A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NÂNG CAO HIỆU QUẢ TRUYỀN THÔNG VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRÊN BÁO ĐIỆN TỬ TẠI VIỆT NAM

Từ năm 2011, khái niệm cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số dần trở thành một từ khóa xuất hiện dày đặc tại Việt Nam và trên thế giới. Đảng ta cũng khẳng định tầm quan trọng của xu hướng này thông qua nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã xác định phát triển kinh tế số là trụ cột, là nhiệm vụ trọng tâm chiến lược trong tiến trình phát triển chuyển đổi số quốc gia những năm tiếp theo. Quá trình triển khai hiệu quả nghị quyết yêu cầu nỗ lực từ nhiều phía, nhiều bên, trong đó công tác truyền thông đóng vai trò then chốt. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến hiện trạng và một số suy nghĩ về giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam thông qua truyền thông hiệu quả trên báo mạng.

 

 

Những thay đổi của thời đại số tác động đến đời sống của người dân và hoạt động của mọi tổ chức

              Đến nay, nhân loại đã trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp làm thay đổi căn bản cách tổ chức cuộc sống của loài người. Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất từ thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19 với phát minh ra động cơ hơi nước. Cách mạng công nghiệp lần thứ hai từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20 với động lực chính là điện. Cuộc cách mạng lần thứ ba dựa trên động lực chính là công nghệ thông tin. Cuộc cách mạng lần thứ tư đang diễn ra và tạo ra sự đột phá về năng suất dựa trên những tiến bộ vượt bậc về kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý. Thuật ngữ “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (The Fourth Industrial Revolution), hay còn gọi là “Công nghiệp 4.0”, lần đầu tiên được đưa ra tại Hội chợ Công nghệ Hannover, Cộng hòa Liên bang Đức năm 2011”. “Ở một số nước, cuộc cách mạng này còn được gọi là “Công nghiệp IP”, “Sản xuất thông minh” hay “Sản xuất số”. Dù tên gọi có khác nhau, nhưng ý tưởng chung vẫn là: sản xuất tương lai mang thế giới ảo (mạng) và thế giới thực (máy móc) xích lại gần nhau”.

              Cuộc cách mạng này đã đưa con người bước vào một kỷ nguyên chưa từng có trong lịch sử nơi người và máy hợp tác với nhau để tạo ra sự đột phá về năng suất; nơi mỗi người đều có thể trở thành một nguồn phát thông tin ở quy mô toàn cầu; data trở thành nguồn năng lượng, giá trị và nguồn giàu có mới. Mạng xã hội đã len lỏi vào những lát cắt nhỏ nhất của cuộc sống và công nghệ đã tạo ra những sự thay đổi gốc rễ cách con người học tập, giải trí, giao thương...Có thể kể ra vô số thay đổi về xã hội, chính trị, quân sự, giáo dục, giải trí, phát triển con người. Người ta nói đến những công nghệ chính của cuộc cách mạng này như Big data xử lý số lượng thông tin khổng lồ mà con người tạo ra; AI trí tuệ nhân tạo đang tiệm cận năng lực xử lý và ra quyết định của con người; Vạn vật kết nối (IOT) giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn; công nghệ nano giúp cho sự "cộng sinh" giữa người và máy càng ngày càng nhuần nhuyễn cũng như làm tăng sức mạnh tính toán của máy móc; ứng dụng Internet kết nối vạn vật Internet kết nối dịch vụ vào quá trình sản xuất, làm cho hệ thống này được tích hợp đa chiều và trở nên “thông minh hơn” tạo ra sự đột phá về năng suất. Chính phủ số điều hành xã hội số, kinh tế số giúp con người có cuộc sống số phát triển ở mức chưa từng có.

              GS Klaus Schwab đã nói: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ là sự mô tả về những thay đổi do công nghệ. Quan trọng nhất, đó là một cơ hội để chúng ta xác định trọng tâm của các vấn đề cần được đối thoại công khai để có thể giúp tất cả chúng ta – từ các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ và các nhà hoạch định chính sách, đến người dân thuộc tất cả các nhóm thu nhập, quốc tịch và xuất thân – hiểu và dẫn dắt cách thức mà các công nghệ quan trọng, mới nổi và đang hội tụ với nhau ảnh hưởng tới thế giới xung quanh chúng ta. Để làm được điều này, chúng ta cần thay đổi cách nhìn và thảo luận về những công nghệ mới có ảnh hưởng mạnh mẽ đang định hình thế giới. Thay vào đó, chúng ta cần phải hiểu sâu hơn về cách thức các công nghệ mới kết nối với nhau và ảnh hưởng tới đời sống con người, theo những cách vừa thầm lặng vừa công khai, phản ánh và khuếch đại giá trị của con người khi đưa ra các quyết định về đầu tư, thiết kế, ứng dụng và tái tạo. Rất khó, nếu không muốn nói là không thể, phối hợp về đầu tư, về chính sách và hành động tập thể để có thể tạo ảnh hưởng tích cực đến tương lai, nếu chúng ta không thể đánh giá đúng cách thức tương tác giữa con người và công nghệ[1].”

 

              Tiến trình Chuyển đổi số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ làm thay đổi “hệ tư duy” sang một hình thái tổ chức xã hội mới, và nó sẽ có một “hệ ngôn ngữ tư duy” mới phù hợp với những biến chuyển của thực tại. Khi tiếp nhận với tiến trình chuyển đổi (transformation) này, chúng ta sẽ gặp phải thách thức rất lớn khi đối mặt với những ngôn từ mới, cách tư duy mới, hoàn toàn xa lạ, hay bản thân thay đổi nội hàm và ngoại diên của những khái niệm vốn rất quen thuộc với chúng ta.

 

              Không vượt qua được cái “mới” về tư duy, về khái niệm, về ngôn từ để thích nghi với một hệ tư duy mới sẽ là trở ngại nhất cho sự không sẵn sàng, không chủ động tham gia được vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như tiến trình Chuyển đổi số. Bởi vì, “cùng với sự tăng tốc của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các chính phủ cũng phải đối mặt với những thách thức mới. Thứ nhất, công nghệ phát triển đã và đang tạo ra những ngành kinh tế mới (new economy) nhưng chưa có các thể chế phù hợp... Thứ hai, hiện nay có một số thách thức lớn nổi lên là an ninh trên không gian số, hay thường được gọi là an ninh mạng, gồm nhiều khía cạnh rất phức tạp, trong đó bao gồm các hệ thống và hành động nhằm đảm bảo dữ liệu và truyền thông qua Internet và ngay cả cơ sở hạ tầng của Internet.”[2].

 

              Cần “đổi mới tư duy và phương thức quản lý phải dựa trên nền tảng công nghệ cao, có hệ thống tri thức, lý luận mới và tinh thần sáng tạo. Đó là tư duy tích hợp, liên ngành... là sự tích hợp và hội tụ của các công nghệ và sự tương tương của chúng trên các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học”[3].

 

              Có thể thấy rõ rằng, đây là một vấn đề mới có tầm quan trọng với sự phát triển của cả quốc gia. Công tác truyền thông thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng then chốt. Trong những năm gần đây, Việt Nam luôn nằm trong nhóm những quốc gia có Internet phát triển ở mức độ cao trên thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng Internet, tỷ lệ người dân tiếp nhận thông tin qua báo mạng. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền trên kênh báo mạng cần được chú trọng đặc biệt.

 

Nhận thức về chuyển đổi số

              Theo hãng tư vấn công nghệ toàn cầu Gartner, chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Công ty Microsoft cho rằng chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp nguồn nhân lực, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới. Tại Việt Nam, theo công ty FPT, chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty. Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.

              Theo công ty tư vấn CSCI: "Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về nền tảng tư duy hướng tới một hình thái tổ chức xã hội mới, trong đó công nghệ là động lực, xã hội số là nền tảng dẫn động, và được dẫn đạo bởi sự chuyển đổi của nền tảng từ vốn tài chính (capital) sang vốn dữ liệu (data-capital)". Mục tiêu lớn nhất của chuyển đổi số là tạo ra một sự đột phá về năng suất. Chuyển đổi số là một tiến trình chuyển đổi liên tục của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và đời sống xã hội theo ba cấp độ chính:

+ Cấp độ 1: Số hóa (digitize): là quá trình tin học hóa, mạng hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi các hình thức dữ liệu sang dạng số và chuẩn hóa, đồng bộ hóa để tạo thành một cơ sở dữ liệu số để xây dựng một Năng lực số.

+ Cấp độ 2: Ứng dụng công nghệ và dữ liệu số (digitalize): là quá trình phát triển các ứng dụng công nghệ số, các giao thức mới, các hình thức hoạt động mới... dựa trên nền tảng hạ tầng số, cơ sở dữ liệu số và năng lực số để hình thành một Xã hội số.

+ Cấp độ 3: Chuyển đổi số (digital transformation): là quá trình chuyển đổi về tư duy và hình thái tổ chức của tổng thể các cấu phần hình thành nên một xã hội nói chung dựa trên nền tảng xã hội số để hình thành nên Văn hóa số, cơ sở nền tảng cho Tư duy số, Hành động số; cấu thành nên một Không gian số toàn cầu dựa trên một Nền tảng Mở, kết nối bởi các Mạng lưới; kiến tạo một Hình thái tổ chức xã hội mới hình thành bởi các Nền tảng (Platform) hoạt động trên nền tảng Vốn dữ liệu (data-capital). 

 

Nhận thức của Đảng, Nhà nước và những chỉ đạo

              Đối với phát triển nhanh/bền vững, trong báo cáo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 của Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng đã xác định rõ quan điểm: “Phát triển nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”[4].

              Đối với việc nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, cần nhận thức được rằng “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi căn bản cách thức vận hành thế giới, từ mô hình tổ chức nền kinh tế-xã hội cho tới phương thức điều hành và quản trị quốc gia... Đây là cơ hội để các quốc gia xây dựng và hoàn thiện mô hình quản trị điện tử bằng việc nâng cấp nền tảng công nghệ và từng bước thiết lập các yếu tố của chính phủ điện tử, xã hội điện tử và nền dân chủ điện tử, đồng thời hướng tới những phiên bản cao hơn của các mô hình này”[5]. Đồng thời với đó, “những đột phá công nghệ gần đây, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đang mở ra một con đường rút ngắn, vượt qua giới hạn của những sáng kiến phi công nghệ, để các nước đi sau nhanh chóng cải thiện nền quản trị quốc gia của mình với những mô hình quản trị mới như: quản trị điện tử, quản trị số và quản trị thông minh. Đây cũng là cơ hội cho Việt Nam từng bước kiến tạo một môi trường quản trị quốc gia phù hợp và hiện đại, giúp các nỗ lực cải cách thể chế kinh tế có thể tiến xa hơn, bắt kịp với chuẩn mực quốc tế”[6].

              "Chuyến tàu" cách mạng công nghiệp 4.0 như vậy có thể thấy là không thể bị bỏ lỡ. Chỉ đạo của Đảng (Nghị quyết 52, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 của Đại hội XIII), quyết tâm của chính phủ (Quyết định 749) cần được lan tỏa thường xuyên, liên tục, thống nhất, có hệ thống đến các bộ ban ngành, các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và mỗi người dân thông qua việc truyền thông hiệu quả. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung vào công cụ truyền thông phổ biến nhất, có tính lan tỏa cao và mang đặc trưng của chính cuộc cách mạng đang được nói đến này.

 

Khảo sát sơ bộ hiện trạng truyền thông về chuyển đổi số trên báo điện tử (báo mạng) tại Việt Nam

             

              Có nhiều cách gọi khác nhau cho loại hình báo chí được truyền tải trên Internet như báo điện tử, báo trực tuyến, báo mạng, báo Internet, báo mạng điện tử… Một số báo dùng chữ điện tử như báo Nhân Dân điện tử, báo Tiền Phong điện tử, báo Lao Động điện tử. Một số báo dùng từ “ “báo online” như Tuổi Trẻ online, Thanh Niên online, Sài Gòn Giải Phóng Online. Trong ngôn ngữ phổ thông, người ta còn dùng từ 'báo trực tuyến”, “báo Internet”  hoặc "báo mạng" hoặc "báo mạng điện tử". Chúng tôi đề nghị dùng thuật ngữ báo điện tử để thống nhất giữa quy định và thực tiễn.

              Theo luật báo chí năm 2016, "Báo điện tử là loại hình báo chí sử dụng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được truyền dẫn trên môi trường mạng, gồm báo điện tử và tạp chí điện tử." Cùng với sự phát triển của Internet tại Việt Nam từ năm 1997, đặc biệt với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội (từ năm 2004 - 2014) báo điện tử ngày càng trở thành nguồn thông tin chính của người dân. Trong báo cáo của WeAreSocial và Hootsuite mang tên “Digital 2021”, ta có thể thấy người Việt dùng gần 2 tiếng mỗi ngày để đọc sách báo và tin tức trên Internet.

 

 

              Theo thống kê của alexa.com: Tính đến ngày 14-10-2021, trên bảng xếp hạng 50 website hàng đầu Việt Nam, có 9 tờ báo điện tử thu hút nhiều người xem nhất, đó là: Vnexpress (4), laodong.vn (6), tvphapluat.vn (10), vtv.vn (8), Zingnews.vn (11), Dantri.com.vn (18), Tuoitre.vn (19), Thanhnien.vn (27), Vietnamnet.vn (28). Số liệu thống kê này dựa trên 4 tiêu chí bao gồm: Thời gian độc giả lưu lại trên trang, số trang được xem, số lượng tìm kiếm bằng từ khóa, tổng số trang dẫn đến website.

 

 


Theo thống kê được thực hiện vào tháng 11/2021 do công ty truyền thông VCCorp thực hiện với các thế hệ khác nhau thì 40% số người được hỏi thuộc thế hệ 7x  8x  9x (Gen X, Gen Y, Gen Z) dùng báo mạng để tiếp nhận thông tin.

 

 

              Như vậy để những khái niệm mới như Chuyển đổi số đến được với đông đảo quần chúng nhân dân, cán bộ Đảng viên thì nỗ lực truyền thông trên các kênh báo chí online cần được đẩy mạnh một cách có hệ thống.

              Để có cái nhìn sơ bộ về công tác truyền thông về chuyển đổi số trên báo mạng tại Việt Nam, chúng tôi tiến hành thống kê sơ bộ trên các kênh báo điện tử tại Việt Nam theo các tiêu chí sau:

Theo hình thức: báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, tạp chí điện tử

Theo cơ quan quản lý: báo Đảng, báo Chính phủ, báo thuộc các bộ ban ngành liên quan.

Theo chuyên ngành: báo đại chúng và báo chuyên ngành viễn thông, khoa học.

 

2. Khảo sát sơ bộ trên một số báo Việt Nam

 

Về số lượng: 14 tờ báo

Số lượng báo có chuyên mục chuyển đổi số: 01 tờ (tờ Viettimes) 1/14

Số lượng báo có đề cập đến chuyển đổi số trong chuyên mục Công nghệ hoặc Số hóa: 5/14

Về hình thức tin bài: chủ yếu là bài mang tính thông tin thời sự hoặc ứng dụng, rất ít bài liên quan tới phân tích sâu, xu hướng, hướng dẫn hoặc có tính học thuật cao.

Về cách sắp xếp thông tin: không có các tuyến bài chuyên về một vấn đề hoặc nếu có thì không được xâu chuỗi.

Về hình thức: đa phần là ảnh minh họa sự kiện hoặc ảnh nguồn nước ngoài.

 

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ ĐẾ NÂNG CAO HIỆU QUẢ TRUYỀN THÔNG VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Về nhận thức

              Điều quan trọng nhất để “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” và “Chuyển đổi số” không trở thành “sáo ngữ” mà thực sự có động lực rõ ràng, quan trọng và cụ thể, đó là phải nhận thức đúng vai trò và vị trí của cuộc cách mạng này có ý nghĩa bao trùm các hoạt động kinh tế - xã hội về mặt phương thức phát triển. Hàng ngày, mỗi lãnh đạo, mỗi cơ quan ban, ngành, địa phương có rất nhiều vấn đề được đặt ra cần phải giải quyết, có rất nhiều chương trình, dự án cần phải triển khai và có nhiều hạng mục cần phải được ưu tiên cho những vấn đề trước mắt, quan trọng, cấp bách cần phải được giải quyết ngay. Nếu không nhận thức được rõ vai trò, mối liên hệ mật thiết, không nhìn thấy ở đó những giải pháp, những thách thức rất cụ thể và những cơ hội rõ ràng, thì việc “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” và “Chuyển đổi số” sẽ chỉ là những từ ngữ thời thượng.

              “Việt Nam cần phải có sự thay đổi và chúng ta có thể thay đổi để tương thích với một thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng và mau lẹ. Nếu chúng ta cố gắng học để tiến lên phía trước, nhưng tốc độ, gia tốc, sự tiến bộ lại chậm hơn tốc độ chung của thế giới nghĩa là chúng ta vẫn đang tụt hậu. Vì thế, chúng ta cần phải thay đổi cách thức tiến lên phía trước với gia tốc đủ lớn, lớn hơn gia tốc chung của thế giới để thoát khỏi sự trì trệ, chậm chạp và nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn”[7].

 

Về cách thức tiếp cận

              Tạo dựng sự sẵn sàng cho chuyển đổi: Truyền thông nội bộ và bên ngoài về sự chuyển đổi có một ý nghĩa quan trọng tạo dựng sự sẵn sàng cho chuyển đổi. Bởi mỗi thành viên trong tổ chức doanh nghiệp đều có những điểm ưu và điểm nhược để sẵn sàng cho việc chuyển đổi này. Khi chuyển đổi, tất yếu sẽ tạo ra sự xáo trộn, có những cơ hội mới cho những người có năng lực, nhưng đồng thời cũng có những sự mất mát cho những người không theo kịp sự chuyển đổi hoặc không thích nghi được với tiến trình chuyển đổi.

Đối với nội bộ, truyền thông nội bộ phải thực hiện:

+ Truyền cho thông – hiểu cho rõ tại sao cần phải chuyển đổi.

+ Truyền cho đúng – truyền thông vấn đề chuyển đổi một cách chính xác.

+ Truyền cho đủ - truyền thông cho đầy đủ tất cả các đối tượng mục tiêu với đầy đủ nội dung.

+ Truyền cho đạt – truyền thông sao cho các thành viên đều hiểu được, nắm được vấn đề.

Đối với bên ngoài, truyền thông công chúng phải thực hiện:

+ Truyền cho trúng – truyền thông đúng đối tượng mục tiêu cần truyền.

+ Truyền cho chuẩn – truyền thông chuẩn xác các vấn đề đúng đối tượng mục tiêu.

+ Truyền cho kịp – truyền thông kịp thời với mỗi đối tượng mục tiêu để đảm bảo sự phối hợp hiệu quả.

+ Truyền cho đạt – truyền thông làm sao đạt được các mục tiêu ảnh hưởng đối tượng mục tiêu kỳ vọng.

 

 

Về nội dung

              Ngày 27 tháng 09 năm 2019, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nghị quyết đã nêu rõ: “Chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội”. Có thể thấy rõ các ý chính quan trọng ở đây cần phải nắm rõ để truyền thông một cách có hệ thống:

1) Việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược quan trọng;

2) là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị và toàn xã hội;

3) gắn chặt với tiến trình hội nhập quốc tế;

4) nắm rõ được nội hàm và bản chất của cuộc cách mạng này;

5) đây là một phương thức tạo ra sự đột phá phát triển;

6) cần xác lập một lộ trình cụ thể, rõ ràng và điều này có ý nghĩa quyết định.

 

1. Cần có một định hướng truyền thông xuyên suốt về chuyển đổi số. Tuyến nội dung giải thích thống nhất về khái niệm chuyển đổi số ở mức độ quốc gia, tỉnh thành sau đó là dành cho tổ chức và cá nhân.

2. Tuyến nội dung làm rõ 3 khái niệm và cách xây dựng: chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

3. Tuyến nội dung cho thấy sự hiện diện của chuyển đổi số  liên quan tới đời sống của nhân dân hay hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp. Theo “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, có 8 ngành, lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số trước. Chúng tôi đề nghị thêm 4 lĩnh vực khác của đời sống số của nhân dân. Đây là những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày đến người dân:

 

 

 

 

Về mặt hình thức

Chúng tôi đề nghị xếp các nội dung chi tiết thành 12 loại nội dung chính:

 

 

 

 

CHỦ ĐỀ

ĐƯỢC KHAI THÁC

 

 

 

 

  1. Tin tức: dạng bài đưa tin thời sự sự kiện, công nghệ thuần túy
  2. Phân tích: dạng bài phân tích về một công nghệ, một sự kiện có thể do phóng viên hoặc chuyên gia viết.
  3. Tài liệu: giới thiệu tóm tắt các tài liệu hoặc nguồn tài liệu quan trọng. Đây cũng có thể là các nội dung review sách.
  4. Dạng tài liệu khác: giới thiệu các báo cáo, nghiên cứu quan trọng. 

 

  1. Dòng thời sự: thông tinh nhanh về các sự kiện đang diễn ra
  2. Dự báo: Dự báo những điều sẽ đến, các công nghệ sẽ đi đến đâu, các ứng dụng có thể có
  3. Lịch sử: Lịch sử của vấn đề, công nghệ, tư duy để cung cấp cái nhìn có chiều sâu về 1 chủ đề
  4. Yếu tố tác động: Các yếu tố tác động đến công cuộc chuyển đổi số của tổ chức, doanh nghiệp.

 

  1. Thành tựu: các thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực được đề cập.
  2. Đột phá về tư duy: những đột phá, cách tiếp cận - cách tư duy mới, hay về chủ đề đó.
  3. Đột phá về cách triển khai: các case study minh họa cho lĩnh vực này.
  4. Văn bản pháp quy (Đảng, Nhà nước, Bộ ban ngành, ..): cập nhật các quan điểm chỉ đạo cần nắm bắt trong quá trình triển khai.

Về mặt trình bày:

              Với đặc điểm hiện nay của truyền thông trên báo mạng và mạng xã hội, các nội dung tuyên truyền cần đáp ứng được nhu cầu của đối tượng công chúng mục tiêu hiện đại về mặt hình thức.
              Video: Cần có các video giải thích sinh động bằng hình họa, tranh vẽ, biểu đồ, infographic với độ dài dưới 3 phút.

              Hình ảnh: ảnh minh họa cần rõ ràng, dễ hiểu, chú ý đến việc độc giả, khán thính giả theo dõi trên điện thoại di động.

              Âm thanh: cần áp dụng thêm công nghệ AI Text to voice để bài báo được trí tuệ nhân tạo đọc thành lời để giúp đối tượng công chúng mục tiêu có thể theo dõi được khi đang làm việc hoặc trên đường đi. Theo thống kê vào năm 2021, người Việt trẻ dành tới hơn 40 phút để nghe podcast mỗi ngày, vào thời điểm trước cách ly phong tỏa.

 

Về xu hướng truyền thông tích hợp:

              Xu hướng báo chí hiện đại chứng kiến sự xóa nhòa ranh giới giữa các hình thức báo hình, báo tiếng, báo in, báo mạng. Một cơ quan báo in hoàn toàn có thể phát triển thêm báo phiên bản điện tử, bản tin có hình trên you tube, bản tin tiếng trên podcast, post trên các loại hình mạng xã hội khác nhau (từ Facebook sang Linkedin, Twitter thậm chí sang các kênh trẻ hơn như Tik Tok). Các nội dung truyền thông về chuyển đổi số trên báo mạng cần được tư duy ngay từ khi sản xuất để có thể chuyển một cách linh hoạt và năng động sang các giao thức khác: một bài báo cần được tư duy ngay từ sớm để có thể chuyển thành 3, 4 ảnh có chú thích để post trên FB; phỏng vấn chuyên gia có thể được ghi âm, ghi hình để làm thành podcast hoặc video. Thậm chí các nội dung hay có thể được phát triển thành seminar, hội nghị, hội thảo hoặc thành các ấn phẩm như sách trắng, chuyên khảo về một chủ đề.

 

KẾT LUẬN:

Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng, Nhà nước đã xác quyết qua nhiều văn bản, chỉ đạo, hành động cụ thể. Việc triển khai công tác này cần được thúc đẩy một cách mạnh mẽ thông qua các hoạt động truyền thông chủ động, hệ thống, đồng bộ, cộng hưởng của toàn bộ hệ thống truyền thông tại Việt Nam. Với các ưu thế nhanh, rẻ, có độ lan tỏa rộng, có sự kết nối mạnh mẽ với mạng xã hội, có khả năng lưu trữ, tìm kiếm, liên kết nhanh chóng, báo mạng là hình thức truyền thông có hiệu quả cao và tác động trực tiếp đến công tác triển khai về chuyển đổi số cần được đặc biệt chú trọng phát triển. 

 

 

                                                                                                                                 THs Nguyễn Đình Thành

                                                                                                                   Giám đốc điều hành CSCI Indochina

 

[1] Klaus Schwab – Định hình cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ thứ tư – NXB Thế giới 2019

[2] Ban Kinh tế Trung ương – Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư – NXB ĐH KTQD 2017.

[3] Phan Xuân Dũng – Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cuộc cách mạng của sự hội tụ và tiết kiệm – NXB KHKT 2018

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII – Tập 1 – NXB CTQG 2021

[5] Nguyễn Xuân Thắng – Quản trị quốc gia trong một thế giới công nghệ đang thay đổi không ngừng – trong Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với quản trị nhà nước – NXB CTQG 2018.

[6] Nguyễn Quang Thuấn – Xây dựng nền quản trị tốt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư – trong Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với quản trị nhà nước – NXB CTQG 2018

[7] Phan Xuân Dũng – Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cuộc cách mạng của sự hội tụ và tiết kiệm – NXB KHKT 2018

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật