A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA TỪ DI SẢN: KHÔNG NÊN CHỈ TẬP TRUNG VÀO PHẦN CỨNG

VHO - Không chỉ có ý nghĩa như một nơi gìn giữ các giá trị văn hóa cho một dân tộc, di sản còn là một ‘‘nhà máy’’ sản xuất các  sản phẩm văn hóa: Người ta không chỉ tới đó chiêm ngưỡng di sản mà còn tiêu thụ các sản phẩm như chương trình  biểu diễn, giảng dạy, show diễn tương tác, thưởng thức ẩm thực và mua các sản phẩm lưu niệm, các khóa học online  và thậm chí còn trở thành các nhà tài trợ, bảo trợ.  

 

 

 

Festival Huế là một minh chứng rõ ràng của việc khai thác di sản một cách uyển chuyển Ảnh: Anh Việt

Những việc cần làm 

Để nâng cao giá trị của các sản  phẩm công nghiệp văn hóa trên nền  tảng các di sản cần có sự phối hợp giữa  phần cứng (di sản vật thể) và phần  mềm (di sản phi vật thể, dịch vụ văn  hóa đi kèm).  
Có thể hiểu phần cứng của các di sản  chính là các di tích, di vật, di sản vật lý  cũng như các cơ sở vật chất phục vụ  việc ăn, ngủ, nghỉ và các nhu cầu khác của khách tham quan. Đã không ít  lần, nhiều công ty du lịch đã phải kêu  trời vì tại khu di tích thiếu thốn những  cơ sở vật chất tối thiểu cho khách du  lịch. Thậm chí có những khu không  có nơi uống nước, không có khu bán  đồ lưu niệm, không có bảng chỉ dẫn,  không có ghế nghỉ... làm du khách có  cảm giác như đi vào chỗ không người,  không được chăm sóc. Như vậy rất  khó cho họ có thể quay lại nơi này  hoặc giới thiệu những người khác đến  thăm di tích này.  
Khi được chỉnh trang hợp lý, về  phần cứng có thể trở thành các sân  khấu để biểu diễn; địa điểm để làm  sắp đặt ánh sáng, âm thanh; trưng  bày các tác phẩm nhiếp ảnh, điêu  khắc, thủ công mỹ nghệ đương đại.  Địa điểm của các di tích cũng có thể  được cho thuê làm triển lãm nghệ  thuật, tiếp tân của các công ty với  mức giá đặc biệt, mang lại nhiều giá  trị cho chính khu di tích, đóng góp  vào sự phát triển kinh tế xã hội của  địa phương của cơ quan chủ quản. 
Bên cạnh đó, phần mềm chính là  các hoạt động có giá trị gia tăng cao, có  khả năng phát triển gần như vô hạn và  có thể kêu gọi sự tham gia của nhiều bên như nhà nước, nhà đầu tư, khách  tham quan và công chúng nói chung.  Với quan điểm giáo dục hiện đại, biên  giới của lớp học được đẩy lùi ra khỏi  4 bức tường, bảo tàng, di tích chính  là những lớp học sống động cho học sinh, sinh viên. Thật không hiếm khi  thấy các đoàn học sinh vào học tập tại  các di tích để trau dồi kiến thức về lịch  sử, địa lý, chính trị, kinh tế, khoa học...  Không chỉ dành riêng cho học sinh  trong nước, dịch vụ giáo dục tại các di  tích có thể được bán cho học sinh sinh  viên nước ngoài. Cũng không loại trừ  việc nhiều di tích kết hợp với nhau để  cùng bán một dịch vụ giáo dục hoặc  tham quan theo chủ đề. Với người  trưởng thành, di tích cũng là nơi để  thưởng thức nghệ thuật, điện ảnh, ẩm  thực, các seminar theo chủ đề, các lớp  dạy mỹ thuật, thủ công mỹ nghệ và các  dạng hình nghệ thuật hiện đại khác do  BQL di tích tổ chức.  
Di tích cần phải được nhìn nhận  như một nơi gìn giữ và phát triển  nghệ thuật sống, kết nối xưa và nay.  Đây chính là nơi gìn giữ và phát triển  các yếu tố văn hóa truyền thống  thông qua việc đưa các yếu tố này vào  cuộc sống đương đại. Những đường  nét trang trí hoa văn truyền thống có  thể xuất hiện trên những chiếc áo dài,  áo phông, giày dép, ốp điện thoại, các  sản phẩm trang trí nhà cửa, trang  sức, thời trang... 
Di tích cũng có thể trở thành sân  khấu cho các vở diễn nghệ thuật  đương đại như À Ố show, Làng tôi;  các show diễn thực cảnh như Ký ức  Hội An, Tinh hoa Việt Nam, Tinh hoa  Bắc Bộ... Những hoạt động này không  chỉ mang lại nguồn thu từ việc bán vé  mà còn mang lại lợi ích về công ăn việc  làm, phát triển xã hội, gìn giữ ẩm thực  địa phương, quảng bá hình ảnh Việt  Nam ra với thế giới. 
Gìn giữ di tích không nhất thiết  là chỉ gắn vào truyền thống lịch sử  văn hóa đã có mà còn có thể gắn vào  những giá trị mới sinh ra. Ví dụ như  hang én Quảng Bình là nơi đã quay bộ  phim bom tấn của Hollywood là Peter Pan: The Neverland hay Ninh Bình là  nơi đã quay bộ phim Kong nổi tiếng toàn cầu. Chúng ta hoàn toàn có thể  đàm phán với đoàn làm phim để giữ lại  phim trường và cùng khai thác thương  mại. Cách làm này đã được Trung  Quốc, Hàn Quốc làm rất thành công  với các phim trường hoặc các địa điểm  lịch sử mà họ đã quay những bộ phim  nổi tiếng. Thành phố Lyon ở Pháp đã  làm nức lòng khách du lịch trong nước  và quốc tế với việc tổ chức Festival sắp  đặt ánh sáng, trong đó những di tích  lịch sử và nhiều tòa nhà trong thành  phố đã biến thành “màn chiếu” cho  các tác phẩm điêu khắc bằng ánh sáng.  Điều này giúp khai thác di tích cả ban  ngày và cả vào buổi tối mang lại những  giá trị gia tăng đáng kể mà không làm  thay đổi tác động xấu đến di tích. 
Không chỉ “đứng một mình” các di  tích, đơn vị hoạt động văn hóa cần có  sự kết hợp liên chủ đề hoặc liên lợi ích  để “kích thích” khách hàng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa nhiều hơn.  Các thành phố du lịch như Roma, Paris  đều có một loại thẻ để sử dụng các dịch  vụ giao thông công cộng và thăm một  số di tích. Vì “rẻ” như thế nên du khách  cố gắng đi nhiều nhất có thể được và  tạo ra lượt tham quan cũng như các  tiêu dùng ở mỗi điểm di tích. Về mặt  liên kết theo chủ đề thì một chủ đề như  người Việt và văn hóa châu Âu có thể  được khai thác trên nhiều di tích khác  nhau từ kịch nói, điện ảnh cho đến bảo  tàng, di tích lịch sử, các vùng đất lịch  sử, các gia đình có truyền thống… 
Thời đại số đã mang đến những cơ  hội chưa từng có: Trong dịp cách ly vì  Covid-19, Ai Cập đã cho truyền hình  trực tiếp trên YouTube video khám phá lăng mộ cổ, tạo ra nhu cầu tham quan  trong tương lai. Các sản phẩm nghệ  thuật trên không gian số NFT có thể có  giá trị hàng triệu, thậm chí hàng chục  triệu đô la dù đó “chỉ” là một bức ảnh  số, một tác phẩm nghệ thuật thị giác  thuần túy được tạo ra trên máy tính,  thậm chí là do trí tuệ nhân tạo tạo ra.Các bức ảnh về di sản, di vật hiếm có,  có thể trở thành các tài sản số và được  mua bán trên không gian mạng. 
Khi các di tích được khai thác tốt  cả phần cứng và phần mềm một cách  uyển chuyển, giá trị về sự ảnh hưởng  tạo ra từ đó sẽ hấp dẫn các nhà tài trợ,  các nhà bảo trợ trong và ngoài nước.  Điều này sẽ mang lại một sức sống  mới, một sức mạnh chưa từng có.  

Những điểm sáng  tại Việt Nam 
Festival Huế là một minh  chứng rõ ràng của việc khai  thác di sản một cách uyển  chuyển. Các di sản vật thể  trở thành “sân khấu” cho các  hoạt động di sản phi vật thể,  các hoạt động về nghệ thuật  sống (sân khấu, ẩm thực, thủ  công mỹ nghệ, nghề truyền  thống). Di tích Nhà tù Hỏa  lò, Văn Miếu (tour đêm), Bảo  tàng Văn học ở Hà Nội, với  thiết kế trải nghiệm độc đáo  và truyền thông hiệu quả đã  trở thành điểm đến hấp dẫn  được chờ đón. Thành phố Hà  Nội đã có bước đột phá trong  năm 2023 khi đẩy mạnh tổ  chức festival sáng tạo, đặc  biệt là các hoạt động ở các  điểm di tích như Tháp nước  Hàng Đậu, Cầu Long Biên,  Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Di  tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám  đã có bước chuyển lớn với các  hoạt động văn hóa hấp dẫn và đưa sản phẩm sắp đặt ánh  sáng vào buổi tối, xây dựng  sản phẩm văn hóa mới.

Vai trò các thành tố trong thị trường công nghiệp  văn hóa từ di sản 

Trước hết cần xác định một tư duy chung đó là đã làm công nghiệp văn hóa  thì phải tuân thủ các quy luật của công  nghiệp: Đó là quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, tôn trọng bản quyền, khả năng nhân bản và mở rộng quy mô,  yêu cầu về giám sát và xử phạt các vi  phạm. Các nhà kinh doanh sản phẩm dịch vụ văn hóa phải coi người trả tiền là khách hàng thay vì công chúng thông  thường. Công nghiệp văn hóa cần có sự  tham gia và phân rõ trách nhiệm của  các thành tố, trong đó Nhà nước vừa đóng vai trò là nhà đầu tư, nhà quản  lý, nhà giám sát. Khi nhà nước đưa ra những chính sách phù hợp, tất cả các thành tố sẽ có một luật chơi chung để  quyết định về mức đầu tư, mức độ hoạt  động, mức độ tham gia của mình vào  thị trường công nghiệp này. 
Nhà đầu tư có thể là các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cá nhân hoặc tập  thể hoặc quỹ đầu tư. Không chỉ mang  đến tiền, họ còn mang đến các cơ hội nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ,  trình độ công nghệ kỹ thuật, thu hút  khách tham quan. 
Nhà văn hóa là những người  nghiên cứu, những chuyên gia về các vấn đề văn hóa. Họ hoạt động như những nhà tư vấn để đảm bảo tính chính xác của các yếu tố văn hóa được sử dụng và trình diễn. Nhà sản xuất sản phẩm, dịch vụ văn hóa, cần được đảm bảo về sự ổn định của môi trường kinh doanh và đầu tư để  từ đó đưa ra các sản phẩm hữu hình và các dịch vụ văn hóa dành cho khách hàng.  
Bên cạnh đó là vai trò của nhà  truyền thông, những người làm công tác truyền thông, báo chí, quảng bá cho các sản phẩm dịch vụ đến được với người tiêu dùng cuối. Nhà trường: Các đơn vị đào  tạo cần nhanh chóng chỉnh sửa các  chương trình đào tạo hiện có sao  cho phù hợp nhất với nhu cầu thị  trường bằng cách phối hợp chặt chẽ  với các nhà văn hóa, nhà sản xuất,  nhà truyền thông. Không chỉ đào  tạo những nghề đang có, nhà trường  gần học cách đào tạo những vị trí  và yêu cầu công việc mới trong thời  đại số. Chẳng hạn như những nhà  truyền thông số, những người chăm  sóc quan hệ cộng đồng trên không  gian số, các nhà sáng tạo nội dung  và thiết kế sản phẩm truyền thông  số, các luật sư có chuyên ngành về sở  hữu trí tuệ trên không gian số, các chuyên gia tài chính số... 
Chỉ khi có sự phối hợp nhuần  nhuyễn giữa tất cả các thành tố này trong một môi trường pháp luật minh  bạch, ổn định, thì công nghiệp văn  hóa Việt Nam từ di sản mới có được  các điều kiện cần và đủ để phát triển  bền vững.

Những cỗ máy không chỉ hái ra tiền

 

 

Mỗi năm, những địa danh nổi  tiếng có thể thu hút hàng triệu  người tham quan và tạo ra hàng  triệu đô la doanh thu. Trước  dịch Covid, năm 2019, các địa  danh như Vatican thu hút tới  hơn 5 triệu khách du lịch một  năm; đấu trường Colosseum ở  Roma hơn 7,6 triệu người; di  tích Ayutthaya - Thailand thu  hút 8 triệu người; Angkorvat, Campuchia là 2,2 triệu lượt  khách quốc tế. Các thành phố,  quốc gia cũng tận dụng sự nổi  tiếng và độc đáo của các di sản  để cho các đoàn làm phim thuê. 
Không chỉ những di tích lịch  sử nổi tiếng thế giới mà ngay cả  những di sản ít ngờ tới hơn cũng  có thể mang lại nhiều lợi ích. Có  thể nói đến các nghĩa trang tại  Paris, như Père LaChaise (có  tới 14 cách xem di tích này) và  Montmartre, thu hút tới hơn 3,5 triệu khách tham quan 1  năm. Cây tuyết tùng Jomon  Sugi nghìn năm trên đảo  Yakushima là một điểm tham  quan nổi tiếng thế giới. Người  ta đến đây không chỉ để ngắm  cây mà còn mua thêm các  dịch vụ như “tắm rừng”, tức  là cả không khí xung quanh  di sản cũng có thể khai thác  thương mại. Ngoài ra, người  ta cũng tận dụng không cảnh  này để cho thuê làm bối cảnh  làm phim.  
Việc khai thác di sản ngày  nay không chỉ thuần túy vì  mục đích thương mại mà còn  vì các lợi ích về thương hiệu,  sự nhận biết, ảnh hưởng quốc  tế, các lợi ích xã hội (việc làm,  công bằng xã hội); các lợi  ích nâng cao trình độ trong  ngành, gìn giữ các giá trị phi vật thể.

 

Thạc sĩ quản trị văn hóa NGUYỄN ĐÌNH THÀNH

http://baovanhoa.vn/van-hoa/di-san/artmid/488/articleid/74563/cong-nghiep-van-hoa-tu-di-san-khong-nen-chi-tap-trung-vao-phan-cung

 

Thứ Bảy 10/02/2024
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan