ĐI TÌM “CÔNG THỨC VÀNG” CỦA CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA HÀN QUỐC (kì 3)
Kì 3:
Hallyu 2.0 Kỷ nguyên nội dung trong thời đại số
Từ năm 1995, sự xuất hiện của mạng xã hội tại Mỹ và sau đó một thập kỷ là sự nở rộ của loại hình truyền thông này đã làm thay đổi cơ bản cách truyền thông của các chính phủ, tổ chức, công ty và cả các cá nhân. Số lượng các kênh truyền thông đã tăng đột biến. Sự tiện lợi và chi phí thấp đã giúp mọi cá nhân, tổ chức đều có thể trở thành một nguồn phát thông tin mà không phải kiểm duyệt nhiều hay phụ thuộc vào thời gian và không gian địa lý. Các hình thức truyền thông trên mạng xã hội vô cùng đa dạng, phù hợp với khả năng sản xuất, trình độ của mọi tầng lớp người sử dụng: từ văn bản, tới audio, video, hình vẽ. Các thiết bị cầm tay thông minh đã trở thành điểm kết nối internet phổ biến nhất. Kỹ năng xây dựng chiến lược nội dung, kỹ năng trau truốt hình thức thể hiện, phương pháp tiếp cận, kênh tiếp cận và tần suất và thời điểm thông tin trở thành những yêu cầu không thể thiếu được của các nhà truyền thông hiện đại. Người Hàn Quốc đã làm rất tốt những việc này.
Hallyu 2.0
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 đã gióng lên hồi chuông báo động tại Hàn Quốc về sự cần thiết phải tìm ra một mô hình phát triển cân bằng hơn. Công nghệ thông tin (ICT), công nghiệp văn hóa đã trở thành sự lựa chọn mới. Điều này được chính thức hoá bằng nhiều văn bản cấp chính phủ và địa phương. Năm 2000, người ta nói đến khái niệm Hàn Lưu (Hallyu) và rồi khái niệm này lan toả tại Hồng Kong, Nhật Bản, Trung Quốc, Đông Nam Á rồi lan sang Trung Cận Đông, Đông Âu, Tây Âu, châu Mỹ. Hallyu 1.0 chú trọng vào phát triển các sản phẩm văn hoá Hàn Quốc trong các lĩnh vực: phim truyền hình (K Drama), phim điện ảnh (K Movie), âm nhạc (K-Pop). Sự bùng nổ của Internet trước đó, các thiết bị cầm tay thông minh (Smart handset, trong đó Samsung là một ngôi sao sáng, đã đoạt ngôi của Apple và các hãng điện thoại khác ra đời trước đó), mạng xã hội (từ những năm 2005), đã mở lối cho Hallyu 2.0 từ những năm 2010. Công nghiệp văn hoá đã được xoay thành công nghiệp sáng tạo với một nội hàm rộng lớn hơn bao gồm một số mảng lớn như: điện ảnh, game, phim và trò chơi truyền hình, phần mềm, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, xuất bản, quảng cáo, kiến trúc, nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ, thời trang… Hàn Quốc đang đầu tư mạnh mẽ và thành công trên hầu hết các địa hạt này trên quy mô quốc tế.
Trong lĩnh vực âm nhạc, từ sự phụ thuộc vào J Pop, US, UK, Hàn Quốc đã trở thành một nhà xuất khẩu âm nhạc đáng nể với doanh thu xuất khẩu tăng chóng mặt. Chính phủ chỉ giữ vai trò nhạc trưởng và kiến tạo các cơ hội, cơ sở phát triển, các công ty tư nhân là động lực chính. Các ban nhạc K-Pop được huấn luyện kĩ càng, có chiến thuật truyền thông chính xác: hình ảnh đẹp, nhảy chính xác và đều như một chiếc đồng hồ tourbillon, và có đời sống cá nhân “sạch sẽ”. Khi các idol ra các sản phẩm âm nhạc (có thể là single/ mini album/full album) sẽ ra dưới 2 dạng là digital và physical. Digital là phát hành trên các mạng thông qua các kênh chia sẻ nhạc như Melon (chiếm 50% thị phần), Mnet, Naver… Physical là phát hành sản phẩm âm nhạc dưới dạng đĩa và được phân phối qua các kênh riêng như Hanteo. Sau khi phát hành, các idol sẽ tham gia các show âm nhạc hàng tuần được phát trên các kênh truyền hình quốc gia như Mnet Mcountdown, Music Bank, Inkigayo để tiến hành quảng bá sản phẩm âm nhạc. Đây là cách để các nghệ sĩ phổ cập sản phẩm âm nhạc của mình tới khán giả, giúp giao lưu, gặp gỡ fan để duy trì mối quan hệ với fan. Các nhà sản xuất âm nhạc Hàn Quốc còn điều đình với Youtube toàn cầu tạo ra chỉ mục K POP riêng cho âm nhạc Hàn Quốc và đầu tư vào hệ thống bảo vệ, khai thác bản quyền ở mức tối đa. Youtube chính là một kênh quan trọng đưa các sản phẩm âm nhạc Hàn Quốc đi khắp thế giới thông qua không gian mạng. Các ban nhạc của K Pop cũng đã bước sang thế hệ thứ 3 kể từ Girl Generation. Mỗi thế hệ K-pop có một màu sắc và cá tính âm nhạc khác biệt điều này làm cho khán giả luôn luôn có cái gì mới để khám phá – đáp ứng điều mà thế hệ khán giả trẻ luôn luôn tìm kiếm. Trong thời đại số, khái niệm trào lưu, thế hệ cũng được rút ngắn đáng kể trong một thế giới ngày càng gấp gáp.
Trong thời đại số khi cư dân toàn cầu được kết nối với internet ngày càng nhiều, các nội dung được cung cấp miễn phí ngày càng nhiều, bản thân ngành công nghiệp content media cũng đang biến đổi theo. Người ta bán khả năng được là một trong những người đầu tiên được xem nội dung ấy, bán thời gian đợi được xem tiếp nội dung mình muốn xem, bán khả năng tác động vào nội dung mình sắp được xem, bán chất lượng âm thanh, hình ảnh của sản phẩm được xem, bán khả năng được xem lại nội dung đã phát... Đây là những hoạt động thường xuyên của những người làm trong lĩnh vực này tại Hàn Quốc.
Trong lĩnh vực điện ảnh, nội dung được tạo ra ở giai đoạn Hallyu 1.0 chủ yếu để xuất khẩu trực tiếp. Ở Hallyu 2.0, nội dung được tư duy để phổ biến trên internet, khai thác nhiều lần, nội dung liên văn hoá. Trong lĩnh vực phim điện ảnh, Miss Granny là một bộ phim ăn khách tại Hàn Quốc của công ty CJ E&M. Tại Việt Nam bộ phim được việt hoá với dàn diễn viên và đạo diễn Việt và mang tên “Em là bà nội của anh”. Ở 4 nước khác, bộ phim cũng được địa phương hoá và dựng lại. Sau khi xem xong phiên bản địa phương hoá, khán giả lại nô nức tới xem phiên bản gốc. Không dừng lại ở đó, các đạo diễn Hàn Quốc đã tìm đến các diễn viên và nhà sản xuất Âu Mỹ để làm những bộ phim quốc tế. Snowpiecer – chuyến tàu băng giá là một bộ phim như thế. Đạo diễn Hàn Quốc, diễn viên và nhà đồng sản xuất châu Âu, Hàn Quốc. Bộ phim mang lại doanh thu 86,7 triệu usd trở thành một trong những bộ phim được đánh giá cao nhất năm 2014 trong giới điện ảnh quốc tế. Đây là bộ phim Hàn Quốc được đầu tư cao nhất với ngân sách lên tới 40 triệu usd. Không chỉ “há miệng chờ sung” các nhà sản xuất điện ảnh Hàn Quốc không ngồi chờ các giải thưởng quốc tế đến với mình. Năm 1996, Liên hoan phim Busan ra đời, các bộ phim hay nhất của Hàn Quốc được chiếu tại đó cho các thành viên ban giám khảo của các liên hoan phim quốc tế tới xem. Festival này tập trung vào giới thiệu các đạo diễn và các bộ phim mới nhất là từ các nước châu Á cũng như các đạo diễn trẻ. Việc bộ phim Old boy của đạo diễn Park đoạt giải tại LHP Cannes 2004 và được đạo diễn kì cựu Quentin Tarantino đặc biệt khen ngợi là một dấu mốc quan trọng với điện ảnh Hàn Quốc. Thành công của các bộ phim Drama truyền hình, rồi phim điện ảnh, liên hoan phim Busan đã giúp điện ảnh Hàn Quốc đã có chỗ đứng chính thức trên vũ đài điện ảnh khu vực và thế giới. Trong lĩnh vực phim truyền hình, không chỉ dừng lại ở các sản phẩm sản xuất trong nước, công ty CJ E&M còn kết hợp với các nhà sản xuất Việt Nam thực hiện bộ phim Tuổi Thanh Xuân, vừa chinh phục khán giả truyền hình vừa quảng bá cho du lịch Hàn Quốc. Các trò chơi truyền hình, chương trình truyền hình thực tế của Hàn Quốc đã không còn dừng lại ở biên giới nước này. Papa over flower, trò chơi truyền hình thực tế trong đó các nhân vật trải nghiệm là người nổi tiếng, đã có tuổi đi du lịch khắp nơi trên thế giới, làm những điều họ chưa từng làm đã trở thành một hiện tượng trong nước với số lượng xem kỷ lục. Concept này đã được bán và dựng thành công tại Mỹ, cường quốc về TV show.
Trong lĩnh vực xuất bản, không khó để thấy các cuốn truyện tranh minh hoạ thần thoại Hy Lạp, vốn được cả thế giới ngưỡng mộ lại do các hoạ sỹ Hàn Quốc vẽ và sản xuất. Sách giáo dục cho trẻ em, dạy khoa học, bách khoa thư của Hàn Quốc ngày càng được ưa chuộng bởi sự gần gũi văn hoá với các nước châu Á và cách trình bày sáng tạo. Không chỉ bán sách, các nhà xuất bản Hàn Quốc còn thông qua các tổ chức, trung tâm văn hoá, tặng các không gian trải nghiệm văn hoá đọc dành cho thiếu nhi ở các nước đang phát triển. Sự ảnh hưởng được tạo dựng ngay từ những lứa tuổi thấp nhất.
Công nghiệp văn hoá Hàn quốc đã đi xa hơn cái mốc ban đầu mà các nhà chiến lược có thể nghĩ tới. Làn sóng Hallyu đã mang các sản phẩm văn hoá Hàn Quốc chinh phục không chỉ các nước đang phát triển mà còn cả các cường quốc văn hoá như Pháp, Anh, Mỹ, Nhật; không chỉ các nước châu Á đồng văn với Hàn Quốc mà còn các nước Đông Âu, Trung cận đông. Không chỉ làm người ta mua các bộ phim điện ảnh, phim truyền hình, ca nhạc, các nhà sản xuất Hàn Quốc còn đi xa hơn. Các sản phẩm văn hoá đã giúp người tiếp nhận mua các sản phẩm tiêu dùng phái sinh của Hàn Quốc như ô tô, điện thoại, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, ẩm thực, dịch vụ, phong cách sống. Ở phía cuối của chặng đường này là những suy nghĩ tích cực về đất nước Hàn Quốc, một sự yêu thích với những giá trị lan toả qua các sản phẩm văn hoá. Sức mạnh mềm (soft power) của Hàn Quốc được hình thành và tăng cường 1 cách không ngờ từ thập kỷ 90. Các tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc đã chú trọng xây dựng công nghiệp văn hoá một cách bài bản. Tập đoàn CJ, doanh nghiệp sáng tạo nội dung lớn nhất Hàn Quốc có tới 5 công ty “ôm trọn” vòng phát triển của công nghiệp văn hoá: 1 công ty sản xuất nội dung phim điện ảnh, phim drama; 1 công ty phát hành phim; 1 công ty chiếu phim (CGV); 1 công ty truyền thông smart media; 1 công ty game; CJ không ngần ngại đặt ra mục tiêu trở thành công ty media content số 1 châu Á vào năm 2020 và số 1 thế giới vào 2030. Họ không khoanh tay chờ vị trí đó rơi vào tay mình mà chủ động chuẩn bị. Hiện CGV đã có hơn 400 rạp chiếu với hơn 3000 phòng chiếu trên khắp thế giới và đặt mục tiêu 10 000 phòng chiếu vào năm 2020 trên toàn thế giới. Mỗi nơi họ xuất hiện, CGV đều đưa ra chuẩn mực cao cho việc thưởng thức các sản phẩm điện ảnh. Năm 2017, CJ Hàn Quốc cho ra đời hệ thống màn hình Screen X với hình ảnh lớn tràn sang 2 bên tạo cảm giác như xem phim 3 D trong rạp mà không cần kính. Nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc năm 2017 đã đủ mạnh để đào tạo nhân lực cần thiết ngay trong nước. Tuy nhiên, một công ty lớn như CJ vẫn có nhiều nhân sự là người nước ngoài. Hiện có khoảng 10% nhân sự là người nước ngoài. Không chỉ dừng lại ở việc tạo ra các nhân vật trong điện ảnh hay phim hoạt hình, CJ còn phát triển hệ thống các đồ chơi, sản phẩm phái sinh và trong tương lai là các công viên giải trí theo chủ đề - một ‘‘đặc sản” hiện nay chỉ có các công ty Âu Mỹ nắm giữ.