GIỤC GIÃ NGƯỜI BẮC CẦU VĂN HỌC
Hôm nay (16-1), Đại sứ Pháp tại Việt Nam sẽ thay mặt Chính phủ Pháp trao Huân chương Văn học nghệ thuật (VHNT) Pháp (Officier des Arts et des Lettres) cho ông. Một món quà xuân thúc giục Dương Tường (và đội ngũ dịch giả nói chung) tiếp tục làm vai trò cầu nối văn học giữa nhiều quốc gia với Việt Nam.
Dịch giả… dịch tên gọi Huân chương của mình
Chia sẻ với Hànộimới, dịch giả Dương Tường nói ông nghe được tin vui từ lâu lâu rồi, nhưng mới đây mới biết rõ thứ hạng. Huân chương VHNT Pháp có 3 thứ hạng (Commandeur, Officier, Chevalier), ông được nhận "Officier", dịch ra thực khó, "sĩ quan" nghe không thuận và ông cười: cứ gọi là Huân chương VHNT hạng II hợp hơn. Ông coi đây là một sự mở đầu năm mới thật tốt đẹp, nó tiếp sức cho ông tiếp tục làm việc. Đó là một sự khích lệ, động viên đối với người bắc cầu văn học bên bàn viết.
Dương Tường làm cầu nối văn học tới Việt Nam từ nhiều quốc gia Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nhật… nhưng ông chia sẻ: "Ngoài văn hóa Việt và tiếng mẹ đẻ là vốn cơ bản nhất, bên cạnh văn hóa Nga, Anh, Mỹ… thì chiều bề quan trọng nhất trong sự hình thành con người văn hóa của tôi là văn hóa Pháp". Cả cuộc đời nỗ lực trong sự nghiệp dịch thuật các tác phẩm văn học thế giới, ông đã chuyển tải khoảng 20 tác phẩm văn học Pháp sang tiếng Việt, chủ yếu là tiểu thuyết, trong đó có những tác phẩm, tác giả kinh điển của văn học Pháp và thế giới. Chính vì vậy, trước tin vui nhận Huân chương VHNT của Pháp, ông cho rằng đó là niềm vui có thật, một sự ghi nhận trong cuộc đời lao động văn chương của mình, nhưng cũng không phải là phần thưởng quá bất ngờ.
Dịch giả văn học trẻ: số đông còn thiếu sự chuyên tâm
Nhân dịp nhận tin vui này, dịch giả Dương Tường cũng chia sẻ về chuyện nghề. Theo ông, số lượng tác giả, tác phẩm dịch thuộc diện trẻ hiện nay khá đông đảo, nhưng ông "chưa thấy nhiều cái tên đã đứng được". Có thể kể đến Cao Việt Dũng, gần đây khá sâu sắc với "Hạt cơ bản", rồi Trần Tiến Cao Đăng… đó là những người làm việc nghiêm túc, hiệu quả. Nguyễn Đình Thành thì mới xuất hiện với "Nửa kia của Hitler". Đáng chú ý Cao Việt Dũng là người được đào tạo bài bản, có ý thức chọn lọc…
Tuy nhiên, với cái nhìn sâu sắc và gần gũi của người "thầy", "người bạn vong niên" thì ông thẳng thắn: tôi chưa thấy ở đa số đội ngũ dịch giả trẻ một sự chuyên tâm để truyền bá văn học thế giới, ít nhất làm sao tạo được sự tương tác tới văn học Việt Nam. Tâm huyết ấy là một trong những điều cần thiết nhất đối với dịch giả văn học. Không nhiều người tìm, chọn những tác phẩm có thể có tác động tới phát triển văn học của ta, còn khá nhiều trường hợp chạy theo những bestller, thời thượng… thậm chí một số dịch giả trẻ chưa phân biệt hoặc nhìn rõ được giá trị của một số tác phẩm văn học nước ngoài.
Dịch giả Dương Tường bỗng sôi nổi hẳn lên khi nói về vai trò và phẩm chất của người dịch: "Không có thần đồng dịch, thơ hay thể loại khác có thể có thần đồng, nhưng thực khó có một cô bé, cậu bé 5, 6 tuổi dịch thuật xuất sắc, bởi lẽ phải có vốn ngoại ngữ, vốn văn hóa, vốn sống". Ông cũng "tóm" lại mấy yếu tố cần cho người dịch "chắt" ra từ cuộc đời cặm cụi bên bàn viết của ông: Thứ nhất phải có lòng yêu văn học, thứ hai phông kiến thức chung, thứ ba người dịch phải có cá tính. Người dịch - đồng tác giả, phải in dấu mình trong bản dịch, mới bõ làm công việc "tái tạo lại tác phẩm mà mình yêu". Có người nói đã nhận ra "Dương Tường" khi đọc các bản dịch của ông - với ông đó cũng là một phần thưởng giá trị.
Và… tác phẩm cho mình
Dương Tường chậm rãi, thong thả trong chuyện trò mà ẩn chứa phía sau sức lao động thực quyết liệt. Ông thường làm đêm và không đêm nào ngủ trước 2 giờ sáng. Hiện giờ ông đang "đánh vật" với tác phẩm "Mort à crédit" (được dịch là "Chết chịu") của Céline - nhà văn lớn của Pháp đầu thế kỷ XX. "Chết chịu" gần như cuốn tự truyện về thời thơ ấu của tác giả. "Người ta mua chịu, bán chịu thì ở đây phải chết chịu, không đủ tiền để chết". Đây là một trong những cuốn khó nhất mà dịch giả Dương Tường từng "tái tạo". Hơn 500 trang sách giờ đã cùng Dương Tường đi được nửa chặng đường.
Bên cạnh đó, ông cũng băn khoăn rằng đang phải lao theo những cuốn sách đã chót nhận lời dịch. Ông nheo mắt cười "mình không biết từ chối" và "làm sao gác lại và biết từ chối để viết một tác phẩm nào đó dành cho mình". Người dành trọn gần nửa thế kỷ làm chiếc cầu nối văn học giữa các nước với Việt
Nam sau một tập "Thơ Dương Tường" năm 2005, có lẽ nay đang thai nghén một cuốn hồi ký chăng? Vì đời ông cũng là một câu chuyện gắn liền với những chặng đường của văn học nói chung và văn học dịch ở Việt Nam nói riêng.
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/194425/gi7909;c-gia-ng432;7901;i-b7855;c-c7847;u-v259;n-h7885;c