KHI "NHỮNG CHIẾC KHIÊN CỦA ĐẤT" KỂ CHUYỆN
- Paris, Berlin, Roma, Vienna... những thành phố mà chỉ nghe tên thôi cũng làm cho những kẻ đam mê du lịch và khám phá không khỏi bồi hồi.
\n
\nNào là bảo tàng lớn nhất thế giới Louvre, tháp Eiffel nào là Khải hoàn môn, Bảo tàng Sissi, nào là bảo tàng Vatican, Coloseum…Lịch sử hàng ngàn năm của thế giới được lưu giữ qua những công trình lớn ấy. Thế nhưng lại có những vật dụng tưởng chừng bình thường, xuất hiện khắp nơi trong thành phố, chứa trong mình biết bao câu chuyện hay thì chẳng mấy người chú ý. Hãy cùng lắng nghe câu chuyện của những chiếc nắp kim loại đặt trên đường mà chúng tôi gọi là những chiếc khiên của đất.
\n
\n\n
\n\n
\n\n
\nTừ khi con người bắt đầu tổ chức cuộc sống dưới hình thức thành phố thì nhu cầu xử lý nước thải đã xuất hiện và cùng với nó là những chiếc nắp cống. Người La Mã có lẽ là những người đầu tiên nghĩ ra vật dụng này để có thể tiến hành nạo vét cống một cách định kì. Cho đến nay chưa có tài liệu chính thức nào nói về sự ra đời của các nắp cống nhưng những chiếc nắp cống còn sót lại xuất hiện không muộn hơn thời cộng hòa La Mã.
\n
\nKết luận này đến từ việc trên nhiều nắp cống cổ của Italia người ta thấy có dòng chữ SPQR viết tắt của dòng chữ Latin: Senatus Populusque Romanus (Nghị viện và Dân chúng thành Roma). Người La Mã cổ đại đã phát triển hệ thống thoát nước một cách tài tình không chỉ tại Roma mà còn phát triển ở các nước bị chinh phục. Ngày nay, ta vẫn còn bắt gặp những dòng chữ như thế này tại Roma. Tuy xuất hiện sớm nhưng nắp cống và các loại nắp kim loại chỉ phát triển ở các thành phố vào nửa sau thế kỷ 19 như một sản phẩm của ngành công nghiệp nặng non trẻ.
\n
\n\n
\n\n
\n
\nNắp cống ban đầu có hình vuông, chữ nhật nhưng sau đó người ta đã cải tiến thành hình tròn để tránh việc nắp có thể rơi xuống gây nguy hiểm cho người làm việc bên dưới. Không chỉ là vật dụng thông thường của ngành cấp thoát nước, điện, gas, điện thoại các nắp cống còn là một phần của lịch sử, mang trên mình những thông điệp văn hóa. Thông thường hình trang trí trên các nắp cống là các hình kỷ hà được bố trí đối xứng với nhau. Tuy nhiên nhiều thành phố đã in trên đó biểu tượng của thành phố mình, tên thành phố, xưởng sản xuất, bản đồ thành phố, một số nắp khác được trang trí như một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Nắp cống thậm chí còn mang ý nghĩa chính trị khi tại Italia, nhà độc tài Mussolini đã cho in hàng loạt dòng chữ SPQR ở trên với ý nghĩa đây là những chiếc nắp của Tân đế chế La Mã.
\n
\nNắp cống gắn liền với các đường ống cống cũng đi vào văn học và nghệ thuật. Chúng ta hẳn còn nhớ một Jean Van Jean bị đuổi bắt trong những đường cống dài tưởng như vô tận của Paris hay cảnh Thành Long và Chris Tucker thò đầu lên khỏi nắp cống Paris trong Rush hour 3. Họa sỹ Nhật Tetsuya Tsutsui còn sáng tác hàng chục tập truyện tranh lấy tên Nắp cống. Ở Paris còn có cả một bảo tàng về cống ngầm và những chiếc nắp cống mỗi năm thu hút tới 95.000 lượt người xem.
\n
\n\n
\n\n
\nTưởng chừng vô hại, những chiếc nắp cống cũng có thể gây nên scandal. Năm 2005, một phụ nữ ở Mỹ đã chết vì điện giật trên nắp hộp điện ngầm ở New York hay điều tra của phóng viên ảnh J. Adam Huggins của New York times đã làm chấn động nước Mỹ khi cho thấy hình ảnh của các công nhân Ấn Độ đúc nắp cống cho thành phố New York làm việc trong những điều kiện như thời Trung Cổ: không thiết bị bảo vệ, chỉ đóng mỗi khố trần, đi chân đất. Vụ việc một lần nữa đặt ra vấn đề bảo vệ người lao động và khuyến khích người tiêu dùng mua sản phẩm của những cơ sở tôn trọng bảo hộ lao động. Ngay cả cái tên của các nắp cống cũng gây ra tranh cãi đến mức người ta phải đổi tên gọi của nắp cống. Nguyên do là trong tiếng Anh, nắp cống được gọi là manhole cover.
\n
\nMan là người đàn ông, hole là hang, manhole cover là ‘‘nắp đậy hang của người đàn ông’’. Trước sức ép của các tổ chức nữ quyền, ngày 23 tháng 6 năm 1990, thành phố Sacramento ở California đã phải đổi tên chính thức của các nắp cống thành ‘‘maintenance hole ’’ – nắp bảo dưỡng. Chiếc nắp kim loại thông thường này thậm chí còn trở thành đề tài tranh cãi khi có nguồn tin cho rằng chính người Mỹ là những người đã đưa vật thể nhân tạo đầu tiên vào vũ trụ. Những người ủng hộ ý kiến này nói đến một vụ thử hạt nhân của Mỹ vào năm 1957 mang tên Pascal B đã khiến một chiếc nắp kim loại của khu thử hạt nhân Nevada nặng gần 1 tấn bay lên với vận tốc lớn đến mức nó có thể xuyên thủng bầu khí quyển và đi ra ngoài trái đất. Tuy nhiên nhiều nhà khoa học đã khẳng định rằng chiếc nắp này đã bị đốt cháy hoàn toàn trước khi ra khỏi bầu khí quyển.
\n
\n
\n\n
\n
\n
\n\n
Không hiểu vì đẹp quá hay vì giá trị thực của mỗi nắp cống ngày càng cao khi giá thép tăng cao (mỗi nắp cống nặng từ 50-70 kg) mà số lượng nắp cống bị ăn cắp ngày càng nhiều. Tờ Bưu điện Ấn Độ cho biết trong hai tháng của năm 2007, đã có tới 10 nghìn nắp cống bị ăn trộm ở Calcuta. Tờ China Daily cho biết năm 2004, đã có tới 24.000 chiếc nắp cống bị ăn trộm ở Bắc Kinh và mỗi ngày có trung bình 12 chiếc nắp cống bị đánh cắp ở Thượng Hải. Việc này không chỉ xảy ra ở châu Á mà còn xảy ra ở các châu lục khác gây ra những vấn đề nhức nhối về tính mạng người đi đường.
\n
\n\n
\n\n
\nTrên thế giới hiện nay có nhiều câu lạc bộ, trang web đăng tải các hình ảnh về nắp cống được sưu tầm từ khắp nơi trên thế giới. Hãy thử bước vào thế giới hình ảnh của các nắp cống mà xem, bạn sẽ thích ngay mà.
\n
\nNguyễn Đình Thành
\n
\nLink trên Vietnamnet: http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/4840/khi--nhung-chiec-khien-cua-dat--ke-chuyen.html
\n\n
\n