phải blog nào cũng khẳng định một sự thật! 

NĐT: …Kể cả những hoang mang, chông chênh của thế hệ cũng là một sự thật của lịch sử 

PV: Nhưng lịch sử phải chính xác ở sự kiện và con số? 

NĐT: Blog là một trong những cứ liệu khẳng định lịch sử đó! 

PV: Đó là quan điểm của anh về tinh hoa văn hóa Việt Nam. Vậy khi tiếp xúc với người nước ngoài, anh thấy họ cảm nhận về văn hóa Việt Nam như thế nào? 

NĐT: Bất chấp những lời nói hoa mỹ, những cuộc vận động rầm rộ cho vịnh Hạ Long, những quảng bá cho cuộc thi hoa hậu thế giới sắp được tổ chức, những chuyến lưu diễn được ca ngợi… đáng tiếc là nhiều người nước ngoài chỉ biết đến Việt Nam như là một đất nước của chiến tranh. Một nghệ sỹ Việt Nam sang Copenhaghen biểu diễn kể đồng nghiệp người nước ngoài của anh đã hỏi: “Việt Nam nằm ở đâu? Việt Nam nằm ở phần nào của Trung Quốc? Việt Nam đã hết chiến tranh chưa?”. Nhiều người ngạc nhiên khi biết người Việt Nam đi xe Mercedes, BMW… Nhiều người khác chỉ biết đến Việt Nam qua những cánh đồng lúa thơ mộng, đàn trâu gặm cỏ, thiếu nữ tha thướt áo dài, nhạc cổ truyền, múa rối nước…Tôi nghĩ chúng ta cần làm nhiều hơn nữa và hiệu quả hơn nữa để làm cho người nước ngoài biết đến Việt Nam ở những khía cạnh đương đại với thực tế và sắc độ văn hóa xã hội khác nhau. 

PV: Anh có thể cắt nghĩa rõ hơn về nhận xét này? 

NĐT: Có thể tạm định nghĩa Nghệ thuật đương đại là nghệ thuật của ngày hôm nay, nói đến vấn đề của ngày hôm nay với những kỹ thuật được biết cho đến ngày hôm nay do một nghệ sĩ sống trong thời đại này sáng tạo sau một quá trình lao động nghệ thuật miệt mài để tạo ra cái mới, cái độc đáo. 
Những chuyển biến trong nghệ thuật Việt Nam những năm từ nửa sau thập kỷ 90 với việc nghệ thuật bước ra khỏi khuôn khổ bảo tàng, nhà triển lãm, mọi thứ đều có thể trở thành nghệ thuật miễn là có ý tưởng, không nhất thiết phải học đại học Mỹ Thuật mới được làm nghệ thuật, thực sự là bước chuyển lớn của nghệ thuật Việt Nam nói chung. 
Những sáng tạo đầy tính cách tân (chỉ xin liệt kê một số người) của Trương Tân, Trần Lương, Nguyễn Minh Thành, Ly Hoàng Ly, Bùi Công Khánh, Streimatter Tran… trong mỹ thuật; của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Thuận…trong văn học; EA Sola, Lê Vũ Long, Hà Thế Dũng, Régine Chopinot, Trần Ly Ly, nhóm +84, Storm Robinzky trong múa; Vũ Nhật Tân, Trí Minh, nhóm “Dân ca miền không biết”, Kim Ngọc…trong âm nhạc; vở kịch "Chuyện người lính" của đạo diễn Braxin Marcia Fiani, vở xiếc “Làng tôi” của Rạp xiếc Trung ương kết hợp với các nghệ sỹ Pháp; Phan Huyền Thư, Phan Thị Vàng Anh, Bùi Thạc Chuyên và nhiều đạo diễn trẻ trong dự án Mười tháng mười phim ngắn trong điện ảnh v.v… theo tôi đã làm thay đổi diện mạo của nghệ thuật Việt Nam, nằm trong khái niệm nghệ thuật đương đại. 


PV: Nghệ thuật đương đại ở ngay những vùng đất sản sinh ra chúng cũng bị coi là một “món ăn khó nuốt” với công chúng. Nhiều nhà phê bình phương Tây cũng cho rằng, sự đam mê với kiểu nghệ thuật này cũng là một thứ “giả đò” màu mè. Vậy giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới bằng nghệ thuật đương đại, liệu có phải là một cuộc chơi quá phiêu lưu?
 

NĐT: Cái khó của nghệ thuật đương đại là có nhiều tác phẩm gây sock và có nhiều nghệ sĩ quá chú tâm đi tìm cái đó. Chính vì thế công chúng hay có những định kiến và khó chịu khi tiếp nhận nghệ thuật đương đại. Nhưng nghệ thuật đa dạng vì nó đáp ứng những gu thưởng thức khác nhau. Không nên gò cái gây sốc, cái thể hiện thực tế một cách trần trụi không che lấp, cái tiên phong vào thang thẩm mỹ phổ cập. Trên đời không có một vẻ đẹp duy nhất. Vì vậy, chúng ta, mà trước hết là nhà quản lý và các cơ quan truyền thông phải có cái nhìn cởi mở về nghệ thuật đương đại từ đó phản ánh trung thực và khách quan hơn về loại hình này. Nghệ sĩ phải trau dồi vốn sống, kiến thức, đặc biệt là ngoại ngữ không chỉ ở mức giao tiếp để có thể giao lưu, tiếp nhận thời sự, đề cập đến những vấn đề mà nghệ thuật thế giới đang nói đến hay đang quan tâm tới. 
Cần thiết phải thành lập các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài để phổ biến văn hóa Việt Nam do những những người chuyên nghiệp, có tầm và chuyên môn về văn hóa phụ trách.

PV: Dù có đổ nhiều tiền vào công tác quảng bá, nhưng cái cốt lõi là tài năng và sự sáng tạo của người nghệ sĩ mòn cụt, hoặc sao chép, bắt chước thì tác phẩm cũng không thể sống trong lòng công chúng. Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng đã nhận xét về cơn bão “Hậu hiện đại” với các nghệ thuật sắp đặt, trình diễn…đang lôi kéo lớp trẻ vào trò chơi với nhiều tài trợ và các nguyên tắc nghệ thuật bị vứt bỏ nhanh chóng. Và ông liên tưởng đến một thứ văn hóa toàn cầu đơn điệu, giống nhau, chán ngắt như Mac Donald…Chúng ta có thể giới thiệu đến công chúng thế giới một thứ văn hóa toàn cầu như vậy?
 

NĐT: Nghệ thuật là tiếng nói của cá nhân mà trong cá nhân đó đã chứa đựng cái “tôi”, cái bản sắc của anh ta. Nhiều khi tôi rất dị dứng với những cái gọi là “bản sắc” Việt Nam. Chẳng lẽ cứ phải có con trâu, ruộng lúa, nón lá, áo dài…mới là tác phẩm mang bản sắc Việt Nam? Theo tôi, đó chỉ cần là tác phẩm của người Việt Nam, làm ra ở Việt Nam, thậm chí không ở Việt Nam nhưng “cội rễ” là của người Việt cũng đã mang bản sắc Việt. 
Mỹ thuật đương đại Việt Nam hoàn toàn có thể nói chuyện một cách bình đẳng với công chúng và giới nghệ thuật thế giới với những người như Trần Trọng Vũ, Trần Lương, Nguyễn Minh Thành, Lê Hồng Thái, Nguyễn Minh Phước... Nhạc sĩ Trí Minh sáng tạc nhạc đương đại biểu diễn ở Mỹ, Pháp và các liên hoan nhạc quốc tế. Những chuyến lưu diễn của Lê Vũ Long đã tìm được khán giả trong công chúng Mỹ. Các tác phẩm của EA Sola về cuộc sống đương đại Việt Nam được trình diễn ở một trong những nhà hát danh tiếng nhất của Paris và hai tuần trước khi diễn đã không còn một ghế trống. Rồi những nghệ sĩ múa như Hà Thế Dũng, Quách Hoàng Điệp, Nguyễn Văn Hiền, Phượng Hoàng, Tuấn Anh đều làm việc bằng tiếng nước ngoài, hưởng lương, bảo hiểm như những nghệ sĩ Pháp, biểu diễn ở những sân khấu sang trọng nhất nước Pháp

PV: Ai sẽ là người đánh giá những thành công của nghệ thuật đương đại Việt Nam và sẽ đánh giá dựa trên những tiêu chí nào?
 

NĐT: Giới chuyên gia nghệ thuật quốc tế và công chúng nói chung. Tôi có nói chuyện với một số họa sĩ có tranh triển lãm ở Hàn Quốc và họ nhận xét: Hàn Quốc phát triển như vậy nhưng nghệ thuật đương đại vẫn đi sau Việt Nam…Cứ ước chừng có khoảng 1 triệu trong số 60 triệu dân số Pháp là khán giả của nghệ thuật đương đại. Họ là ai? Đó là trí thức, nhà báo, nghệ sỹ, những người có học…đó là những người có góp phần hình thành trào lưu thẩm mỹ cho công chúng và dư luận xã hội. Nếu tác phẩm đương đại Việt Nam gây ấn tượng tốt cho số ít đó đã là một thành công trong việc phổ biến nghệ thuật đương đại Việt Nam tại Pháp và tương tự như vậy ở Mỹ, Anh và Đức vốn là ba trung tâm nghệ thuật đương đại quan trọng nhất thế giới hiện nay. 
Theo tôi, có lẽ phải có một “chủ nghĩa dân tộc” trong nghệ thuật đương đại. Không phải ngẫu nhiên mà tranh của người Trung Quốc rất được tôn trọng vì các nhà sưu tập Trung Quốc có thể bỏ ra đến 1 triệu đô la để mua một bức tranh của người Trung Quốc. Trong khi đó, người Việt Nam có thể bỏ hàng triệu đô la để mua ô tô, máy bay, nhưng có mấy ai bỏ ra 500 đô la mua một bức tranh? Nền nghệ thuật của một quốc gia mong muốn được tôn trọng thì trước hết nó phải nhận được sự trân trọng từ người dân quốc gia đó. 


PV: Nghệ thuật đương đại Việt Nam sau một thời gian “phun trào” mạnh mẽ dường như đang bước vào thời kỳ “đóng băng”. Một loại hình nghệ thuật đã “mới lạ”, nay lại đang “đóng băng”, tức là không có những tác phẩm mới, những nghệ sĩ độc đáo có thể “đọ sức” với những nền nghệ thuật đương đại đã có tuổi đời gần một thế kỷ. Vậy trong tương lai, chúng ta sẽ quảng bá những hình ảnh nào của Việt Nam qua nghệ thuật đương đại?
 

NĐT: Bắt đầu mở ra từ những năm 1990, bùng nổ vào những năm 2000, hiện nay, nghệ thuật đương đại Việt Nam đang chững lại. Các tác phẩm bây giờ không những phải mới, khác lạ mà còn cần phải có chiều sâu. Sự phát triển này có thể ví như một đứa trẻ con đang dậy thì. Những năm đầu phát triển rất nhanh nhưng mỗi năm về sau chỉ nhỉnh được một, hai cen ti mét. Số lượng người xem cũng không tăng lên nhiều. Tôi nghĩ đây là quá trình tích tụ để dẫn đến bước ngoặt. 

PV: Sự chững lại này, phải chăng là do chúng ta vẫn chưa có những cá nhân thực sự xuất sắc, có bản lĩnh sáng tạo dựa trên một chiều sâu văn hóa lâu đời? 

NĐT: Theo tôi, lỗi đó thuộc về giáo dục và môi trường xã hội. Chúng ta vẫn chưa thói quen đào sâu suy nghĩ và đi đến tận cùng vấn đề. Để vào được ĐH mỹ thuật Paris, thí sinh sau khi nộp tác phẩm nghệ thuật của mình sẽ phải trải qua một vòng phỏng vấn kiến thức lịch sử mỹ thuật và bảo vệ tác phẩm của mình. Khi vào được trường, sinh viên đã biết vẽ và hiểu lịch sử mỹ thuật, còn trong các giờ lịch sử nghệ thuật, họ được tập trung vào những chủ điểm do giảng viên lựa chọn. Sinh viên học theo xưởng chứ không chia lớp và ở đó họ được tự do sáng tác và có chính kiến bảo vệ tác phẩm của mình trước sự phê bình của người khác. Ở Việt Nam, cách đào tạo mỹ thuật vẫn bị “chê” là kinh viện, khép kín, sinh viên chưa cổ vũ hoặc không có dịp bảo vệ tác phẩm của mình trước những ý kiến trái ngược của thầy cô, giới chuyên môn, báo giớihoặc công chúng. 


PV: Nếu phải làm một việc gì đó ở tầm vĩ mô, anh sẽ làm gì ? 

NĐT: tôi nghĩ cần phải có một cuộc khảo sát toàn diện do ba nhóm chuyên gia thực hiện: một của Việt Nam (vì ta ở trong nhìn ra), một nhóm chuyên gia Pháp (nước bảo trợ văn hóa mạnh mẽ), nhóm thứ ba đến từ Mỹ (nơi mối quan hệ giữa các thể chế công và tư phối hợp rất năng động, hiệu quả). 
Nếu đi vào các việc cụ thể, theo tôi phải bắt tay vào cải cách các thư viện, các viện lưu trữ, bảo tàng, những nhà hát…nâng hiệu quả sử dụng và tạo hình ảnh mới năng động cho những định chế ấy. Những trung tâm nghệ thuật liên ngành sẽ được hình thành trên một diện tích lớn bao gồm quảng trường, không gian nghệ thuật, viện bảo tàng, thư viện nghệ thuật mở tự do, không gian giáo dục mỹ thuật, hiệu sách, phòng chiếu phim, nhà hát, nhà ăn...Khách có thể ở đây từ sáng đến tối, sống trong một không gian nghệ thuật. Các loại hình sáng tạo ở đây sẽ góp phần định hướng cho công chúng trong thưởng thức nghệ thuật. Mô hình này đặc biệt phù hợp với Việt Nam nơi dân số trẻ chiếm đa số kém hiểu biết về nghệ thuật thậm chí không có nhu cầu thưởng thức

PV: Việc giới thiệu văn hóa đương đại Việt Nam ra nước ngoài trong thời gian qua dường như chỉ nằm ở vai trò của các cá nhân hoặc một số tổ chức. Vậy theo anh, các định chế công nên phải làm gì để thúc đấy quá trình này?
 

NĐT: Theo tôi, qua các doanh nghiệp hoặc qua sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài, các định chế chính thức cần hỗ trợ mạnh mẽ các nghệ sĩ của mình như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan đang làm. Cần có chính sách khuyến khích giảm thuế cho các nhà tài trợ nghệ thuật dù là doanh nghiệp hay cá nhân, tác động của chính sách này sẽ rất lớn. Hiện người ta có thể bỏ hàng trăm triệu tài trợ cho các chương trình ca nhạc, thời trang nhưng ít ai đi mua các tác phẩm nghệ thuật bày trong doanh nghiệp mình, để tặng cho bảo tàng hay tài trợ cho một nghệ sĩ trẻ, và ngay cả khi làm như vậy, họ cũng không được giảm thuế hay miễn thuế. Trong khi những việc làm như vậy lại rất phổ biến ở Pháp, Đức, Mỹ…Chúng ta cần tổ chức, phối hợp tổ chức các Festival nghệ thuật đương đại liên ngành, mời các nhà tổ chức, các nhà giám tuyển nối tiếng tham dự, qua đó nhờ họ quảng bá cho các nghệ sĩ đương đại Việt Nam… 

PV: Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện! 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan