A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐI TÌM “CÔNG THỨC VÀNG” CỦA CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA HÀN QUỐC (1/4)

Kì 1:

                           THÀNH CÔNG ĐẾN TỪ SỰ CHUẨN BỊ

 

Những năm đầu thập kỷ 80, Hàn Quốc vẫn đang nhập khẩu số lượng lớn các sản phẩm văn hóa như phim ảnh từ các nước như Mỹ, Pháp, Nhật Bản. Trong vòng 2 thập kỷ, Hàn Quốc đã tự nâng mình lên hàng cường quốc văn hóa. Công nghiệp văn hóa đã mang lại hàng tỷ đô la cho đất nước này mỗi năm.

Kể từ những năm 2000, từ Dubai đến Tokyo, phụ nữ trẻ, già đều mê mẩn vẻ đẹp trai của các ngôi sao điện ảnh Hàn Quốc. Hầu hết khách du lịch đến Hàn Quốc đều mong có chuyến thăm đảo Nami nơi diễn ra bối cảnh bộ phim ăn khách Bản tình ca mùa Đông. Một đám đông chưa từng thấy trong lịch sử là fan của K-pop (nhạc Pop phong cách Hàn Quốc) xếp hàng dài ở sân bay Charles De Gaulles, Paris, để chào đón các ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc. CJ E&M - Công ty giải trí số 1 Hàn Quốc, đang tham vọng trở thành công ty sản xuất nội dung số 1 châu Á và năm 2020 và số 1 thế giới vào năm 2030. Làn sóng văn hóa Hàn Quốc đã tự nâng cấp lên phiên bản sau của mình (phiên bản Hallyu 1.0 được 1 số nhà nghiên cứu cho rằng từ 1995 đến 2010). Người ta đang nói đến Hallyu 2.0, kỷ nguyên của nội dung trong thời đại số.

 

Thành công không từ trên trời rơi xuống

Vào đầu thập niên 1980, công nghiệp văn hóa còn là một khái niệm không nổi trội ở Hàn Quốc. Thị trường điện ảnh chiếu rạp ngập tràn phim Mỹ, phim truyền hình TVB Hồng Kong, Đài Loan, Trung Quốc, âm nhạc là US UK POP, J Pop, games là Nhật Bản. Nhà nước đã bật đèn xanh cho công nghiệp văn hoá nội địa. Các siêu tập đoàn (Chaebols) cũng tham gia vào lĩnh vực này. Hệ thống rạp chiếu phim được xây dựng hàng loạt giúp nâng cao chất lượng phục vụ khán giả. Các công ty chủ động trong việc gửi người đi học tại nước ngoài, xây dựng phim trường, hệ thống phân phối. Nhà nước giữ vai trò nhạc trưởng, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thành công hơn nữa. Nhà nước chú trọng phát triển công nghiệp ICT – Tin học, viễn thông. Phát triển công nghiệp văn hoá là hàng loạt các cơ quan như: Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du Lịch, Bộ Ngoại Giao, Viện Quảng bá Văn hóa Thông tin Hàn Quốc (KOCIS), Trung tâm Văn hoá Hàn Quốc tại nước ngoài (theo kế hoạch có 48 trung tâm năm 2017 trên toàn thế giới), KOCCA Cơ quan Sáng tạo nội dung(Korea Creative Content Agency), Trung tâm Ngôn Ngữ Hàn Quốc Sejong (khoảng 200 trung tâm), Korea Style Hub (Trung tâm Quảng bá Phong cách Hàn Quốc), KCTI Viện Văn hoá và Du lịch (The Korea Culture & Tourism Institute, Quỹ Hàn Quốc (Korea Foundation), ARKO Hội đồng Nghệ thuật Hàn Quốc, Viện Quản trị nghệ thuật (KAMS). Người Hàn đã dày công nghiên cứu các công thức thành công của các nước tiên phong. Sự hấp dẫn của điện ảnh Mỹ, sự bảo hộ điện ảnh trong nước bằng hệ thống quota, sự tỉ mẩn của Nhật Bản trong việc chăm sóc các sản phẩm điện ảnh, âm nhạc để đảm bảo chất lượng cao nhất mỗi khi tung ra thị trường.

Không chỉ bắt đầu bằng việc tạo ra nội dung (content) thú vị, dễ nhân bản, các nhà sản xuất văn hoá Hàn Quốc còn chọn “đi tắt đón đầu” bằng việc đưa cạnh tranh vào không gian số nơi khoảng cách về phát triển bị xóa nhòa. Cụ thể là các nhóm nhạc pop Hàn Quốc đều giới thiệu và bán nhạc trên mạng. Tinh thần dân tộc trở thành động lực cho sự phát triển của công nghiệp văn hoá: vừa là đầu vào, vừa là đầu ra. Thị trường nội địa là thị trường lớn nhất: nếu anh không thể trở thành số 1 ngay tại đất nước mà anh hiểu rõ về thị trường thì làm sao có thể phát triển sang các nước khác? Tại Hàn Quốc, bất cứ ngóc ngách nào đều nghe thấy nhạc Hàn vang lên. Hạ tầng công nghệ thông tin (ICT) được phát triển mạnh. Hàn Quốc là nước có độ phủ internet hàng đầu thế giới và tốc độ internet nhanh nhất thế giới. Không chỉ có thế, Hàn Quốc còn ghi tên mình trên bảng vàng phát triển viễn thông: thế vận hội mùa đông Pyeongchang, Hàn Quốc 2018 sẽ chứng kiến lễ khai trương dịch vụ viễn thông 5G đầu tiên trên thế giới.

 

 

 

Hàn Quốc không phải là nước khai sinh ra internet, điện ảnh hay công nghiệp games nhưng điều rõ ràng là Hàn Quốc đang là một cường quốc trong lĩnh vực này. Nội dung của nhiều sản phẩm văn hoá Hàn Quốc đã vượt ra khỏi biên giới Hàn Quốc và được sử dụng nhiều lần dưới nhiều dạng thức khác nhau. Các nhà sản xuất Hàn Quốc hướng đến việc sản xuất những nội dung xuyên văn hoá, từ đó quốc tế hoá và tối ưu hoá sự khai thác. KOCCA Cơ quan Sáng tạo Nội dung Hàn Quốc có lẽ là một trong những cơ quan quan trọng nhất của ngành công nghiệp này với 5 bộ phận: Cơ quan sáng tạo nội dung và văn hoá Hàn quốc, Viện truyền thanh, truyền hình Hàn Quốc, Cơ quan Công Nghiệp Game Hàn Quốc, Trung tâm Nội dung Văn hoá và Nhóm phát triển kinh doanh nội dung số thuộc Cơ quan Phát triển Công nghiệp IT Hàn Quốc (lần lượt là Korea Culture and Content Agency, the Korea Broadcasting Institute, the Korea Game Industry Agency, the Cultural Contents Centre, Digital Contents Business Group of Korea IT Industry Promotion Agency).


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật