A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giới thiệu tác phẩm : Nửa kia của Hitler

Bởi Hitler không nằm ngoài mỗi người, hắn nằm trong ta. Hắn là một trong những con người mà chúng ta có thể trở thành. Hắn sẽ là chúng ta khi chúng ta để mình bị cuốn theo những suy luận dễ dãi, tối giản hóa sự việc, tìm cách đổ lỗi cho người khác. Hắn sẽ là chúng ta khi chúng ta muốn lúc nào mình cũng có lý, sẽ là chúng ta nếu chúng ta không bao giờ cảm thấy có lỗi. Hắn sẽ là chúng ta nếu như chúng ta cắt mình khỏi thực tế và muốn thay vào đó những luận thuyết thần kì. Hắn sẽ là chúng ta nếu chúng ta để những xung lực hận thù chiến thắng lòng vị tha trong ta. Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình.

Giới thiệu tác phẩm : Nửa kia của Hitler

(nguyên tác : La part de l’autre )

Bìa Việt Nam của họa sỹ Trần Trung Thành

 

 

Điều gì sẽ xảy ra nếu ngày 8 tháng 10 năm 1908 : Adolf Hitler trúng tuyển Đại học Mỹ thuật thành phố Viên ?

Liệu Chiến tranh thế giới thứ hai có xảy ra ?

Nhà nước Israel vẫn sẽ được thành lập ?

Mỹ có trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới ?

Liệu sẽ có Chiến tranh lạnh ?

Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Đông Dương có nổ ra ? …

 

Số phận của cả thế giới có thể đã khác đi nếu vào giây phút ấy Ban giám khảo của Trường Đại học Mỹ thuật Viên quyết định nhận thí sinh Adolf Hitler vào trường.

 

Tiểu sử của trùm quốc xã Adolf Hitler đã được nhà triết học - nhà văn – nhà viết kịch Eric-Emmanuel Schnmitt người Pháp dựng thành tiểu thuyết mang tên Nửa kia của Hitler.

Qua 492 trang sách, người đọc được song song theo dõi cuộc đời của hai nhân vật : Adolf H. và Hitler. Một Adolf H. được nhận vào trường mỹ thuật và trở thành một họa sỹ tài ba của nhóm những họa sỹ siêu thực ở Paris. Một Hitler bị đánh trượt và trở thành kẻ cầu bơ cầu bất, lang thang khắp thành Viên. Trong khi Adolf H. thực hiện được giấc mơ nghệ sỹ của mình, kết bạn với những họa sỹ tài năng và giàu lòng nhân ái, cùng lúc có hàng loạt tình nhân, thì Hitler phải vật lộn hàng ngày để  kiếm tiền ăn và trả tiền trọ, không có bạn bè nào khác ngoài một tên lưu manh, lừa đảo. Kết bạn với một người đồng tính, vào đời với một cô gái người Séc, được nhà phân tâm học Freud (một người Do thái !) giải thoát khỏi phức cảm Ơ đíp - nguyên nhân làm cậu bất tỉnh nhân sự mỗi khi nhìn thấy thân thể đàn bà, Adolf H. hoàn toàn là một con người nhân bản. Hitler bị ruồng bỏ, tránh xa quan hệ nam nữ, buộc phải nói dối để tạo nên hình ảnh mình là sinh viên trường Mỹ thuật và bắt đầu tiếp xúc với khái niệm chủng tộc thượng đẳng, một Hitler tuyệt vọng nhưng vẫn hi sinh đồng tiền cuối cùng để xem opéra của Wagner.

 

Bước ngoặt trong cuộc đời của hai nhân vật xảy ra vào năm 1914.

Adolf H. trải qua những nỗi ghê rợn của chiến tranh thế giới lần thứ nhất cùng với những người bạn, còn Hitler là với một con chó. Adolf H. bị cái chết rình rập hàng ngày và biết đến nỗi đau cùng cực khi người bạn thân hy sinh, Hitler nhận ra rằng mình được thế lực siêu nhiên bảo vệ nên lao vào chiến đấu hăng say đến mức cuồng dại. Adolf H. ra khỏi chiến tranh với một tình yêu say đắm với sơ Lucie hiền dịu, Hitler ra khỏi chiến tranh với một huân chương cao cấp, một vinh dự hiếm hoi đối với một hạ sỹ trinh sát, và lòng căm thù người Do thái – những người mà y cho là nguyên nhân thất bại của Đế chế Đức.

 

Kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Adolf H. về sống ở Paris với người tình và trở thành một nhân vật nổi tiếng trong nhóm họa sỹ siêu thực. Hitler trở thành cán bộ tuyên truyền rồi chủ tịch của Đảng Quốc xã. Vì muốn giữ toàn bộ sức mạnh của mình cho việc tạo dựng đế chế quốc xã, Hitler từ bỏ mọi quan hệ nam nữ và lần lượt gián tiếp bức tử hai cô gái trẻ, một là người yêu và một là cháu gái. Adolf H. cưới người vợ thứ hai là một người Do thái (!) và chuyển sang sống ở Mỹ. Hitler trở thành quốc trưởng và bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực do chính y tạo ra. Hitler chết thảm trong boongke năm 1945 còn Adolf H., thầy giáo và họa sỹ nổi tiếng thế giới, qua đời trong vòng tay của gia đình tại Los Angeles năm 1970 khi đang xem truyền hình trực tiếp cảnh người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng – đó là một phi hành gia người Đức.

 

Tác phẩm thể hiện chân thực quan điểm sáng tác của tác giả là viết truyện làm sao để những người trí thức và giới bình dân đều đọc được. Ảnh hưởng mạnh mẽ của triết học và phân tâm học được thể hiện qua nhiều chi tiết trong tác phẩm : Freud chữa bệnh tâm lý cho Adolf H. (một chi tiết gợi nhớ đến cuộc gặp gỡ giả tưởng giữa Freud và Thượng đế trong vở kịch Người khách lạ của cùng tác giả), quan hệ giữa xung năng tình dục và cái chết, diễn biến tâm lý của nhân vật, quan niệm về cái Thiện, cái Ác.

 

Tác giả đã viết về cảm tưởng của mình khi sáng tác tác phẩm này như sau :

’…chính chúng ta là người quyết định ta sẽ là kẻ phân biệt chủng tộc hay người biết chấp nhận dị biệt, người yêu hòa bình hay kẻ gây chiến tranh, người tình hay kẻ hủy diệt. Không phải khi đánh trượt Hitler ban giám khảo Trường Đại học Mỹ thuật Viên đã hoàn toàn tạo nên Hitler mà con người độc tài Hitler còn do chính việc y nhìn nhận sự việc đó như thế nào. Thay vì rút ra bài học từ sự thất bại đó, thay vì nhận ra rằng mình vẫn chưa cố gắng hết sức thì ngày hôm đó Hitler lại tự nhủ rằng ta là một thiên tài, thế mà không ai nhận ra điều đó. Thất bại đó lẽ ra đã có thể giúp Hitler sửa mình nhưng hắn lại nhìn nhận sự việc đó một cách hoang tưởng và điên rồ. Sau này, Hitler tiếp tục phạm phải nhiều sai lầm trong cách nhìn nhận như vậy.

 

Tôi đặt tên cho tác phẩm là Nửa kia của Hitler* vì tác phẩm nói đến Hitler và nửa kia của ông ta là Adolf H. Nhưng tên tác phẩm còn mang một ý nghĩa thứ hai đậm màu triết học. Hitler thật tự khóa mình lại không giao tiếp với ai, vị kỷ và trở thành một con người lãnh đạm với tất cả những gì ngoài mình. Trong khi đó Adolf H., nhân vật tưởng tượng lại mở lòng mình ra với người khác, anh ta sống cuộc sống của nửa kia một cách rất con người với tình dục, tình yêu, được làm cha, được đi dạy và biết đến nỗi đau của cái chết. Chính bằng chủ điểm triết học này mà tôi tìm cách thoát khỏi sự độc đoán [của nhà văn khi sáng tác]. Bởi việc tưởng tượng ra một cuộc đời khác của Hitler bản thân nó đã là một sự độc đoán, người ta có thể viết gì cũng được ! Phương tiện giúp tôi tránh được nguy cơ viết lung tung, làm chủ và điều khiển nó chính là việc dựng nên một con đường đạo đức trong đó Hitler thu mình lại, Adolf H. mở lòng ra với mọi người ; Hitler thao túng người đời, Adolf H. để người đời chiếm một vị trí ngày càng lớn trong cuộc đời của mình. Hitler say sưa với những điều y tin chắc, Adolf H. bị sự nghi ngờ giày vò; Hitler cho mình là người xuất chúng, Adolf H. khám phá ra rằng mình rất tầm thường.

 

Khi viết quyển sách này, tôi đã trải qua những cảm giác trái ngược, vui cũng có, buồn cũng có. Tôi đã không thể cưỡng lại ý thích cho Adolf H. gặp Freud, cho anh ta nằm lên chiếc đi văng ở phòng khám của Freud số 18 Bergasse ; Tôi cũng cho một vài chi tiết khôi hài vào phần bốn của tác phẩm khi tưởng tượng một thế giới không có chủ nghĩa quốc xã. Nhưng không chi tiết giả tưởng nào là không có ý nghĩa cả. Qua những buổi chữa bệnh với nhà phân tâm học Freud, tôi kể lại tuổi thơ của Hitler và chứng minh rằng người ta có thể đoạn tuyệt với tuổi thơ. Qua những giả thiết địa chính trị, tôi đặt câu hỏi về tác động của Hitler đến tiến trình lịch sử thế giới : nếu không có chiến tranh thế giới thứ hai, liệu sự chia đôi thế giới giữa Hoa kỳ và Liên Xô có xảy ra ? Nếu nước Đức không bị chia đôi, liệu tiến trình nhất thể hóa châu Âu như hiện nay có tồn tại ? và điều trớ trêu và oái ăm nữa là, nếu không có cuộc Đại đồ sát dân Do thái, liệu nhà nước Israel có được thành lập trên đất Palestine hay không ?

 

Với tôi, cuốn tiểu thuyết chỉ có giá trị khi nó mang ý nghĩa triết học. Nó phải làm người ta suy nghĩ, phải động não. Cuốn sách đã làm chính tôi phải ngạc nhiên. Tôi đứng trước những suy nghĩ và nhận định mà tôi muốn tránh đi. Càng viết, tôi càng nhận ra rằng cuốn sách là một cạm bẫy. Cạm bẫy với người đọc, cạm bẫy với tác giả. Tại sao vậy ?

 

Bởi Hitler không nằm ngoài mỗi người, hắn nằm trong ta. Hắn là một trong những con người mà chúng ta có thể trở thành. Hắn sẽ là chúng ta khi chúng ta để mình bị cuốn theo những suy luận dễ dãi, tối giản hóa sự việc, tìm cách đổ lỗi cho người khác. Hắn sẽ là chúng ta khi chúng ta muốn lúc nào mình cũng có lý, sẽ là chúng ta nếu chúng ta không bao giờ cảm thấy có lỗi. Hắn sẽ là chúng ta nếu như chúng ta cắt mình khỏi thực tế và muốn thay vào đó những luận thuyết thần kì. Hắn sẽ là chúng ta nếu chúng ta để những xung lực hận thù chiến thắng lòng vị tha trong ta. Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình.

 

Con người cần phải cảnh giác với chính con người.

Đó chính là cái bẫy mà tiểu thuyết này giăng ra. Khi tạo ra cảm giác đang miêu tả con người  kia của Hitler, Adolf H., tôi chứng minh rằng tên Hitler thực thụ không phải là một tha nhân tuyệt đối, tách biệt khỏi tôi mà hắn chính là tôi. Con quái vật này nằm trong tôi cũng như nó nằm trong mỗi người, như nó nằm trong toàn nhân loại. Trách nhiệm của chúng ta là giam hãm nó suốt đời ta hoặc thả nó ra…Cuốn tiểu thuyết, với người đọc và với cả người viết, đã trở thành một thử thách triết học.

 

Một bài tập về sự sáng suốt kèm theo một lời kêu gọi cảnh giác, đó chính là điểm làm tôi tự hào nhất.‘’

 

Một viên đá nhỏ có thể thay đổi dòng chảy của cả một dòng sông, có lẽ tác phẩm Nửa kia của Hitler  là một minh chứng cho nhận định ấy.

                                               

                                                                                          Hà Nội, ngày 28 tháng 9 năm 2006

                                                                                                            Nguyễn Đình Thành    

Thông tin về tác phẩm :

Năm xuất bản : 2001      Nhà xuất bản : Albin Michel

ISBN : 2-226-12660-0     Độ dày : 492 trang

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan