A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

GÓC PHỐ DANH VỌNG: THỔI BÙNG ĐAM MÊ TUỔI TRẺ

 

Những bài hát nổi tiếng của giới trẻ, những trích đoạn nhạc trong các vở nhạc kịch nổi tiếng, một đạo diễn trẻ tài ba và những bạn trẻ nhiệt huyết và tài năng: Góc phố danh vọng hội đủ các yếu tố của một vở nhạc kịch thời thượng. Đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh đã biết thổi bùng ngọn lửa đam mê nghệ thuật của các diễn viên không chuyên thế hệ 9x để lấp kín khán phòng 500 chỗ của Rạp Công Nhân và đem lại không chỉ cảm xúc mà còn nhiều suy nghĩ đáng chú ý của giới trẻ hiện nay.

Những bài hát nổi tiếng của giới trẻ, những trích đoạn nhạc trong các vở nhạc kịch nổi tiếng, một đạo diễn trẻ tài ba và những bạn trẻ nhiệt huyết và tài năng: Góc phố danh vọng hội đủ các yếu tố của một vở nhạc kịch thời thượng. Đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh đã biết thổi bùng ngọn lửa đam mê nghệ thuật của các diễn viên không chuyên thế hệ 9x để lấp kín khán phòng 500 chỗ của Rạp Công Nhân và đem lại không chỉ cảm xúc mà còn nhiều suy nghĩ đáng chú ý của giới trẻ hiện nay.

 

Một vở diễn đầy cảm hứng

Được dàn dựng lần đầu tiên năm 2012 với sự tham gia của các bạn trẻ thế hệ 9x, Góc phố danh vọng là chương trình thử nghiệm giữa biểu diễn ca nhạc, kịch độc thoại và các màn trình diễn vũ đạo. Câu chuyện xoay quanh 3 nhân vật chính là ca sỹ Roxanne, chàng hoàng tử lưu lạc trong dân gian Flint và con tuần lộc biến thành người Rudolph. Roxanne vì đam mê danh vọng đã bỏ người yêu để theo người giàu có để rồi sau đó gặm nhấm nỗi buồn trong không gian tù túng của cảnh nhung lụa. Câu chuyện kết thúc có hậu khi Roxanne đã hiểu được mặt trái của danh vọng và từ bỏ nó; chàng hoàng tử Flint lưu lạc trong dân gian được vua cha gọi về và cưới nàng Roxanne hãnh tiến. Kịch bản mang tính giải trí cao nhưng cũng mang những ý nghĩa xã hội sâu sắc được thể hiện bằng ngôn ngữ âm nhạc và vũ đạo một cách hài hước, tươi trẻ. Mượn cốt chuyện như một câu chuyện cổ tích, đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh thể hiện một cái nhìn sâu sắc của thế hệ trẻ 9x về quan niệm sống, về hạnh phúc, sự thành đạt và tình yêu đôi lứa. Người ta thấy thấp thoáng đâu đây trong hình ảnh của Roxanne là những cô gái sẵn sàng làm mọi thứ để bước vào làng giải trí, sâu hơn là mẫu người hãnh tiến như chàng sinh viên ngheo Rastignac của Balzac hai thế kỷ trước. Người ta thấy thấp thoáng trong sự giàu có chóng vánh của Rudolph hình ảnh của lớp nhà giàu mới, của sự thành đạt bằng mọi thủ đoạn: giàu có đấy nhưng cũng thô lỗ, tàn bạo đấy. Cư dân của Góc phố cũng là sự tái hiện của một môi trường cạnh tranh và sự đố kị, nơi sự bao dung là một điều xa xỉ.

 

Là một dự án của người trẻ và vì người trẻ nên ngôn ngữ thể hiện trong chương trình cũng rất trẻ trung, năng động và hấp dẫn. Những vấn đề nghiêm túc được đề cập đến một cách hài hước và bất ngờ. Đạo diễn trẻ Phi Anh đã pha trộn thực tế và tưởng tượng, nghiêm túc và tự trào vào nhau theo một tỷ lệ phù hợp đến nỗi người ta không thể xem, vừa suy ngẫm vừa không khỏi bật cười.

 

Một điểm cộng nữa của chương trình là phần lớn rất tốt. Một số bài nhạc mới được Phi Anh đặt lời việt đã làm chương trình chạy ‘‘ngọt’’ hơn. Góc phố danh vọng đã chinh phục khán giả bằng sự chân thực và hồn nhiên của những con người làm nên nó. Nghệ thuật cần gì hơn là cảm xúc và sự chân thành? Các diễn viên, nhạc công, vũ công dù không hoàn hảo nhưng đã biểu diễn với tất cả năng lượng, niềm đam mê và cả cái run rẩy sâu thẳm của những người lần đầu đứng trên sân khấu. Diễn viên trong chương trình là học sinh trung học, sinh viên trong nước, du học sinh về nước nghỉ hè, sinh viên mới tốt nghiệp, phóng viên, vũ công không chuyên và cả những người mới bước qua cánh cửa nghệ thuật chuyên nghiệp. Nhiều em đã bỏ kì nghỉ hè, bỏ cơ hội việc làm, xin tạm ngừng làm việc để theo đuổi dự án đầy tham vọng này. Nữ diễn viên chính vai Roxanne (Việt Nga-sinh viên ĐH Ngoại Thương Hà Nội mới tốt nghiệp), Vũ Đỗ Quang Minh (Rudolp – sv Nhạc Viện) thực sự nổi bật xứng đáng là nhân vật trung tâm của vở diễn. Sự góp mặt của Bảo Trâm (top 3 cuộc thi Vietnam Idol 2012) cũng thu hút được sự chú ý và cảm xúc của công chúng trong phiên bản lần này.

 

Điểm trừ của chương trình có lẽ là thời lượng quá dài (2h30 phút), dù diễn viên, nhạc công và ca sỹ cống hiến hết mình như thể họ không biết đến sự mệt mỏi nhưng có lẽ nhịp tập luyện và biểu diễn quá dày cũng ảnh hưởng tới thể lực của các diễn viên không chuyên; Nhiều phân đoạn có thể bỏ đi để khán giả dễ hiểu hơn và tập trung vào vở diễn hơn. Có những bài hát quá sức của ca sỹ, chuyển cảnh chưa hợp lý hay décor sân khấu chưa phát huy hết tác dụng. Đặc biệt ánh sáng chưa ngang tầm vở diễn, nhiều động tác đẹp, sắp đặt tạo hình thú vị đã bị phần ánh sáng ‘‘tẩy’’ mất khỏi vở diễn. Điều không thể phủ nhận đó là khán giả trong khán phòng đã có dịp cảm nhận sức mạnh của cảm xúc và sự chân thật của những nghệ sỹ, diễn viên trẻ trên sân khấu.

 

Và suy nghĩ về hỗ trợ sáng tạo trẻ tại Việt Nam

Khó có thể tưởng tượng một đạo diễn trẻ chưa tốt nghiệp phải trực tiếp giải quyết bao nhiêu vấn đề về thủ tục, hậu cần ngoài công việc sáng tác của mình. Từ vận động tài trợ cho đến trang phục, truyền thông,...tất cả đổ dồn lên người đạo diễn trẻ và các cộng sự của anh đến từ các trường đại học và thậm chí là trung học phổ thông. Anh tâm sự : “lần này tôi đã phải đối diện với nhiều thử thách không ngờ. Nhưng thử thách ấy không phải đến từ diễn viên, nhạc công hay công việc sáng tạo mà là công tác hậu cần, kỹ thuật”. Thiếu một giám đốc sản xuất chuyên nghiệp chương trình chưa được hoàn thiện như mong muốn, thiếu những chuyên gia truyền thông chuyên nghiệp, thông tin về vở diễn và quan hệ với báo giới cũng chưa được trọn vẹn.

Một vấn đề thú vị nữa được đặt ra là: một chương trình không chuyên, do các bạn trẻ ngoài 20 tuổi dàn dựng và biểu diễn lại có thể có tới 8 buổi biểu diễn với khán phòng chật kín và độ lan tỏa rộng đến vậy, trong khi nhiều đoàn nghệ thuật vẫn phải ‘‘loay hoay’’ lấp đầy khán phòng mỗi đêm biểu diễn? Thành công tương tự cũng đến với những vở Hip hop như Nhiều Mặt trong đó các nhạc cụ dân tộc cũng được đưa vào biểu diễn cùng các vũ công hip hop và khán phòng chật ních khán giả, cổ vũ cuồng nghiệt. Hay độ lan tỏa đáng kinh ngạc của clip học lịch sử Việt Nam. Phải chăng sân khấu chuyên nghiệp cũng cần chuyển mình để lắng nghe tâm tư, tìm hiểu nhu cầu của giới trẻ và học cách “kể chuyện” bằng ngôn ngữ của giới trẻ. Phải chăng nên đầu tư thêm cho các đạo diễn trẻ làm những gì mà thế hệ họ mong muốn và khao khát. Hệ thống các phòng biểu diễn như Nhà văn hóa học sinh sinh viên (Hồ Thiền Quang), Cung văn hóa Hữu nghị nên “mở rộng vòng tay” bằng cách tài trợ cho các đoàn nghệ thuật trẻ một nơi biểu diễn với mức giá rẻ hơn nhiều lần giá thị trường? Phải chăng các đơn vị đào tạo nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật nên kết hợp gần gũi hơn để các biên đạo trẻ, đạo diễn trẻ có cơ hội làm được tác phẩm đầu tay của mình ngay từ năm thứ hai, thứ ba? Điều đáng quý nổi trội ở đây là sinh viên – đạo diễn trẻ Phi Anh đã không ngồi đợi cơ hội đến mà chủ động tạo cơ hội cho mình và các bạn trong thế hệ mình.

Góc phố danh vọng đã khép lại với tư cách một dự án của người trẻ, cho người trẻ, được sáng tạo và sản xuất với một sự tự tin và kiêu hãnh cần có ở những người trẻ. Thành công của vở diễn chính là lời kêu gọi mạnh mẽ nhất cho các bạn trẻ đang theo học ngành sáng tạo tại Việt Nam.

 

Hà Nội ngày 7/7/2013

Nguyễn Đình Thành

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật