VÀI NHẬN ĐỊNH VỀ CÁCH XỬ LÝ KHỦNG HOẢNG CỦA HOÀNG ANH GIA LAI
HAG – từ lên tiếng đến hành động
in Chuyện kinh doanh, Đời sống kinh tế / on 11/07/2013 at 8:49 am /
DoanhNhanOnline – Hoàng Anh Gia Lai đang có những bước đi giải quyết hậu khủng hoảng truyền thông. Lần này Bầu Đức dùng tổng lực để đối phó thay vì chỉ đưa ra những tuyên bố có tính chất đối đầu.
Cho dù việc chuyển hướng thông tin và lấy lại hình ảnh của HAG phần nào đã thành công, thì việc xử lý hậu khủng hoảng truyền thông vẫn còn đó
Kế hoạch tái cấu trúc ngành kinh doanh thủy điện được công bố gần đây của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đang được nhiều người cho là lựa chọn thích hợp để giảm áp lực nợ vay và tăng thêm sức mạnh dòng tiền. Song, nhìn ở một khía cạnh khác, đây cũng có thể là một bước đi khéo hậu khủng hoảng truyền thông liên quan tới vụ cáo buộc của tổ chức Nhân chứng Toàn cầu (Global Witness) đối với HAG – sự kiện đã tiêu tốn khá nhiều giấy mực của giới truyền thông trong nước và quốc tế trong thời gian qua.
Những chuyện tưởng chẳng liên quan
Trong cơ cấu ngành nghề kinh doanh của HAG, thủy điện có vị trí quan trọng. Theo Báo cáo thường niên 2012 của HAG, hiện các dự án thủy điện của tập đoàn này tập trung tại Việt Nam, Lào, với tổng công suất dự kiến 700 MW. Trong đó, 4 nhà máy với tổng công suất 141,5 MW tại Gia Lai và Thanh Hóa đã đi vào vận hành; 4 nhà máy khác với công suất 181,2 MW sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2014-2016.
Cũng theo báo cáo này, việc phát triển thủy điện của HAG được xây dựng trên cơ sở “nguồn tài nguyên quý được tạo ra từ những dòng sông có thác ghềnh mà không phải ở nơi đâu cũng có được. Thủy điện đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nhưng có khả năng tạo ra dòng tiền rất ổn định. Sau giai đoạn đầu tư, ngành này sẽ đóng vai trò tạo ra tiền và điều hòa dòng tiền cho tập đoàn trong tương lai. Khi HAG hoàn thành các dự án thủy điện nêu trên, tổng sản lượng điện sẽ đạt khoảng 2,45 tỷ kWh và cho doanh thu 2.744 tỷ đồng/năm (dựa trên mức giá điện hiện nay khoảng 1.120 đồng/ kWh). Trong tương lai, tiềm năng của giá điện còn rất lớn”.
Thế nhưng chỉ vài tháng sau khi báo cáo này được công bố, HAG tuyên bố tái cấu trúc lĩnh vực thủy điện, bán bớt một số dự án để tập trung cho các dự án khác, với mục tiêu bán có lãi. Giới quan sát không thể không đặt câu hỏi: Vì sao tập đoàn phải bán các dự án thủy điện? Phải chăng ngoài câu chuyện vốn – tiền lưu động, nguyên nhân sâu xa còn là bởi các cáo buộc vừa qua của Global Witness?
Gỡ bỏ “thanh gươm Damocles”?
Có người lập luận việc phá rừng tại Campuchia của HAG, nếu đúng như cáo buộc của Global Witness, cũng sẽ chẳng hề hấn gì tới các dự án thủy điện của HAG tại Lào và Việt Nam.
Ngược lại, có người nói cần có cái nhìn toàn cảnh, từ những tác động của các dự án thủy điện tới môi trường sinh thái và cáo buộc của Global Witness, tới đường đi nước bước của HAG trong việc xử lý khủng hoảng truyền thông thời gian qua. Qua đó có thể có được lý giải xác đáng cho quyết định bán một số dự án thủy điện của HAG.
Dẫn lời của ông Nguyễn Đình Thành, Giám đốc Tư vấn chiến lược truyền thông của Công ty LE BROS, rằng trong tình huống khủng hoảng, đám đông luôn cần ‘‘treo cổ’’ một người, một chuyên gia phân tích, việc ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAG tổ chức họp báo, chính thức thông tin và “dẹp yên dư luận” trước những cáo buộc của Global Witness là “bước đi sáng suốt”. Nó thể hiện vai trò của người chịu trách nhiệm. “HAG đã tuân thủ một số nguyên tắc trong xử lý khủng hoảng truyền thông như: Lắng nghe, đánh giá, phản ứng trực diện/đối mặt với nguyên nhân gây khủng hoảng và chọn kênh thông tin báo chí để thể hiện thiện chí và phản hồi, kiểm soát thông tin”.
Cũng theo ông Thành, một số giải pháp dây chuyền thực thi xử lý hậu khủng hoảng theo cung cách riêng của HAG, bao gồm chuyển hướng và theo dõi hậu khủng hoảng cũng đã và đang được HAG thể hiện khá mạch lạc. Cụ thể, HAG (hay giới truyền thông?) đã cập nhật thông tin từ các bài báo của nước bạn với nội dung có tính ca ngợi, xác nhận sự đóng góp của HAG trên đất bạn. Hai mốc son chuyển hướng và định hình dư luận là sự kiện tại Lễ khánh thành Trung tâm bóng đá và Học viện bóng đá quốc gia Bati (Campuchia) ông Đoàn Nguyên Đức đã trở thành doanh nhân nước ngoài duy nhất được vinh dự nhận Huân chương Công trạng hạng nhất của Campuchia do đích thân Thủ tướng Hunsen trao tặng. HAG cũng trở thành doanh nghiệp nước ngoài có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Campuchia.
Đặc biệt là việc HAG khởi công dự án Khu phức hợp Yangon tại Maynmar và báo giới trong nước đã có dịp “mãn nhãn” khi được mời chứng kiến tận mắt lễ khởi công được mô tả là đầy ý nghĩa này. Nhưng cho dù việc chuyển hướng thông tin và lấy lại hình ảnh của HAG trong con mắt công chúng phần nào đã thành công, thì việc xử lý hậu khủng hoảng truyền thông vẫn còn đó, với những băn khoăn trong tâm trí của nhiều nhà đầu tư rằng: HAG có thể không phá rừng tại Campuchia, song có dám khẳng định chưa từng phá rừng ngoài Campuchia? Hệ quả là, ông Đoàn Nguyên Đức (không loại trừ do sức ép từ những cổ đông lớn còn lại chiếm 51% vốn) đã buộc phải đưa ra những lựa chọn, quyết định mới. Điều này giúp việc theo dõi hậu khủng hoảng không trở nên quá phức tạp. Nhất là để cái “lông đuôi ngựa” không biến thành “thanh gươm Damocles” lơ lửng trên đầu nếu nghi án phá rừng mở rộng địa bàn ra khỏi Campuchia và châm ngòi cho cuộc khủng hoảng có thể trở lại bất cứ lúc nào. Tái cơ cấu ngành kinh doanh thủy điện trở thành một lựa chọn sáng suốt.
HAG đã theo đúng cách của Steve Job, một nhà kinh doanh đại tài với khả năng thu hút truyền thông sáng chói, rằng: “Chúng tôi không đi sai đường hay cố gắng làm quá nhiều. Chúng tôi luôn nghĩ về những thị trường mới mình có thể bước vào, nhưng chỉ khi biết cách nói “không”, bạn mới có thể tập trung vào những điều thật sự quan trọng”. Vấn đề là tạm thời nói “không” với thủy điện lúc này có giúp HAG cắt đuôi những hệ quả từ quá khứ cũng như trong tương lai?
Trung Nhật
Nguồn: http://doanhnhanonline.com.vn/hag-tu-len-tieng-den-hanh-dong/