A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CẦN THAY ĐỔI GÓC NHÌN VỀ BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN

Sự việc phá dỡ ngôi nhà ở 61 Trần Phú Hà Nội đã dấy lên nhiều dư luận ồn ào trong công chúng và đặt ra nhiều câu hỏi về bảo tồn các chứng tích lịch sử và di sản văn hóa. Phá đi những chứng tích lịch sử thì Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác sẽ còn lại gì, để thu hút khách du lịch? Lịch sử có vị trí như thế nào trong đời sống xã hội hiện nay?

Những công trình cổ, phá bỏ hay gìn giữ?

       Cũng giống như nhiều thành phố khác trên thế giới, Hà Nội cũng bị "giằng xé" giữa những quan điểm và nhu cầu, đôi khi trái ngược. Giữ lại các công trình cũ, đôi khi không còn sử dụng được hoặc không được sử dụng hay phá bỏ và thay vào bằng các công trình mới có nhiều công năng tiện ích hơn? Phát triển một khuôn mặt hiện đại, tiện nghi, thông minh với các ứng dụng của công nghệ 4.0 hay giữ nét trầm mặc, uy nghi, cổ kính chứng nhân của những thời kì đã qua? Chúng ta chứng kiến ngày càng nhiều công trình xây dựng từ thời Pháp đã bị dỡ bỏ như nhiều ngôi biệt thự kiến trúc Pháp cổ trong rừng hoặc trong phố, nhiều tòa nhà hành chính thời Pháp thuộc. Thậm chí những công trình nghệ thuật mang phong cách hoành tráng thời bao cấp như 2 bức tranh tường trước cửa chợ Mơ, Hà Nội cũng chỉ giữ được 1 và 1 bị phá dỡ, làm mất đi một chứng tích về nghệ thuật thời bao cấp. Ngôi biệt thự tại ngõ 128C Đại La thuộc trạm phát sóng Bạch Mai nơi phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập lần đầu tiên và đọc mật lệnh  toàn quốc kháng chiến cũng đã bị phá bỏ. Năm 2004, tại một triển lãm tại Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội, họa sỹ Quách Đông Phương đã trưng bày 550 bức ảnh (và không phải là tất cả các cánh cổng anh từng chụp) về các cổng làng cổ kính trên khắp đồng bằng Bắc bộ. Không khó để thấy các cánh cổng làng cổ kính ngày càng khó thấy. Nhiều khu tập thể lắp ghép cũng đã xuống cấp nghiêm trọng phải di dời người dân đi. Nhưng phá bỏ những tòa nhà ấy cũng là xóa đi một chứng nhân về một thời kì lịch sử. Thử tưởng tượng một Hà Nội với những ngôi nhà chọc trời, không còn những khu tập thể thời bao cấp, không còn những đài phun nước, villa Pháp, các công trình kiến trúc Đông Dương, không còn khu phố cổ, những hàng cây lâu năm...thì du khách có đến để thấy một thành phố giống hệt nơi họ đang sống? Hà Nội đẹp, Hà Nội đáng sống, Hà Nội cuốn hút chính là nhờ sự cùng tồn tại hài hòa giữa cái hiện đại, cái cổ, cái cũ.

Nhìn ra thế giới

       Tại châu Âu, việc thay đổi công năng của các công trình cũ hoặc không còn sử dụng để biến thành địa điểm văn hóa là việc thường xuyên. Một đường tàu bỏ đi không dùng có thể biến thành một vườn hoa lộ thiên, nhiều đường tàu bỏ đi được biến thành một tour tham quan thành phố (chỉ riêng nghĩa trang cổ PèreLaChaise ở Paris đã có tới 14 cách tham quan theo chủ đề khác nhau). Một kho hàng cũ được biến thành một trung tâm văn hóa nơi trẻ em có thể đến chơi và bố mẹ xem phim;

Công trình nhà thờ Saint Martin des Champs từ thế kỷ 12 đã một tu sỹ khởi xướng để lập bảo tàng Kỹ nghệ từ cuối thế kỷ 18. Người ta có thể chiêm ngưỡng ở đây chiếc kính thiên văn của Galilé, chiếc máy tính đầu tiên của Pascal, máy dệt, máy phát điện, thiết bị truyền tin, xe hơi đầu tiên,.. Bến tàu điện ngầm đến bảo tàng này được thiết kế thành một lòng con tàu ngầm màu đồng tuyệt đẹp và hai bên có trưng bầy một số hiện vật. Bảo tàng Orsay nổi tiếng thế giới tại Paris vốn là một ga tàu cũ được chuyển đổi công năng.

       Vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước, thành phố Bilbao ở Tây Ba Nha là một thành phố đang đi xuống vì công nghiệp không còn phát triển. Thành phố đã chọn xây dựng một bảo tàng nghệ thuật đương đại và biến đổi thành một thành phố của văn hóa và nghệ thuật. Giờ đây Bilbao đã là một địa chỉ nổi tiếng toàn thế giới. Thành phố Busan của Hàn Quốc đã chọn văn hóa như bàn đạp phát triển, giờ đây hàng trăm nghìn người hàng năm nô nức đến thành phố này để tham dự festival phim hoặc đại hội game thủ toàn thế giới. Praha chọn lưu giữ những công trình kiến trúc cổ, quảng trường, các tác phẩm điêu khắc công cộng để được mệnh danh là một thành phố bảo tàng của châu Âu. Singapore bảo tồn những con phố thời thuộc Anh để biến thành điểm du lịch dù giá trị kiến trúc không cao nhưng khách du lịch khó thể bỏ qua nếu muốn biết quốc đảo này ngày xưa trông như thế nào. Thái Lan tạo dựng lại một bến tàu nơi ngày xưa người ta vận tải gạo từ trên bờ xuống thuyền như thế nào và chỉ với vài bức tượng đồng, một bến sông biến thành một địa chỉ tham quan với khách du lịch. Hàn Quốc trưng bày một số mảnh gốm đào được dưới đất và tái tạo một cung điện xưa trên đó, cộng với nghệ thuật ánh sáng vào buổi tối, thì địa điểm này trở thành một nơi khó bỏ qua với du khách.

 

Hướng đi nào cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản?

       Trên thực tế, không thành phố nào có thể gìn giữ tất cả chứng tích của quá khứ nhưng nên nhìn các yếu tố này như một loại tài nguyên - tài nguyên văn hóa. Nếu biết tận dụng và khai thác thì lợi ích mang lại vô cùng lớn, biên độ mở rộng là không giới hạn và giúp chủ thể phát triển bền vững. Một ngôi nhà cũ của danh nhân có thể biến thành một địa điểm tham quan (như trường hợp nhà của văn hào Balzac, căn gác trọ của Van Gogh, nhà của danh họa Monet) - ta có thể nghĩ đến số nhà 65 Nguyễn Thái Học, Hà Nội từng là nơi sinh sống của các hoạ sỹ Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Đông Lương, Mai Văn Hiến, Văn Giáo, nhà điêu khắc Song Văn, Huỳnh Văn Gấm, Nguyễn Văn Lý, nhạc sỹ Đỗ Nhuận, nhà văn Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam... bên cạnh đó, còn có những người từng đến rồi đi như nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, hoạ sỹ Dương Bích Liên, nhà văn Nguyễn Văn Bổng.... Khu tập thể cũ tại Hà Nội ở Kim Liên hoàn toàn có thể được chuyển thành khách sạn và bảo tàng thời bao cấp, nơi người ta có thể đến ở để cảm nhận về cuộc sống thời bao cấp. Có thể nói cơ hội kinh doanh là bất tận khi các công trình này được đưa lên thế giới số - metaverse nơi các vật phẩm thậm chí kỷ niệm cũng có thể được kinh doanh mà không mất đi vật kỷ niệm. Quay trở lại với tòa nhà ở 61 Lê Trực Hà Nội, bức phù điêu hoàn toàn có thể được cắt ra và làm thành một tác phẩm trưng bày cho người dân. Thậm chí có thể số hóa tác phẩm và bán cổ phần về bức tranh đó trên không gian số lấy tiền để tài trợ cho các hoạt động văn hóa, bảo tồn và phát triển. Hà Nội không cần thêm các trung tâm ở trong nội đô vốn đã quá chật chội mà cần thêm các trung tâm văn hóa, nghệ thuật, sinh hoạt tập thể cho người dân thủ đô và cả nước. Cần nâng cao năng lực sáng tạo sản phẩm dịch vụ mới và thay đổi cách truyền thông. Di tích nhà tù Hỏa Lò tại Hà Nội là một ví dụ về hiệu quả hoạt động của di tích khi có sự sáng tạo về nội dung và hình thức. Danh sách các tòa nhà phong cách Đông Dương, phong cách art décor, các cây cổ thụ, nhà của các danh nhân, địa điểm mà các nghệ sỹ lấy cảm hứng để sáng tác, các nhà máy cũ được chuyển đổi công năng thành trung tâm văn hóa, không gian sáng tạo tại Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định... hoàn toàn có thể trở thành các địa điểm du lịch theo chủ đề. Các lợi ích mang lại không chỉ là văn hóa, xã hội mà còn du lịch, hình ảnh trên trường quốc tế về một quốc gia văn minh, tự trọng và thông thái.

       Mong rằng những người đứng đầu các cơ quan quản lý bộ, ban, ngành, thành phố và địa phương tính đến cách tiếp cận phát triển từ văn hóa này để bớt đi những ồn ào không đáng có và để lại cho các thế hệ tương lai một thế giới với nhiều tài nguyên văn hóa như lúc ta tiếp nhận từ các thế hệ trước.

 

Nguyễn Đình Thành

Chuyên gia truyền thông văn hóa

 


Tác giả: Nguyendinhthanh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan