Công nghiệp văn hóa: Để ghi dấu ấn Việt Nam trên bản đồ kinh tế sáng tạo thế giới
Bài TS NGUYỄN THỊ QUÝ PHƯƠNG trên báo Tuổi Trẻ
Chính phủ nên làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp văn hóa phát triển?
Các đơn đặt hàng lớn của chính phủ, tỉnh thành, các cơ quan công quyền bao giờ cũng có tác động lớn đến các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp văn hóa. Nhưng đó có lẽ không phải là điều mà người làm trong ngành công nghiệp này mong muốn.
Trước hết cần có những quy định pháp luật rõ ràng về thế nào là ngành công nghiệp văn hóa, nghĩa vụ và quyền lợi của các cá nhân tổ chức trong ngành, quyền tác giả, quyền sở hữu, quyền khai thác,... được quy định cụ thể.
Ví dụ như: công nhận một số nghề trong ngành công nghiệp văn hóa, nghệ thuật để họ yên tâm làm việc, như giám tuyển, YouTuber (người sáng tác nội dung trên nền tảng MXH YouTube), food writer (người viết bình luận phân tích ẩm thực)...
Do đặc thù ngành của ngành văn hóa, nghệ thuật là thu nhập thường đứt quãng nên cần có hệ thống đóng bảo hiểm đặc thù dành cho họ để ngay cả khi không biểu diễn, hoặc trong thời gian sáng tác, nghệ sĩ và người hỗ trợ vẫn có thu nhập duy trì cuộc sống. Các không gian sáng tạo, trung tâm văn hóa nghệ thuật... nên được thừa nhận như là một phần của công nghiệp văn hóa để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư. Tất cả đều bắt đầu từ con người nên cần đẩy mạnh đầu tư vào giáo dục, đào tạo năng lực tư duy, thái độ, kiến thức, kỹ năng, tính chuyên nghiệp trong một nền công nghiệp.
Ngoài ra, chuyển đổi số đang là một xu hướng không thể đảo ngược của mọi nền kinh tế, ngành nghề. Ngành công nghiệp văn hóa cần đưa yếu tố này vào nghị trình hoạt động của mình một cách cụ thể, tránh việc chỉ đạo chung chung, gây thiệt hại về đầu tư và bỏ lỡ cơ hội. Hiệu quả của một chiến dịch truyền thông văn hóa được tính toán có thể có sức mạnh vượt xa mọi công cụ ta đã từng có trong quá khứ.
Một video của ca sĩ Sơn Tùng MTP có thể tạo nên mong muốn đi thăm một ngôi cổ tự ở hàng trăm nghìn người. Một concert của ca sĩ Hà Anh Tuấn có thể kéo hàng nghìn người tới Đà Lạt, tạo ra những tác động kinh tế không hề nhỏ. Thời đại số đã biến mỗi người trở thành một điểm phát thông tin trực tiếp đến hàng tỉ người trên thế giới với chi phí nhỏ nhất.
Chuyên gia văn hóa - truyền thông Nguyễn Đình Thành
TTO - Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất tổ chức ngày 24-11-1946 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở".
Bác Hồ nhấn mạnh: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ". Bức ảnh Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn của nghệ sĩ Lâm Quang Long
Tròn 75 năm đã trôi qua kể từ ngày đó, nền văn hóa của chúng ta đang ở đâu? Sức mạnh văn hóa dân tộc có tạo nên thế đứng độc lập, tự cường và tự chủ của đất nước Việt Nam trên bản đồ thế giới?
Giai đoạn 2015-2020, gần 62% phim chiếu trên sóng VTV3 là phim nhập khẩu hoặc phim dựng từ kịch bản mua bản quyền nước ngoài. Trong đó, phim Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm tỉ lệ 79%.
10 năm qua, Việt Nam hoàn toàn không có tên trong Báo cáo toàn cầu về công nghiệp sáng tạo của UNESCO.
Theo kinh nghiệm của các quốc gia từ tự do như Hoa Kỳ, linh hoạt như Hàn Quốc, khôn khéo như Thái Lan, mềm dẻo như Nhật Bản đến tham vọng như Trung Quốc, việc khuyến khích sự phát triển, tôn trọng khả năng tự tổ chức của xã hội công nghiệp và thúc đẩy cơ chế tự điều chỉnh của thị trường là một biện pháp quan trọng để chuyển đổi chức năng của chính phủ từ quản lý sang kiến tạo, đồng thời tạo nên động lực phát triển từ sức mạnh nội sinh của từng chủ thể công nghiệp văn hóa.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ đã nhấn mạnh thông điệp về Chính phủ kiến tạo: "Đó phải là một chính phủ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển, chứ không phải bị động đối phó với những diễn biến trên thực tế; nhà nước không làm thay thị trường, những khu vực nào thị trường có thể làm được, doanh nghiệp tư nhân có thể làm được thì nhà nước không can thiệp, thay vào đó là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm. Nhà nước sẽ chỉ đầu tư vào những khu vực doanh nghiệp tư nhân không thể đầu tư…".
Quan điểm Chính phủ kiến tạo ấy cần được phát huy hơn bao giờ hết ở thời điểm này, để định hướng của Đảng và sự điều tiết của Chính phủ thực sự thắp lên khát vọng tự tôn dân tộc, giải phóng các nguồn lực phát triển đầy tiềm năng trong xã hội và chắp cánh cho những trí tuệ bản địa Việt Nam.
Một Chính phủ kiến tạo có thể dẫn dắt công nghiệp văn hóa Việt Nam đạt được những thành tựu lớn hơn, để ghi dấu ấn Việt Nam trên bản đồ kinh tế sáng tạo thế giới với "công thức" 5 nhân tố sau:
Bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ và tôn vinh trí tuệ Việt
Hiểu rõ bản chất của công nghiệp văn hóa, với tầm nhìn chiến lược, Đảng ta đã liên tiếp đưa ra những chỉ đạo sáng suốt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện các chính sách pháp luật về sở hữu trí tuệ và quyền tác giả.
Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014 được Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI thông qua đã xác định một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là Phát triển công nghiệp văn hóa song song với việc Nâng cao ý thức thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan trong toàn xã hội.
Củng cố và tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý và cơ quan thực thi quyền tác giả từ trung ương đến địa phương.
Ngày 9-6-2020, kết luận của Bộ Chính trị đánh giá hiệu quả triển khai nghị quyết 33 lại một lần nữa khẳng định một trong các giải pháp trọng tâm để phát triển công nghiệp văn hóa là "Tăng cường bảo hộ quyền tác giả, phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; đồng thời nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường".
Bởi lẽ, tài nguyên cốt lõi cũng là tài sản giá trị lớn nhất mà ngành công nghiệp văn hóa tạo ra, tích lũy và thương mại hóa với giá trị thặng dư siêu ngạch, đồng thời là khoản đầu tư có khả năng sinh lời không giới hạn chính là tài sản trí tuệ. Tài sản trí tuệ được tôn trọng và được bảo vệ mở ra những điều kiện thuận lợi trong giao lưu kinh tế, thương mại giữa các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế và hình thức sở hữu khác nhau trong nước và hội nhập quốc tế.
Để bảo vệ tài sản trí tuệ cho các chủ thể công nghiệp sáng tạo tham gia thị trường quốc tế, không những hệ thống pháp luật về quyền tác giả và quyền sở hữu trí tuệ cần được hoàn thiện và liên tục cập nhật, mà việc thực thi các quyền này cần được bảo đảm ở tất cả các cơ quan, tổ chức có chức năng chứng nhận và bảo hộ.
Những hạn chế trong hệ thống quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ do thiếu hay không phù hợp với các hiệp định song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia cần được nhanh chóng điều chỉnh, như sự thiếu hụt về các quy định cụ thể về các quyền liên quan đến quyền tác giả như cho thuê, quyền nhập khẩu, quyền phân phối, quyền bán và cho thuê.
Bên cạnh việc chú trọng hoàn thiện chính sách pháp luật về quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, chúng ta cũng cần các chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát huy trí tuệ Việt, thu hút trí tuệ toàn cầu, ngăn chặn chảy máu chất xám trong các ngành sáng tạo văn hóa.
Để chữa căn bệnh "sính ngoại" trong các doanh nghiệp Việt, chúng ta có thể nghĩ đến việc áp thuế nhập khẩu bản quyền cao với các dự án mua bản quyền nội dung sáng tạo từ nước ngoài; đồng thời với việc miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho các nguồn thu từ sáng tác, thiết kế công nghiệp được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam để thu hút nhân sự chất lượng cao trong và ngoài nước để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, tạo nên sức hút của thị trường lao động sáng tạo nội địa và trao cơ hội công bằng cho lực lượng sáng tạo không phân biệt quốc tịch trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Nếu như hệ thống các quy định, chính sách pháp luật về sở hữu trí tuệ và quyền tác giả hoàn thiện, phù hợp với môi trường quốc tế là nhân tố đầu tiên cấp căn cước ra thị trường cho sản phẩm sáng tạo make in Việt Nam - được ví như người bảo hộ, thì nhân tố thứ hai chính là người dẫn đường để các chủ thể công nghiệp văn hóa tiếp cận được các nguồn lực phát triển, từ đó, tự tin, mạnh mẽ ra biển lớn.
Vai trò của các cơ quan đại diện chính phủ có đủ năng lực để định hướng, điều tiết xu hướng phát triển công nghiệp văn hóa
Ngay cả ở quốc gia không chủ trương quản lý nhà nước lĩnh vực văn hóa tư tưởng như Hoa Kỳ, thì vai trò của các cơ quan, tổ chức trực thuộc chính phủ và phi chính phủ giữ vai trò định hướng, đoàn kết tập hợp các cá nhân, tổ chức trong ngành công nghiệp văn hóa cùng phát triển theo một mục tiêu, một tầm nhìn, một chiến lược quốc gia vẫn vô cùng quan trọng.
Các cơ quan này là cầu nối giữa chính phủ, các quỹ đầu tư với các doanh nghiệp công nghiệp văn hóa, để một mặt khuyến khích, hỗ trợ sự phát triển đa dạng và năng động của doanh nghiệp công nghiệp văn hóa, đầu tư cho những sản phẩm, dự án quốc gia; mặt khác, nghiên cứu, phân tích xu hướng, nhu cầu phát triển của ngành để đề xuất, xây dựng các chính sách pháp luật, cơ chế tài chính đáp ứng được các yêu cầu tăng trưởng của thị trường công nghiệp văn hóa trong nước và quốc tế; khởi xướng các dự án quy mô lớn mang tầm vóc quốc gia.
Phát triển lực lượng hùng mạnh các doanh nghiệp công nghiệp văn hóa
Doanh nghiệp là chủ thể của công nghiệp văn hóa.
Tất cả các quốc gia lấy công nghiệp văn hóa làm trọng tâm phát triển đều bắt đầu bằng cơ chế khuyến khích, tạo động lực và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ lớn mạnh, đồng thời ban hành những chính sách thu hút các tập đoàn tư nhân lớn đầu tư vào công nghiệp văn hóa, để tạo nên những chiến hạm tiên phong, những tập đoàn công nghiệp văn hóa có tầm hoạt động toàn cầu làm đầu tàu dẫn dắt cả cộng đồng doanh nghiệp.
Bởi nếu không có doanh nghiệp nghìn tỉ trong công nghiệp văn hóa, chúng ta sẽ không thể có nền công nghiệp văn hóa "tỉ đô".
Cần khuyến khích các dự án du lịch văn hóa có nội dung sáng tạo từ văn hóa bản địa
Phát triển con người công nghiệp văn hóa trưởng thành, tự chủ, tự tôn
Chúng ta cũng cần quyết liệt xóa bỏ bao cấp, cơ chế xin cho trong các ngành văn hóa nghệ thuật, tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng để các chủ thể có năng lực phát huy hết tiềm năng và nội lực sáng tạo của mình. Nguồn nhân lực phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam phải là nguồn nhân lực tinh nhuệ có năng lực cạnh tranh sòng phẳng theo các quy luật của thị trường.
Cơ chế xin cho và các dự án văn hóa nghệ thuật sử dụng ngân sách nhà nước không qua đấu thầu công bằng, bỏ qua các tiêu chuẩn phù hợp với thời đại và các quy luật của thị trường sẽ tạo nên những nghệ sĩ bảo thủ, lệ thuộc.
Đã đến lúc các đoàn nghệ thuật, các nhà hát, các hãng phim nhà nước cần đối diện với đòi hỏi đổi mới sáng tạo để tồn tại của nền công nghiệp văn hóa hiện đại với nhận thức về những lợi thế cạnh tranh từ hạ tầng được đầu tư bằng ngân sách nhà nước và phát huy tối đa các tài nguyên sản xuất của các thiết chế văn hóa đã có bằng nội lực sáng tạo được đánh thức.
Giáo dục phổ thông cũng có thể góp phần phát triển nhân lực cho kinh tế sáng tạo, nếu văn hóa sáng tạo được đưa vào trường học từ những bậc học đầu tiên, như kinh nghiệm của Thái Lan. Về ngắn hạn, nhà trường nên đưa các giờ học văn hóa sáng tạo, các thực hành sáng tạo vào chương trình chính khóa.
Về dài hạn, hệ thống giáo dục cần nghiên cứu để thay đổi cách tiếp cận giáo dục quốc dân một cách bản chất và toàn diện: từ triết lý giáo dục, đến xây dựng bồi dưỡng lực lượng sư phạm ưu tú, nâng tầm các thiết chế giáo dục để có được một nền giáo dục văn minh, trí tuệ, có khả năng tạo nên những thế hệ người Việt vóc dáng tự do, tinh thần độc lập, tự tin hội nhập bằng tri thức nhân loại và bản lĩnh văn hóa Việt Nam.
Cần có sự tiếp sức, hỗ trợ từ phía Nhà nước để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
Chúng ta đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Nhiều bộ phim ra đời như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Bố già, Mắt biếc... thậm chí có doanh thu hơn hẳn so với những bộ phim bom tấn của Mỹ, nhiều bài hát của Sơn Tùng MTP, Đen Vâu, Hoàng Thùy Linh,... chiếm được cảm tình của khán giả thông qua việc khai thác giá trị văn hóa Việt Nam.
Các không gian sáng tạo, sự kiện văn hóa nghệ thuật bùng nổ ở các đô thị và được xem như một tiêu chí của một thành phố đáng sống. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy sự không bền vững của xu hướng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam khi nhiều sản phẩm nghệ thuật xuất hiện nhưng chưa tạo thành trào lưu, sớm nở tối tàn, các sự kiện không được tổ chức thường xuyên, không gian sáng tạo xuất hiện nhiều nhưng cũng biến mất nhanh...
Chính vì thế, chúng ta cần có sự tiếp sức, hỗ trợ từ phía Nhà nước để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Sự hỗ trợ này đầu tiên đến từ việc tạo điều kiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước đối với vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển bền vững đất nước.
Các ngành công nghiệp văn hóa là lĩnh vực tạo ra sự đột phá trong tư duy về quản lý văn hóa, khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa, hình thành nên sức mạnh mềm của dân tộc, tạo lợi thế cho quá trình hội nhập quốc tế. Khi có nhận thức đúng, các bộ, ngành và địa phương sẽ có những hành động cụ thể, phù hợp để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Tiếp theo, chúng ta cần có hệ thống chính sách pháp luật phù hợp, tạo hành lang pháp lý và môi trường hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đó có thể là luật về hiến tặng và tài trợ để huy động nguồn lực xã hội cho văn hóa nghệ thuật, các cơ chế về đất, thuế và địa vị pháp lý cho các tổ chức văn hóa nghệ thuật. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng giáo dục sáng tạo ở các cấp học, tạo ra mạng lưới liên kết giữa các tổ chức văn hóa nghệ thuật, không gian sáng tạo, tổ chức các sự kiện tầm cỡ khu vực và quốc tế cho các ngành công nghiệp văn hóa chủ chốt như điện ảnh (Liên hoan phim quốc tế Hà Nội), âm nhạc (Lễ hội âm nhạc Gió mùa Monsoon), thời trang (Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam), ẩm thực (Tuần lễ ẩm thực quốc tế Hà Nội) để tạo điều kiện quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các ngành công nghiệp văn hóa là những giải pháp phù hợp hiện nay.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - giáo dục của Quốc hội
Nâng cao giá trị văn hóa Việt
Trong một thế giới phẳng nơi viễn thông đã xóa tan những biên giới văn hóa, thông tin, truyền thông, hơn bao giờ hết, những chính sách bảo vệ sản phẩm văn hóa nội địa trước sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa ngoại lai càng trở nên cần thiết. Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đều có những quy định về tỉ lệ phim nhập khẩu/nội địa ra rạp.
Du lịch văn hóa đã và đang là ngành công nghiệp văn hóa đóng góp lớn nhất vào GDP quốc gia. Song du lịch văn hóa cũng là nơi mà những bất cập về bảo vệ môi trường và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đang ngày càng trở nên đáng lo ngại.
Chính phủ và các bộ ngành có thể nghiên cứu các cơ chế, chính sách vừa tạo không gian phát triển thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo các yêu cầu phát triển bền vững cũng như gìn giữ phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, như miễn thuế đất có thời hạn cho các dự án du lịch văn hóa có nội dung sáng tạo từ nền tảng văn hóa lịch sử bản địa; xây dựng các bộ tiêu chí với chỉ số định mức, hạn mức cụ thể, chính xác để bảo toàn hệ sinh thái động, thực vật và môi trường tự nhiên ở các khu vực phát triển dự án du lịch văn hóa...
Văn hóa Việt Nam mang trầm tích mười mấy nghìn năm của nền văn minh lúa nước, 4.000 năm dựng nước và giữ nước cùng sự giàu có của bản sắc văn hóa dân tộc trải dài trên miền đất hình chữ S, hội tụ tinh hoa văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em.
Tự thân nền văn hóa bản địa Việt Nam đã là những chất liệu vô giá - là thế mạnh để nền công nghiệp văn hóa quốc gia phát triển.
Trên thế giới, những sáng tạo văn hóa dựa trên văn hóa bản địa không chỉ đem lại hàng tỉ USD doanh thu mà còn là nhân tố chủ lực tạo nên "sức mạnh mềm", tức là tầm ảnh hưởng của một quốc gia lên các quốc gia trong và ngoài lục địa.
Khi nhìn nhận "Thế kỷ 21, công nghiệp văn hóa sẽ là thứ tối thượng quyết định thành bại của mỗi quốc gia", bậc thầy quản trị Peter Drucker đã nhấn mạnh: "Đây là trận chiến cuối cùng".
Câu hỏi trong trận chiến cuối cùng này, Việt Nam đã chuẩn bị để đứng ở đâu cần phải là câu hỏi của mỗi người trong gần trăm triệu người dân Việt Nam.
Nếu mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp mang đến câu trả lời là nỗ lực của chính mình - chắc chắn chúng ta sẽ có một nền công nghiệp văn hóa độc lập, tự chủ và giàu có, góp phần trực tiếp xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.
Để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, theo đúng tinh thần nghị quyết 33, hướng đến năm 2045 - năm Việt Nam 100 năm từ độc lập đi đến vinh quang, tự chủ, nhân dân giàu có, đất nước hùng cường.
https://tuoitre.vn/cong-nghiep-van-hoa-de-ghi-dau-an-viet-nam-tren-ban-do-kinh-te-sang-tao-the-gioi-20211124072125656.htm?fbclid=IwAR3LelzsG1vuHJVMb8A-NFqgkxGtb3FijFnZXZnyP7daiHP4FNWV4IVMfcI