A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BẦY CỪU XUẤT CHÚNG

Học đại học để làm gì ?
Có cần đến 4 năm đằng đẵng chỉ học lấy một cái nghề hay học cái gì quan trọng hơn ? Cái quan trọng hơn ấy là gì ? Làm thế nào để đạt được điều ấy ? 
Dạy đại học thì dạy cái gì?
Tại sao phải dạy ? Dạy xong sinh viên được cái gì ? Xã hội được gì ? Thế nào là thầy cô tốt ? 
Đại học có phải là nơi chỉ dạy know how hay còn dạy cả những cái khác?


Có phải cứ vào Havard, Yale, Cornell là người ta sẽ thành đạt, sẽ thành lãnh đạo và xã hội, thế giới sẽ tốt hơn? Trường chuyên, lớp chọn có ý nghĩa như thế nào ?
Một góc nhìn phê phán từ trong hệ thống của một người đã học và giảng dạy trong 24 năm ở Ivy League. 
Trước nội chiến Mỹ thế kỷ 19, Ivy League, không phải là trường của con nhà giàu và tinh hoa mà chỉ là một nhóm các trường nhỏ, nằm ở những nơi hẻo lánh. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai đã thay đổi cách tổ chức và tuyển chọn của các trường này. Tầng lớp tinh hoa mới được hình thành bắt đầu củng cố địa vị của họ. Những người đã đứng lên chống lại tầng lớp quý tộc Anh cách đó 1 thế kỷ bắt đầu xây dựng tầng lớp quý tộc Mỹ mới xuất hiện theo mô hình của Anh (xin chào George Orwell !). Đặt ra các điều kiện ngặt nghèo về dòng dõi, sự giàu có, quen biết, tiếng Hy Lạp, La tinh để tuyển người. Giữa thế kỷ 20 có một cuộc thay đổi về tiêu chí với hệ thống SAT, GPA để áp xuống các trường cấp 3, để định ra chuẩn mới về tuyển chọn. Các môn khoa học nhân văn, nhân cách người lãnh đạo bị giảm xuống thay bằng thước đo giá trị là tiền bạc, vị trí xã hội, danh tiếng. "Lãnh đạo là người phải có nhân cách. Lãnh đạo có nghĩa là trách nhiệm, danh dự, can đảm, cứng cỏi, lịch thiệp, vị tha". "Nhân cách, từ này chỉ xuất hiện trong các vấn đề liên quan đến lừa đảo hay cưỡng hiếp, như thể nhắc đến nó là những điều tồi tệ." (Friedman đã phân tích rất rõ khái niệm Nhân văn xa lạ như thế nào với giới tinh hoa trên thế giới hiện nay, và cuộc khủng hoảng Gilet vàng ở Pháp cho thấy sự đứt gãy về tính đại diện của tầng lớp tinh hoa với phần còn lại của xã hội như thế nào). Trường học đang thiếu những người có thể chất vấn thay vì chỉ trả lời. Hệ thống đại học tinh hoa Mỹ đang có xu hướng tạo ra một Bầy cừu xuất chúng.
Tác giả William Deresiewicz viết tiếp: "Điều đầu tiên mà trường đại học hướng bạn tới là cách tư duy. Nó có nghĩa là phát triển thói quen hoài nghi và khả năng đưa vào thực nghiệm. Nó có nghĩa là học không phải để thu nhận những kiến thức sẵn có, mà để bạn có thể rút ra những kết luận của riêng mình. Học đại học là cơ hội bạn đứng bên lề thế giới trong vài năm, đứng giữa quan niệm truyền thống của gia đình và những nhu cầu cấp bách của sự nghiệp và suy ngẫm về mọi thứ từ một khoảng cách nhất định. Nó đem đến cơ hội quý báu cho sinh viên để ngẫm nghĩ và suy niệm trước khi cuộc đời nhấn chìm bạn." " Kiến thức bạn nhận được trên lớp chỉ là hạt cát. Chính bạn mới là người biến nó thành ngọc trai.'' "Mục tiêu của đại học là cho phép bạn sống tỉnh táo hơn, trách nhiệm hơn, tự do hơn, tức là sống đầy đủ hơn".

 


" Học đại học là để tìm ra không chỉ bạn muốn trở thành ai mà hiện tại bạn là ai, đằng sau những gì mà mọi người muốn bạn nghĩ về bản thân mình. Học đại học còn để khám phá những lý tưởng mới và những khát khao mới. Và học đại học để bắt đầu trả lời cho bản thân hai câu hỏi thiêng liêng: cuộc đời tốt lành là gì và mình nên sống một cuộc đời tốt lành như thế nào ?" 
Về tầm quan trọng của văn nghệ và khoa học nhân văn trong cuộc sống và công việc của chúng ta. "Những người đọc kỹ thơ Shakespeare hoặc tranh của Cézanne, hoặc tương tự, đã học được cách ứng xử với những khái niệm bao quát và ứng dụng nhiều cách nghĩ mới đối với những vấn đề khó, không thể phân tích theo cách cũ.... các ngành nhân văn được trang bị rất tốt để giải quyết tính phức tạp và mơ hồ, suy nghĩ sáng tạo, giao tiếp thuyết phục, đồng thời hiểu nhu cầu của khách sạn và người tiêu dùng. 
Các chương trình kỹ thuật cũng bắt đầu công nhận tầm quan trọng của việc trao cho sinh viên một nền tảng đại cương, chính xác vì các thông tin kỹ thuật có một đời sống hữu hạn trong khi các kỹ năng tư duy và giao tiếp thì kéo dài cả cuộc đời. 
Nếu Thomas Friedman đúng, nếu tương lai phụ thuộc vào những người có thể tạo nên những công việc và ngành kinh doanh mới hơn là làm nhân viên cho những công việc và ngành hiện có thì nó thuộc về những người có nền học vấn khai phóng mở rộng. Trong thế giới của sự dao động và bất ổn kinh tế ngày nay, nơi những bậc thang sự nghiệp cũ kỹ đang sụp đổ, thậm chí sụp đổ cả quan niệm truyền thống về những gì tạo nên một công việc thì những khả năng cần có sẽ bao gồm nền tảng kiến thức văn hoá rộng, tính nhạy cảm, linh hoạt và khả năng không ngừng học tập, trau dồi và tái tạo."
Một cuốn sách hay đọc xong bạn không thể không gạch chi chít vào đó.
Một cuốn sách không bao giờ đầy đủ, một góc nhìn khó có thể trọn vẹn, nhưng đọc để suy nghĩ thì rất đáng. 
“Một số sách cần được nếm thử, một số khác cần được nuốt và một số ít cần được nghiền ngẫm và tiêu hoá”. Francis Bacon.

Bầy cừu xuất chúng, Tác giả William Dếiewicz, Thái Hà Book. 
1 trong 2 cuốn hay về giáo dục đại học, nên đọc.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan