A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NHẪN THẠCH: TIẾNG NÓI ĐẰNG SAU TẤM KHĂN TRÙM MẶT

Những ngày này Kabul sụp đổ, viết tên Mỹ vào danh sách những đế chế đã thất bại ở vùng đất này sau Liên Xô và Anh quốc. Cùng với Ngàn mặt trời rực rỡ, Nhẫn thạch là một cuốn sách mà đọc xong thì tim trĩu nặng. Chống chỉ định với những người dễ nổi nóng và huyết áp cao. Chỉ định vu vơ với những người thấy buồn khổ vì bị cấm túc như hiện nay bởi lý thuyết cho rằng khi buồn thì nên nghe nhạc buồn, đọc truyện buồn để thấy có những người còn khổ hơn ta. Từ đó lại phấn chấn hơn.

NHẪN THẠCH: TIẾNG NÓI ĐẰNG SAU TẤM KHĂN TRÙM MẶT(có tiết lộ nội dung sách đấy nhé)

Nhắc đến Ta.li.ban người ta lập tức nghĩ đến chủ nghĩa hồi giáo cực đoan, những thân phận bị vùi dập bởi luật hồi giáo Sharia khắc nghiệt và một vùng đất của chiến tranh và bạo lực. Nhưng như một bông hoa xuyên tuyết, từ trong cái thực tế khủng khiếp ấy những bông hoa tuyệt vời của khát vọng sống hay đúng hơn là của sự sống vẫn mọc lên và tỏa hương. Người phụ nữ - nhân vật chính trong vở bi kịch - tiểu thuyết Nhẫn thạch là một bông hoa như thế.

Câu chuyện diễn ra trong một khung cảnh không thể giản đơn hơn, một căn nhà tại xứ sở chỉ có nắng, gió và cát. Người đàn bà ngồi bên chồng - một cái xác không hồn chưa được về nơi siêu thoát. Một thân xác bất động với một viên đạn vào gáy. Sự cuồng tín, sự ngẫu nhiên trớ trêu của số phận hay một duyên nghiệp nào đó làm cho cái thân xác ấy không chịu lìa bỏ cõi đời. Hàng ngày, người phụ nữ chăm sóc chồng và dường như chị không còn sự lựa chọn nào khác là phải nói chuyện nếu không muốn bị sự yên lặng trong ngôi nhà nghiền nát. Chị nói với chồng tất cả. Tất cả những ham muốn bị dồn nén, những điều thất vọng, những sự sỉ nhục mà chị đã, đang phải chịu đựng. Tất cả những điều mà nếu anh chồng không sống như một cái cây thì chắc hẳn chẳng bao giờ chị dám hé môi. Rồi những toán quân đi qua, những chiến binh hồi giáo. Những kẻ mà theo chị thản nhiên chiếm đoạt trinh tiết và hủy hoại tương lai của một người con gái nhưng lại nhổ nước bọt vào mặt những người phụ nữ bán hoa. Thân phận người phụ nữ bị coi rẻ trong xã hội Hồi giáo hiện lên rõ nét. Đó là hình ảnh cô của chị vì vô sinh nên bị đuổi ra khỏi nhà phải làm gái bán hoa; đó là lão mollah - một dạng chức sắc trong hồi giáo - bắt chị phải ngủ với lão; đó là những đêm chồng chị đuổi chị xuống ngủ dưới bếp hay đánh đập vì chị đã không nói rằng mình có tháng khi anh ta đè chị ra làm tình và cảm thấy bị ô uế; đó là những người phụ nữ bị cưỡng hiếp không thương tiếc. Số phận trớ trêu, cuối cùng chị cũng nói với anh ta rằng vì sợ bị đuổi ra khỏi nhà như bà cô, chị đã quan hệ với người khác và đẻ ra hai đứa con, không phải con của anh ta. Lòng kiên nhẫn của chị mòn dần, từ cầu nguyện liên miên chị chuyển sang trách cả Đấng cứu thế, nguyền rủa chiến tranh và cả chính người chồng bị tính gia trưởng, lòng hận thù và cuồng tín làm cho ra nông nỗi này. Cuối truyện, điều thần kì đã xảy ra nhưng không phải cho một lời kết có hậu : anh chồng đột nhiên tỉnh giấc và bẻ gẫy cổ vợ. Người vợ lấy con dao trên tường đâm vào tim chồng nhưng máu không chảy ra. Câu chuyện kết thúc bằng hình ảnh người vợ lại mở mắt, hồi sinh và những con chim di cư - xuất hiện ngay từ những câu đầu của cuốn truyện - cất cánh bay lên như một biểu tượng của sự hồi sinh và giải phóng.

 

Hiếm có tác phẩm nào có nhiều đoạn miêu tả ‘’cảnh dưới thắt lưng’' nhiều mà không dung tục đến thế. Người đọc chỉ thấy lòng trào dâng một nỗi xót thương cho những ước muốn giản dị và rất người bị nghiền nát như thế nào. Câu chuyện có thể coi như một vở bi kịch hiện đại. Với giọng văn mộc mạc, ngôn từ và cú pháp đơn giản, khung cảnh đơn sơ như nhường chỗ tất cả cho sự tưởng tượng và cảm nhận của chính người đọc, Nhẫn thạch – hay nên gọi với một cái tên việt hơn, gần gũi hơn với văn phong của tác giả là Hòn đá nhẫn - thực sự là một câu chuyện đẹp và buồn. Nó gợi cho người ta nhớ đến người phụ nữ si tình, bị bỏ lại một mình trong vở kịch nổi tiếng của Jean Cocteau - ‘’Tiếng nói con người’’ nói chuyện một mình và vẫn yêu thương da diết thể hiện qua cuộc độc thoại qua điện thoại suốt vở kịch. Hay lời tâm sự cũng một mình của nhân vật nữ trong tác phẩm được chuyển thành kịch của Marguerite Duras – La maladie de la mort (tạm dịch : Căn bệnh chết người) – do Fanny Ardant thủ vai năm 2006 – thương xót cho một người đàn ông đã làm tất cả nhưng không thể yêu được người khác.

 

Tác giả Atiq Rahimi sinh năm 1962 tại Kabul và hiện sống tại Pháp. Nhẫn thạch là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông được viết trực tiếp bằng tiếng Pháp, đã đem lại cho ông giải thưởng văn học danh giá nhất nước Pháp - giải Goncourt năm 2008. Tác phẩm đã được dịch sang 29 thứ tiếng. Tại Việt Nam, tác phẩm do nhà văn Nguyên Ngọc dịch và Nhã Nam phát hành.

 

#đọc_sách_cùng_thành


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan