A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

HỌC NGOẠI NGỮ VÀ LÀM TRUYỀN THÔNG CÓ LIÊN QUAN NHƯ THẾ NÀO?

1. Theo em tìm hiểu, thầy là người có niềm đam mê rất lớn với việc dạy học, đặc biệt là tiếng Pháp và văn hoá Pháp. Vậy không biết, cơ duyên nào mà thầy thay đổi định hướng công việc, trở thành một người làm truyền thông?

Học tiếng Pháp (trước đây, cấp 2 là tiếng Nga) chúng tôi đào sâu kiến thức và tiếp cận với sự nghiêm cẩn của một ngôn ngữ thuộc hàng chặt chẽ nhất thế giới. Điều thú vị nhất là các giờ ngoại ngữ chuyên ngành chính là những giờ dạy nghề cho chúng tôi: chuyên ngành du lịch, văn học, marketing, quản trị doanh nghiệp. Các kỹ năng phân tích văn bản, đọc nhanh, tư duy mind map, thuyết trình trước công chúng, tóm tắt văn bản cộng với các môn việt ngữ học, lịch sử văn minh thế giới, ngôn ngữ học, xã hội học, tâm lý học, pháp luật đại cương đã trở thành những mỏ kiến thức hữu ích đến bất ngờ với chúng tôi trong quá trình làm nghề sau này mà không nhất thiết phải học truyền thông chính quy. Bởi suy cho cùng, PR, marketing là những công việc hướng tới sự giao tiếp giữa con người với con người. Nó cần sự cảm thông, sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ hơn là những công thức cứng nhắc hay một mô hình nào đó đã thành công trong quá khứ.

Một trong những điều tuyệt vời giúp chúng tôi có môi trường đào luyện mình tại trường đại học đó chính là hoạt động xã hội và hoạt động đoàn. Là cán bộ đoàn bạn bắt buộc phải biết nói, nói tốt, nói hay, nói xúc động trước công chúng. Là cán bộ đoàn, bạn được học cách làm việc với đám đông, kỹ năng xách động quần chúng. Là cán bộ đoàn bạn tập kỹ năng tổ chức sự kiện. Là cán bộ đoàn bạn học cách làm việc nhóm và tin vào đồng đội. Là cán bộ đoàn bạn trau dồi kỹ năng kết nối với người khác….

Những năm 90, trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội, lúc đó còn mang tên Alliance FranÇaise có hoạt động hết sức phong phú. Ngoài các lớp dạy tiếng còn có các bữa tiệc âm nhạc và trò chơi mỗi dịp kỷ niệm ngày Pháp ngữ, Noel, năm mới, Euro – World cup có đội tuyển Pháp tham gia. Một trong các hoạt động ngoại khóa vô cùng hữu ích thời đó là các lớp tập kịch bằng tiếng Pháp do nữ nghệ sỹ gốc Brasil,  Marcia Fiani  tổ chức. Với bọn sinh viên chúng tôi, học kịch vừa là dịp thực hành tiếng Pháp vừa là dịp tìm hiểu khả năng diễn xuất của bản thân. Tôi cũng không ngờ rằng kịch lại cho chúng tôi nhiều đến thế. Kịch cho chúng tôi khả năng biểu đạt ý nghĩa và kể các câu chuyện thuần tuý bằng cơ thể. Việc học phát âm tròn vành rõ chữ từng từ giúp chúng tôi tăng khả năng làm người khác hiểu bằng ngôn ngữ nói. Khả năng nói trước đám đông, sự tự tin, sử dụng thành thục ngôn ngữ cơ thể,  khả năng “đo” sự chú ý của khán phòng, kỹ năng di chuyển trong không gian nhằm chiếm được sự chú ý của công chúng, khả năng làm việc nhóm và căn thời gian, khả năng lay động khán giả - người tiếp nhận thông tin…tất cả được lũ sinh viên tiếng Pháp chúng tôi miệt mài tập luyện.

Những bài học đầu tiên của nghề PR đã đến với tôi như thế.

Tôi tâm niệm, người làm PR, marketing tốt là người có niềm yêu thích sự kết nối, có phông văn hoá tốt và trải nghiệm khi sống. Như bạn có thể thấy, văn hoá là nền tảng của mọi chuyện. Đọc, nghe, xem, nói, đi, sống, cảm nhận đủ cung bậc của cuộc sống là điều quan trọng khi hành nghề PR (hay bất cứ ngành nghề nào khác). Khi trải nghiệm đủ nhiều, chúng ta mới biết mình là ai, mới biết đặt bản thân vào vị trí của người khác để tạo ra sự hiểu biết hai chiều, sự thông cảm giữa các bên. Trên nền tảng văn hoá rộng, cởi mở ấy, bạn sẽ làm việc một cách sáng tạo, vui vẻ và hạnh phúc hơn.

Tôi được làm việc gần 3 năm tại khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội với tư cách giám đốc PR. Ông tổng giám đốc theo đuổi quan điểm dùng người có tư duy tốt và đam mê công việc hơn là người có kinh nghiệm. Tôi đã nỗ lực hết sức và thấy đó là một quan điểm tốt. 3 năm ở Metropole, tôi mài giũa kỹ năng storytelling (nghệ thuật kể chuyện), storydoing (marketing nhân văn), human branding (xây dựng thương hiệu nhân văn và trách nhiệm), sustainable development (phát triển bền vững) và khám phá nghệ thuật sống đỉnh cao tại khách sạn ngôi sao này của tập đoàn Accor. Tôi nghĩ mình là người may mắn!

Các bạn trẻ muốn theo đuổi ngành này nên gia tăng trải nghiệm để sau 20 tuổi, bạn bước vào đời với một phông văn hoá cơ bản, có thể tiếp nhận cái mới, nhìn cuộc sống khác biệt, tìm thấy niềm vui mỗi ngày. “20 tuổi” nghe có vẻ áp lực quá nhỉ? Thật ra, không nhất thiết bạn phải làm gì đó cao sang. Trải nghiệm đơn giản là bạn đọc nhiều sách, xem nhiều phim, nghe những thứ mới lạ, đi du lịch, khám phá nơi đang sống dưới con mắt của một người đi du ngoạn, hiểu câu chuyện được kể ở các công trình quanh ta, lắng nghe “tiếng nói” của những con phố, những hàng cây, hiểu câu chuyện mà màu sắc và hình dạng đang kể, tìm hiểu lịch sử thông qua các công trình văn hoá, các phong tục tập quán,...

 

2. Trải qua nhiều năm trong nghề, thầy có thể chia sẻ một vài điều đặc biệt của các bạn làm truyền thông thuộc thế hệ gen Z hiện nay so với những người của thế hệ trước đây trong lĩnh vực truyền thông được không ạ?

1. Điều gì làm cho GenY khác với GenX ở Việt Nam?

Sự khác biệt đến từ  hoàn cảnh kinh tế xã hội. Việt Nam đã mở cửa từ những năm 1986 và những sự thay đổi thực sự xảy ra từ những năm 1990 khi thang giá trị xã hội có nhiều thay đổi. Trước kia, các nghề “cơ bản” như công nhân, lực lượng vũ trang, nông dân được tôn vinh. Sau năm 1990 các nghề được tôn vinh là doanh nhân, quan chức. Thế hệ X bắt đầu nắm giữ những vị trí quan trọng trong xã hội trong khi thế hệ Y mới bắt đầu được sinh ra. Thế hệ X vẫn tiếp nhận thông tin qua các kênh mà với họ là có thể tin tưởng được như báo chính thống. Thế hệ X vẫn tin tưởng vào sách vở và tự thân nghiên cứu. Thông tin chậm mà sâu vẫn là điều yêu thích của họ. Thế hệ Y lớn lên khi Internet phát triển mạnh ở Việt Nam từ năm 1997 và mạng xã hội từ những năm 2010. Họ tiếp nhận hoàn toàn các điểm xấu và lợi ích từ nguồn thông tin này. Với họ, internet và mạng xã hội là nguồn thông tin chính. Thông tin nhanh, tư duy phiến đoạn (clip thinking) là đặc điểm mà họ tiếp nhận từ internet. Nguồn thông tin chính, nền tảng giá trị xã hội, gắn kết xã hội của thế hệ X và thế hệ Y khác nhau nên hành vi và phản ứng của họ trên mạng cũng khác nhau. 

 

2. Và điều gì làm cho GenZ khác với Gen Y ở Việt Nam?

Gen Z sinh ra và tiếp nhận thông tin chủ yếu từ Internet. Sự gắn bó với các kênh truyền thông truyền thống gần như bị cắt đứt. Văn hóa được tôn vinh từ sau năm 2000 thông qua internet, phim ảnh, âm nhạc, người nổi tiếng đó là thành công cá nhân, tự do cá nhân, cái tôi duy nhất và trên hết. Kinh tế Việt Nam phát triển tốt,  khung nền giá trị xã hội thay đổi hoàn toàn, tôn giáo và lý tưởng không có tác động đến lứa tuổi này. Họ tin vào những gì hào nhoáng, chớp nhoáng, hiệu quả nhanh, không câu nệ vào các yếu tố lễ nghĩa xã hội. Nỗi lo lớn nhất của họ là bị loại ra khỏi cộng đồng của mình. Họ có xu hướng tiêu dùng các sản phẩm văn hóa (âm nhạc, phim ảnh) và ăn uống, đi lại, trang phục, trang điểm giống như người cùng trang lứa, bất chấp xã hội nghĩ thế nào. Do kinh nghiệm sống chưa nhiều và chưa biết đến sức ép tài chính, giá trị của đồng tiền họ thường tin tưởng vào các Kols.

Cùng với thời gian, khi hiểu được lý do đằng sau nhiều review của KOLs họ sẽ bớt tin tưởng và trở nên “thông thái” hơn.

Người làm truyền thông thế hệ Z ngày nay năng động, đa di năng, có khả năng thích nghi nhanh, nhạy bén với các xu hướng tuy nhiên người ta hay "chê" thế hệ này thiếu kiên nhẫn và đôi khi "ATSM', tự tin thái quá.

 

3. Các vị trí liên quan đến marketing, media, content creator hiện đang được các nhà tuyển dụng tìm kiếm rất nhiều. Tuy nhiên, tại Việt Nam thì chúng ta luôn ưu tiên những ứng viên biết tiếng Anh. Bên cạnh đó, đa số các cơ sở đào tạo sinh viên trong ngành này đều bằng giáo trình tiếng Việt hoặc chú trọng vào tiếng Anh. Vậy theo thầy, với những bạn thuộc cộng đồng Pháp ngữ, cụ thể hơn là sinh viên ngành truyền thông doanh nghiệp của Đại học Hà Nội thì đây liệu có phải là khó khăn đối với các bạn không?

Tiếng Anh là một phần không thể thiếu trong công việc. Không chỉ để cho công việc mà còn cho phát triển cá nhân, giải trí, du lịch. Người học tiếng Pháp có lợi thế là có thêm nhiều nguồn thông tin bằng tiếng Pháp, các nước francophone nên cái nhìn đa dạng hơn, có nhiều case study thú vị.

4. Tìm một việc làm sử dụng tiếng Pháp đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông tại nước ta là rất khó. Thầy có gợi ý gì cho chúng em và các bạn sinh viên khác để có thể biến tiếng Pháp là một điểm sáng nhằm thu hút nhà tuyển dụng không ạ?

Khi học tiếng Pháp, có khả năng là bạn có nhiều nguồn thông tin thú vị để tạo ra sự khác biệt. Người học tiếng Pháp đặc biệt nhạy cảm với cách tiếp cận mang tính văn hóa, nghệ thuật, xã hội nhân văn sâu sắc làm cho các proposal có góc nhìn khác biệt.  Chúng ta có nhiều cơ hội việc làm, học tập, học bổng hơn trong nước và quốc tế. Chúng ta có nhiều cơ hội du lịch và có nhiều cơ hội có bạn bè trên thế giới hơn. Như vậy phông văn hóa sẽ dày dặn hơn.

5. Bên cạnh tiếng Pháp và các kiến thức chuyên môn về truyền thông, thầy có thể gửi tới các bạn sinh viên những lời khuyên cần phải rèn luyện thêm những kỹ năng gì trước khi bước chân vào thế giới việc làm không ạ?

5 kỹ năng

Là một người hoạt động trong ngành, tôi nghĩ, người làm PR cần rèn luyện 5 kỹ năng chính bao gồm: BIẾT ĐỌC – BIẾT VIẾT – BIẾT NGHE – BIẾT NÓI và BIẾT ĐI.

BIẾT ĐỌC:

Hãy nói cho tôi bạn đọc gì, tôi sẽ nói bạn là ai! PR là một môn nghệ thuật, đòi hỏi sự khổ luyện và phông nền văn hoá dày dặn. Không đọc, không thể có kiến thức sâu rộng. Không tích góp, không thể có phông văn hoá dày. Thời đại số cho phép kiến thức lưu hành với tốc độ nhanh và khối lượng không hạn chế. Người BIẾT ĐỌC là người biết chọn lọc thông tin cần thiết cho nghề của mình. Biết theo dõi những ai trên Facebook, Twitter, YouTube,… Biết trở thành thành viên của các nhóm chuyên môn trên mạng để cập nhật thông tin mới nhất, tranh luận với các chuyên gia. Biết tìm đọc những cuốn sách, nghiên cứu có giá trị về ngành nghề của mình. Đây là một công việc thường xuyên và liên tục.

BIẾT VIẾT:

Không thể viết nếu như không đọc. Công thức 5W1H bao gồm: What? (Cái gì?), Why? (Tại sao?), Who? (Ai?), Where? (Ở đâu?), When? (Khi nào?) và How? (Như thế nào?), tuy đã có từ lâu nhưng còn nguyên giá trị. Hãy làm sao để một người không cần gặp bạn vẫn hiểu được hình thức của bạn, điều bạn định nói qua bài viết. Ngoài ra, với người làm PR trong thời đại thế giới phẳng, tiếng Anh là điều bắt buộc.

BIẾT NGHE:

Là khả năng nắm bắt ý định của người đối thoại. Hiểu được họ muốn gì, muốn nghe gì, muốn nói gì. Điều này đòi hỏi người PR phải làm công việc điều tra thị trường, hiểu về lĩnh vực mình trao đổi. Ngôn ngữ không chỉ bao gồm ngôn từ mà còn bao gồm cả ngôn ngữ cơ thể.

BIẾT NÓI:

Là khả năng diễn đạt rành rọt (sau là hấp dẫn) điều mình muốn thể hiện trên bản proposal. Kỹ năng này đòi hỏi người PR phải nắm được các yêu cầu của việc nói trước công chúng, tư duy mindmap để không đi lạc trong bài phát biểu của mình, khả năng nắm bắt mức độ chú ý của người đối diện.

BIẾT ĐI:

Là khả năng săn tìm những thông tin về các hoạt động thú vị trong ngành có thể hoặc giúp bạn tăng cường kiến thức chuyên môn/xã hội hoặc có cơ hội tiếp xúc với đồng nghiệp, khách hàng tương lai. Facebook và các mạng xã hội khác đủ thông minh và được tổ chức đủ tốt để giúp bạn không bỏ lỡ những event thú vị của ngành.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật