A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TƯ DUY CHIẾN LƯỢC VÀ SỰ BẤT ĐỐI XỨNG THÔNG TIN

QUÂN VÀ TƯỚNG NHÌN THẤY NHỮNG THỨ KHÁC NHAU hay CÂU CHUYỆN TƯ DUY CHIẾN LƯỢC Ở DOANH NGHIỆP Câu chuyện chiến tranh nhưng vận vào quản trị doanh nghiệp lại rất đúng. Có những quyết định của ban lãnh đạo mà từ góc nhìn nhân viên thấy không thể hiểu được nhưng đó lại là những quyết định sinh tử. Có khi nhân viên muốn lấy dự án có lãi ngay, sếp lại chỉ thị lấy dự án chưa có lãi ngay nhưng tạo được thế và uy. Có khi nhân viên muốn lãi đâu chia đấy, sếp lại muốn đầu tư vào tương lai. Có khi nlhân viên không muốn học, sếp lại muốn phát triển tư duy, thái độ, kỹ năng, kiến thức mới... 

Hai câu chuyện rất hay về tư duy chiến lược trong bài viết này. theo lời kể của anh Hoàng Nam Tiến FPT: Hơn 40 năm trận mạc dạy cho ba tôi một bài học rằng ở mỗi vị trí khác nhau, người ta sẽ có góc nhìn khác nhau về chiến tranh.

Trận Quảng Trị năm 72 

Năm 1972, ba tôi là sư đoàn trưởng sư 304. Giai đoạn 1 và giai đoạn 2, Sư 304 lập công xuất sắc ở quảng Trị. Nhưng đến giai đoạn 3 thì rất khó khăn, ngày nào cũng phải căng mình dưới bom đạn B52, tổn thất nặng nề. Hồi đó, Sư 304 liên tục được yêu cầu tấn công ra đường 1, lần nào đánh ra là quân lính hi sinh lần đó. Nhưng lệnh tấn công vẫn tiếp tục đưa tới. Ba tôi nói với các cấp chỉ huy: "Quân lệnh như sơn! Nhưng tôi vẫn phải nói hai điều: Là Sư đoàn trưởng chỉ ở cấp chiến dịch, tôi muốn chống lệnh này. Nhưng tôi sẽ đánh, vì ở vị trí của tôi, có thể tôi không có cái nhìn bao quát, nên không thể quyết định được việc có nên đánh hay không". Mãi sau này ba tôi mới hiểu rằng, việc đàm phán ở Hiệp định Paris đẩy mình vào tình thế bắt buộc Việt Nam phải có vị thế trên chiến trường. Đó là lý do ta phải đánh, dù biết là khó tránh tổn thất. 

Trận Bình Độ năm 79 Một trong những trận đánh của ba tôi trong giai đoạn Chiến tranh Biên giới mà nhiều người vẫn chỉ trích cho đến giờ chính là trận đánh ở Bình Độ 400 (hay còn gọi là cao điểm 400, mà Trung Quốc gọi là Pháp Tạp Sơn) ở huyện Cao Lộc, Lạng Sơn. Cao điểm 400 chỉ là một cao điểm nhỏ, chỉ rộng vài trăm mét và chỉ đủ cho vài trung đội phòng ngự. Đây cũng không phải điểm có ý nghĩa chiến lược về mặt quân sự, nhưng cả ta và Trung Quốc đều giành giật với nhau từng tí. Dù điểm để 2 bên đánh nhau chỉ có một đại đội. Nhưng trong khi Việt Nam phải huy động đến cấp sư đoàn (thời điểm nhiều nhất lên tới 1 vạn quân), thì Trung Quốc sau khi bị tiêu diệt hết một sư đoàn chủ lực, đã có lúc phải huy động đến cả sư đoàn dự bị (mà cao điểm nhất lên tới gần 3 vạn quân). Tôi vẫn nhớ một bài thơ viết về trận đánh đó: Tư lệnh Hoàng Đan trận này cầm quân Ông bảo rằng: Sống chết thời, vận số! Cả Trung đoàn ào ào như thác lũ Bình độ 400 bình địa trận người! Những chàng trai sống chết trận này ơi! Mưa đổ xuống ông Trời tuôn nước mắt Ơn nhớ mãi thân này đi giữ đất Người trở về ăn, sống, ở ra sao? Có nhiều người sau này đã thắc mắc, cho rằng trận Bình Độ 400 là trận chúng ta không cần hao quân tổn sức như thế. Nhưng đó là trận đánh mà dù không có ý nghĩa về mặt vị trí chiến lược quân sự, nhưng lại có ý nghĩa lớn về mặt chiến thuật. Đó là một bài kiểm tra về ý chí, là sự thử thách về quyết tâm của mỗi bên. Ba tôi sau này giải thích với tôi rằng: "Chúng ta phải đánh để cho Trung Quốc hiểu rằng, hễ chúng mà bước chân vào đất mình, thì sẽ phải trả giá đắt. Điều đó sẽ khiến địch không bao giờ dám mở một cuộc chiến xâm lược khác. Bởi chỉ một điểm nhỏ đến như thế mà chúng ta đã đánh cho quân Trung Quốc thiệt hại đến mức này, thì quân Trung Quốc sẽ hiểu rằng nếu họ dám đánh mình và tiếp tục đánh sâu vào đất mình, thì cái giá họ phải trả sẽ là cái giá mà họ không cách nào chấp nhận được". 

-------------------------- 

Bản thân cuộc chiến cũng không phải là một cuộc chiến thông thường mà là một bước đi đối nội, đối ngoại và là một bước đi chiến lược mở đường cho Trung Quốc tiếp nhận đầu tư, sự công nhận, tiến bộ khoa học kỹ thuật của Phương Tây. Quay lại với các ví dụ trong kinh doanh: có thương hiệu mở rạp chiếu trên toàn quốc dù có lỗ ở một số nơi vẫn phải mở để chiếm vị trí số 1. Nhân viên nào lại muốn đi làm ở nơi không có khách, không có lãi nhưng tư duy chiến lược yêu cầu vậy. Tương tự như vậy với các chiến dịch xây dựng thương hiệu nhiều năm trước khi IPO. Thay vì chia lợi nhuận thì lại đầu tư vào một việc mà nhân viên có khi không thể hiểu nổi. Cũng có thể nhìn như hình ảnh người bên trên cành cây và người ở dưới đất nhặt quả rụng. Bài viết quá hay, năm nào cũng lôi ra đọc lại Tô Lan Hương ơi https://soha.vn/chien-tranh-bien-gioi-viet-trungcai-dam-tay-dau-don-cua-tuong-hoang-dan-lich-su-la-gi-ma-lam-linh-toi-kho-the-20190214205427515.htm


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật