A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

HUYỀN THOẠI VỀ LÒNG TỪ THIỆN

Về cuốn: Winners take all. The elite charade of changing the world/Người chiến thắng hốt hết. Trò chơi chữ của thành phần tinh hoa về sự biến đổi thế giới của Anand Giridharadas. Penguin Random House

Anne Monier[*]

 

Anand Giridharadas (1981-)
Vào thời điểm bất bình đẳng gia tăng, giới tinh hoa từ thiện tuyên bố muốn “biến đổi thế giới”. Anand Giridharadas cho thấy rằng thực tế họ chỉ làm cho sự biến đổi xã hội chuyển hướng theo lợi ích của chính họ, từ chối làm đảo lộn hệ thống đã giúp họ thành đạt.

 

 

Cuốn sách của Anand Giridharadas, nhà văn người Mỹ và người viết xã luận cho New York Times, đề nghị ta xâm nhập sâu vào hậu trường của giới tinh hoa từ thiện, những người tự cho mình là “những vị cứu tinh của thế giới. Trong một bức tranh sống động, trong đó tác giả tập hợp các chân dung - của các người bảo trợ, các thought leaders (nhà lãnh đạo tư tưởng), học giả, doanh nhân, người khởi nghiệp, v.v. -, làm cho câu chuyện trở thành đặc biệt có tính biểu tượng, người đọc theo dõi tất cả những người tinh hoa good-doers (những người muốn làm điều tốt) này, hành trình, các tình huống khó xử, khó khăn của họ và cách họ bước vào, tham gia hoặc nghi ngờ một hệ thống đóng góp vào sự duy trì và thậm chí củng cố các bất bình đẳng.

Tác giả bảo vệ một luận điểm rõ ràng, và đặc biệt mang tính buộc tội: những tầng lớp tinh hoa từ thiện này, những người tham gia rất nhiều vào sự gia tăng các bất bình đẳng này bằng cách mà họ tích lũy, bảo vệ và phát triển vốn của mình, tuyên bố “biến đổi thế giới” mà không thay đổi hệ thống, có nghĩa là không mất bất kỳ đặc quyền nào của họ. Mong muốn nghịch lý này đã dẫn họ thiết lập một huyền thoại thực sự (“trò chơi chữ”) để biện minh và hợp pháp hóa các hoạt động của họ, chuyển hướng (“hijacking) sự biến đổi xã hội theo lợi ích của họ và do đó ngăn chặn một sự thay đổi mang tính hệ thống và cấu trúc có thể được các thể chế công và dân chủ triển khai.

 

Julia Cagé (1984-)

 

Rob Reich (1969-)

 

Việc xuất bản tác phẩm này diễn ra trong một bối cảnh kép. Trước hết, nó xuất hiện tại thời điểm cụ thể của những tra vấn - thậm chí là đặt lại vấn đề - hoạt động từ thiện, cả bởi các nhà nghiên cứu - ví dụ Rob Reich[1], Julia Cagé[2] hoặc Linsey McGoey[3] - và bởi dư luận (nhiều người nói đến sự phản ứng phản tác dụng/backlash), như các chỉ trích xuất hiện nhân dịp làn sóng quyên góp cho việc xây dựng lại Nhà Thờ Đức Bà cho thấy, và theo một cách nào đó, thậm chí gần đây hơn, bởi các cơ quan công quyền. Hiện tượng này nằm trong một bối cảnh rộng hơn của một giai đoạn khủng hoảng chính trị và dân chủ, một vấn đề mà Giridharadas đề cập một cách toàn diện bằng cách liên kết nó với các hoạt động từ thiện, tra cứu, vào thời điểm gia tăng các phong trào phản kháng (chẳng hạn như phong trào Áo Vàng) và chủ nghĩa dân tộc và/hoặc chủ nghĩa dân túy, hố sâu ngăn cách giới tinh hoa với phần còn lại của dân số.

“Biến đổi thế giới”: sự thiết kế một “huyền thoại”

 

 

Linsey McGoey

 

Giridharadas xuất phát từ một nhận định: sự gia tăng của các bất bình đẳng. Trong khi Hoa Kỳ đã trải qua sự phát triển, đổi mới và tiến bộ trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, những yếu tố này dường như chỉ mang lại lợi ích cho một phần nhỏ dân số, bỏ lại phần lớn người dân Mỹ. Kể từ những năm 1980, thu nhập trước thuế của 1% những người giàu có nhất đã tăng hơn gấp ba lần, trong khi thu nhập của phần nửa dân số ít được ưu đãi nhất - hơn 117 triệu người Mỹ - vẫn giữ nguyên. Điều này làm tăng khoảng cách sẵn có giữa giới tinh hoa (“winners/những người chiến thắng) và người dân.

Đối mặt với vấn đề này, giới tinh hoa sẽ tìm kiếm các giải pháp để “biến đổi thế giới”. Họ biết việc giảm các bất bình đẳng là quan trọng vì ba lý do chính. Điều này cho phép họ 1) thoát khỏi cảm giác tội lỗi về sự giàu có của họ - cảm giác tội lỗi được Rachel Sherman[4] phân tích rất hay - nhưng cũng để 2) cung cấp cho thế giới một hình ảnh tốt về họ - họ tự thể hiện như là “những vị cứu tinh” - và cuối cùng là để 3) kiềm chế sự tức giận của dân chúng và tránh các cuộc nổi dậy.

 

 

Rachel Sherman (1970-)

 

Để làm được điều này, những good-doers này sẽ đóng vai trò “nhà lãnh đạo” của sự biến đổi xã hội, bằng cách tạo ra một huyền thoại cho phép họ áp đặt cách nhìn sự vật của họ. Một trong những điểm phong phú của cuốn sách là sự phân tích tinh tế các thuật ngữ và ngôn ngữ, tiết lộ mặt dưới của một cấu trúc diễn ngôn và tưởng tượng được xây dựng bởi những “người chiến thắng” để chuyển hướng sự biến đổi xã hội vì lợi ích của chính họ. Giridharadas tìm cách giải mã những “huyền thoại” này, gợi lên những truyện hoang tưởng (“tales”), những câu chuyện (“stories”), những hư cấu (“fantasy”) hoặc những giấc mơ (“dreams”).

Những người chiến thắng” tìm cách truyền bá những huyền thoại này trong dân chúng. Là một “cẩm nang” thực sự, họ truyền đạo, cố gắng tác động đến mọi người, bằng cách đưa ra những lời “tiên tri” thực sự. Theo tác giả, điều này là để “minh oan” cho những hành động ích kỷ của họ với những phát ngôn vị tha, khơi gợi “chủ nghĩa nhân văn”, “tình đoàn kết”, hay thậm chí là “tình thương”, đôi khi còn đi đến mức phát triển ý tưởng cho rằng doanh nghiệp là một hình thức của tính từ thiện. Những “người chiến thắng” này cung cấp cho cả thế giới, vì sự yên tâm của họ, những lý do giả dối đã được làm dịu đi.

“Hai bên cùng có lợi”: thay đổi mà không làm đảo lộn

Huyền thoại này dựa trên một học thuyết mà tác giả gọi là “đôi bên cùng có lợi/win-win”, cho phép biến đổi thế giới mà không thay đổi hệ thống và đạt được sự thịnh vượng trong khi vẫn làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn (“làm tốt để làm hay/doing well by doing good”). Nó nằm trong một trào lưu về một ý tưởng đã được Carnegie phát triển vào đầu thế kỷ 20[5], theo đó sự thịnh vượng của một thiểu số mang lại lợi ích cho tất cả mọi người và do đó, sự bất bình đẳng tạm thời là một việc không thể tránh khỏi cần thiết cho sự tiến bộ của tất cả mọi người. Chiến lược “Đôi bên cùng có lợi” làm cho những người tinh hoa tránh phải lựa chọn giữa kiếm tiền (và đôi khi cảm thấy tội lỗi) và làm điều tốt.[6]

Theo Giridharadas, ý tưởng rằng chúng ta phải thay đổi thế giới mà không làm đảo lộn hệ thống là do giới tinh hoa là một bộ phận của “vấn đề”, vì họ giúp duy trì, thậm chí củng cố các bất bình đẳng, bằng các cách mà họ kiếm và tích lũy tiền. Họ coi hoạt động từ thiện là một hình thức chuộc tội - ví dụ về gia đình Sackler đặc biệt rõ theo nghĩa này. Ngay cả những người tìm cách làm điều tốt, cho dù họ không tố giác hệ thống, cũng có thể bị coi là đồng phạm.

Như vậy, việc thay đổi hệ thống, tức là đạt được sự phân phối lại theo hướng bình đẳng hơn, sẽ đòi hỏi các “người chiến thắng” này phải có nhiều hy sinh. Tuy nhiên, họ muốn thay đổi thế giới mà không phải mất gì, không phải thay đổi cách sống của họ hoặc phải từ bỏ các đặc quyền của họ. Do đó, họ sẽ cố gắng gắn cho mình “vai trò tốt” bằng cách thể hiện mình là người dẫn đầu sự thay đổi xã hội, trong khi làm mọi thứ để duy trì hiện trạng. Do đó, thay đổi xã hội phải ở bề mặt: đó là không tạo ra những làn sóng (“lướt cùng với sóng/go with the waves), không bao giờ quá chỉ trích hoặc quá khiêu khích. Cách làm này tạo ra tình huống khó xử trong nội tâm của một số giới tinh hoa, những người thấy mình bị kẹt giữa các giá trị cá nhân của họ và một hệ thống khuyến khích sự phủ định những nghịch lý này.

Kỹ thuật “thu gọn/zoom in”: một hình thức cá nhân hóa và giảm thiểu các vấn đ

Một trong những yếu tố trung tâm của việc các người tinh hoa từ thiện định hướng sự thay đổi xã hội là việc cá nhân hóa vấn đề (điều mà tác giả gọi là “thu gọn/zooming in”), gắn với tiến trình trách nhiệm hóa các cá nhân, được hệ tư tưởng tân tự do đề cao. Cá nhân hóa vấn đề là giảm thiểu nó. Ginidharadas lấy ví dụ về sự phân biệt giới tính. Thay vì suy nghĩ về vấn đề này theo cách cấu trúc và vĩ mô, về mối quan hệ quyền lực và thống trị của nam giới, vấn đề được cá nhân hóa, cho rằng cần phải cải thiện sự tự tin của phụ nữ, chẳng hạn bằng cách xây dựng “tư thế quyền lực/power pose/posture de pouvoir[7].

Cách làm này làm cho xã hội bị phân thành những nguyên tử và ngăn cản các cá nhân liên minh với nhau. Các lãnh đạo Quỹ Soros cũng lưu ý rằng một số thanh niên có hoàn cảnh khó khăn không còn mong muốn đấu tranh cho quyền lợi của mình nữa mà muốn trở thành “doanh nhân xã hội”. Đó là thế giới của “tất cả là doanh nhân” buộc các cá nhân phải chấp nhận tình trạng của họ và chịu trách nhiệm về nó, trong khi đó là những chính nghĩa có thể được bảo vệ một cách tập thể. Sau đó, một lớp “người phục vụ mới (“a new American servant class/một giai cấp phục vụ mới ở Mỹ”) hình thành - từ tài xế Uber đến người giao hàng Foodora - như những tranh cãi gần đây xung quanh vụ Frichti đã cho thấy[8].

Những tầng lớp tinh hoa này sau đó tự thể hiện mình là “những vị cứu tinh” của nhân dân chống lại chính phủ, mang đến cho họ khả năng trở thành “doanh nhân” của chính cuộc sống của họ, không giống như các cơ quan công quyền đã biến họ thành những đứa trẻ con phụ thuộc. Những “người chiến thắng” này không muốn nghĩ mình là “những người quyền lực”, giảm thiểu quyền lực và địa vị của họ, mà ngược lại muốn tự xác định mình là “kẻ nổi loạn”. Khi làm như vậy, họ làm suy yếu mọi khả năng của hành động tập thể và sự tham gia dân chủ, cũng như hình ảnh của người dân về quyền lực chính trị.

Định dạng vấn đề: áp dụng các kỹ thuật của “doanh nghiệp” cho sự thay đổi xã hội

Vào thời điểm mà chủ nghĩa tư bản có ít đối thủ và những ý tưởng tân tự do đang lan rộng ra bên ngoài thế giới doanh nghiệp, ngày càng tham gia vào khu vực công và khu vực phi lợi nhuận, thì sự biến đổi xã hội đang diễn ra với các tác nhân và công cụ của “doanh nghiệp”, tuy chúng lại là những yếu tố đã tạo ra vấn đề (“cố gắng giải quyết vấn đề-với-công cụ-gây ra-vấn đề/trying-to-solve-the-problem-with-the-tools-that-caused-the-issue). Sự định dạng có nhiều hình thức.

Trước hết, không nói là có “vấn đề” hoặc sử dụng các thuật ngữ tiêu cực. Ginidharadas cho thấy các diễn ngôn của những “người chiến thắng” xung quanh sự thay đổi xã hội không quan tâm đến nguồn gốc và nguyên nhân mà chỉ gợi lên các giải pháp, luôn thông qua những từ ngữ tích cực. Tương tự như vậy, họ không chỉ rõ các vấn đề: họ chỉ đề cập đến các nạn nhân, nhưng không bao giờ đến các thủ phạm. Ông lấy một ví dụ đặc biệt rõ ràng: họ nói đến “nghèo đói”, nhưng không nói đến “bất bình đẳng”, bởi vì bất bình đẳng là quan hệ và “chỉ rõ” những người chịu trách nhiệm.

Sau đó, họ sử dụng “giao thức” (“protocole”) là một công cụ cho phép các công ty nắm bắt, hiểu và giải quyết một vấn đề. “Giao thức” định dạng các vấn đề bằng cách hợp lý hóa chúng, đơn giản hóa chúng, giải bối cảnh chúng và lược giản chúng đến mức cực đoan, gạt bỏ qua một bên tất cả sự phức tạp của thực tế. Công cụ chủ yếu của các giao thức là “powerpoint”.

Cách họ nắm bắt sự biến đổi xã hội là cách mang tính “kinh doanh” - xoay quanh các khái niệm như tối ưu hóa, lợi nhuận, năng suất - gây tổn hại cho con người. Đó là đề xuất, cho vấn đề bất bình đẳng và các hình thức thống trị khác nhau, các giải pháp dễ dàng, nhanh chóng, có thể áp dụng, sn sàng được ứng dụng và hấp dẫn. Ví dụ, để chống lại sự bấp bênh, thay vì tập trung vào các nguyên nhân cấu trúc, họ tạo ra một “ứng dụng”.

Thương mại hóa các ý tưởng?

 

 

Brooke Harrington

 

Việc xây dựng những huyền thoại này không thể thực hiện được nếu không có vai trò trung tâm của các thought leaders (nhà lãnh đạo tư tưởng), những người cung cấp ý tưởng cho “người chiến thắng”. Thông thường, xuất thân từ giới học thuật, họ đã chuyển sang “phía bên kia”, cung cấp cho những kẻ có thế lực cái chất liệu cho sự thống trị của họ. Giống như những wealth managers (nhà quản lý sự sung túc) mà Brooke Harrington[9] đã đề cập, họ là thành tố trọng yếu của hệ thống, hành động ủng hộ giới tinh hoa, nhưng, không giống những người này, họ hành động trong ánh sáng.

Giridharadas phát triển ở đây một điểm rất thú vị là khoảng cách ngày càng lớn giữa một mặt là các học giả, những người có cái nhìn phê phán về các vấn đề cấu trúc với ít phương tiện, và mặt khác là các nhà thought leaders (lãnh đạo tư tưởng), những người “buôn bán”, qung cáo”, xây dựng thương hiệu” cho ý tưởng của họ, thông qua các cuộc nói chuyện trên mạng (TED talks) hoặc các sách bán chạy, và đưa ra một cái nhìn lược giản - nhưng hấp dẫn - về thực tế, đồng thời được tài trợ bởi thành phần tinh hoa trong thế giới kinh doanh và, do đó, thích ứng với kỳ vọng của những người này - ngụy trang quan điểm của họ và làm yếu đi quan điểm phê bình của họ.

Từ đó, thực sự có cả một sự “thương mại hóa” ý tưởng được trin khai. Nếu các nhà lãnh đạo tư tưởng, không giống các học giả, có lợi thế có một công chúng quan trọng hơn nhiều, sự công nhận và tiền bạc, thì tư duy của họ do đó cũng sẽ nghèo nàn hơn. Điều này khẳng định thắng lợi của một hình thức “tư tưởng độc tôn”, đồng nhất, phù hợp với những gì “người chiến thắng” muốn nghe. Giridharadas gợi lên một điểm trung tâm ở đây: vai trò của các ý tưởng và các trí thức ngày nay trong sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các giai cấp xã hội, và cả giữa các quốc gia.

Từ thiện và dân chủ: các thành phần tinh hoa chuyển hướng sự thay đổi xã hội

Đối với Giridharadas, lòng từ thiện do đó xuất hiện như một cách để giới tinh hoa chuyển hướng sự thay đổi xã hội có lợi cho họ. Bởi vì họ tìm cách áp đặt cách nhìn của họ về sự thay đổi xã hội. Do đó, họ phớt lờ phần còn lại của thế giới, và hành động mà không lắng nghe những người thụ hưởng, những người hoạt động trên thực địa, các chuyên gia trong ngành hoặc các tác nhân công. Tác giả đã đi xa hơn khi nói về sự “chiếm đoạt (colonisation): họ chiếm đoạt - thậm chí ăn cắp của các người dân - vấn đề thay đổi xã hội.

Cuốn sách kết thúc bằng lời kêu gọi “đặt ra những câu hỏi gây tức giận” và cố gắng tạo ra sự thay đổi cả về mặt hệ thống và cấu trúc. Giới tinh hoa không được tìm cách hướng dẫn sự biến đổi xã hội theo cách của họ - như thể công dân là “những đứa trẻ” - mà phải chấp nhận tự vấn bản thân và hy sinh để có lợi cho tất cả mọi người. Theo nghĩa này, việc Donald Trump đắc cử, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và các phong trào phản kháng có thể dẫn đến những biến đổi này.

Để làm được điều này, phải trả lại cho công chúng và Nhà nước vai trò của họ. Vì vậy, chính trị phải giành lại tầm quan trọng của nó, và không còn bị lệ thuộc vào kinh tế. Vào thời điểm gia tăng sự tức giận của nhân dân và chủ nghĩa dân tộc, điều cần thiết cho sự tồn tại của nền dân chủ là sự biến đổi xã hội phải thông qua sự tham gia của toàn dân, lắng nghe mọi tiếng nói, kể cả tiếng nói của những người hiếm khi được nghe.

Mặc dù công trình của Anand Giridharadas có công đặt ra những câu hỏi thích đáng về sự biến đổi xã hội, hoạt động từ thiện và sự tiến hóa của thế giới hiện nay, nhưng bản thân nó không phải là một nghiên cứu khoa học, chặt chẽ, có căn cứ. Tác phẩm đôi khi đưa ra một tầm nhìn quá phân cực thiện ác về thực tại, giữa những người ở trong hệ thống (“những người chiến thắng”) và những người ở ngoài, đôi khi đồng nhất các hạng loại, bắt đầu với phạm trù “giới tinh hoa. Sẽ có lợi nếu nó đặt câu hỏi về một số thuật ngữ nhất định (và nhất là khi nó sử dụng những từ được những người mà nó định tố cáo sử dụng) và làm cho sự phân tích của nó mang tính xã hội học hơn, bằng cách nghiên cứu hồ sơ và đặc điểm xã hội của các cá nhân, và bằng cách đặt họ lại trong bối cảnh xã hội và chính trị mà họ được lồng vào. Ngoài ra, sẽ rất thú vị khi đề cập đến những giới tinh hoa thực sự chấp nhận tiến trình của sự biến đổi xã hội, chẳng hạn như những người kêu gọi được đóng thuế nặng hơn, điều cũng sẽ làm cho luận điểm được tinh tế hơn. Cuối cùng, sẽ có vẻ thích đáng khi quan tâm đến - dưới hình thức của một suy nghĩ ngược trở lại - sự đón nhận cuốn sách dường như được khen ngợi bởi chính những người nó phê bình (Bill Gates chẳng hạn). Sự mơ hồ này - được gợi lên một cách kín đáo ở cuối cuốn sách - thậm chí còn mời gọi nhiều hơn nữa tư duy về hoạt động từ thiện trong tất cả sự phức tạp của nó.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn: “Le mythe de la philanthrophieLa vie des idées, 14.10.2019.

 



Chú thích:

 

[*] Anne Monier tốt nghiệp thạc sĩ Trường Sư Phạm Cao Cấp về Văn Học và Khoa Học Nhân Văn và còn là tiến sĩ khoa học xã hội và nhà nghiên cứu hậu tiến sĩ tại CRESSPA kết nối với Trung Tâm Maurice Halbwachs của ba định chế EHESS-ENS-CNRS. Được thực hiện trong khuôn khổ của Trường EHESS, các công trình nghiên cứu của bà nằm ở giao điểm của xã hội học về văn hóa và lòng từ thiện văn hóa, về quan hệ quốc tế và xuyên quốc gia và xã hội học về thành phần tinh hoa. Năm 2019, bà đã cho xuất bản cuốn “Nos chers amis américains/Những người bạn thân Mỹ của chúng ta, NXB PUF.
[1] Rob REICH, Just Giving: Why Philanthropy is failing Democracy and How it can do Better, Princeton, Princeton University Press, 2019.
[2] Julia CAGÉ, Le prix de la démocratie, Paris, Fayard, 2019.
[3] Linsey McGOEY, No such Thing as A Free Gift. The Gates Foundation and the Price of Democracy, London, Verso, 2015.
[4] Rachel SHERMAN, Uneasy Street. The Anxieties of Affluence, Princeton, Princeton University Press, 2017.
[5] Andrew CARNEGIE, The “Gospel of Wealth”. Essays and Other Writings, New York, The Century Co., 1901.
[6] Theo hướng này, cuốn sách được ghi nhận trong xu hướng của công trình của Nicolas Guilhot đã từng quan tâm đến những “tên tài phiệt có lòng từ thiện”. Thoát khỏi một sự phân tích dựa trên sự đối lập giữa lòng từ thiện và chủ nghĩa tư bản, Guilhot, ngược lại, nhấn mạnh đến sự liên tục: sự phát triển của những hình thức “đạo đức” của chủ nghĩa tư bản không phải là một phương cách để tạm thời giải quyết những tác hại của nó, mà là một trong những hình thức thích đáng nhất cho sự tồn tại lâu dài của nó. Lòng từ thiện được xem như là đồng chất với chủ nghĩa tư bản, “một chiều kích cốt yếu của sự tái sản xuất tư bản vốn phải tìm ra những hình thức của sự chính đáng hóa của bản thân nó để có thể tồn tại lâu dài”.
[7] Khái niệm do Amy Cuddy, giáo sư đại học Harvard, phát triển.
[8] “Phải chăng cần phải xóa bỏ hai thế kỷ thành quả xã hội chỉ để thỏa mãn các cán bộ năng động muốn giữ dáng bằng cách ăn củ cà rốt nạo đựng trong ba hộp nhựa được một nô lệ đi xe đạp giao trong vòng bảy phút đến tận văn phòng thiết kế của họ?” trong Mediapart, Jérôme Pimot, “Livreur à vélo, l’exploitation à la cool/Người giao hàng bằng xe đạp, một sự bóc lột nhẹ nhàng”, 2 tháng 5 năm 2019.
[9] Brooke HARRINGTON, Capital Without Borders. Wealth Managers and the One Percent, Cambridge, Harvard University Press, 2016.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật