A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tài trợ và bảo trợ: tiêu tiền không dễ

Số lượng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao đỉnh cao có thể coi là một thước đo chất lượng phát triển của một quốc gia. Sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp là vô cùng cần thiết, thế nhưng chỉ đầu tư và quyết tâm thôi là chưa đủ.

Số lượng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao đỉnh cao có thể coi là một thước đo chất lượng phát triển của một quốc gia. Sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp là vô cùng cần thiết, thế nhưng chỉ đầu tư và quyết tâm thôi là chưa đủ.

Tài trợ và bảo trợ là một hoạt động cần thiết

Khi bỏ tiền tổ chức các hoạt động văn hóa và giải trí, Mecenas, doanh nhân giàu có người Hy Lạp trước công nguyên không nghĩ rằng mình đã khai sinh ra một cách xây dựng và duy trì thương hiệu một cách bền vững khi chinh phục tình yêu của công chúng mục tiêu. Từ đó, các hoạt động  tài trợ và bảo trợ tiếp tục phát triển và trở thành phổ biến ở các nước phương Tây thông qua các gia đình hoàng gia và các nhà công nghiệp sau này. Đến cuối thế kỷ 19, hoạt động này chuyển sang cả lĩnh vực thể thao với sự ra đời của Olympic hiện đại và sự phổ biến của các môn thể thao cá nhân và đồng đội. Sự phát triển sau đó của công nghiệp, thương mại, tài chính toàn cầu đã nhanh chóng biến thể thao đỉnh cao thành một hoạt động giải trí đại chúng và qua đó trở thành một công cụ quảng bá hữu hiệu cho các doanh nghiệp. Nếu như văn hóa, nghệ thuật là “con cưng” của các thương hiệu thời trang, đồ xa xỉ thì thể thao là công cụ ưa dùng của các doanh nghiệp sản xuất đồ tiêu dùng nhanh (FMCG), dịch vụ tài chính, vận chuyển, gia dụng,….. Người ta có thể dễ dàng bắt gặp logo của các thương hiệu này trên sân vận động, áo cầu thủ, vé vào cửa hay băng rôn biểu ngữ được chăng khắp nơi.

 

Nói một cách công bằng, việc doanh nghiệp bỏ tiền làm các hoạt động tài trợ bảo trợ văn hóa, nghệ thuật, thể thao là cần thiết và đáng trân trọng. Nhờ đó, ngân sách nhà nước bớt được một khoản chi phí lớn, các hoạt động này vì gắn trực tiếp với quyền lợi của doanh nghiệp nên cũng được làm theo cách chuyên nghiệp và trong những điều kiện tốt nhất. Xã hội cũng được thưởng thức các tác phẩm với chất lượng cao, xem những trận đấu đỉnh cao và tận mắt nhìn thấy các ngôi sao thể thao thế giới trực tiếp thi đấu trước mắt mình. Áp dụng vào thực tế Việt Nam, trong lĩnh vực văn hóa, các hoạt động như Hòa nhạc Toyota, Hennessy concert và artistry, Hòa nhạc mùa thu, VP bank mời nghệ sỹ Richard Cleyderman, ba lê Hồ Thiên Nga, các ban nhạc Michael Learns To Rock, Westlife, ca sỹ Ronan Keating, Lenka…đã góp phần không nhỏ vào việc mang đến những giây phút thăng hoa trong nghệ thuật, nâng cao khả năng cảm nhận của công chúng, khơi gợi cảm hứng cho các nghệ sỹ đồng thời cũng đánh dấu Việt Nam trên bản đồ lưu diễn của các ngôi sao trên thế giới. Trong lĩnh vực thể thao, việc Hoàng Anh Gia Lai mở trường đào tạo bóng đá kết hợp với Arsenal rồi đưa đội này sang thi đấu, BIDV tổ chức giao lưu với cựu thủ môn huyền thoại của Manchester United là Peter Schmeichel, Piaggio mời cựu danh thủ Del Piero, một hãng rượu mời David Bechkham và gần đây nhất là SHB mời đội bóng lớn Manchester City sang thi đấu thực sự đã mang đến những phút giây thú vị cho người hâm mộ bóng đá cũng như cho thấy vị thế ngày càng cao của Việt Nam trong mắt các ông bầu thể thao, giải trí thế giới.

 

Tại sao Manchester City tới VN?

            Từ lâu, các đội bóng không còn là câu chuyện của 22 chàng cầu thủ và các huấn luyện viên mà là một doanh nghiệp. Các cầu thủ là những nghệ sỹ và một khoản đầu tư, một “vật ngang giá” có thể chuyển nhượng trên thị trường lao động quốc tế. Nhiều cầu thủ có thể hành xử như những ngôi sao trong giới show biz. Các huấn luyện viên học thêm cách quan hệ với giới truyền thông và nói những lời ngoại giao khi cần thiết. Một đội bóng đẳng cấp bao giờ cũng có bộ phận pr – marketing để tối ưu hóa lợi nhuận. Các sản phẩm phái sinh từ hoạt động của đội bóng cũng mang về bộn tiền: áo đấu,  thẻ ngân hàng liên kết, quà lưu niệm, bóng tập, quán cà phê nhà hàng thậm chí đĩa bát trong nhà, quần áo trẻ em hay các học viện bóng đá….tất cả trở thành một hoạt động kinh doanh bận rộn. Việc một đội bóng lớn đến Việt Nam chắc chắn phải tính đến việc kinh tế Việt Nam đã thoát khỏi danh sách các nước nghèo, phải tính đến sự gia tăng chóng mặt của thị trường tiêu thụ đồ xa xỉ. Một cuộc du đấu cũng mở ra các cơ hội kinh doanh các sản phẩm phái sinh cho đội bóng, dọn đường cho các hợp tác, gieo mầm marketing và “hớt váng” nhân tài trong tương lai (sự có mặt của các cầu thủ Nhật Bản và Hàn Quốc trong đội hình các đội bóng châu Âu danh tiếng có thể được coi là một giải pháp pr – marketing thông minh và hiệu quả). Hoạt động mời Manchester City (M.C.) sang Việt Nam, là cần thiết và tất cả các bên đều có lợi: người hâm mộ bóng đá, cầu thủ M.C., cầu thủ Việt Nam và nhà tài trợ.

 

Mọi chuyện đã có thể tốt hơn…

Không có gì đảm bảo một ý tưởng tốt sẽ mang lại những hiệu ứng mong muốn. Báo chí, mạng xã hội ba ngày qua vẫn “sùng sục” với những phân tích, những lời ca thán về kết quả “xa mong đợi” của trận giao hữu giữa đội tuyển Việt Nam và Manchester City.  Câu hỏi đặt ra là mục đích của nhà tổ chức là gì? Để quảng bá thương hiệu VÀ/SAU ĐÓ/TRƯỚC TIÊN là mang lại sự hài lòng cho công chúng mục tiêu ? Nếu vậy, một kết quả “đẹp” là điều cần thiết. Việc lựa chọn một đội bóng có đẳng cấp quá chênh lệch rõ ràng là một quyết định mạo hiểm. Để cho một  võ sĩ hạng nặng, thuộc hàng vô địch thế giới thi đấu với một võ sĩ hạng ruồi, thuộc “vùng trũng” của thể thao thế giới thượng đài thi đấu bất chấp sự chênh lệch về hạng cân, kinh nghiệm, tài năng: kết quả thế nào đã rõ. Hiệu ứng ngược của trận đấu do thất bại lại càng kinh khủng ở thời đại của mạng xã hội. Trong trường hợp này, thương hiệu đã không mang lại cho công chúng điều họ mong đợi, thất bại của trận đấu rất có thể cũng sẽ khởi đầu cho một thất bại về mặt truyền thông.

 

Thử làm một bài toán đánh đổi: thay vì TÀI TRỢ cho hoạt động giao hữu ngắn hạn này, thương hiệu có thể chuyển sang BẢO TRỢ cho một số môn thể thao khác. Cần chú ý rằng đơn vị tài trợ đã quá quen thuộc với người dân trong nước nên cái cần làm giờ đây có lẽ là chuyển từ chinh phục cái đầu của người tiêu dùng sang chinh phục trái tim bằng cách đầu tư có chiều sâu cho thể thao Việt Nam. Số tiền bỏ ra tổ chức trận đấu và truyền thông thừa đủ để tài trợ cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam trong nhiều năm, hay đưa được những tài năng tennis, cầu lông, đấu kiếm, bắn súng đi tập huấn ở những quốc gia phát triển về thể thao. Hiệu quả mang lại lúc ấy không chỉ là sự tự hào của một quốc gia mà còn là sự phát triển của mỗi vận động viên từ góc độ một con người, một người lao động.

 

Giao hữu là bình đẳng và sòng phẳng. Dùng những bài phát biểu chào mừng, kính thưa, kính gửi ở một nơi không được thiết kế và không dành cho những nội dung như thế là điều cần tránh cho bất kì nhà tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao nào trong tương lai. Những người khách phương xa có văn hóa khác biệt và sự khác biệt ấy cần được tôn trọng,  đó cũng là một cách thể hiện sự mến khách và lịch thiệp của chủ nhà. Nhìn từ góc độ đó, sự bực dọc của các cầu thủ, người xem và bình luận viên BBC trên kênh truyền thông quốc tế này đã hoàn toàn có thể tránh được. Nghị định 145 của bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chính là câu trả lời cho các yêu cầu về một bài phát biểu dài không đúng chỗ.

 

Tài trợ và bảo trợ các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao có thể coi như một thước đo chất lượng và mức độ phát triển của một quốc gia. Sự đầu tư tài chính, nhân lực, vật lực, thời gian của tổ chức, doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Dựa trên sự chuyên nghiệp của các bộ  phận tổ chức, pr marketing sẵn có, chỉ cần đặt sự hài lòng của công chúng lên trên, doanh  nghiệp sẽ có một hoạt động thành công như ý.

 

Nguyễn Đình Thành

                                                                                                                  Tp Hồ Chí Minh 1.8.2015

 

Bài viết cho báo Tuổi trẻ ngày 2/8/2015

http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20150802/kinh-thua-cung-can-dung-noi-dung-luc/786879.html

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan