A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bức tranh bằng xương thịt người và câu chuyện 40 năm mới kể - Phạm Văn Hạng

 

Cách đây đúng 40 năm, ngày 8 tháng 5 năm 1970 một sự kiện làm chấn động giới nghệ thuật cũng như báo giới Sài Gòn lúc bấy giờ đã diễn ra tại trụ sở hội Hồng thập tự Sài Gòn: một tác phẩm làm từ xương, mảnh sọ, ruột người lên án tội ác chiến tranh đã được treo trang trọng tại một triển lãm quốc tế. Vài giờ trước khi tổng thống miền Nam đến khai mạc triển lãm, bức tranh đã bị buộc phải gỡ xuống và bị đem đi tiêu hủy.

Một tác phẩm kì lạ…

Mọi chuyện bắt đầu vào những năm 1960 khi Phạm Văn Hạng còn làm phóng viên chiến trường Quảng Trị. Hàng ngày, ông lăn lộn ‘‘cày xới’’ trên bãi chiến trường với chiếc máy quay  nặng gần chục kí trên vai và làm việc như một phóng viên tự do cho nhiều hãng thông tấn nước ngoài. Một buổi sáng, khi nắng sớm vừa lên, xuyên qua hàng rào dây thép gai chiếu lên bãi chiến trường mênh mông xác người, chẳng còn phân biệt được đâu là thân lính Mỹ, người lính Bắc Việt, tay chân người lính Cộng Hòa. Lòng người nghệ sỹ trẻ rung lên một nỗi xót xa cho thân phận con người và ghê tởm cuộc chiến này. Ông tự nói với mình: ‘‘là một thằng nghệ sỹ mình phải làm một cái gì đó để góp phần ngăn thảm kịch này lại’’. Ý tưởng về một bức tranh bằng chính xương thịt của những nạn nhân của cuộc chiến đã ra đời như thế. 

Là phóng viên chiến trường, việc thu thập ‘‘tư liệu sáng tác’’ của ông không mấy khó khăn. Ông lượm lặt những mảnh vụn chiến tranh chuẩn bị cho tác phẩm của mình. Ông làm một bể phoóc-môn lớn đặt ngay trong căn nhà nhỏ của mình, lúc đó vợ ông đang có bầu đứa con đầu. Ban đầu vợ ông cũng sợ nhưng sau cũng quen dần. Ông ‘‘tha về’’ đủ thứ: khi là mẩu xương, lúc là viên đạn, vỏ đạn, dây thép gai, mảnh hộp sọ,…Người bạn thân của ông là bác sỹ chiến trường Lê Bá Dũng thỉnh thoảng cũng ‘‘cho’’ ông vài vật lạ gắp ra từ cơ thể những chiến sỹ tử nạn. Năm 1970, ông đã kịp hoàn thành tác phẩm hội họa đầu tay của mình vào đúng dịp triển lãm quốc tế của hội Hồng thập tự Sài Gòn sau tám năm suy nghĩ và sáng tác. Triển lãm này quy tụ các họa sỹ công giáo đến từ 12 quốc gia trên thế giới. Báo Hòa Bình số ra ngày 12 tháng 5 năm 1970 đã miêu tả : ‘‘trong bức tranh này ông không vẽ một nét nào mà chỉ ghép những xương sọ, những đùi người còn nguyên thịt, những khúc ruột lòng thòng nằm vắt trên sợi dây kẽm gai thứ thiệt, những bàn tay dập nát, những mảnh lựu đạn, đuôi bích kích pháo, trên một tấm ván mà ông nhặt được ở một đồn nghĩa quân ở Quảng Trị. Ông chỉ tô lên tấm ván một nền sơn màu đỏ hực chan hòa với màu xám nghịt tượng trưng cho khói lửa’’. Sự thảm khốc và ghê rợn của cuộc chiến được hoàn nguyên trên tấm ván khổ 1x1,2m không phân biệt quốc tịch, thành phần tôn giáo, đã chết hay còn sống. Hội Hồng thập tự Pháp còn vận động để mang bức tranh đi triển lãm khắp thế giới. 

…gian truân một chặng đường

Sau khi hoàn thành bức tranh tại Quảng Trị, Phạm Văn Hạng đặt tên cho bức tranh là S.O.S. Việt Nam và dự định trưng bày tác phẩm trong triển lãm của hội Hồng thập tự. Nhưng làm thế nào để mang được bức tranh về Sài Gòn khi không có chuyến bay thẳng nào từ Quảng Trị về Sài Gòn và chuyện mang bức tranh này lên máy bay dân sự là không thể. Bằng tài xoay xở khéo léo của mình, Phạm Văn Hạng đã ‘‘xoay’’ được một chuyến trực thăng chuyên chở xác lính Mỹ từ Quảng Trị về Huế. Từ phi trường, ông mang thẳng bức tranh về nhà Trịnh Công Sơn để ‘‘gửi’’ ở đây một hôm. Nhạc sỹ họ Trịnh đã thốt lên khi nhìn thấy bức tranh : ‘‘Trời ơi, má tao nhìn thấy cái này chắc bả ngất luôn đó !’’. Sau rồi bức tranh cũng được giữ tại nhà Trịnh Công Sơn trước khi được chuyển về Sài Gòn. Chính Trịnh Công Sơn là người đề nghị đổi tên bức tranh là Chứng tích bởi theo ông nó ‘‘nói’’ được nhiều hơn và mang tính triết lý hơn. Cũng chính Trịnh Công Sơn là người giới thiệu tác phẩm này cho giới văn nghệ sỹ tại Sài Gòn thời bấy giờ. Sau một chuyến bay quân sự nữa, bức tranh được về tới Sài Gòn. Tại địa điểm triển lãm, tác phẩm được trưng bày trong một phòng riêng trong phần triển lãm mang tên Giới tuyến Che trước bức tranh là một tấm màn đen với dòng chữ: Hãy vén lên nếu bạn muốn xem. Tranh treo từ đêm hôm trước khai mạc triển lãm, bạn bè nghệ sỹ và báo giới biết tin đã đến rất đông để xem trước. Gian hàng chưa khai mạc nhưng người xem đã đến xem chật kín. Sáng  hôm sau, có lẽ tin về bức tranh đã tới phủ đầu rồng nên trước khi tổng thống miền Nam Nguyễn Văn Thiệu đến cắt băng khai mạc triển lãm, dược sỹ La Thành Trung đại diện ban tổ chức đã cho gỡ xuống vì lý do ‘‘không đảm bảo vệ sinh’’ cho dù triển lãm đã được bộ trưởng văn hóa cho phép tổ chức. Hàng trăm người xem triển lãm đã hết sức tức giận. Có báo đã giật tít Hội chợ suýt nổi loạn vì một bức tranh bị tịch thu. Báo chí và dân biểu Sài Gòn thời ấy đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động này, thậm chí có dân biểu còn yêu cầu đưa vụ việc ra nghị viện. Có báo lại đặt câu hỏi: bức tranh đã bị giấu đi vì có người đã trả giá tới 1 triệu đồng tiền Miền Nam thời bấy giờ và các đại sứ quán Mỹ, Đức, hội Hồng thập tự Việt Nam và hội Hồng thập tự Pháp đều ngỏ ý muốn mua, có lẽ có điều gì khuất tất ở sau[1]. Dù họa sỹ và báo giới phản ứng kịch liệt và Ban tổ chức hứa sẽ trả lại bức tranh sau khi triển lãm đã diễn ra, nhưng bức tranh có một không hai ấy đã vĩnh viễn biến mất. Tuy nhiên, tác phẩm đã đi vào lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam và tiếng nói phản chiến mạnh mẽ ấy vẫn còn mãi. 

Ngày nay, người ta thường biết đến Phạm Văn Hạng như tác giả của nhiều công trình điêu khắc lớn, điêu khắc chân dung văn nghệ sỹ, nhà khoa học và nhà chính trị hàng đầu Việt Nam, biết đến vườn tượng của ông ở Đà Lạt, nhưng ít người biết đến một Phạm Văn Hạng táo bạo và rực lửa của năm 1970. Ngày 8 tháng 5 năm nay, ông sẽ lên đường triển lãm tại nhà Văn hóa Việt house tại Đức cùng nhà thơ Nguyễn Duy, KTS Vũ Đại Hải và họa sỹ Nguyễn Thành Long, mang đến nước bạn hình ảnh của một Việt Nam 40 năm sau cuộc chiến.

Hà Nội, 4 tháng 5 năm 2010


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan