A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CÓ KHI NÀO TRÊN ĐƯỜNG ĐỜI TẤP NẬP, TA VÔ TÌNH GIẪM NÁT CHÂN NHAU?

Nói thế nào về sự xâm hại, tai nạn, thảm kịch để không "thương nhau như thế bằng mười hại nhau?"

Một cái chết thương tâm, và những dòng thông tin "vô tư" nêu tên, tuổi,  ảnh của nạn nhân.

Một vụ xâm hại xảy ra, tên của nạn nhân cũng như nghi phạm được nêu "chình ình" khiến cho người trong cuộc và những người có liên quan ngưng hợp tác với các cơ quan chức năng và sau khi vụ việc trở nên ầm ĩ thì cả nạn nhân và nghi phạm đều hết đường lùi, không thể tái hội nhập với xã hội.

Một công ty thiết kế sản phẩm bị lỗi gây ra tai nạn chết người cho các cháu bé nhưng ống kính tường thuật lại đặc tả ngôi nhà và hiện trường xảy ra vụ án làm cho nỗi đau của gia đình nạn nhân càng tăng lên.

Khuôn mặt bị làm mờ hoặc che đi chỉ có đôi mắt, phần biểu cảm nhất, dễ nhận ra nhất lại được show ra.

Đăng những bức ảnh đẹp của người xấu số chỉ làm cho nỗi đau không chỉ của bố mẹ mà còn của người thân, bạn bè thêm sâu...

Đó chỉ là một số ít trong số các lỗi tác nghiệp của không ít "thư ký thời đại" ngày nay. Thư ký thời đại ngày nay không cần biết nghiệp vụ báo chí mà chỉ cần mở một tài khoản Facebook, Zalo, Twitter là đã đủ khả năng trở thành tổng biên tập của một tòa soạn báo đa phương tiện, một điều tra viên, một quan tòa.

Vụ Minh Béo làm bậy ở Mỹ, báo chí không tiết lộ 1 dòng về nhân thân cậu bé.

Vụ giải cứu ở Thái Lan, trong tâm điểm sự việc, không báo chí nào tiếp cận “được” hoặc “được” tiếp cận với các cậu bé ngay sau khi được cứu thoát. Chính quyền bảo vệ nhân thân của các cháu và tránh tiếp xúc.

Sau một cuộc khủng hoảng, cái quan trọng nhất là hành động giải quyết và ngăn ngừa. Trong đó, trợ giúp, đồng hành về mặt tâm lý (với nạn nhân, gia đình, bè bạn) là vô cùng quan trọng. 

Đằng sau mỗi dòng chữ là biết bao số phận, biết bao nỗi đau, hãy thận trọng hơn khi cưỡi lên cỗ xe tứ mã truyền thông. Báo chí, mạng xã hội không phải là không màu không mùi mà trong số vô vàn góc cạnh và hương vị cuộc sống, nếu không cẩn thận, đâu đó còn thoang thoảng màu đỏ và mùi tanh của máu.

Ranh giới giữa phản ánh trung thực sự việc xảy ra và tác động phụ mà người trong cuộc phải chịu rất mong manh. Hệ tham chiếu cần có là đạo đức nghề nghiệp, sự nhậy cảm của cá nhân và luật pháp trong lĩnh vực chuyên môn ấy.

 

Vài dòng tóm tắt từ hội thảo bảo vệ quyền trẻ em do Cục bảo vệ quyền trẻ em, Bộ LĐTB XH tổ chức 8/8/2019.

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan