A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Có gì mới dưới ánh mặt trời?

Trong khi chờ đợi quyết định cuối cùng của Viện hàn lâm hoàng gia Thụy Điển, nhiều show thời trang trên thế giới bị hủy bởi vận dụng phương pháp của nhóm nhà nghiên cứu Việt Nam, người ta đã phát hiện thấy nhiều điểm tương đồng giữa các bộ sưu tập mới và các bộ đã từng có trong quá khứ dù câu chuyện khác hẳn nhau. Tất cả các bộ sưu tập có liên quan đến vở kịch Danton, một nhà tù (Abu Ghraib), sự tra tấn, một thái độ và khái niệm vô tổ chức (vì John Galliano đã dùng), bàn cờ (vì Motorola, Hary Potter, Alexander Mc Queen đã dùng), sàn đấm bốc (Vivienne Westwood và Madona đã dùng), Alice ở xứ sở thần tiên, quần áo quân sự (Vivienne Westwood đã dùng), Thiên Nga – bất kể đen hay trắng, bánh mì – bất kể ngắn hay dài (vì Jean Paul Gautier đã dùng), Harry Potter, các bộ sưu tập có chữ lãng mạn (Alexander McQueen đã dùng), cảnh đồng quê nước Pháp, phục trang thời Byzantine, một bài thơ (Karl Lagerfeld đã dùng) đều bị cấm dưới bất kì hình thức nào, dù để truyền tải thông điệp nào khác đi nữa.
 

Giải Nobel kinh tế 2012 có khả năng về tay một nhóm nghiên cứu người Việt Nam

 

Theo thông tấn xã vỉa hè Stockhom, viện hàn lâm Thụy Điển đang dự định trao giải Nobel kinh tế 2012 cho một nhóm ‘‘nhà nghiên cứu’’ show biz và thời trang Việt Nam. Theo các viện sỹ hàn lâm Thụy Điển, nhóm nhà nghiên cứu này đã dùng phương pháp đặc biệt là ‘‘soi’’ chỉ bằng dụng cụ kính lúp trên Ipad. Theo phát kiến này, phương pháp sáng tác của các nghệ sỹ, cách thu phí bản quyền và thậm chí từ điển cũng thay đổi một số mục từ. Theo phương pháp này, chỉ cần nghiên cứu 1 chi tiết nhỏ trong một tác phẩm/sáng tác của bất kì nghệ sỹ nào người ta có thể biết được toàn bộ quá trình sáng tác và lao động nghệ thuật của người ấy, và đặc biệt là biết người ấy có chịu ảnh hưởng của những người đi trước không. Nếu có thì sẽ phải đóng thuế nếu không muốn bị báo chí mổ xẻ.

 

Phát kiến này làm cho nhiều dòng họ hay thậm chí là nhiều quốc gia rất hưng phấn bởi theo đó, trong lĩnh vực văn học, dòng họ của đại thi hào Đức Goethe đã chính thức khởi kiện Balzac và Oscar Wilde vì đã ‘‘nhái’’ ý tưởng bán linh hồn cho quỷ dữ của Goethe để sáng tác ra Tấm da lừa và Chân dung của Dorian. Trong lĩnh vực hội họa, Liên minh châu Phi đòi gia đình Picasso phải chia sẻ phần tài sản kếch sù của họa sỹ này do sao chép nghệ thuật mặt nạ châu Phi để khai sinh ra trường phái lập thể. Andy Warhol bị kiện vì đã ‘‘sản xuất hàng loạt’’ chân dung của Marilyn Monroe, hộp súp Cambell, chân dung Mao Trạch Đông và gọi đó là tác phẩm nghệ thuật để bán lấy tiền. Cũng nhân đà này, trong lĩnh vực điện ảnh, đạo diễn Lý An của BrokeBack Mountain chính thức khởi kiện phim Hai con gái ông chủ vườn thuốc của Đới Tư Kiệt,...vì đã ‘‘nhái’’ ý tưởng cho các mối tình đồng tính vào phim. Đạo diễn James Cameron đang ‘‘ca-mơ-run’’ vì bị một nhà văn Trung Quốc dọa kiện vì đã copy ý tưởng của ông ta để làm phim Avatar. Đạo diễn phim Chú cá Nemo đã đồng ý trả cho các đồng nghiệp người Pháp để những người này không khởi kiện. Trong lĩnh vực công nghiệp, qua web cam trực tiếp từ thiên đường, Steve Jobs đang xoa hai tay vào nhau mỉm cười bởi Apple đã có thể kiện Sam Sung, Ericson vì đã ‘‘nhái’’ mẫu mã thiết kế của Iphone. Sony kiện Sam Sung, Panasonic, Toshiba vì đã ‘‘nhái nguyên xi’’ thiết kế của các màn hình phẳng của mình. Những người xếp hàng đi kiện tỏ ra ngán ngẩm bởi trong hàng ngũ này còn có cặp: Vespa LX/Lambretta, Elizabeth/SCR, AUDI và các hãng lắp đèn LED cho xe, chữ Vạn của Phật giáo với biểu tượng của quốc xã,...Trong lĩnh vực thời trang, các nhà thiết kế hàng đầu thế giới đang lao vào cuộc chiến ai copy ai khi chiếc áo của Kate Middleton có nhiều điểm giống với chiếc váy cưới của con gái nuôi của Thủ tướng Ý, Isabella Orsini. Nhưng cả hai chiếc váy này đều được xem là lấy cảm hứng từ chiếc váy mà bà hoàng Monaco, Grace Kelly mặc trong ngày cưới của mình vào năm 1956. John Galliano bị chỉ trích là đã lấy cảm hứng nhiều một cách quá đáng từ trang phục trong vở Danton do nhà hát quốc gia Luân Đôn nơi anh làm việc vào lúc đó sản xuất để làm ra bộ sưu tập đầu tay của mình. Nhiều người còn đòi  chiếc áo thịt sống mà ca sĩ Lady Gaga mặc tham dự lễ trao giải MTV 2011 phải gọi chiếc áo cùng ‘‘phong cách’’ mà Jana Sterbak mặc từ năm 1987 bằng ‘‘cô’’, nhưng theo các nguồn tin vỉa hè, đòi hỏi này chưa nằm trong lịch làm việc của Lady Gaga.
 

Theo đánh giá của viện hàn lâm Thụy Điển, phát kiến này sẽ lộn ngược thế giới sáng tạo và mang lại hàng tỷ đô la tiền bản quyền và hàng triệu việc làm cho các trang báo mạng, mạng xã hội.

Ý tưởng khởi kiện mọi nơi mọi lúc này đã làm cho một số quốc gia đặc biệt hào hứng, trong đó có Hy Lạp. Ông này hùng hồn tuyên bố ‘‘Hy Lạp đã thoát khỏi khủng hoảng nợ, các nước châu Âu và cả Mỹ phải có trách nhiệm trả tiền bản quyền cho Hy Lạp vì đã nhái phong cách kiến trúc của nước này trong nhiều nghìn năm qua’’. Nhiều nhà xuất bản trên thế giới đã phải gộp các mục từ như chịu ảnh hưởng của, tiếp thu tinh hoa của, lấy cảm hứng từ, copy, sao chép và các hành động tương tự trong một mục từ: nhái. Một số kẻ quá khích còn đòi đưa Picasso ra tòa vì tội đã cổ xúy cho việc copy trong sáng tạo bằng câu nói của mình: nghệ sỹ tốt thì copy, nghệ sỹ tuyệt vời thì ăn cắp.
 

Tuy nhiên, giới luật gia cũng đang bối rối trong lĩnh vực thời trang để xác định cái tua rua nào thuộc về nhà thiết kế nào, đường cúp nào thuộc về ai, áo khoét hở ngực thuộc về phụ nữ châu Âu thời Phục Hưng hay thuộc bản quyền của các ‘‘nhà thiết kế’’ thời Đường bên Trung Quốc cách đây 1500 năm. Đại diện của Việt Nam cũng tỏ ra lo lắng trước việc Trung Quốc có thể đòi ‘‘charge’’ tiền bản quyền của Nguyễn Du vì đã dùng quá nhiều điển tích của Trung Hoa trong cuốn truyện dịch của mình.
 

Trong khi chờ đợi quyết định cuối cùng của Viện hàn lâm hoàng gia Thụy Điển, nhiều show thời trang trên thế giới bị hủy bởi vận dụng phương pháp của nhóm nhà nghiên cứu Việt Nam, người ta đã phát hiện thấy nhiều điểm tương đồng giữa các bộ sưu tập mới và các bộ đã từng có trong quá khứ dù câu chuyện khác hẳn nhau. Tất cả các bộ sưu tập có liên quan đến vở kịch Danton, một nhà tù (Abu Ghraib), sự tra tấn, một thái độ và khái niệm vô tổ chức (vì John Galliano đã dùng), bàn cờ (vì Motorola, Hary Potter, Alexander Mc Queen đã dùng), sàn đấm bốc (Vivienne Westwood và Madona đã dùng), Alice ở xứ sở thần tiên, quần áo quân sự (Vivienne Westwood đã dùng), Thiên Nga – bất kể đen hay trắng, bánh mì – bất kể ngắn hay dài (vì Jean Paul Gautier đã dùng), Harry Potter, các bộ sưu tập có chữ lãng mạn (Alexander McQueen đã dùng), cảnh đồng quê nước Pháp, phục trang thời Byzantine, một bài thơ (Karl Lagerfeld đã dùng) đều bị cấm dưới bất kì hình thức nào, dù để truyền tải thông điệp nào khác đi nữa.
 

Theo tin mới nhận được, có nhà tổ chức, để tránh mọi vấn đề rắc rối đã cho toàn bộ người mẫu cởi truồng, dùng đèn đom đóm và làm nhạc từ lá cây nhưng đến giờ cuối vẫn phải hủy bỏ theo đơn kiện của tác giả truyện cổ tích Hoàng đế cởi truồng, hậu duệ của Mạc Đĩnh Chi và đại diện của người Hmông truy cập Internet từ Mù Cang Chải phát hiện ra trong đêm tổng duyệt.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan