A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐƯA TIN VỀ TỰ TỬ THẾ NÀO ĐỂ KHÔNG GÂY ẢNH HƯỞNG XẤU

1. Thưa chuyên gia, vừa qua Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã ra văn bản yêu cầu các báo gỡ thông tin, hình ảnh trong clip nam sinh tự tử để bảo vệ quyền riêng tư và tránh ảnh hưởng tiêu cực trong xã hội.

Anh có đánh giá như thế nào về ứng xử của truyền thông báo chí trong vụ việc này?

Sức ép về chỉ tiêu lượng đọc (lượng view) hiện nay là rất lớn. Nhiều cơ quan báo chí thậm chí còn đưa lượng đọc làm thành chỉ tiêu quan trọng đánh giá năng lực của người làm báo. Đây là một việc rất nguy hiểm vì nó vừa tạo ra sức ép vừa vô tình cổ vũ cho việc thu hút sự chú ý của công chúng bằng mọi giá. Chính vì vậy, những thông tin về vụ học sinh tự tử vừa qua, vốn là một sự việc bất ngờ và được công chúng quan tâm đã trở thành tâm điểm của giới truyền thông việc đưa tin là có thể hiểu được. Nhưng đưa tin bất kể hệ lụy ra sao thì một điều cần được thảo luận, điều chỉnh bởi đây sẽ không phải là trường hợp cuối cùng về những sự việc đáng tiếc xảy ra.

2. Clip lan tràn trên mạng xã hội, nhiều người vô tư bình luận, chỉ trích thậm chị mạt sát gia đình nạn nhân. Theo anh việc này dẫn đến những hệ lụy như thế nào và anh có suy nghĩ gì về công tác quản lý nội dung trên các nền tảng xuyên biên giới?

Thay vì đi vào phân tích nguyên nhân, đưa ra giải pháp, đưa ra các góc nhìn khác nhau thì một số đơn vị lại quá hào hứng đi vào chi tiết của vụ tự tử, công bố thông tin cá nhân của gia đình. Điều này rất nguy hiểm vì các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, việc mô tả chi tiết tội ác hoặc những vụ việc tự tử đóng vai trò như chất kích thích, như một cái "công tắc vô hình" về việc nên hay không nên tự tử. Ngoài các thông tin được đưa ra một cách cẩu thả như vậy đã gây tổn thất lớn cho gia đình, người thân về mặt tâm lý; vi phạm quyền riêng tư của công dân (kể cả của người đã mất); cản trở quá trình điều tra và xói mòn lòng tin của xã hội. Có một dòng báo chí, theo tôi nên được phát triển đó là báo chí xây dựng (constructive journalism) hay báo chí giải pháp (solutions journalism) theo đó báo chí nên đăng tải những gì có ích cho một xã hội tốt đẹp hơn, thay đổi thế giới theo cách tích cực. (báo điện tử vnplus đã có một bài đầy đủ về vấn đề này mà tôi rất đồng tình https://special.vietnamplus.vn/2019/01/07/constructive_journalism/)

Các nền tảng truyền thông xuyên biên giới cũng có những quy định của mình mà họ gọi là tiêu chuẩn cộng đồng, trong nhiều trường hợp, các quy định này cũng giúp ích cho việc bảo vệ cộng đồng. Nhưng trong một số trường hợp, hoặc là họ phản ứng chậm, hoặc theo một số ý kiến thì họ cũng không phản ứng gì. 

3. Theo tài liệu hướng dẫn từ WHO, việc đưa tin chi tiết vụ tự tử, công bố thư tuyệt mệnh có thể gây hiệu ứng không tốt trong xã hội, thậm chí ảnh hưởng đến những người đang có ý định tự sát. Nguồn tham khảo: Preventing Suicide A Resource for Media Professionals: https://www.who.int/.../preven.../suicide/resource_media.pdf

Vậy, anh có đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của báo chí giải pháp? Bên cạnh phản ánh, phê phán cái tiêu cực, thì báo chí cần làm gì để đưa ra giải pháp, tạo luồng truyền thông tích cực?

Với công chúng, báo chí nên làm giải thích để công chúng hiểu và thực hành việc không đọc, không chia sẻ những thông tin tiêu cực, thông tin xâm phạm đến đời tư của người khác;

Đồng thời cũng nên cảnh báo về các tác động tâm lý tiêu cực đến chính người đọc. Nhiều người bạn của tôi than phiền là mất ngủ cả đêm sau khi đã xem những hình ảnh như thế. Bản thân tôi cũng bị ám ảnh bởi những bức ảnh thảm sát do Khơ me Đỏ gây ra tại Việt Nam cho đến tận bây giờ.

Với chính đồng nghiệp làm báo, báo chí xây dựng cũng nên giải thích, cổ vũ cho việc làm tin sạch, tin có hiệu ứng tốt trong xã hội. Nên có những phỏng vấn chuyên gia, trích dẫn từ nguồn tin cậy để làm sao đối mặt với vấn đề ấy. Báo chí cũng nên khai thác các cơ quan quản lý, chuyên gia, không phải theo hướng chỉ trích mà hướng giải pháp nên làm như thế nào, đâu là những khó khăn cần tháo dỡ, khắc phục.

Đây là một vấn đề phức tạp, mỗi cơ quan báo chí nên tập trung làm công chúng mục tiêu của mình có cuộc sống hạnh phúc hơn, tốt đẹp hơn, dựa trên tôn chỉ và lĩnh vực hoạt động của chính mình.  

4. Theo anh, nên có chừng mực và cách thức đưa tin về các vụ việc tiêu cực như thế nào? Bao gồm cả tự tử hoặc các vụ việc khác có thể ảnh hưởng đến cá nhân, doanh nghiệp? Ví dụ, vụ nước mắm chứa Asen cũng đã khiến nhiều người điêu đứng?

Tôi nghĩ rằng người cầm bút nên nghĩ tới việc nếu người đọc là con mình, em mình, cháu mình đọc thấy những dòng này thì sao? nhìn thấy những hình ảnh này thì sao? Khi thông tin này được đăng tải thì cuộc sống của những người có liên quan sẽ thế nào? Quyền và lợi ích chính đáng của những người liên quan sẽ bị ảnh hưởng ra sao? Nếu làm theo những điều cơ bản như thế thôi thì thông tin về các vụ việc tiêu cực cũng sẽ mang tính tích cực hơn.

5. Giới trẻ hiện nay đang là đối tượng dễ bị tổn thương khi thông tin tiêu cực trên báo chí lan tràn khiến các em dễ bắt chước theo. Lấy ví dụ thông tin nghệ sỹ Hàn Quốc tự tử. Anh có “kế sách” giải pháp gì để bảo vệ những độc giả trẻ trước các thông tin xấu độc trên các trang tin điện tử và mạng xã hội hiện nay?

Các chương trình giáo dục trước đây (cái mà các vị phụ huynh hiện nay đã được tiếp nhận) và chương trình bây giờ đều dồn trọng tâm vào các kỹ năng sống trên không gian vật lý. Nhiều người trong chúng ta, trong đó có các nhà báo cũng được đào tạo để làm việc trong một thế giới vật lý thuần túy. Trong khi đó, cuộc sống của con người đã chuyển lên thế giới số, ít nhất là một thế giới lai giữa thực và ảo như hiện nay, trong tương lai là cuộc sống ảo hoàn toàn. Đó là một cuộc sống khác. Chúng ta cần đưa các chương trình kỹ năng sống trên thế giới số, hiểu biết về truyền thông trong thời đại số vào các chương trình giảng dạy phổ cập cho học sinh, sinh viên. Từ đó các bạn trẻ có kỹ năng sống tốt hơn trên không gian mạng. Các hiểu biết về tâm lý học, xã hội học đơn giản nên được đưa vào dưới hình thức seminar hoặc buổi nói chuyện chia sẻ tại các trường, online hoặc offline.

Trước mắt, cần cung cấp kỹ năng cho các em để không đọc, không xem, không tin vào thông tin đồn thổi trên mạng. Tại gia đình, bố mẹ cũng không nên trao đổi về các thông tin giật gân hoặc hỏi con về những điều ấy vì vô hình trung đó là sự kích thích các em đến với các thông tin lá cải, giật gân khi chưa có sự chuẩn bị hoặc trưởng thành về tâm lý. Cần tăng cường kênh trao đổi giữa gia đình và nhà trường qua các cuộc gọi video giữa phụ huynh và giáo viên. Thiết lập các trung tâm hỗ trợ tâm lý trên các kênh mà các bạn trẻ hay dùng như tik tok, youtube, facebook để phát hiện vấn đề sớm và tư vấn tâm lý sớm cho các em.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào việc dự báo các ca tự tử có thể xảy ra và thông báo với gia đình, nhà trường để tìm cách xử lý. Ví dụ khi các em tìm kiếm thông tin về cách tự tử thì những người liên quan có thể được biết về điều đó và tìm cách nói chuyện với các em. Về lâu dài, nên có hệ thống các nhân viên công tác xã hội để giúp người dân ở các địa phương nâng chất lượng cuộc sống và phòng chống rủi ro xã hội. 

Xin trân trọng cảm ơn

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành

 

 


Tác giả: Nguyendinhthanh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan