A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐI TÌM “CÔNG THỨC VÀNG” CỦA CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA HÀN QUỐC (kì 2)

Kì 2:

 

Công thức vàng của thành công

 

 

Trước khi sản xuất, thời gian nghiên cứu về thị trường, thị hiếu khách hàng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Việc lựa chọn Pop – thể loại nghệ thuật dễ hiểu, dễ cảm, dễ tìm, dễ sản xuất kinh doanh, dễ đổi mới, ít kén chọn thay vì các thể loại hàn lâm, bác học là một lựa chọn chiến lược. Các bước nghiên cứu thị trường được thực hiện kỹ càng vì thế có thể thấy đặc trưng của các sản phẩm văn hoá Hàn Quốc tận dụng rất tốt các trào lưu sở thích trên thế giới, độ tương tác cao, tính module năng động rất cao (điều cho phép nhân bản nhanh chóng các chương trình ăn khách), luôn chìa một cánh tay cho khán giả bước vào tác phẩm, lên sân khấu. Có thể thấy điều này rõ ràng ở các tác phẩm K-pop (âm nhạc). Các bài hát bao giờ cũng có một vài câu tiếng Anh để người nghe có thể hiểu được ít nhiều và có thể bước vào thế giới của bài hát. Đạo diễn Song Seung Hwan, tác giả của show diễn Nanta hẳn cũng đã suy nghĩ như vậy. Nghệ thuật hiện đại quan trọng nhất là cảm xúc và sự tương tác với khán giả. Concept của NANTA show đã được giải thưởng quốc tế cho sự sáng tạo và nay được nhân rộng, trở thành một show không thể không xem cho khách du lịch và những người thích tìm một sự giải trí. Ra đời năm 1990, cho đến nay, đây vẫn là một trong những show diễn đắt khách nhất tại Hàn Quốc.  Kết cấu câu chuyện đơn giản là có một ông chủ nhà hàng làm tiệc cưới cho khách. 4 nhân vật chính nhảy múa, làm xiếc, làm ảo thuật, nhảy múa và trình diễn âm nhạc bộ gõ làm từ các đồ vật trong bếp. Các động tác xiếc trong show không đặc biệt khó. Các điệu nhảy hay âm nhạc cũng vậy. Nhưng đúng tinh thần Pop art: show diễn đơn giản, vui nhộn, hào hứng, đầy tương tác. Bạn không thể ngủ trong một show NANTA. Ít nhất 4 khán giả sẽ được mời lên sân khấu tham gia một hoạt cảnh trên đó. Tương tác với người diễn. Chàng diễn viên đóng vai bếp trưởng tương tác với người xem bằng cách hướng dẫn khán giả vỗ tay, giậm chân, chia khán phòng làm hai để ganh đua. Cuối cùng là phần trình diễn trống truyền thống nhưng bốc lửa của Hàn Quốc. Âm nhạc trong show cũng chạy trên nền Pop music nên dễ nghe, bắt tai và đơn giản. Các nghệ sỹ tham gia NANTA show sẽ theo show 10 năm, nhiều người sau đó trở thành sao điện ảnh, ca nhạc, sân khấu, giải trí. NANTA đã được dựng thành concept có nghĩa là có thể nhân bản thoải mái. Toàn Hàn Quốc giờ có 6 đoàn diễn NANTA bận rộn với các show diễn trong nước và cả ngoài nước, theo những chương trình do Tổng Cục Du lịch Hàn Quốc tổ chức. Không có ngày nào mà tiếng trống trong show NANTA không vang lên. Show diễn này đã đến Việt Nam 2 lần.

 

 

Ở Việt Nam, Làng Tôi hoàn toàn đã có thể là 1 show như thế: vừa đẹp, vừa hay, vừa ý nghĩa. Đạo diễn và nhà sản xuất đã co lại chỉ còn 60 phút - đúng độ dài của một show diễn giải trí. Nếu Làng tôi trở thành một show diễn đại diện cho văn hoá Việt Nam đương đại thì Nhà hát thành phố Hà Nội và Sài Gòn sẽ có một show diễn thường trực hấp dẫn. Tổng Cục Du lịch cũng có con gà đẻ trứng vàng, vừa kiếm tiền trong nước, vừa mang chuông đi đánh xứ người một cách hiên ngang. Liên đoàn xiếc, trường xiếc có thêm một nguồn cảm hứng, một đầu ra.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan