A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TRỊNH CÔNG SƠN TRONG MẮT CA SỸ HỒNG NHUNG

82 Năm

Ngày Sinh Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn

28.2.1939 - 2021

---

ANH SƠN

Khi ấy tôi 20 tuổi, còn anh thì không có tuổi.

Lần đầu tiên gặp anh, tôi đã ngỡ ngàng trước vẻ mặt không nỗi lo đời thường và nụ cười hồn nhiên, đôi mắt long lanh sáng, trong một đêm hè đầy sao. Anh không có tuổi, như anh vẫn hay đùa với những cô gái gặp anh, kính trọng chào anh bằng chú:

"Mình có bà con gì không nhỉ... Mà phải thưa anh bằng chú?".

Cũng trong đêm hè đầy sao ấy, tôi nhận thấy trong anh - người đàn ông nhỏ nhắn và bình dị, sự che chở và yêu thương.

Sau đó chúng tôi gặp nhau hàng ngày, lúc thì đi xem tranh ở một gallery, lúc thì đến dự khai trương một nhà hàng của người bạn, lúc thì quanh quẩn trong nhà anh chuyện trò cả buổi, lúc thì lang thang thả bộ ra quán mì nhỏ gần Hồ Con Rùa ăn sáng...

 

Anh đã luôn yêu thương mọi người, trong đó có tôi như thế. Anh lúc nào cũng nhẹ nhàng và chẳng hề nề hà trả lời tất cả những câu hỏi của tôi, nhiều khi là ngô nghê. Về đời sống, về âm nhạc, hay về bất kỳ điều gì dù nhỏ bé nhất. Anh dạy tôi làm món trứng tráng (trứng chiên) theo kiểu của anh: Có cà chua, hành lá và không để trứng quá chín, mà phải bắc ra ngay.

Hồi tôi bắt đầu học tiếng Pháp (ngoại ngữ thứ hai để thi tốt nghiệp Anh văn ở trường Đại học Tổng hợp), anh rất vui và khuyến khích tôi. Có những dịp sau buổi học tôi đến nhà anh, để anh truy bài cho tôi, dạy thêm cho tôi. Tôi không có năng khiếu tiếng Pháp, chỉ mới bập bẹ "Merci Beaucoup" là anh đã khen ngợi rồi!

Tôi kể cho anh nghe những điều làm tôi buồn, những mất mát khi còn nhỏ. Anh chỉ ngồi lặng im. Và sự im lặng của anh làm tôi thấy được lắng nghe, được hiểu, và được vỗ về.

Anh cho tôi một miếng ngọc hình quả bí. Bảo tôi đeo nó sẽ mang cho tôi may mắn, vì quả bí hợp với tuổi của tôi. Anh cho tôi thấy hạnh phúc thật giản đơn.

Và anh là người đã làm cho tôi không còn cảm thấy xa lạ và bỡ ngỡ, ngay cả trong những ngày đầu tiên sống ở Sài Gòn.

Trưa hôm ấy ở nhà anh, lần đầu tiên tôi hát bài hát của anh cho anh nghe (lại còn tự đệm guitar với trình độ mà không ai có thể chơi kém hơn). Trước đó, khi còn ở Hà Nội, tôi đã từng rất cảm những bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, dù còn quá nhỏ để thực sự hiểu ý nghĩa của lời hát. Tôi chẳng bao giờ có ý nghĩ sẽ có thể hát được những bài hát ấy, thậm chí không dám thử. Còn bây giờ, anh ngồi trước mặt tôi, thân mật chứ không quá xa vời như trước, tôi có thể hát bằng tình cảm của tôi cho anh nghe.

"Ngủ đi em đôi vai lụa mát

Ngủ đi em da thơm qủa ngọt

Ngủ đi em tay thôi mời mọc

Ngủ đi em trong tiếng ru êm...".

Và rồi tôi hát, anh hát, lần hết qua cuốn sách nhạc dày. Căn nhà anh, và cả khu vườn nhỏ tràn đầy âm thanh. Có sự kể lể, sự ngậm ngùi, có sự vui thích, ... sống...

Ngày qua ngày, có bao nhiêu ngày anh kể cho tôi nghe về những bài hát của anh, về những kỷ niệm và tình yêu của anh, những Hạ Trắng, những Như Cánh Vạc Bay, những Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng...

Anh kể về những gì anh thấy trong chiến tranh, nỗi đau và sự sợ hãi trước chết chóc và bom đạn. Anh giảng giải cho tôi về âm nhạc và ngôn từ rất chân thật và trực tiếp của những bài hát ấy, phản chiếu từng rung động của trái tim nhạy cảm đang run rẩy, xót xa.

Còn anh, những khi buồn, anh chẳng làm gì cho đỡ buồn mà tự buồn cho hết. Anh cứ ngồi một mình, hay đối thoại với chính mình bằng cách vẽ lên những tấm toan đã căng sẵn, hàng nhiều giờ đồng hồ. Tôi thấy anh cô đơn mà thương anh vô cùng.

Hơn mười năm quen rồi thân. Có nhiều chia sẻ, có cả chỗ cho những khi giận hờn. Lần ấy, tôi bỏ ra Hà Nội. Anh Sơn chẳng biết tôi đi đâu. Rồi anh gặp người bạn gái của tôi hỏi tin. Ngày hôm sau, một người bạn thân của anh tìm đến nhà mẹ tôi ở trên đường Tràng Thi, gửi cho tôi một bó hoa hồng và một tờ giấy gấp tư. Tôi giở ra để thấy nét chữ quen thuộc của anh, và những nốt nhạc:

"Nắng vàng em đi đâu mà vội

Mà vội nắng vàng nắng vàng ơi

Mà vội nắng vàng nắng vàng ơi

Em đi đâu mà vội

Bống lòng suối thảnh thơi...

Ngày Bống mẹ bồng

Nhẹ quá tơ tằm

Lay nhẹ Bống Bồng Bông

Lay nhẹ đóa Hồng Nhung...".

Cái tên dân gian là "Cá Bống" của mẹ đặt cho tôi, đã được anh đưa vào âm nhạc một cách tự nhiên và mộc mạc. Để từ đây, không những chỉ người thân trong gia đình, mà tất cả mọi người đều có thể gọi tôi thân thương và trìu mến là "Bống". Không là đủ chăng, sống hết một cuộc đời để được yêu thương đến như vậy?

Lần đầu tiên trong đời, tôi đã đến với thế giới của sự sống và cái chết qua cái nhìn nhân bản của anh - người nghệ sĩ đã dạy cho tôi biết yêu thương đến tận cùng, vô điều kiện.

"Anh Sơn mất rồi Nhung ơi!...".

Giọng người bạn gái tôi run rẩy trong điện thoại.

Im lặng. Còn có gì đâu để nói. Hình ảnh anh lần đầu tiên tôi gặp bỗng về lại. Người đàn ông nhỏ nhắn, hồn nhiên, bước vào qua cái cổng sắt lớn, bước vào trong cuộc đời của tôi. Anh đội chiếc mũ bạc màu mà anh luôn thích, vừa đi vừa đá nhẹ mấy hòn sỏi dưới chân. Và nụ cười của anh, tươi thế, trong sáng thế, và hiền hậu thế. Làm sao mà không cảm thấy thân thương ngay được!

Cám ơn định mệnh đã cho tôi gặp được anh!

Niềm tin của anh, tình yêu của anh làm cho tôi ngay những lúc cô đơn nhất vẫn cảm thấy an tâm, vì được che chở, được đón nhận và tha thứ, như một người con an tâm vì có một gia đình đùm bọc.

Tôi đã thấy anh vui như trẻ nhỏ, khi hai anh em leo được đến lưng chừng một ngọn núi trong cái lạnh cắt da để thấy sông, thấy rừng và cả mây nữa ở phía dưới, hồi ở Nhật Bản.

Tôi đã thấy anh cực kỳ hưng phấn, với đôi bàn tay còn dính đầy màu vẽ, ngồi nhìn bức tranh anh vừa vẽ trong đêm.

Tôi đã thấy anh băn khoăn, lẩm bẩm hát một đoạn ngẫu hứng mà anh vừa kịp ghi lại trên một mẩu giấy xé từ bao thuốc lá.

Và tôi đã từng thấy anh buồn... Anh chẳng làm gì để đỡ buồn, mà tự buồn cho hết. Những lúc ấy, tôi thấy thương anh vô cùng, mặc dầu có những khi chính tôi cũng làm anh buồn vậỵ. Có lúc tôi đến thì thấy anh ngồi một mình trong phòng, một điếu thuốc lá, một li rượu. Tôi cảm thấy sự cô đơn trong chính con người anh.

Anh nói với tôi thật nhiều về những bài hát của anh. Tôi thì hay hỏi "Tại sao? Tại sao?". Anh thì chẳng bao giờ nề hà, mà thong thả trả lời cặn kẽ cho từng "Tại sao?" nhiều khi là ngô nghê ấy. Tôi biết cho đến giờ, tôi vẫn chẳng bao giờ hiểu thấu đến tận cùng ý nghĩa của tất cả những gì anh viết...

Song, có một điều anh dạy đã trở thành bài học nằm lòng đối với tôi, ấy là điều mà anh hay nhắc đi nhắc lại:

"Nếu sáng mai ra ngoài ngõ có gặp ai, dù lạ, vẫy tay với mình, thì đừng bao giờ quên vẫy tay lại, vì ai biết được có thể người ấy sẽ ra đi ngay sau đó mà không bao giờ còn gặp lại".

Tôi lại đến nhà anh. Lần này không giống như mọi lần, không còn anh ngồi đây trên chiếc ghế mây quen thuộc với nụ cười vốn lúc nào cũng tươi thế, trong sáng thế và hiền hậu thế. Có ai ngờ được bến bờ là đây, anh đã ra đi để tôi không bao giờ còn được gặp lại.

Người ra đi để tình yêu ở lại.

Những hình ảnh của anh cứ tiếp tục trở về. Không dồn dập, mà thong thả, êm đềm, làm tôi có cảm giác đang ngồi bên dòng sông để nghe ký ức rì rầm kể chuyện.

Tại sao thế, nước cứ trôi không ngừng mà dòng sông chẳng hề vơi, tại sao thế hả anh Sơn? Hay cả anh ở nơi chín suối cũng đang ngồi nhìn dòng sông âm thầm chảy, như khe khẽ hát:

"Ru người ngồi mãi cùng tôi

Ru người ngồi mãi cùng tôi...".

Hồng Nhung

---

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Hồng Nhung.

Ảnh bởi NAG Dương Minh Long, thực hiện tại nhà riêng của nhạc sĩ - Saigon 1993.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật