A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

100 NĂM MÁI TÓC VIỆT - THÔNG ĐIỆP XUYÊN THỜI GIAN

Gần 60 bức ảnh được giới thiệu người xem chiêm ngưỡng vẻ đẹp của mái tóc phụ nữ Việt Nam trong suốt 100 năm qua.

 

 

"Tóc em dài em cài thiên lý
Miệng em cười anh để ý anh thương…"

Ảnh bốn nghệ sỹ ‘‘siêu sao’’ trong kiểu đầu cách tân tạo động lực thay đổi cho bao thiếu nữ thời ấy.

 

 

Câu thơ ấy đã đi vào tiềm thức của bao người Việt Nam tự bao giờ và mỗi dịp được chiêm ngưỡng một mái tóc dài, người ta lại trầm trồ, thán phục. Nhẹ nhàng, mong manh nhưng tóc vẫn mang trong mình những giá trị lịch sử văn hóa của một đời người, một gia đình, một thế hệ, một đất nước.

Cho đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu đầy đủ nào về mái tóc của người Việt qua các thời kì lịch sử. Qua các bức tượng được tạc từ thời cổ cho thấy thời ấy người Việt ta chỉ để tóc dài. Điều này được khẳng định thêm khi vào thời Lê, khi Nho giáo thịnh hành, nhà vua cấm những người không phải là sư không được cắt tóc...

 

 Tóc luôn đồng hành cùng mỹ cảm của một dân tộc trong một thời kì lịch sử, chính vì vậy đến cuối thế kỷ 19, khi văn hóa Việt Nam có cú va đập khủng khiếp với văn hóa Phương Tây mà điển hình là văn hóa Pháp, mái tóc Việt cũng bắt đầu một giai đoạn mới, thăng trầm theo biến động của thời cuộc. Những bức ảnh được trưng bày tại trung tâm triển lãm Giảng Võ sẽ trở thành những ‘‘giáo cụ trực quan’’ sinh động nhất để người xem có thể cảm nhận được những thay đổi của lịch sử.

Quan sát bức bưu thiếp được chụp vào đầu thế kỷ trước ta vẫn thấy nhiều phụ nữ để tóc dài hoặc vấn tóc rồi trùm khăn nhung hoặc điều với nhà quyền quí, chít khăn mỏ quạ với người dân thường và đội nón quai thao.

 

Ảnh bà Thu Thế người sau này lồng tiếng cho nhiều bộ phim Pháp được phát trên TH (trên cùng bên trái)

 

Những năm đầu thế kỷ 20, khi phong trào Duy Tân bùng nổ và sau đó là Đông Kinh Nghĩa Thục, thì nam giới được cổ vũ cắt tóc ngắn như một hành động đoạn tuyệt với cái cổ hủ, lạc hậu và người đi tiên phong trong việc cắt tóc ngắn không ai khác chính là vua Thành Thái. 

 

 Còn phụ nữ thì đã xuất hiện nhiều người để tóc trần, không đội nón và để tóc rẽ ngôi. Theo nhà sử học Đào Hùng, phó tổng biên tập tạp chí Xưa và Nay, vào thời đó, mái tóc đẹp là mái tóc được rẽ ngôi ở chính giữa đầu và cô nào rẽ ngôi lệch là phải có cá tính rất mạnh và thường bị dư luận chê bai.

Sau đó, cùng với sự phát triển của xã hội, báo chí dành cho phụ nữ cũng như những bài viết cổ vũ cho lối sống mới xuất hiện ngày càng nhiều: tóc ngắn, tóc phi-dê trở thành biểu tượng của sự tân tiến.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, kể lại câu chuyện của bà Trịnh Thị Ngọ, con của ông vua thủy tinh Bắc Kì Trịnh Đình Kính, phát thanh viên tiếng Anh đầu tiên cho chương trình dành cho lính Mỹ tại Đông Dương, câu chuyện kể lại sự khó khăn, vất vả khi bà cố gắng thuyết phục bố mẹ bà đồng ý cho bà cắt tóc ngắn, một điều không dễ dàng lúc bấy giờ.

Ảnh bà Vi Kim Ngọc trong lễ cưới với GS Nguyễn Văn Huyên.

 

 

Lại một bức ảnh thú vị khác, chính là ảnh của bà Vi Kim Ngọc - vợ của Bộ trưởng giáo dục đầu tiên Nguyễn Văn Huyên và là mẹ của giáo sư Nguyễn Văn Huy. Bà là con nhà quyền quý, con gái tổng đốc Vi Văn Định. Lúc cưới giáo sư Nguyễn Văn Huyên bà vẫn để tóc dài và đặc biệt là có đội vành khăn mà ta vẫn thấy gắn với hình ảnh Hoàng hậu Nam Phương.

Qua những bức ảnh nhà sử học Dương Trung Quốc sưu tầm được, ta cũng có thể thấy sự thay đổi của mái tóc người phụ nữ, từ nhà danh giá tới người bình dân trong những năm chiến tranh và dừng lại ở những kiểu tóc phụ nữ Hà Thành những năm đầu giải phóng.

Miệt mài nhiều tháng trời tìm đến tận nhà những chứng nhân lịch sử, nhà sử học Dương Trung Quốc đã dày công tìm kiếm trong từng cuốn album ảnh gia đình của các dòng họ rồi lựa ra gần sáu mươi bức ảnh để giới thiệu lần này.

Người xem sẽ được chiêm ngưỡng các bức ảnh quý giá ấy tại buổi trưng bày các bức ảnh về vẻ đẹp mái tóc người phụ nữ qua thời gian trong khuôn khổ các hoạt động khởi động của Davines Hairshow 2010, một chương trình trình diễn tóc dành cho các nhà thiết kế chuyên nghiệp được tổ chức vào ngày 31/7 năm nay lại trung tâm triển lãm Giảng Võ.

 
 

 

 
 

 

 

 
 
 

 Theo Nguyễn Đình Thành 

VNN

https://afamily.vn/100-nam-mai-toc-viet-thong-diep-xuyen-thoi-gian-20100717084913988.chn

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật