A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

KINH DOANH TRÊN NỀN VĂN HÓA

Đưa văn hóa vào các sản phẩm và biến nó trở thành tiếng nói của thương hiệu là điều mà nhiều doanh nghiệp trong ngành Kiến trúc – Nội thất mong muốn thực hiện. Đi theo con đường này đòi hỏi sự chuyên tâm và đầu tư công phu cả về nguồn lực và trí sáng tạo. Mời bạn đọc tìm hiểu những chia sẻ của Chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành – người có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy truyền thông và xây dựng thương hiệu văn hóa về chủ đề này.

Khi những thiết kế và xu hướng toàn cầu du nhập vào đời sống, làm thế nào để một nền văn hóa giữ vững được bản sắc của mình?

Câu chuyện của bản sắc văn hóa Việt là điều được thảo luận rất nhiều trong các hội thảo kiến trúc thời gian gần đây. Đó là điều đau đáu rất nhiều nhưng cũng là chủ đề tương đối nhạy cảm và khó đề cập đến được vì cho đến nay chưa có

cuốn sách nào định nghĩa thế nào là bản sắc văn hóa Việt. Việt Nam là nơi giao thoa giữa rất nhiều nền văn hóa: Trung Hoa, Ấn Độ - 2 luồng văn hóa rất mạnh. Ngoài ra, nước ta còn du nhập thêm văn hóa Pháp từ cuối thế kỷ 19 đến năm 1954, theo đó là các ngôn ngữ về mặt kiến trúc, nội thất, hình thể của XHCN ở miền Bắc; của Mỹ và châu Âu ở miền Nam. Do đó bản sắc văn hóa Việt Nam là 1 bản sắc văn hóa động, luôn luôn thay đổi, nằm giữa dòng chảy của rất nhiều văn hóa khác nhau.

Chúng ta không nên dập khuôn vào việc cái gì là văn hóa của mình 100%. Có những thứ đã thân thuộc với người Việt, được người Việt Nam làm chủ, phù hợpvới văn hóa Việt và trở thành bản sắc của mình. Do vậy theo tôi không phải làm thế nào để giữ vững bản sắc của mình mà làm thế nào để cho bản sắc – cái mà chúng ta làm chủ được phong phú và phục vụ cho chúng ta nhiều hơn. Làm thế nào để làm cho cái mới hòa nhập và phù hợp với nhu cầu của cuộc sống mới.

Bản sắc của văn hóa Việt Nam là sự tiếp biến – tiếp nhận và biến hóa nó, biến

nó thành của mình. Như với một ngôi nhà, có thể phân chia thành kiểu nhà truyền thống và nhà hiện đại. Nhưng truyền thống cũng chỉ là đề cập một cách tương đối. Mỗi một thời kỳ đều có những quan điểm và chủ đạo của nó. Cái gì chúng ta tiếp biến – biến nó thành của mình một cách thuần thục và nhẹ nhàng thì là một phần của văn hóa Việt Nam.

Việt Nam là 1 quốc gia đa chủng tộc. Văn hóa của 54 dân tộc đều đáng được tôn vinh và tôn trọng. Vậy vấn đề là làm thế nào để tiếp biến được những cái hay và cho nó phù hợp với khí hậu, đời sống, quan điểm của người Việt.

Công nghệ hiện đại là phương tiện giúp các quốc gia và nền văn hóa xích lại gần nhau cả về trình độ và điều kiện sáng tạo. Trong lĩnh vực nội thất, công nghệ sản xuất cũng có những bước tiếng rất nhanh. Theo anh liệu có mặt trái của sự phát triển công nghệ đối với việc bảo tồn văn hóa truyền thống?

Mọi thứ đều có mặt trái và mặt phải của nó. Mỗi thời kỳ đều có những đặc điểm mà con người phải tận dụng nó. Ví dụ, trước đây, khi ngành công nghiệp sản xuất gỗ nhân tạo chưa phát triển thì bắt buộc phải sử dụng gỗ tự nhiên. Khi công nghệ phát triển thì vật liệu phục vụ cho đời sống cũng đa dạng hơn. Đó là mặt tích cực của công nghệ. Nó cũng song hành với sự nhận thức của con người.

Ví dụ con người hiện đại cần dùng những sản phẩm thân thiện với môi trường. Khi yếu tố môi trường được đưa thêm vào thì người ta sẽ lựa chọn những sản phẩm phù hợp với nhu cầu đó. Ví dụ như ở Pháp, các công trình ưu tiên sử dụng vật liệu tự nhiên. Nếu những khu rừng trồng phục vụ cho việc lấy gỗ xây dựng được quy hoạch thì dùng gỗ tự nhiên không phải là phá hoại thiên nhiên. Tương tự, gỗ công nghiệp cũng là giải pháp tốt để thay thế cho gỗ tự nhiên nếu nó đáp ứng được yêu cầu về môi trường như: rừng nguyên liệu phải là rừng được quy hoạch và quản lý, quá trình sản xuất phải giảm thiểu các hợp chất khí gây hại cho môi trường, trong quá trình sản xuất đảm bảo sinh kế của người dân địa phương,… Nếu làm được như vậy thì gỗ nhân tạo cũng là sự lựa chọn rất tốt cho con người hiện đại.

Chúng ta bây giờ may mắn hơn trước kia

vì có nhiều sự lựa chọn và giải pháp hơn. Vấn đề là người ta dùng nó một cách tỉnh thức và có ý thức như thế nào.

Liệu khi người dân có nhiều sự lựa chọn thì họ lại gặp khó khăn trong việc định hình cá tính của chính mình?

Nhiều sự lựa chọn thì đồng nghĩa với việc con người phải sành sỏi hơn, tìm hiểu nhiều hơn. Lúc đấy nổi lên vai trò của những nhà tư vấn, có thể là các kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất, nhà tư vấn về phong cách. Người tiêu dùng thì hạnh phúc vì có sự lựa chọn phù hợp với sở thích của từng người một. Có người thích màu mà nhà ai cũng có. Nhưng cũng có những người thích sự độc đáo là không ai có cả. Hoặc có người thích một họa tiết gắn bó thân thuộc và muốn sử dụng nhưng không có nhà sản xuất. Khi đó phải có giải pháp thay thế - vật liệu xây dựng nhân tạo. Chính vì vậy mà mảng này ngày càng phát triển tại Việt Nam.

Liệu người tiêu dùng đã có khả năng tìm đến nhà tư vấn hay chưa, khi mặt bằng chung về câu chuyện thông tin và thưởng thức vẫn còn khá hạn chế?

Xu hướng thẩm mỹ của một xã hội phụ thuộc rất nhiều vào chiều sâu văn hóa và chiều dài phát triển. Trước năm 1986 thì chúng ta không có nhiều lựa chọn. Từ những năm 1990 trở đi, xã hội Việt Nam mới mở cửa được hơn 30 năm, thịnh vượng được khoảng 10 năm trở lại đây. Hiểu biết của người tiêu dùng do vậy khó có thể bằng được những dân tộc đã phát triển hàng trăm năm. Người tiêu dùng Việt Nam đang học cách tìm hiểu, lựa chọn và sử dụng chất liệu. Vì có những sản phẩm phải sử dụng mà 10 năm sau mới biết là phù hợp hay không phù hợp. Giai đoạn bùng nổ của thị trường xây dựng Việt Nam cũng mới chỉ từ 2000

– 2010 trở lại đây, cộng với sự lớn mạnh

của các nhà sản xuất trong nước sau một thời gian làm OEM và R&D thì chúng ta mới chứng kiến những sản phẩm đầu tiên của các công ty Việt. Trên quãng đường phát triển của đất nước 3000 năm thì quãng đường hội nhập mới 20

- 30 năm quá ngắn để người tiêu dùng kịp phân biệt và có nhận thức rõ ràng. “Giving time to time” – hãy để cho nó đủ thời gian để nó được như nó là. Các nhà sản xuất, do vậy cũng phải tăng cường công tác truyền thông – giới thiệu cho người tiêu dùng biết, hiểu, trải nghiệm sau đó mới đưa ra quyết định. Các kiến trúc sư, nhà tư vấn, nhà thiết kế nội thất, thậm chí cả các chuyên gia của nhà sản xuất vật liệu cũng cần tham gia vào quá trình này làm cho xã hội hiểu hơn về chất lượng, các tiêu chuẩn an toàn, phát triển bền vững của một loại vật liệu xây dựng.

Trong ngành nội thất, các nhà sản xuất đang có những bước sáng tạo những thiết kế bề mặt mới dựa trên những chất liệu văn hóa của địa phương. Anh đánh giá như thế nào về sự sáng tạo này?

 

Thực ra trào lưu sáng tạo dựa trên chất liệu văn hóa địa phương không còn mới nữa. Trong lĩnh vực thiết kế, yếu tố bản địa luôn được khai thác từ rất nhiều năm nay. Các thương hiệu lớn cũng đang

đưa những đặc điểm nhận diện về mặt hình họa của các dân tộc vào như một cách bảo vệ sự đa dạng. Đây là xu hướng không thể đảo ngược. Khi công nghệ tốt rồi thì phải đưa những giá trị mà người dân trân quý và tôn trọng vào, ví dụ như những họa tiết đan lát thổ cẩm truyền thống hay đồng tiền xu của Việt Nam thời xưa…

Cách làm này được đưa vào đầu tiên trong lĩnh vực thời trang, sau đó đến lĩnh vực luxury – các nhãn hàng xa xỉ. Ví dụ hãng xe Roll Royce đã đưa những họa tiết hình trống đồng Việt Nam tạo thành bộ sưu tập Phantom Đông Sơn. Bây giờ, các nhãn hàng vật liệu xây dựng đưa các chi tiết văn hóa vào sản phẩm cũng là một điều dễ hiểu. Quy luật là đi từ người tiêu dùng cao cấp sau đó lan rộng và có tính đại chúng. Đây là điều chắc chắn sẽ xảy ra và người ta sẽ thích nó.

Liệu việc lan tỏa những đặc trưng văn hóa có bị bóp méo, trở thành “kinh do- anh văn hóa”?

Luôn có 2 dòng tranh luận: một bên của những người rất truyền thống bảo vệ quan điểm văn hóa như thế nào phải giữ nguyên nó như vậy. Một bên thì chỉ lấy cảm hứng từ truyền thống thôi. Ví dụ nhà thiết kế Minh Hạnh đã đưa các yếu tố bản địa vào tà áo dài Việt Nam và lan tỏa khắp nơi trên thế giới suốt 20 năm qua.

Văn hóa luôn luôn biến động, chẳng bao giờ đứng yên cả. Do vậy việc khai thác được yếu tố văn hóa bản địa và đưa vào thương mại là điều nên làm. Kinh doanh văn hóa là việc rất tốt. Nhưng nên nhìn nó trong sự tôn trọng với nét văn hóa bản địa đó. Có nhiều nền công nghiệp văn hóa đã ra đời và được khai thác ở nhiều góc độ khác nhau. Ví dụ như nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc. Nếu đất nước này không đầu tư vào ngành công

 

Công nghệ hay các vật liệu xây dựng mới

nghiệp văn hóa thì sẽ không thể phát triển từ một nước nghèo trở thành nước giàu thứ 10 trên thế giới.

Dưới góc độ truyền thông, theo anh các doanh nghiệp sản xuất cần phải làm những gì để nâng cao trình độ nhận thức và hiểu biết của người tiêu dùng về các sản phẩm có nghiên cứu chiều sâu từ góc nhìn văn hóa?

Thứ nhất, các doanh nghiệp phải thực sự đầu tư tìm hiểu các giá trị văn hóa, cả về màu sắc, hình khối, đường nét để kể chuyện cho tới và phù hợp. Ví dụ cùng là phát triển hình con nghê, nếu đưa một

con nghê thuần Việt vào nó khác với một con nghê của Trung Quốc. Phải có sự nghiên cứu thực sự, nếu không thì sẽ chỉ là sự bắt chước bề ngoài.

Thứ hai, cần phải làm truyền thông. Các công ty hiện nay đa phần chỉ làm mar- keting, không làm truyền thông. Mar- keting và truyền thông là mặt phải và mặt trái của một đồng xu. Nhiều doanh nghiệp tập trung vào bán hàng và tạo ra doanh số trong thời gian trước mắt. Nếu có gắn thêm yếu tố văn hóa vào thì cũng chỉ là để bán hàng chứ không phải là sự hiểu về nó và muốn phát triển nó lâu dài. Các công ty cần phải đi song song: Mar- keting tạo ra nhu cầu còn truyền thông giúp cho khách hàng hiểu, yêu điều đó và chung tay cùng mình tạo nên giá trị tốt đẹp.

Khi đã có thông tin, cần phải đầu tư vào hình thức, phương tiện thể hiện để mọi người có thể tiếp nhận theo cách

họ mong muốn. Cuối cùng là phải có kỹ năng, kỹ thuật, sự hiểu biết cũng như sự kiên trì. Hầu hết các nhãn hàng bây giờ tập trung vào KPI và kinh doanh, không nghĩ về sự phát triển bền vững. Ai cũng lo trách nhiệm và quảng cáo ở những kênh mà nhiều người biết đến nhất và có số liệu an toàn khi báo cáo. Điều này hạn chế khả năng phát triển bền vững. Kể cả các CEO cũng chưa có tầm nhìn xem 5 – 10 năm nữa thương hiệu sẽ làm được những gì. Khi tầm nhìn không đúng hướng thì hành động cũng không thể đúng. Đó là nguy cơ lớn của các nhãn hàng hiện nay.

Vậy để tạo nên một sản phẩm hay một thương hiệu “Designed by Vietnam” với các doanh nghiệp nội thất thì thời gian là bao lâu?

Thời gian sẽ phải tính bằng thập kỷ. Để các doanh nghiệp thay đổi tư duy giữa việc “hô” và việc “làm” là rất lâu. Ví dụ trong tất cả các cuộc thi hiện nay thì mọi người đều hô hào phải đưa bản sắc Việt và các yếu tố văn hóa Việt vào. Nhưng thực sự có bao nhiêu người đầu tư tìm hiểu về gốc gác của nó? Việc học tập phải là quá trình liên tục và mãi mãi. Từ khi có ý thức học, tập hợp và dành thời gian “ngấm” cũng phải mất từ 2 – 3 năm. Thời gian sản xuất và chỉnh sửa thì có lẽ phải qua cả thế hệ mới có những sản phẩm mang đặc thù của Việt Nam. Tuy nhiên phải làm việc này một cách có ý thức, có sự tập trung. Bao nhiêu công ty kiến trúc – nội thất ở Việt Nam hiện nay có thư viện? Bao nhiêu kiến trúc sư và nhà thiết kế nội thất tiếp tục đọc và học liên tục?

Trong ngành thiết kế sáng tạo có câu nói: “Good artists copy, great artists steal” (Pablo Picasso) - Người nào giỏi thì đi copy của người khác, thường là copy từ các bậc thầy, còn thiên tài thì đi “ăn cắp” của người khác. Giống như Steve Jobs “ăn cắp” ý tưởng điện thoại di động nghe được nhạc để tạo ra iPod, “ăn cắp” ý tưởng về sự phù phiếm của thời trang để làm ra các góc bo cong của iPhone. Để tạo ra được cái gì đó của Việt Nam thì vẫn cần chú trọng công tác R&D, phải làm một cách liên tục và có đột phá thì mới được công chúng nhớ đến.

Công tác nghiên cứu, nguồn vốn và truyền thông là điều kiện cần để đi theo con đường văn hóa. Nhưng để đi một cách lâu dài thì điều kiện đủ là gì?

Sự cam kết của chủ doanh nghiệp. Quay trở lại câu chuyện tầm nhìn của công ty là gì? Muốn kiếm được nhiều tiền nhưng trong thời gian dài thì phải có sự kiên nhẫn. Đó chính là vision – tầm nhìn. Nó phải đủ lớn, đủ rộng. Do vậy điều kiện đủ là sự cam kết cá nhân và tầm nhìn của người chủ doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty tư nhân. Người chủ phải muốn làm tốt thì mới dành thời gian, công sức, tiền bạc và sự chú tâm cho nó.

Để thành công được thì cần nhân lực, vật lực, tài lực và thế lực. Nhân lực và vật lực có thể bỏ tiền ra mua được, tài lực có thể gom góp đủ nhưng cả 3 cái cộng lại vẫn không thành công được, cần phải có thế lực – sự ủng hộ của người chủ đứng đằng sau thì nó mới tiến lên được. Nếu không thì con tàu vô hướng, có tiến lên, nhưng đó là tập hợp của những người được trả tiền và tiến về phía trước mà đi đến đâu thì họ không biết.

Cảm ơn anh đã tham gia cuộc phỏng vấn!


Bài in trong ấn phẩm Home Color Home của gỗ Minh Long 2023 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan