A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

VỀ ĐÊM DIỄN CỦA BLACKPINK

Tham khảo được gì qua hai đêm diễn thành công của BlackPink?

Thứ Tư 02/08/2023 | 

VHO- Sự kiện nhóm nhạc Hàn Quốc đến Hà Nội biểu diễn vừa qua đã thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả, giới truyền thông trong nước và quốc tế. Hiệu ứng BlackPink không chỉ là “cú hích” cho du lịch mà còn có những gợi mở cho ngành công nghiệp văn hóa. Liên quan vấn đề này, Văn Hóa đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia truyền thông văn hóa Nguyễn Đình Thành (ảnh).

 

 

 P.V: Dưới góc nhìn là một chuyên gia truyền thông, sự kiện BlackPink tác động như thế nào đến ngành du lịch và xu hướng của giới trẻ Việt Nam, thưa ông?

- Chuyên gia Nguyễn Đình Thành: Các sự kiện tầm cỡ như thế này tác động tích cực tới ngành Du lịch của bất cứ địa phương nào nơi sự kiện diễn ra. Vì thế, Singapore, Thái Lan,… sẵn sàng tiếp đón và cho ban nhạc này không gian tổ chức sự kiện. Và các nguồn thu đáng kể từ sự kiện này như: Chi phí lưu trú, ăn uống, mua đồ lưu niệm, vui chơi về đêm,… góp phần quảng bá miễn phí thương hiệu điểm đến của sự kiện.

Ban nhạc BlackPink đã trở thành một hiện tượng truyền thông lớn tại Việt Nam. Trong vòng một tháng sự kiện này trở thành chủ đề thảo luận nổi trội trên khắp các diễn đàn báo chí cũng như mạng xã hội tại Việt Nam. Đội ngũ người hâm mộ đông đảo của ban nhạc cũng góp phần lan tỏa thông tin này tới toàn xã hội. BlackPink là một biểu tượng có tác động lớn đến phong cách thời trang, trang điểm, ăn uống, tập luyện thể thao… của giới trẻ không chỉ tại Việt Nam mà còn cả trên thế giới, đặc biệt là các bạn nữ từ 10 đến 35 tuổi.

 Nhiều người cho rằng, giọng hát của các ca sĩ này không quá xuất sắc, nhưng họ rất thành công trong việc quảng bá ở tầm khu vực và thế giới, ông đánh giá như thế nào?

Đây là câu hỏi lớn mà rất nhiều nhà kinh doanh và quản lý văn hóa đặt ra sau sự kiện này. Bởi đây là sự kiện đã thiết lập nhiều kỷ lục tại Việt Nam: Kỷ lục về số người tham dự, kỷ lục về số đêm diễn, kỷ lục về giá vé, kỷ lục về doanh thu, kỷ lục về quốc tịch người tham dự, kỷ lục về số lượng người nổi tiếng tham dự… Thành công này khiến chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận, phân tích và tham khảo.

 

 

 Hai đêm diễn của BlackPink đã thiết lập nhiều kỷ lục tại Việt Nam

 Theo ông, sau sự kiện BlackPink, liệu Việt Nam có thể trở thành điểm đến cho các sự kiện giải trí lớn trên thế giới?

Trong những ngày qua Việt Nam đã trở thành một địa điểm được người hâm mộ nhóm nhạc này trên toàn thế giới theo dõi, quan tâm. Họ theo dõi chương trình biểu diễn qua mạng xã hội, tìm hiểu về đất nước Việt Nam, nghe thần tượng của họ nói những điều tốt đẹp về Hà Nội, Việt Nam,... Điều này góp phần quảng bá hình ảnh về một Việt Nam thân thiện, phát triển và hòa bình trong lòng bạn bè quốc tế.

Chúng ta nên nhân đà này phát triển nhân lực, cơ sở vật chất, điều chỉnh các quy định pháp luật để đưa Việt Nam trở thành điểm đến của các sự kiện văn nghệ lớn trên thế giới. Như chương trình biểu diễn ca nhạc, hội chợ triển lãm, festival phim, festival games, các giải esports,… Những điều này sẽ góp phần phát triển giới chuyên môn về công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.

Ông có nhận định gì về công nghiệp văn hóa ở Hàn Quốc và Việt Nam, rút ra bài học gì khi thực hiện công nghiệp văn hóa?

Cần phải chú ý rằng ngoài chiến lược và quyết tâm của Chính phủ Hàn Quốc trong phát triển công nghiệp văn hóa thì sự tham gia của các tập đoàn kinh tế lớn đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Tôi cho rằng ba trụ cột thành công của công nghiệp văn hóa Hàn Quốc là sự đầu tư vào con người, công nghệ và cơ sở vật chất. Ban nhạc BlackPink là kết quả của công nghiệp văn hóa Hàn Quốc được biết đến với tên gọi “Hàn lưu” triển khai tới nay đã hơn 3 thập kỷ.

Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể học được nhiều điều từ thành công của công nghiệp văn hóa ở Hàn Quốc và nhiều nước trên thế giới như: Phát triển sản xuất marketing và truyền thông cho các sản phẩm văn hóa theo cách của Mỹ; Chính sách hỗ trợ và bảo hộ công nghiệp điện ảnh nội địa của nước Pháp; Sự nghiêm cẩn và kiên nhẫn trong việc đào tạo con người làm văn nghệ của nước Nhật; Chiến thuật cung cấp địa điểm cho các bộ phim và công tác hậu kỳ của Thái Lan; Chiến thuật biến mình thành điểm đến của các sự kiện văn nghệ lớn trong khu vực của Thái Lan và Singapore, ...

Khi nói đến công nghiệp là nói đến tổ chức một cách có hệ thống, các tác phẩm này trở thành sản phẩm/dịch vụ được bảo vệ bởi bản quyền. Và có thể được nhân rộng về quy mô, có sự phân chia lao động chuyên môn hóa rõ ràng, được khai thác một cách có hệ thống. Lúc đó có thể bắt đầu nói đến một nền công nghiệp văn hóa. Các đơn vị và cá nhân làm văn hóa, nghệ thuật cũng cần chú ý tới các quy luật vận hành của thị trường, ra các quyết định sáng tạo có tính đến dữ liệu thu thập được từ công chúng mục tiêu (khách hàng).

Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong ngành marketing người ta nói đến marketing 5.0 (marketing công nghệ vị nhân sinh). Con người đã chuyển dần cuộc sống của mình lên không gian số, việc giải trí, học tập, tiêu dùng, kinh doanh, sinh hoạt xã hội, trao đổi thông tin đều có những thay đổi lớn,... Tất cả các yếu tố này cần được tính đến khi nói đến công nghiệp văn hóa trong thời đại số.

Và nếu quyết liệt triển khai công nghiệp văn hóa một cách có hệ thống thì tôi cho rằng hai thập kỷ nữa, Việt Nam sẽ có những sản phẩm, con người đột phá trên thị trường nghệ thuật khu vực và thế giới.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

THÙY LINH (thực hiện)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật