A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CHUỖI VÔ HÌNH – HAY CÂU HỎI LỚN VỀ TÔN GIÁO VÀ CON NGƯỜI - ERIC EMMANUEL SCHMITT

Nếu không có chiến tranh và xung đột các tôn giáo sẽ nói gì với nhau, sẽ tồn tại như thế nào? Liệu người ta có thể nói đến một sự chung sống ? Nên nhìn sự sống và cái chết như thế nào ? Yêu thương, sự tôn trọng, thù hận, cô đơn, chủng tộc, màu da, đức tin, trẻ em, người già, xã hội, tệ nạn... người ta đã đang và sẽ nhìn nhận những cảm xúc và thực tại đó như thế nào ? Eric Emmanuel Schmitt chọn đi vào con đường đầy gai góc ấy bằng tâm thức như của một đứa trẻ. Qua mỗi tác phẩm của mình, ông dành tặng độc giả một món quà tư duy, nhẹ nhàng về hình thức mà ý nghĩa lại nặng sâu.

Nếu Chúa trời quyền năng như thế, yêu con người như thế, tại sao thế giới lại thê thảm thế này? Cha Pons nói ’’ Chúa chỉ tạo ra thế giới này một lần duy nhất. Người đã làm ra bản năng và sự thông minh để con người chúng ta tự xoay xở mà không cần tới Người’’. ‘’Chẳng có tôn giáo nào đúng, cũng chẳng có tôn giáo nào sai, mỗi cái chỉ đưa ra một cách sống cho chúng ta chọn lựa’’.

 

Năm 1997, Eric Emmanuel Schmitt cho ra đời vở kịch mang tên Milarepa dưới hình thức một vở kịch độc thoại về tư tưởng phật giáo Tây Tạng. Sự hào hứng của công chúng đã hối thúc ông chuyển vở kịch thành tiểu thuyết khởi đầu cho một bộ tác phẩm viết về tình người, cuộc sống, những điều vô hình tồn tại quanh ta với tên gọi Chuỗi vô hình. Năm 2002, ông cho xuất bản bộ ba tác phẩm trong bộ truyện này, và năm nay, 2009, tác phẩm thứ năm (và chưa phải là cuốn cuối cùng) đã ra mắt độc giả.

 

1997 : Milarepa

 

2001 : Ông Ibrahim và những đóa hoa Coran

 

2002 : Oscar và bà áo hồng

 

2004 : Con của Noé

 

         2009 : Chàng su mô không thể béo

 

          Ở châu Á, những chuyện động trời nhiều khi lại được phát biểu qua những bài đồng dao, những câu hát của con trẻ. Không biết có phải là một sự trùng hợp nhưng những nhân vật chính trong bộ năm tác phẩm này (trừ Simon trong Milarepa) đều là con trẻ. Mỗi nhân vật đều nằm trong một hoàn cảnh éo le và chính hoàn cảnh ấy kéo họ đến với các suy nghĩ về bản chất của cuộc sống và tôn giáo. Nhân vật Moise, 11 tuổi, một đứa trẻ Do thái, trong Ông Ibrahim và những đóa hoa của kinh Coran  khám phá cuộc sống trên một con phố đầy gái điếm với một người cha đẻ không hề quan tâm đến con. Moise đã hiểu được giá trị của cuộc sống và tôn giáo nhờ người cha nuôi từ tâm là người Hồi giáo. Joseph, 7 tuổi, Do thái, trong Con của Noé phải trốn trong tu viện để không bị mật vụ Đức bắt vào trại tập trung. Được cha Pons, theo Công giáo, che chở cho đến ngày phát xít Đức thua trận. Oscar, 10 tuổi, bị bệnh máu trắng. Với sự giúp đỡ của Bà áo hồng hơn 100 tuổi, cậu bé đã hàng ngày viết thư cho Chúa và quyết định sống mỗi ngày bằng 10 năm. Tuy chỉ còn sống được 12 ngày nhưng cậu đã trải qua những mốc lớn như một người sống cả trăm năm. Trong Chàng Su mô không thể béo  Cậu bé Jun, 15 tuổi, sống lang thang trên các con phố Tokyo, cha chết vì lao lực, mẹ lâm trọng bệnh. Một hôm, cậu gặp một bậc thầy về su mô, người giúp cậu hiểu được giá trị đích thực của mỗi con người bằng cách làm chủ chính mình, mở lòng ra với mọi người và thực tập Thiền.

 

‘’Tôi không viết để thuyết giáo. Ngược lại, tôi thích làm người đọc suy nghĩ bằng cách kể một câu chuyện hay’’. Có lẽ chính vì suy nghĩ này của tác giả mà truyện và kịch của ông đã được đưa vào giảng dạy tại các trường trung học tại Pháp và Đức. Người ta đã viết về các tác phẩm của ông: Đề cập đến những vấn đề phức tạp bằng ngôn từ đơn giản, bằng tiếng nói từ trái tim và làm người ta suy nghĩ đến ý nghĩa thực sự của sự việc đó chính là cái tài của Eric Emmanuel Schmitt.

 

Văn phong giản dị, cấu trúc truyện đơn giản nhưng hấp dẫn, nhẹ nhàng mà thâm thúy, người dịch tin tưởng bộ năm tác phẩm của Eric Emmanuel Schmitt chắc chắn sẽ cuốn hút độc giả Việt Nam như đã từng cuốn hút bao độc giả nước ngoài.        

        Hà Nội, 30 tháng 6 năm 2009

 

 

Chàng su mô không thể béo  

Nguyễn Đình Thành dịch

 

             Tác phẩm đưa người đọc đến với một đứa trẻ khác thường sống trong một hoàn cảnh không bình thường: Jun là một cậu bé 15 tuổi sống lang thang trên đường phố Tokyo. Bố cậu tự tử sau khi bị lao lực vì làm việc quá nhiều. Giận mẹ là đã không quan tâm đến mình, cậu bỏ nhà đi bụi và sinh ra căm ghét đồng loại. Jun không ngần ngại chui vào mọi xó xỉnh dù bẩn thỉu đến cỡ nào chỉ để không phải gặp đồng loại. Cuộc gặp với ông già Shomintsu kì lạ trên đường đã làm cuộc sống của Jun hoàn toàn thay đổi. Cậu khám phá ra rằng ngay cả một cậu bé gày gò như mình cũng có thể trở thành đô vật sumo vì đó không chỉ là một môn thể thao mà còn là con đường khám phá phần không nhìn thấy được trong cuộc sống: tâm linh và sự hiểu biết chính mình. Quá khứ, sức nặng tâm lí ngăn cản cậu béo lên để trở thành một đô vật sumo ‘’đúng chuẩn’’ nhưng với sự giúp sức của ông già, Jun đã từ đáy xã hội vươn lên trở thành người tốt. Cậu học cách chế ngự thân xác mình qua tập luyện và chế ngự tâm mình bằng thiền định. Sự thù hận loài người trong cậu cuối cùng đã trở thành tình yêu đồng loại. Tình yêu đôi lứa cũng tìm đến với cậu.

            Những người đã quen với phong cách Schmitt bao giờ cũng ‘’cảnh giác’’: bất chấp hình thúc đơn giản, văn phong mộc mạc, truyện của ông không bao giờ chỉ mang tính giải trí đơn thuần. Dưới ngòi bút của ông, xã hội làm việc đến kiệt lực, bế tắc, lạ lùng của Nhật và của đời sống công nghiệp hiện lên sắc nét. Một thế giới đang lâm trọng bệnh và thuốc chữa của nó đến từ truyền thống và con người cần đến tôn giáo. Giống như cậu bé trong câu chuyện : ‘’phía sau những đám mây bao giờ cũng là bầu trời’’.

            Truyện ngay lập tức nằm trong danh sách những tác phẩm bán chạy nhất trong năm 2009 tại Pháp.

 

Milarepa

          Xuất bản năm 1997, Milarepa là cuốn đầu tiên trong bộ truyện ‘’Chuỗi vô hình’’ của Eric Emmanuel Schmitt. So với những truyện khác trong cùng bộ, Milarepa ít nổi tiếng và kém phổ biến hơn có lẽ bởi hình thức của tác phẩm. Được sáng tác ban đầu dưới dạng một vở kịch độc thoại, câu chuyện giống như một dòng suy nghĩ mang đậm chất thiền Tây Tạng. Đó là câu chuyện về Simon, người hàng đêm mất ngủ vì một giấc mơ giống nhau : cậu là hiện thân của một người chú của Milarepa - một cao tăng sống cách nay đã 10 thế kỷ. Người chú này căm thù người cháu Milarepa và mối thù ấy truyền từ kiếp này sang kiếp khác. Để thoát khỏi vòng sinh tử, Simon phải kể lại câu chuyện cuộc đời của hai người. Có lúc, câu chuyện của hai người ấy lẫn cả vào câu chuyện của chính Simon làm cho không biết đâu là câu chuyện của ai nữa.

            Có thể coi câu chuyện là sự khởi đầu cho một loạt các suy nghĩ và sau đó là tác phẩm của Eric Emmanuel Schmitt từ khi ông quyết định thôi không làm nhà triết học mà chuyển sang làm nhà văn. Những lời tâm sự của ông trong tạp chí Triết học, trong một cuộc trao đổi với nhà triết học Hồi giáo Abdennour Bidar : ‘’  Tôi sinh ra và lớn lên trong một môi trường vô thần, với một định kiến mà cho đến lúc ấy tôi vẫn ngỡ là không gì thay đổi được là phủ nhận tôn giáo [...] Thế rồi tôi ngày càng cảm thấy kiệt sức với những gì gọi là lý tính cái không thể trả lời cho các câu. Tôi đã quyết định mở lòng mình với những ý nghĩ không hợp lý tính như : làm nghệ thuật, trải nghiệm những điều bí ẩn, nghiền ngẫm kinh kệ’’. Có lẽ chính từ suy nghĩ như vậy mà tác giả đã cho ra đời Milarepa như một câu chuyện thiền cho người đọc và chính người viết suy nghĩ. Chính từ tác phẩm này mà tác giả đã đưa ra phong cách chủ đạo cho tất cả các truyện sau này trong bộ tác phẩm (vẫn tiếp tục được bổ sung) của mình :

  • một đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn nhưng linh mẫn khác người
  • một người đỡ đầu về tinh thần
  • giọng văn vui vẻ với những suy nghĩ và quan sát như trẻ nhỏ : hồn nhiên nhưng lại đề cập đến chính bản chất của sự việc .

Với tính chất như thế Milarepa là một phần không thể tách rời của bộ truyện nhưng cần được đọc sau cùng.

            Như một món quà dành tặng độc giả yêu quý Eric Emmanuel Schmitt, tập cuối của bộ truyện có thể được in kèm với hai vở kịch của Schmitt : Người khách lạTrường học của quỷ. Năm 1993, vở kịch thứ hai Người khách lạ, nói về cuộc gặp gỡ không tưởng giữa nhà phân tâm học Freud và Chúa trời được giới phê bình và công chúng đón nhận nồng nhiệt. Freud, người đã luôn từ chối tin vào Chúa đã gặp một kẻ tự xưng là Chúa trời, đưa ra những lý luận và tiên đoán khác thường làm cha đẻ ngành phân tâm học bối rối, có lúc quên đi mọi xác tín khoa học của mình và rồi cuối cùng cũng không biết được người đó là một kẻ thần kinh hoang tưởng hay là Chúa trời hiện thân. Tác phẩm đặt ra những câu hỏi lớn về đức tin, về quan hệ giữa các nhà khoa học với những thế lực siêu nhiên, về bản chất của cuộc sống và tương lai của loài người. Schmitt cũng tìm cách lý giải nguồn gốc của cái Ác trong vở kịch Trường học của quỷ trong đó ông miêu tả thế giới hiện nay với những hiện thực hết sức nghiệt ngã và cội nguồn của cái ác là do người ta cho rằng cái Ác không hề hiện hữu, rằng làm điều ác bao giờ cũng là để tránh điều ác lớn hơn có thế xảy ra và cái ác không phải do người ta cố ý gây nên mà là do vô thức gây ra. Chính vì nghĩ như thế nên loài người mới làm được nhiều điều ác đến thế.

Oscar và bà áo hồng

           Người ta sẽ làm gì nếu biết mình sẽ chết ?

          Người ta sẽ làm gì nếu chỉ còn sống được hơn mười ngày ? Đặc biệt khi ‘’người ta’’ chỉ là một cậu bé mười tuổi sống một mình ở nơi toàn trẻ em bị bệnh hiểm nghèo và những ‘’bà áo hồng’’ - những người già làm việc tình nguyện trong bệnh viện. Oscar bị bệnh máu trắng và chỉ còn sống được 12 ngày và bố mẹ em quá đau buồn không đủ dũng cảm đến thăm em hàng ngày. Bà áo hồng đã khuyên Oscar hãy biết cách chấp nhận cái chết. Theo lời khuyên của bà, mỗi ngày Oscar viết một lá thư gửi Chúa và sống một ngày bằng 10 năm và thế là cuộc đối thoại giữa con người và Chúa trời bắt đầu.. Ngày thứ nhất, Oscar ‘’làm quen với Chúa’’ và mới được sinh ra. Ngày thứ hai cậu là một chú bé mười tuổi. Ngày thứ ba, Oscar đến với thời niên thiếu và ‘’yêu’’ Peggy, một cô bé cùng viện bị bệnh ung thư làm cho da tái xanh. Ngày thứ tư, cậu  30 tuổi và ngỏ lời cầu hôn Peggy. Ngày thứ năm, cô bé được phẫu thuật và Oscar rất vinh dự khi được bố mẹ Peggy trao con gái của họ cho cậu chăm sóc. Ngày thứ sáu không hề yên ả. Cô bé người Trung Quốc nói rằng Oscar yêu mình còn Brigitte, một cô bé khác đã hôn lên khắp người Oscar, Peggy bỏ cậu. Cậu bé rơi vào tình trạng dở khóc dở cười và đối mặt với những vấn đề gia đình của một người đàn ông năm mươi tuổi. Lá thư thứ bảy, Oscar viết cho Chúa vào dịp Noel sau khi đã làm lành với Peggy. Lá thư thứ 8, 9, 10, Oscar dành thời gian suy nghĩ nhiều hơn như người ta suy nghĩ từ năm 70 đến 100 tuổi. Cứ như thế cậu bé trải qua mọi  giai đoạn của đời người và rút ra những triết lý khiến người lớn phải giật mình. Cậu tìm ra câu trả lời về sự sống, cái chết, tôn giáo, lòng tin. Cậu giải thích với bố mẹ rằng cuộc sống thực ra là một món quà buồn cười. Ban đầu người ta đánh giá quá cao nó và cho rằng mình có thể sống mãi mãi, rồi người ta coi thường cuộc sống, thấy nó thối nát và ngắn ngủi; cuối cùng người ta hiểu ra rằng cuộc sống không phải là một món quà mà là một khoản vay và cần phải cách hưởng thụ nó. Độ dài của các bức thư cứ ngắn dần rút ngắn khoảng cách giữa cậu và Chúa. Ngày thứ 12, cậu bé ra đi mà không kịp viết nốt bức thư cuối cùng. Bà áo hồng cho biết, ba ngày cuối cùng, cậu ngủ với một dòng chữ để đầu giường : ‘’Chỉ Chúa mới có quyền đánh thức tôi’’. Cuốn sách đã giữ vị trí thứ mười bốn trong số các cuốn sách bán chạy nhất năm 2003 và đưa Eric-Emmanuel Schmitt vào danh sách những tác giả đương đại Pháp được đọc nhiều nhất trên thế giới.

Cây bút François Busnel đã bình luận trong tờ nhật báo danh tiếng L’Express :

‘’Eric-Emmanuel Schmitt đã cho ra đời một câu chuyện mang tính huyền thoại thật tuyệt vời về khổ đau và sự hèn nhát. Một câu chuyện kể hòa giải chủ nghĩa duy vật vô thần với niềm hy vọng của đức tin. Để những ai vẫn còn nghi ngờ hiểu ra rằng ‘’bệnh tật cũng giống như cái chết. Đó là một thực tế, không phải là một sự trừng phạt’’. Táo bạo và chắc chắn tác động mạnh hơn một luận án dài hay những bài diễn văn hay hớm. Cần cho tất cả những ai bắt gặp một bệnh viện, dù gần hay xa, khi đi đường đọc quyển sách nhỏ này.’’

            Oscar và bà áo hồng đã được đưa vào chương trình giảng dạy văn học cấp trung học tại Pháp và trình diễn trên sân khấu. Cuối năm 2009, bộ phim cùng tên sẽ được trình chiếu tại Pháp. Tạp chí văn học uy tín Lire tiến hành thăm dò dư luận về ‘’các tác phẩm văn học đã làm thay đổi cuộc đời họ’’. Năm 2004, các độc giả đã bình bầu Oscar và bà áo hồng – một ngoại lệ dành cho một tác giả đang còn sống – đứng ngang hàng với Kinh thánh, Ba chàng ngự lâm Hoàng tử nhỏ.

 

Ông Ibrahim và những đóa hoa Coran

            Mười một tuổi, tôi đập vỡ lợn tiết kiệm và đi chơi gái. Con lợn của tôi bằng sứ tráng, màu bãi nôn, có một cái rãnh để tiền xu có thể chui vào nhưng không thể ra. Bố tôi đã chọn nó cho tôi, cái ống tiết kiệm một chiều này bởi nó giống với quan niệm sống của ông : tiền không phải để tiêu mà để tiết kiệm.

           Eric Emmanuel Schmitt đã bắt đầu cuốn thứ hai trong bộ truyện của mình bằng những câu văn đầy khiêu khích như vậy. Moise là một cậu bé người Do thái 11 tuổi sống trong một khu phố tồi tàn tại Paris. Người cha là luật sư nhưng không có mấy việc để làm, bỏ bê cậu và thường xuyên hạ thấp cậu khi so sánh với một người anh mà ông bịa ra. Càng ngày cậu càng gần gũi ông Ibrahim - người bán rau quả, đồ ăn cùng phố cậu, một người Hồi giáo mà ai cũng tưởng là Ả rập. Ibrahim dạy cậu bé những điều tốt đẹp trong kinh Coran và nhưng cũng chỉ cho cậu những mẹo vặt để xoay thêm tiền của bố. Một ngày, bố cậu bé bỏ đi. Moise tự xoay xở và giấu không cho ai biết điều đó. Cảnh sát đến thông báo rằng bố cậu đã tự tử bằng cách đâm vào đường tàu. Ibrahim nhận cậu bé làm con nuôi. Từ đó, cậu bé người Do thái được ông bố nuôi theo đạo Hồi giải thích những bí ẩn của tôn giáo. Cậu theo chân ông trong chuyến hành hương về Istanbul, đến thăm những nhà thờ lớn của Công Giáo, Chính thống giáo và Hồi giáo. Ông già chết đi để lại cho cậu bé cửa hàng mà cậu bé quản lý cho đến già.

Chỉ với 84 trang sách, Eric Emmanuel Schmitt đã đưa ra những luận điểm lớn về ba tôn giáo. Những khái niệm ‘’thế nào là người Do Thái, người Ả rập và thế nào là tôn giáo đều được ông Ibrahim giải thích. Moise nhận ra rằng ‘’người theo đạo Hồi, đạo Do thái và đạo Ki tô có đầy cái chung nhau trước khi đập vào mõm nhau như bây giờ’’. Giọng văn tuy nhẹ nhàng nhưng các vần đề được đề cập lại không hề nhỏ: gia đình tan vỡ, nạn diệt chủng, trẻ em và tình dục, tự tử, kì thị chủng tộc...Những bài học làm người và sự bác ái : ‘’hiểu tất cả tức là tha thứ cho tất cả’’ ‘’ muốn học một điều gì đó, người ta không đọc sách mà phải trao đổi với người khác. Ta không tin vào sách vở’’. Cuốn sách cũng giúp người đọc khám phá một dòng Hồi giáo ít người biết đến. Khác với hai dòng chính thống: Chiite, Sunnite, dòng Soufi nhấn mạnh rằng sự giác ngộ phải đến từ việc tự soi xét mình chứ không phải chỉ viện dẫn kinh Coran là đủ. Ông Ibrahim et les fleurs du Coran cho người ta thấy đạo Hồi không hề là một tôn giáo hung hãn, hiếu chiến. Nếu các tôn giáo đều ứng xử với nhau bằng tình bác ái thì thế kỷ 21 - thế kỷ của chiến tranh tôn giáo theo luận thuyết của Huntington - sẽ chẳng biết đến chiến tranh. Với giá trị nhân văn và giáo dục cao, giọng văn hài hước và tự nhiên như trẻ nhỏ, không ngạc nhiên khi bộ phim cùng tên đã đạt được giải thưởng cao nhất của điện ảnh Pháp - giải César cho diễn viên đóng vai Ibrahim năm 2003. Năm  2004, cuốn truyện được in bản đặc biệt dành cho học sinh trung học tại Pháp.

Con của Noé

 

             Câu chuyện bắt đầu vào mùa xuân 1942 khi người Do thái bắt đầu bị càn quét ở Bruxelles. Với một chi tiết ngộ nghĩnh như trong Cuộc sống tươi đẹp của Roberto Benigni, cậu bé Joseph tám tuổi chơi ‘’trốn tìm’’ với bố mẹ và thoát khỏi cuộc càn quét. Em được đưa về một tu viện và được một linh mục tên là Pons che chở. Linh mục Pons có sở thích đặc biệt là sưu tập những đồ vật đang bị đe dọa biến mất. Cùng với dân làng trong một ngôi làng ở Bỉ, ông che chở cho 12 đứa trẻ Do thái (12 – con số tượng trưng cho truyền thuyết dân tộc Do thái được hình thành từ 12 bộ tộc). Ông không những giúp các cậu bé thoát khỏi những cuộc càn quét mà còn giúp chúng hiểu biết hơn về chính tôn giáo gốc của mình - đạo Do thái. Một việc làm gần như không tưởng và vô cùng nguy hiểm dưới thời Đức Quốc xã. Những tình huống càn quét, khám xét hồi hộp đến ngạt thở; sự hy sinh của những người dám che chở cho những đứa trẻ Do thái; sự tinh ranh, sắc sảo và mẫn cảm của những đứa bé, những điều diệu kì tưởng như khó thể xảy ra lại xảy ra, người sỹ quan Đức trong chuyện biết gần như chắc chắn rằng những đứa trẻ này là Do thái nhưng không bắt chúng mà lại còn tặng kẹo (một chi tiết gợi nhớ đến bộ phim đã đoạt giải Oscar - Bệnh nhân người Anh). Cuối cùng, Joseoh và các bạn cũng sống sót sau chiến tranh, điều kì diệu đó đã xảy ra chính nhờ tình yêu thương con người và một vài điều huyền diệu xảy ra trong cuộc đời.

           Lại một lần nữa, tác giả sử dụng mô hình một thầy - một trò, một người đỡ đầu- một người được che chở - như trong tác phẩm Ông Ibrahim và những đóa hoa của kinh CoranOscar và bà áo hồng. Cha Pons đã giải thích ý nghĩa của tôn giáo, ý nghĩa của cuộc sống. Trả lời thắc mắc của cậu bé và có lẽ của tất cả những ai từng nghĩ đến tôn giáo: Nếu Chúa trời quyền năng như thế, yêu con người như thế, tại sao thế giới lại thê thảm thế này? Cha Pons nói ’’ Chúa chỉ tạo ra thế giới này một lần duy nhất. Người đã làm ra bản năng và sự thông minh để con người chúng ta tự xoay xở mà không cần tới Người’’. ‘’Chẳng có tôn giáo nào đúng, cũng chẳng có tôn giáo nào sai, mỗi cái chỉ đưa ra một cách sống cho chúng ta chọn lựa’’.


Tags: 265
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan