A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐỪNG TRỞ THÀNH NÔ LỆ CỦA GIẢI THƯỞNG

Nhà văn Eric - Emmanuel Schmitt chia sẻ rằng, viết văn là nghiệp cũng là đam mê của mình, ông không cho phép mình và cũng khuyên người nào muốn gắn bó với văn chương rằng đừng trở thành nô lệ của những giải thưởng và tiền tác quyền.

Đây là lần đầu tiên nhà văn Eric - Emmanuel Schmitt có mặt tại Việt Nam. Ông có rất nhiều người bạn ở Pháp, họ sống lâu năm ở đó nhưng kỳ thực họ là người gốc Việt. Đến Việt Nam lần này, ông không chỉ trải nghiệm bản thân mà còn lưu giữ lại những gì mình đã thấy, đã biết về đất nước này để kể lại cho bạn bè mình bên Pháp – những người đã xa quê hương quá lâu nhưng vẫn luôn một lòng hướng về quê nhà. 

Tại buổi trò chuyện diễn ra chiều 9/11 tại Trung tâm văn hóa Pháp, nhà văn Eric - Emmanuel Schmitt đã có những chia sẻ thật cởi mở, vô cùng thông minh với các phóng viên.

Đừng trở thành nô lệ của giải thưởng

Nhà văn Eric - Emmanuel Schmitt và dịch giả Nguyễn Đình Thành (trái) trò chuyện cùng báo chí

Cảm nhận của ông như thế nào khi lần đầu tới Việt Nam?

- Như các bạn đã biết tôi đã đến Việt Nam sau khi đi Hồng Kông 5 ngày. Hồng Kông thật sự rất sôi động, tôi có cảm giác mình đi nước ngoài, ra khỏi nước Pháp thực sự. Mặc dù Hồng Kông là thành phố lớn, cuốn hút nhưng cảm nhận của tôi lại là một nơi không có bề dày lịch sử , không có quá khứ. Tuy nhiên khi tôi đến Hà Nội, tôi có một cảm giác rất lạ. Lạ bởi đương nhiên nó là nơi mà tôi tới lần đầu nhưng mà rất đỗi thân thuộc. 

Việt Nam và Pháp là 2 nước đã chia sẻ rất nhiều các giá trị lịch sử ví như Hà Nội còn rất nhiều nhà cổ thời kiến trúc kiểu Pháp, quy hoạch tuyến phố cũng theo ảnh hưởng của Pháp. Ngoài ra khi tôi đi bộ trên phố phường Hà Nội, tôi thấy người dân ở đây sinh hoạt ở phố rất nhiều. Có nghĩa là cùng nhau chia sẻ không gian chung, không giống như nhiều nơi co cụm ở những bức tường. Nếu như ví Hồng Kông là cuốn truyện khoảng 2 trang thì Việt Nam nó là cả nghìn trang. 

Chắc văn chương có sức hút khủng khiếp đối với ông để một giảng viên đại học như ông từ bỏ giảng đường để theo viết lách?

- Tôi thích viết từ khi còn rất bé, tiểu thuyết đầu tiên của tôi viết năm 11 tuổi và vở kịch đầu tiên của tôi viết năm 16 tuổi. Tôi không nghĩ nghề viết mang lại cho tôi cuộc sống tốt nên tôi đã chọn một nghề khá hay là làm giảng viên triết học tại trường Đại học. Sau thành công của vở kịch thứ 2 thì tôi đã từ bỏ giảng đường để chuyên tâm vào viết. Mặc dù trước đây tôi suy nghĩ là viết văn sẽ không đủ sống nhưng với trường hợp của tôi, tôi thấy ổn. Viết lách đúng là món quà mà tôi được tặng khi tới thế gian này, mặc dù tôi cũng thích đi dạy nhưng văn chương có sức hút kỳ lạ với tôi. Tôi hạnh phúc vì được viết và sống bằng chính ngòi bút của mình.

Tôi không quan niệm viết là nghề mà là số phận định mệnh của tôi. Ngay cả khi tôi không có một thành công nào, không kiếm được một đồng nào thì tôi cũng không nghĩ tới việc mình sẽ là nô lệ của những đồng tiền tác quyền, nô lệ của thành công, hay bất cứ cái gì khác. Viết là chủ nhân lớn nhất của chính bản thân tôi.

Quá trình giảng dạy triết học có giúp ích gì cho ông trong việc viết văn?

- Nếu tôi không học triết học thì có thể tôi không là nhà văn như hiện nay. Các câu chuyện của tôi đều có nguồn gốc sâu xa từ triết học. Mục tiêu mà tôi viết thường có 2 điểm rõ ràng, thứ nhất là kể câu chuyện mang tính chất giải trí, hay, hấp dẫn, thứ 2 là khiến người đọc suy ngẫm về cuộc sống. 

Viết truyện có quyền năng lớn hơn triết học rất nhiều, nhất là tác động trực tiếp tới người đọc. Truyện và tiểu thuyết làm thay đổi người đọc rất nhiều. Như lòng vị tha, tình yêu, tiếng cười. Khi người đọc người ta thích nhân vật trong truyện thì bản thân họ có xu hướng muốn giống nhân vật đó. Nhưng nếu người đọc đọc cùng thông điệp như vậy mà trong cuốn triết học chẳng hạn, tôi thấy sức lan tỏa của nó không bằng.

 

Đừng trở thành nô lệ của giải thưởng

Nhà văn Eric - Emmanuel Schmitt ký tặng sách người hâm mộ.

Ông đã đọc cuốn sách nào của Việt Nam chưa?

- Thú thật với bạn là tôi chưa từng đọc cuốn sách nào của Việt Nam cả. Nhưng bây giờ tôi đã tới Việt Nam rồi, đã cảm nhận được đất nước của các bạn rồi thì đó là tiền đề để tôi tiếp cận với các bạn nhiều hơn. Tôi đã có động lực để tìm hiểu nền văn học của các bạn.

Những tác phẩm của ông được đánh giá là làm thay đổi cuộc đời người đọc, vậy nó đã làm thay đổi cuộc đời ông như thế nào?

- Tôi viết không phải để diễn tả những gì tôi nghĩ mà viết chỉ là phương tiện giúp tôi khám phá những gì tôi nghĩ. Cho nên, có thể nói tất cả những tác phẩm tôi viết ra nó đã làm thay đổi rất lớn trong cuộc đời của tôi. Tôi là người con của những tác phẩm của mình.

Ông quả thật khiêm tốn vì lâu nay tôi thấy nhiều người vẫn luôn nói rằng: Tôi là cha đẻ của tác phẩm A, B, C,.. Và nếu gọi ông, ông thích được gọi là tiến sĩ triết học hay là nhà văn?

- Tôi vẫn thích gọi là nhà văn hơn. Thực ra chọn triết học là để thỏa mãn cha mẹ tôi khiến họ yên tâm. Là nhà văn để tôi sống trọn nghiệp của mình. Có lẽ bây giờ bố mẹ tôi tự hào nhiều, rất nhiều về tôi với tư cách là nhà văn hơn là tiến sĩ triết học. Nhưng tôi không thể nào trở thành nhà văn như hiện nay nếu trước đây tôi chưa từng học triết học. Khi viết tôi muốn tìm hiểu khám phá thế giới, trong khi con người tôi luôn tồn tại 2 trạng thái là con người triết học và con người văn chương. Đôi khi, phần suy nghĩ triết học đã bóp nghẹt sự sáng tạo văn chương nhưng rất may, tôi tìm lại sự cân bằng được. 

Trong các tác phẩm của ông, ông đặc biệt quan tâm tới tôn giáo?

- Khi viết, tôi chủ trương không viết riêng về một tôn giáo nào cả mà viết nhiều về tôn giáo. Qua tác phẩm của tôi, tôi muốn người đọc khám phá một thế giới tâm linh. Tôi nghĩ thế này, nếu một người viết mà chỉ viết về một tôn giáo không thì có 2 xu hướng xảy ra, một là người viết đó tôn sùng tôn giáo đó và muốn tuyển mộ nhiều người đi theo tôn giáo đó. Xu hướng nữa là vô hình chung chúng ta lại khuyên người đọc không nên đi theo tôn giáo khác. Tôi có cái nhìn rất tôn trọng đối với các tôn giáo khác nhau. Không phải cái nhìn phê phán mà cái nhìn trân quý, nhân văn về tôn giáo. Tôn giáo khác nhau trên thế giới là di sản tâm linh của nhân loại cần được giữ gìn.

Tôn giáo hay triết học trong một chừng mực nào đó nó giúp chúng ta tìm được ý nghĩa vô hình của thế giới hữu hình.

Để trở thành nhà văn lớn, bên cạnh việc học triết học thì còn cần gì nữa, thưa ông? 

- Tôi cũng như các nhà văn khác rất muốn mình biểu đạt được đúng nhất cảm xúc của mình. Có thể có nhà văn có những tác phẩm rất hay nhưng nó không truyền tải ý tưởng gì cả hoặc không làm người đọc suy nghĩ về những vấn đề lớn. Bản thân tôi không phê phán về điều ấy nhưng tôi luôn dùng triết học suy ngẫm về những vấn đề lớn và thể hiện nó vào trong tác phẩm văn học. Là triết gia thì rất có lợi với tôi vì tôi là người rất có nhiều cảm xúc. Với một nhà văn mà có quá nhiều cảm xúc có khi tới ngày náo đó mình chết vì cảm xúc ấy cũng nên. Triết học giúp tôi sắp xếp lại các cảm xúc đó.

Tình Lê(ghi)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật