BÀI GIẢNG CHỈ VỚI MỘT LOGO, CÓ THỂ KHÔNG?
LOGO CHỨA ĐỰNG ĐIỀU GÌ?thji
Logo và tagline không chỉ là hình ảnh đại diện mà còn kể câu chuyện thương hiệu muốn truyền tải. Ví dụ, Cisco mang dấu ấn San Francisco, Burberry đại diện cho Anh, hay Hennessy gắn liền với vùng Cognac (Pháp). Ngay cả thương hiệu Hàn Quốc như Tous les Jours hay Paris Baguette cũng khéo léo gợi hương vị Pháp, trong khi Hatoyama thể hiện tinh hoa ẩm thực Nhật.
Logo cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ: Viettel (viễn thông), Vietnam Airlines (hàng không), VinHome (bất động sản). Nó còn là lời hứa về chất lượng: Dove (mềm mại), TH True Milk (sữa thật). Đồng thời, logo thể hiện tính đặc trưng của sản phẩm: Duracell (pin bền), VinFast (xe nhanh), Royal City (đẳng cấp hoàng gia).
Không chỉ vậy, logo còn truyền tải triết lý kinh doanh và giá trị cốt lõi: Nokia với “Connecting People”, Russian Standard Vodka với “Vodka as it should be”, hay Accor chọn hình ảnh ngỗng Canada Bernache (tinh thần tập thể). Logo của Phú Mỹ với hình người giang tay và tagline “Sẻ chia thịnh vượng” chính là lời cam kết ý nghĩa với khách hàng.
THAY LOGO: KHÚC CUA THƯƠNG HIỆU
Lần trước, khi Viettel đổi logo, tôi đã viết về sự dũng cảm của một thương hiệu khi tăng tốc trên một khúc quanh để vượt lên trên các đối thủ khác trong một cuộc đua. Logo không chỉ là tài sản mà còn là công cụ thuyết phục khách hàng, đối tác và tạo sự đồng thuận. Thay đổi logo là cách thương hiệu khẳng định quyết tâm đổi mới.
Nhiều thương hiệu toàn cầu như Mazda, Xiaomi hay trong nước như Vinamilk, Nagakawa, BIDV, Viettel đều đã làm điều này. Sự thay đổi không chỉ nằm ở xu hướng thiết kế (đơn giản hóa, từ 3D sang 2D) mà còn phản ánh sự chuyển mình trong chiến lược và triết lý kinh doanh.
Do làm việc với ngành nông lâm Việt trong mấy năm qua, tôi chú ý nhiều đến các thương hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp. Và đây là một case study đáng chú ý tôi muốn đưa vào giáo trình truyền thông thương hiệu năm nay: thương hiệu đạm Phú Mỹ của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí. Sau 20 năm, đây là khúc cua cần thiết để tái khẳng định vị thế.
LOGO CÓ THỂ DÙNG ĐỂ LÀM GÌ?
Tôi có thói quen nghiên cứu logo của các công ty nơi mình giảng dạy và tư vấn, sử dụng nó như một công cụ giảng dạy hiệu quả. Logo không chỉ là hình ảnh mà còn là tuyên ngôn về triết lý kinh doanh, cách làm việc, và cam kết với khách hàng.
Thay đổi logo cũng là cách để thương hiệu đưa ra thông điệp mới. Một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững cần chú trọng đến mối quan hệ với các bên liên quan. Logo và tagline mới của Phú Mỹ thể hiện mong muốn về sự ấm no, thịnh vượng, và chia sẻ thành công với khách hàng, đối tác, cộng đồng, và nhân viên.
Màu sắc cũng là yếu tố quan trọng. Màu xanh lá cây truyền thống đã được chuyển thành xanh ngọc – sự kết hợp giữa xanh lá cây và xanh da trời, tượng trưng cho sự tươi mới, hiện đại, và cam kết phát triển bền vững. Đó là màu của hy vọng, sự phát triển, và cộng đồng gắn kết.
Chi tiết ấn tượng nhất có lẽ là chữ “Y” trong logo Phú Mỹ, giống như hình ảnh một con người giang tay mừng chiến thắng. Đây là biểu tượng của triết lý lấy con người làm trung tâm, mang đến hạnh phúc, niềm vui, và chia sẻ thành công. Con người ở đây không chỉ là nhân viên Phú Mỹ mà còn là khách hàng, đối tác đã đồng hành cùng thương hiệu trong suốt 20 năm qua, hôm nay và cả tương lai.
Đọc đến đây bạn đã thấy đấy, đôi khi đi dạy, tôi chỉ “lười nhác” chiếu lên tường một logo và một dòng tagline.
| |
Logo cũ | Logo mới |