A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐI TÌM “CÔNG THỨC VÀNG” CỦA CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA HÀN QUỐC (kì 4)

Kì 4:

 

KHI GAMES CŨNG TRỞ THÀNH

MỘT PHẦN CỦA QUYỀN LỰC MỀM

 

Công nghiệp games đã trở thành một thành tố quan trọng của Hallyu 2.0. Games không chỉ tạo ra việc làm cho các lập trình viên, thu nhập cho các công ty và vinh quang cho đất nước như một môn thể thao- E sport. Không chỉ người trẻ chơi mà còn cả gia đình cùng chơi. Dân số Hàn Quốc là 51 triệu người thì có tới hơn 50% dân số chơi game. Tại Hàn Quốc có tới 20 000 trung tâm chơi games. Ở đây cung cấp từ game miễn phí đến game theo yêu cầu riêng. Công nghiệp games hiện đang mang lại cho Hàn Quốc 4 tỷ USD (năm 2015). Công nghiệp games Hàn Quốc không tự nhiên phát triển mà còn đến từ quan niệm “thoáng” trong xã hội, từ người dân thường tới các nghị sĩ.

Chính phủ Hàn Quốc đã chủ động phát triển ngành công nghiệp này để cạnh tranh trên không gian mạng. Thậm chí nước này còn được mệnh danh là thủ đô của E games. Festival games mang tên G Star được tổ chức tại thành phố Busan đã thu hút tới 215 000 người từ hơn 30 quốc gia tới tham dự năm 2016 mang lại những nguồn lợi khổng lồ về chi tiêu cho games, du lịch, sản phẩm, hàng hoá, ăn uống. Xuất khẩu game của Hàn Quốc tăng với tốc độ chóng mặt, năm 2010 xuất khẩu games đạt giá trị 1,6 tỷ USD. Năm 2000, World Cyber Games (WCG) – chương trình được coi như thế vận hội toàn cầu được tổ chức tại Hàn Quốc, đưa quốc gia này lên vị trí top đầu của thế giới trong lĩnh vực này. Chính phủ có bộ phận hỗ trợ phát triển game, kênh truyền thông riêng (truyền hình) games, các sự kiện dành cho game thủ có thể được tổ chức tại một sân bóng và thu hút hàng chục nghìn người tham dự, game được tổ chức và quản lý một cách chủ động. Các hoạt động phát triển game là sự bàn thảo kỹ lưỡng giữa chính phủ, các nhóm E-sport, đại diện ngành công nghiệp game, báo chí và cả các viện nghiên cứu. Game không thể phát triển nếu thiếu hạ tầng đường truyền tốc độ cao. Những đầu tư lớn của chính phủ và các tập đoàn lớn vào hạ tầng ICT, viễn thông, smart phone từ những năm 1990 không chỉ giúp cho media content được lan truyền nhanh mà kéo theo nó còn là hệ thống game. Vì thế công nghiệp game vô cùng phát triển và văn hoá chơi game lan toả đến các nước chịu ảnh hưởng.

Cái nhìn của những người làm văn hoá Hàn Quốc là cái nhìn tổng thể, cái nhìn liên môn. Mọi hoạt động văn hoá - thể thao - du lịch đều gắn với nhau để quảng bá cho đất nước. Nếu như thế vận hội mùa hè 1988 tại Seoul đã cho thấy 1 Hàn Quốc đang lên thì thế vận hội mùa đông 2017 tại Poungchang sẽ là thế vận hội của công nghệ, của ngoại giao. Hàn Quốc sẽ tung ra nhân dịp này hệ thống viễn thông 5G và đưa 1 số rô bốt hình người vào phục vụ khách du lịch.

Không đứng nhìn các cơ hội vuột qua tay. Hàn Quốc còn chủ động thiết lập các chuẩn mực và cuộc chơi mới. World Culture Expo Park là một hoạt động triển lãm được thành lập ở tỉnh Gyeongju. Dự án này có khu trưng bày riêng về văn hoá thế giới, một tháp văn hoá riêng, 1 khu trưng bày và một bảo tàng nghệ thuật. World Culture Expo Park đã thu hút 16.2 triệu lượt tham quan từ năm 1998. Điều quan trọng hơn là dự án được thiết kế dưới dạng một festival văn hoá. Festival không chỉ được tổ chức trong nước mà còn vươn ra quy mô quốc tế trong khuôn khổ chương trình Korea Silk Road. Chương trình được tổ chức tại Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ, điểm giao văn hoá Âu Á Phi; triển lãm được tổ chức tại Angkor Wat (Campuchia), một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất châu Á; qua đó các giá trị văn hoá Hàn Quốc được lan toả mạnh mẽ cùng lúc với văn hoá địa phương, vốn là những địa điểm được lựa chọn kỹ càng. Tháng 11/2017, lần đầu tiên festival này sẽ được tổ chức kết hợp với thành phố Hồ Chí Minh. Dự kiến 1500 nghệ sỹ Hàn Quốc, đại diện cho cả văn hoá truyền thống và các chương trình mang âm hưởng làn sóng hallyu (K-pop, K-EDM, K-food, K-Beauty) sẽ tới đây trình diễn. Festival dự kiến sẽ thu hút được 3 triệu người xem và hàng chục đoàn nghệ thuật quốc tế. Nếu như nước Mỹ có giải grammy cho âm nhạc thì MAMA (Mnet Asian Music Award) – giải thưởng âm nhạc châu Á do Hàn Quốc đề xướng, cũng ngày càng có uy tín và đưa ra chuẩn mực mới cho âm nhạc đại chúng châu Á. Nếu như trong kinh tế, Trung Quốc đã đưa ra khái niệm một vành đai, một con đường thì trên địa hạt văn hoá Hàn Quốc tạo ra một platform mới là con đường tơ lụa văn hoá trên biển Korea Culture Silk Road với mục đích nối liền các hoạt động văn hoá thành một vành đai Hàn Quốc – Trung Quốc – Nhật Bản – Đông Nam Á.

Thế giới trong thế kỷ 21 là kỷ nguyên số, các quốc gia chủ động trong việc tạo ra nội dung hấp dẫn và hữu ích kết hợp với sự ưu việt, tiên phong của công nghệ thông tin sẽ có nhiều cơ hội hình thành, giữ gìn, phát triển quyền lực mềm của mình. Hàn Quốc là một cường quốc văn hoá trong thế kỷ 21 và các nước xuất phát muộn hơn có thể học tập bài học chủ động và tự lực tự cường của đất nước này.

 

Nguyễn Đình Thành

 


Tác giả: Nguyễn Đình Thành
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật