A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

KỊCH - NGƯỜI KHÁCH LẠ - ERIC EMMANUEL SCHMITT

THAY LỜI BẠT của Dịch giả Phạm Vĩnh Cư 

Eric-Emmanuel Schmitt (sinh 1960) thuộc số những nhà văn Pháp nổi danh nhất hiện nay. Tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn ba chục thứ tiếng. Ông viết nhiều, hiện là tác giả của gần hai mươi vở kịch, sáu tiểu thuyết, chưa kể những văn phẩm thuộc về các loại thể khác. Mới chỉ quen biết một phần sáng tác của Schmitt, xin nói đôi lời về vở kịch Người khách lạ (1993) đã mang lại tên tuổi quốc tế cho nhà văn này.

Người khách lạ thuộc loại kịch mà người phương Tây quen gọi là kịch/sân khấu trí tuệ. Cái định danh không đạt lắm này (kịch hay nào chẳng đầy trí tuệ?) thực ra chỉ một loại hình văn học sân khấu xác định, mà ở đấy người ta luận về cuộc sống nhiều hơn là tái hiện nó. Loại hình này thịnh hành đặc biệt ở Pháp từ những năm 30 thế kỷ trước, với những tác phẩm kịch gây tiếng vang lớn của Giraudoux, Anouilh, Sartre, Camus, sau đó là các tác gia của kịch phi lý (họ cũng luận về cuộc sống, chứ không tả chân nó như, thí dụ, Marcel Pagnol, người từng cùng với Ionesco giữ ghế trong Viện Hàn lâm Pháp).

Kịch trí tuệ thường mang tính ước lệ một cách không giấu diếm, thậm chí khiêu khích. Chẳng hạn, trong Ruồi của Sartre hý phỏng Orestie của Eschyle, nhân vật thần thoại Oreste cùng người bạn tri kỷ Pilade đáp máy bay trở về thành phố quê hương Thèbes bị kẻ thù chiếm đóng.
Hay trong Ác quỷ và Chúa Trời cũng của tác giả này, những nhân vật sống trong thời trung đại “ứng khẩu” bằng những trích dẫn quen thuộc từ các triết gia khai minh thế kỷ XVIII. Kịch Người khách lạ của Schmitt, luận về vấn đề có hay không Thượng Đế và nếu có thì chúng ta phải quan niệm thế nào về Ngài, cũng xây dựng trên một ước lệ không che giấu, một hư cấu giả tưởng từ đầu đến cuối, có điều hư cấu ấy lại được trình bày như một sự kiện đã xảy ra với một người là danh nhân thế giới tên tuổi lừng lẫy khắp năm châu mà tiểu sử đã được nghiên cứu xuôi ngược và các chuyên gia có thể nói chính xác vào ngày nào giờ nào ông ở đâu và làm gì. Người ấy là Sigmund Freud, và Người khách lạ trong kịch của Schmitt đã đến thăm ông một cách phi thường vào tối ngày 22 tháng Tư năm 1938, trong khoảng thời gian sau khi nước Áo bị quân đội Hitler xâm chiếm và trước ngày Freud rời bỏ đất nước đi lưu vong.

 

 

Freud trong kịch Người khách lạ, và đây là điểm khác biệt với các nhân vật sân khấu của Sartre hay Camus, không phải là một con người được khái quát hóa trong nhân tính phổ biến và chỉ mang cái tên riêng ước lệ quen thuộc. Không, trước chúng ta đúng là Freud như chúng ta biết qua những tác phẩm của ông và những tư liệu chính xác nói về ông. Và cả cô con gái không chồng của ông nữa – Anna Freud, sau khi ông mất đã tiếp tục sự nghiệp của thân phụ. Freud là một nhà khoa học duy vật và vô thần chủ nghĩa kiên định. Ông luôn luôn xem tôn giáo là một ảo tưởng, có hại như tất cả mọi ảo tưởng mà phải được trút bỏ, thay thế bằng tri thức khoa học, được kiểm định chính xác về thế giới và con người. Không giống nhiều nhà vô thần luôn phế truất Thượng Đế để đặt con người vào trị trí ấy, vị cha đẻ của phân tâm học quá tỏ tường tất cả các mặt tối thẳm sâu kín trong bản tính con người, nhưng ông tin tưởng vào trí tuệ của nó – cái trí tuệ không biết sợ, chỉ theo đuổi một mình chân lý ấy (Freud suy ta ra loài người!) sẽ giúp nó tự nhận chân đến cùng và trên cơ sở ấy mà kiềm chế, khắc phục những bản năng thú vật tăm tối phá hoại văn hóa, phá hoại xã hội loài người. Freud không chỉ tuyên tín chủ nghĩa vô thần mà còn dành nhiều công sức và thời gian để chứng minh nguồn gốc phát sinh thuần túy trần thế của tôn giáo, soi sáng nó dưới giác độ phân tộc học. Song là một nhà khoa học thực thụ, ông biết tôn trọng sự thật và thẳng thắn thừa nhận những gì trong hiện tượng tôn giáo mà khoa học của ông chưa giải thích được. Chẳng hạn, cái cảm giác về sự an toàn tuyệt đối, về sự được che chở bởi một sức mạnh vĩ đại không gì chiến thắng nổi mà chỉ tôn giáo, tôn giáo độc thần, mới mang đến cho con người. Về điều này, ông nói thẳng thắn trong công trình tôn giáo học cuối cùng của mình – Moise và đạo độc thần, đến tay người đọc sau khi Freud đã qua đời (tháng Chín 1939).

 

Trong vở kịch của Schmitt có nói đến công trình này. Người khách lạ, không mời mà đến báo trước cho Freud rằng mặc dù ông không còn sống được lâu nữa, ông sẽ hoàn thành tác phẩm còn dở dang này và sẽ công bố đúng dưới tiêu đề vừa dẫn (cái tiêu đề thích hợp mà cho đến lúc ấy Freud còn tìm kiếm và chưa nghĩ ra!). Những lời kỳ lạ ấy cùng với một loạt tình tiết khác không thể giải thích khiến Freud phải ngờ rằng vị khách hiện ra trước ông như từ không khí này không thể là ai khác ngoài Thiên Chúa. Cái tài của người viết kịch thể hiện ở chỗ những độc giả/khán giả hiểu biết Freud sẵn sàng tin rằng nếu rơi vào tình huống như thế thì Freud sẽ hành xử và nói năng đúng như thế, còn những ai sẵn sàng tin vào Thiên Chúa (như kẻ viết những dòng này chẳng hạn) thì cũng dễ bề tiếp nhận những lời của Người khách lạ nói với Freud như là những lời của một bậc siêu nhân. Chúng tôi sẽ không kể lại diễn biến của hành động kịch: nó được cấu tạo khéo, giữ người thưởng thức trong trạng thái căng thẳng cho đến cùng. Xin chỉ dừng lại ở hai nội dung trao đổi và tranh luận giữa hai nhân vật chính: Freud và Người khách lạ. Thứ nhất, vị khách ấy thấu suốt thâm tâm của nhà bác học vĩ đại, đặt tay lên ngực ông và nói: trái tim ông khao khát tin vào tôi nhưng lý trí ông không cho phép, mà như thế là không ổn. Cần phải xét lại cái quyền tối cao mà ông dành cho lý trí. Freud không tìm ra được lời lẽ để phản bác. Thứ hai, khi Freud sử dụng lập luận quen thuộc, thách thức vị khách của mình: nếu ông là Thượng Đế làm được mọi điều thì hãy chấm dứt ngay cái cảnh khủng khiếp, ghê tởm đang diễn ra ngoài đường phố: bọn quốc xã được trang bị đến răng đang đánh đập cặp nam nữ thường dân Do Thái. Người khách lạ trả lời: “Tôi không thể”. Freud thốt lên: “Ông toàn năng cơ mà!”. Xin dẫn nguyên văn đoạn đối thoại tiếp theo:

Người khách lạ. Sai. Kể từ khi ta cho con người tự do, ta đã mất toàn năng và sự có mặt khắp nơi. Ta đã có thể kiểm soát tất cả và biết trước tất cả những gì sẽ xảy ra, nếu ta đơn giản chỉ tạo ra những chiếc máy.

Freud.  Vậy tại sao ông lại sáng tạo ra thế giới này?

Người khách lạ. Vì cái lý do đã tạo ra những sự ngu ngốc dại dột, vì cái lý do khiến mọi sự sinh thành, không có nó thì sẽ không có cái gì hết… vì tình yêu.

(Người khách lạ nhìn Freud đang có vẻ bối rối.)

Người khách lạ. Đừng nhìn ta như thế, Freud của ta, anh không muốn thế phải không, anh không thích một Thượng Đế biết yêu thương? Anh thích một Thượng Đế trừng phạt, lông mày cuồng giận, trán cau, tay cầm lưỡi tầm sét? Tất cả các người, loài người, đều thích một người Cha khủng khiếp hơn là một người Cha yêu thương.

(Đến đây thì Người khách lạ quỳ gối trước Freud và nói tiếp: )

Và tại sao ta lại tạo ra các người nếu như không phải vì tình yêu? Nhưng các người không muốn thế, không muốn nhận lòng yêu mến của Thượng Đế, không muốn có một Thượng Đế khóc… một Thượng Đế khổ đau…

 

Ở đây, tác giả vở kịch đụng thẳng đến tâm điểm của cuộc tranh luận về sự tồn tại của Thượng Đế diễn ra đã nhiều thế kỷ ở phương Tây và phương Đông. Không nói đến đạo Hồi, ngay cả trong đạo Phật, một tôn giáo khởi thủy là vô thần, Đức Phật khi đã đắc đạo chính quả thì cũng trở thành toàn tri và toàn năng (Phật Bà Quán thế âm Bồ Tát của chúng ta chẳng nghìn mắt nghìn tay là gì?). Chưa toàn năng thì chưa phải là thánh thần tối thượng. Nhưng nếu đã thế thì vì sao vị thần nhìn thấy hết và có thể làm hết mọi điều ấy lại để cho thế giới mình tạo ra ngập ngụa trong tội lỗi và cái ác như thế? Tiếp lời Ivan Karamazov của Dostoievski và nhiều nhân vật văn học khác, Freud trong kịch của Schmitt suy kết: Thượng Đế hoặc bất lực hoặc là một ác ôn. Thế thì Thượng Đế ấy cần gì cho loài người? Câu hỏi này, mà thần học chính thống trong bằng ấy thế kỷ chưa bao giờ giải đáp được thỏa đáng, ám ảnh nhiều bộ óc xán lạn, không duy thần hẳn hoi, có điều họ trung thực với lương tâm mình. Một trong những trí tuệ như thế, triết gia Nga Nikolai Berdiaev (1874-1947) thú nhận trong sách Tự nhận thức của mình rằng điều ông lo sợ nhất là cuối cùng sẽ phát lộ ra một Thiên Chúa độc ác. Một nhà  tư tưởng Nga lớn khác, sống cùng thời với Berdiaev, Semen Frank (1877-1950) trong tác phẩm viết sau Chiến tranh thế giới thứ hai Ánh sáng trong bóng tối đặt vấn đề một cách uyển chuyển hơn, hữu lý hữu hình hơn. Ông nói: chúng ta, những con người, không thể sống mà không tin vào  Thiên Chúa chí thiện, toàn tri và toàn năng. Nhưng có thể, nơi Ngài, tình yêu mới là định tính cơ bản nhất và cần phải hiểu sự toàn năng của Thượng Đế trong quan hệ không tách rời với tình yêu? Nếu là thế, thì vẫn Thượng Đế toàn tri và toàn năng ấy có thể không “toàn mãn” tí nào (như thần học chính thống khẳng định), mà lại luôn luôn đau khổ và chia sẻ với các vật tạo những nỗi thống khổ của chúng. Rất có thể không phải một mình Frank suy luận như thế và cũng rất có thể là tác giả Người khách lạ, một tiến sĩ triết học, cũng thông tỏ và chia sẻ những suy nghĩ ấy. Nhưng suy nghĩ là một chuyện, truyền đạt những suy nghĩ tâm huyết bằng ngôn ngữ nghệ thuật lại là chuyện khác, không dễ dàng tí nào. (Trở lại với hình tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay: hình tượng có ý nghĩa tôn giáo tối quan trọng này hiện diện ở nhiều chùa chiền không chỉ ở nước ta, nhưng có lẽ đạt độ hoàn mỹ chỉ ở một nơi – chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh). Thành thử Người khách lạ trong kịch của Schmitt mới chỉ là kết quả chưa thật mỹ mãn của một thử nghiệm hình dung ra một Thượng Đế nhập thể thành người.  Nhân tiện nói thêm: trước Schmitt một trăm ba mươi năm, cũng Dostoievki ấy từng rắp tâm viết một tiểu thuyết mô tả Chúa Giêsu Kitô nhập thể một lần nữa, với tất cả các hệ quả phát sinh từ đó, nhưng ông đã nhanh chóng từ bỏ ý đồ này. Trong tiểu thuyết mà ông đã viết chỉ còn lại con người mang một vài nét phảng phất gợi liên tưởng với Kitô – công tước Myshkin. Còn trong kịch của Schmitt thì ta thấy nhân vật không phủ nhận mình là Thượng Đế, là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong thể thống nhất, đã để mất không chỉ khả năng làm được tất cả, mà cả khả năng thấy biết tất cả. Về cuối kịch, khi Anna Freud tố giác nhân vật này từng theo đuổi nàng ngoài đường phố, anh ta chỉ biết ngạc nhiên chối: “Không, đấy là người khác, không phải tôi”. Anh ta thực sự không biết kẻ song trùng của mình là ai. Nếu đây vẫn là Thượng Đế thì đã rất khó nhận biết Ngài, Ngài đã nhân hóa quá triệt để. Vở kịch để lại ấn tượng hơi hàm hồ, như một trò chơi trí tuệ lúc nghiêm túc lúc bông phèng, song để công bằng cũng cần nói rằng ngay ở những đoạn bông phèng nhất Người khách lạ của Schmitt vẫn gây cảm tình cho độc giả/khán giả. Điều này chứng tỏ nhà văn Pháp tuổi còn trung niên này rõ ràng bận tâm chính diện chứ không phải phản diện với vấn đề tôn giáo và cố tìm những cách tiếp cận mới với nó. Bảy năm sau vở kịch này, Schmitt công bố tiểu thuyết Kinh phúc Âm theo Pilate khá độc đáo và không thiếu chiều sâu. Ở đây ông đưa ra những kiến giải của mình về Giêsu Kitô với các tông đồ của Người, về nhân vật lịch sử đã trở thành nhân vật của Kinh Thánh – Pontius Pilatus, về sự thắng lợi đáng ngạc nhiên của đạo Kitô giữa một thế giới đa thần giáo rất phức tạp v.v…

Có thể tranh luận với tác giả kịch Người khách lạ và tiểu thuyết Kinh Phúc Âm của Pilate về nhiều điều, nhưng không thể không thừa nhận rằng ông đã viết nên chúng với ý muốn nói lên tầm quan trọng đặc biệt của vấn đề tôn giáo trong đời sống xưa kia, hôm nay và mai sau của loài người, muốn thu hút sự quan tâm của công chúng độc giả vào đây. Và việc những tác phẩm văn học ấy đang được đọc và bàn luận sôi nổi ở nhiều nước cũng là một điều đáng mừng.Nó chứng tỏ thời làm mưa làm gió của cái gọi là chủ nghĩa hậu hiện đại, với thái độ dửng dưng ghẻ lạnh của nó đối với những vấn đề cốt tử của nhân sinh, xem ra đã qua rồi và ngày nay nghệ thuật với nhân sinh lại thể hiện ý thức về sự cần thiết có nhau, cùng sống và nuôi sống nhau.

                                            P.V.C.

 

 


Tác giả: P.V.C.
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan